Gặp gỡ Lê Bá Khánh Trình
Năm 1979 Lê Bá Khánh Trình đoạt giải nhất đồng thời đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi toán quốc tế tại Luân Đôn. Hiện nay, Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình (ảnh bên) phụ trách đào tạo học sinh đội tuyển toán của trường phổ thông Năng khiếu thuộc ĐHQG TP.HCM.
- Anh có nhận xét gì về lứa HS chuyên toán hôm nay, có gì khác so với thế hệ các anh ngày trước?
Phải nói, kiến thức và kỹ năng của các em bây giờ gấp 2 - 3 lần so với chúng tôi khi xưa. Các em đã bắt đầu tích luỹ từ cấp 2. Còn chúng tôi lên cấp 3 mới bắt đầu tích luỹ.
Các em bây giờ học lệch hơn chúng tôi, quá miệt mài, không còn đầu có để tưởng tượng. Thời chúng tôi học xong còn đọc sách, đá bóng, bơi lội, đàn hát. Học mà chơi.
- Anh có kỷ niệm gì về thời HS của mình?
Hồi cấp 3, tôi học trường Quốc học Huế. Từ nhỏ tôi đã say mê môn toán. Hồi đó, sách vở ít lắm, không nhiều như bây giờ. Có những cuốn sách mà bây giờ các em cho là tầm thường, thì hồi đó đối với chúng tôi rất quý, như "Tuyển tập toán sơ cấp", "Những đề thi toán quốc tế". Chúng tôi giành nhau. Bài nào cũng làm, làm thấy không gợn vấn đề mới hài lòng.
Sau kỳ thi toán quốc gia, tôi là một trong 4 HS Việt Nam được chọn đi thi toán quốc tế ở Luân Đôn năm 1979.
- Anh có cảm giác gì khi nghe tin mình được giải đặc biệt?
Tôi tin chắc mình sẽ được giải, nhưng không ngờ được thêm giải đặc biệt. Hồi phổ thông tôi rất thích môn hình, mảng người ta ra đề lại là mảng tôi "xào nấu kỹ". Vậy mà khi đọc đề thi, người ta cho chuyển động cùng chiều thì tôi lại làm ngược chiều, nhưng giải vẫn ra. Còn lại 15 phút tôi đọc lại toàn bộ các bài giải và phát hiện mình làm ngược bài hình.
Khi tinh thần lo lắng thì tôi nghĩ ra cách giải xuất thần, đơn giản và cho kết quả vẫn như vậy. Tôi rút ra kết luận bài toán đó giải cùng chiều và ngược chiều đều đúng. Kỳ thi đó có 8 người đoạt giải nhất, tôi là một trong 4 người đạt điểm tối đa và đoạt thêm giải đặc biệt. Cảm giác tự hào, không phụ lòng ba mẹ, thầy cô, mang vinh dự về cho đất nước.
- Thành tích này đã giúp gì cho anh tại khoa Toán trường ĐH Tổng hợp danh tiếng mang tên Lomonoxov ở Mátxcơva?
Không giúp được gì. Bởi khoa tôi có rất nhiều HS của Liên Xô cũ và của các nước khác cũng từng đoạt giải toán quốc tế theo học. Tôi có may mắn được giáo sự, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô A.A.Gontrar hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp và sau đó làm luận án tiến sĩ.
Thầy tôi là chuyên gia hàng đầu thế giới về toán giải tích cổ điển, một lĩnh vực rất khó. Ông có một trí tuệ hết sức siêu việt. Ông dạy chúng tôi biết cách học, cách tiếp thu kiến thức, cách nhìn nhận vấn đề. Các giờ giảng của thầy luôn đông nghịt. Tiếc rằng từ khi tôi về nước năm 1990 đến giờ, tôi chưa được gặp lại thầy.
- Và anh tham gia ngay công tác đào tạo HS năng khiếu? Theo anh, vì sao vài năm trở lại đây, TP.HCM mới có nhiều HS đoạt giải cao ở các kỳ thi quốc gia?
Thời gian đầu, tôi dạy ở khoa Toán. Năm 1996, khi thành lập trường PTNK, tôi được phân công về dạy ở đây. Đúng là có một thời gian dài, TP.HCM không có một HS đoạt giải toán quốc gia. Vài năