"Ca trù thực sự đã bị mất mát rất nhiều"

Sau 15 năm gắn bó với nghệ thuật ca trù, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện [1] vừa công bố công trình khoa học “Lịch sử và nghệ thuật ca trù”. Chuyên khảo này đã được Quỹ Việt Nam - Thuỵ Điển tài trợ xuất bản, do NXB Thế giới ấn hành, dự kiến ra mắt vào đầu tháng 12 tới.

NSND Quách Thị Hồ và nhà thơ Ngô Linh Ngọc

Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh.

  • Những người chuyên tâm nghiên cứu về ca trù một cách bài bản từ xưa đến nay rất hiếm, người trẻ tuổi như anh lại càng hiếm hơn. Vậy, anh đã “bén duyên” và “chung thuỷ” với ca trù như thế nào?

— Tôi biết đến ca trù từ khi là một sinh viên ở trường Đại học Tổng hợp. Khi đó, tôi ra một cửa hàng băng đĩa và tình cờ nghe một đoạn băng ca trù. Tiếng phách, tiếng đàn làm cho hai đầu gối tôi khụyu xuống trong một cảm xúc rất lạ. Và tôi mê ca trù kể từ đó, không dứt ra được.

Chuyện tôi mê ca trù như thế nào, các bạn trong lớp đều biết, và họ còn “tặng” tôi mấy giai thoại nữa. Cũng may, tôi theo học ngành Hán Nôm, nên tôi càng có điều kiện để quan tâm tìm hiểu.

Bài báo đầu tiên của tôi về ca trù đăng trên trang nhất, báo Văn hóa vào tháng 4-1992, khi đó tôi vẫn chưa tốt nghiệp Đại học. Từ đó đến nay tôi đã viết hàng trăm bài báo, có nhiều buổi thuyết trình về ca trù trong và ngoài nước. Càng tìm hiểu, tôi càng khám phá ra nhiều điều thú vị ở ca trù, càng say đắm nó. Và công trình chuyên khảo này của tôi có thể coi là một kết quả đánh dấu mốc cho 15 năm gắn bó với ca trù của tôi.

  • Công trình mới này của anh nghiên cứu chủ yếu dựa trên cơ sở khoa học nào?

— Chuyên khảo này được hoàn thành trên cơ sở của luận án Tiến sĩ Ngữ văn: “Nguồn tư liệu Hán Nôm với việc nghiên cứu ca trù” [2]. Thực ra, để nghiên cứu về ca trù thì tư liệu Hán Nôm là một mảng quan trọng nhất, nhưng trước đó hầu như chưa có ai nghiên cứu khảo sát một cách bài bản cả.

Năm 1989, anh Nguyễn Hữu Mùi ở Viện Hán Nôm có viết một bài nghiên cứu mảng văn bia về ca trù. Tiếc rằng, anh đã không đi sâu, đi tiếp với đề tài này.

Để thực hiện công trình này, tôi đã khảo sát 49 cuốn sách Hán Nôm, 70 văn bia và nhiều tài liệu liên quan khác.

  • Vậy những phát hiện mới nhất của anh về ca trù trong công trình này là gì?

— Tôi vẫn coi công trình này chỉ là một chuyên khảo về tư liệu thôi, với một số phát hiện mới có thể giúp ích cho những ai muốn tìm hiểu về ca trù. Những phát hiện mới này cũng có thể gợi mở ra nhiều vấn đề khác.

Thứ nhất, về lịch sử của ca trù. Trước đây nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ca trù có từ thời Lý - Trần - Hồ, thế kỷ XI, XII, XIII và những năm đầu thế kỷ XIV khi căn cứ vào các bức chạm khắc ở các chùa Phật Tích (Bắc Ninh), Thái Lạc (Hưng Yên) hoặc tư liệu Hán Nôm có các chữ ả đào, đào nương, quản giáp trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Công dư tiệp ký.

Thực ra đó chỉ là những bức chạm khắc về âm nhạc nói chung, chứ không thể nói đó là tư liệu về ca trù được. Về tư liệu chữ viết các chữ ả đào, đào nương, quản giáp chỉ là những thông tin về người hát, người đàn mà không thể nói là họ đang hát ca trù (hát ả đào), đang đàn bằng cây đàn Đáy, hay đang quản lý giáo phường ca trù.

Các tài liệu khảo cổ học, mỹ thuật học và nhất là tài liệu bằng chữ Hán Nôm xác thực và tin cậy, được soi sáng bằng phương pháp nghiên cứu liên ngành, để nghiên cứu ca trù trong bối cảnh xã hội, văn hóa và nghi thức biểu diễn.

Tôi cho rằng trong tình hình tư liệu hiện biết, chúng ta chỉ có thể biết chắc chắn là từ khoảng thế kỷ XV ca trù đã có mặt trong văn hóa Việt Nam. Căn cứ về Khảo cổ học được đưa ra là các bức chạm khắc đàn Đáy - một cây đàn ba dây đặc biệt chỉ dùng riêng trong ca trù, tìm thấy ở các ngôi đình làng, chùa làng ở Bắc bộ thế kỷ XVI. Về tư liệu chữ viết, là phát hiện bài Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn của Tiến sĩ Lê Đức Mao (1462- 1529) trong sách Lê Tộc Gia phả (A.1855, thư viện Hán Nôm) soạn vào cuối thế kỷ XV. Có thể khẳng định đây chính là tư liệu sớm nhất mang hai chữ Ca trù.

Thứ hai là việc phát hiện ra ca trù có 99 thể cách. Trước đây, các nhà nghiên cứu chỉ mới kể ra được 46 thể cách. Nay, chúng ta biết ca trù có 99 thể cách, với cứ liệu rất rõ ràng. Đặc biệt, sách cổ còn cho biết những thể cách này thường được dùng ở đâu: đình, đền thần, lễ tế tổ ca trù, những cuộc thi, các cuộc hát chơi…

Thứ ba, dựa vào thư tịch cổ tôi cũng đã liệt kê ra được có bao nhiêu thể thơ được dùng trong ca trù. Và một số phát hiện mới về thể thơ hát nói, ví dụ tên gọi, nguồn gốc và đặc điểm của thể thơ này…

Đặc biệt, nguồn tư liệu này cũng ghi danh 11 tác giả hát nói mà trước đây chưa được biết tới. Trong đó, có tác giả Nguyễn Đức Ý, đỗ Cử nhân năm 1850, hiện còn tám bài ca trù do ông sáng tác. Thú vị nhất, ông chính là ông tổ bảy đời của nhóm ca trù Thái Hà - một dòng họ có rất nhiều danh ca danh cầm như ông Trưởng Bảy, ông Trưởng Xuân, bà Như Tuyết, bà Phán Huy (bà Phẩm)…

Phát hiện tiếp theo là về âm luật ca trù. Ca trù có ngũ cung, tức Nam Bắc Huỳnh Pha Nao. Cho đến bây giờ, giới nghiên cứu âm nhạc cũng không biết thực sự "Nam Bắc Huỳnh Pha Nao" là gì. Vậy nhưng tư liệu Hán Nôm thì lại có những gợi ý cụ thể về việc những chữ đó được hát như thế nào. Nếu kết hợp với tư liệu âm thanh, tôi hy vọng sẽ nghiên cứu ra được ngũ cung và âm luật ca trù. Đó là phần việc của các nhà nghiên cứu âm nhạc.

Một phát hiện nữa là căn cứ vào một tài liệu văn bia năm 1734, có thông tin cho thấy ca trù đã được dùng trong lễ đón tiếp ngoại giao cấp nhà nước.

  • Theo anh, nguồn tư liệu Hán Nôm có đủ đáp ứng nghiên cứu về ca trù chưa?

— Tư liệu Hán Nôm là một mảng quan trọng nhất trong nghiên cứu ca trù đứng về phương diện lịch sử. Với nguồn tư liệu này, tôi có thể yên tâm bền lòng với ca trù.

Hiện tại, tôi chỉ mới khảo sát ở kho của Viện Hán Nôm, còn bao nhiêu thư viện, kho lưu trữ khác trong cả nước và cả ở nước ngoài mà tôi chưa có điều kiện tiếp cận. Chỉ riêng với những gì mà tôi đã khảo sát được, trong thời gian tới, tôi muốn cộng tác với các nhà nghiên cứu âm nhạc, để giải quyết những vấn đề liên quan đến âm thanh của ca trù. Trong chuyên khảo này tôi cũng còn phải gác lại nhiều vấn đề, cần phải có thêm những tư liệu để hiểu cho hết được.

  • Từ những nghiên cứu của anh so với thực tế, anh thấy vấn đề đặt ra của việc bảo tồn ca trù bây giờ là gì?

— Ca trù là một bộ môn có chiều dày lịch sử và chiều sâu về nghệ thuật. Tự ca trù tạo nên không gian nghệ thuật riêng biệt, những nhạc cụ riêng biệt, và một thể thơ riêng cho ca trù. Đó là cây đàn Đáy, là phách, là thể thơ hát nói. Tất cả đều không lẫn với các lối ca nhạc cổ truyền khác. Tiếng hát ca trù cũng rất độc đáo. Ca trù là một lối chơi gắn với văn nhân, người chơi cũng là người sáng tác, thể nghiệm văn chương của mình. Thực sự ca trù tạo ra một không khí nghệ thuật rất đẹp.

Ông Viện trưởng Viện Âm nhạc Pháp từng nói rằng, ca trù là một trong những đỉnh cao của âm nhạc nhân loại. Ông Nguyễn Xuân Khoát cũng cho rằng, ca trù là tiếng hoạ mi của nền âm nhạc cổ Việt Nam, là một món hương hoả tổ tiên để lại. Có khi phải lịch lãm cả đời mới hiểu được một tiếng phách tre…

Tuy tài liệu Hán Nôm, tài liệu khảo cổ học, mỹ thuật học để lại hết sức đầy đủ, có thể nói là đầy đủ nhất trong các thể loại âm nhạc truyền thống của Việt Nam, nhưng việc gìn giữ ca trù lại không nằm ở đó. Cái khó nhất bây giờ là phải tìm cho ca trù một chỗ đứng trong đời sống đương đại này. Quan trọng nhất là phải truyền bá nghệ thuật chơi ca trù cho lớp trẻ, cũng như "đào tạo" cả công chúng cho ca trù.

Như tôi đã nói ở trên, khi phát hiện ca trù có tất cả 99 thể cách, đối chiếu lại với các băng đĩa ghi âm sau này, từ kho lưu trữ của Viện Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam, các đơn vị nhà nước cũng như của tư nhân, hiện chỉ còn có 26 thể cách. Hiện nay, một ca nương lão luyện cũng chỉ nhớ được mười, mười lăm điệu là cùng. Thực sự không phải là nguy cơ nữa, mà ca trù đã mất mát rất nhiều.

  • Một người trẻ say đắm ca trù như vậy, đi nhiều nghe nhiều, hiện tại anh có “mê” cô đầu trẻ nào không?

— (cười). Nói nghiêm túc là, các ca nương ngày nay chưa thực sự có ai đạt được cái chuẩn mực của người xưa. So với thế hệ ca nương trước như Nguyễn Như Tuyết, Chu Thị Năm, Chu Thị Bốn, Quách Thị Hồ, Kim Đức… thì hôm nay chưa có ca nương nào đạt đến đẳng cấp đó. Cô được giọng ngân hay thì phách chưa rành, có cô nhiệt tình nhưng chưa học được bao nhiêu… Nhưng tôi yêu quý tất cả các cô gái trẻ và cả những cô không còn trẻ nữa, trong cuộc sống bộn bề ngày nay mà vẫn dành cho ca trù một tình yêu như thế.

Trước đây, đào nương ca trù sống được hoàn toàn bằng nghề của mình, nhưng bây giờ thì khác. Thực sự chưa có cô nào sống được bằng nghề cả. Tôi chỉ biết trân trọng họ, mong họ dành thêm thời gian và lòng mê say cho ca trù.

  • Xin cám ơn anh.

HỒNG MINH (Nhân Dân)

[1TS Nguyễn Xuân Diện sinh năm 1970 tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Tây. Anh tốt nghiệp ngành Hán Nôm, khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1992. Năm 1998 bảo vệ luận án Thạc sĩ. Tháng 3-2007 bảo vệ luận án Tiến sĩ. Ngay sau ngày này, Quỹ Thụy Điển - Việt Nam phát triển văn hóa đã quyết định tài trợ in cuốn luận án để phổ biến rộng rãi kết quả nghiên cứu. Anh cũng là người trực tiếp viết phần Lịch sử ca trù trong Hồ sơ đệ trình UNESCO.

[2Nhận xét của Giáo sư Trần Văn Khê về Luận án Tiến sĩ của Nguyễn Xuân Diện:
— Nội dung vô cùng phong phú. Công việc sưu tầm, nghiên cứu phân tích và phê phán các văn bia rất phù hợp với những phương pháp khoa học đã được áp dụng trên các nước Âu Mỹ. Luận án đưa ra bảy kết luận nhưng trong Luận án, chúng ta thấy nhiều điều có thể mở ra những vấn đề nghiên cứu khác nữa.
— Văn phong giản dị, ngôn ngữ và chánh tả chính xác. Nội dung và hình thức của Luận án cho phép chúng tôi đánh giá đây là một công trình khoa học tối ưu. Nguyễn Xuân Diện đã đóng góp đáng kể trong việc nghiên cứu về lịch sử Ca trù đồng thời cũng cung cấp được nhiều cứ liệu quan trọng trong việc phục hồi không gian văn hóa Ca trù và phát triển nghệ thuật Ca trù.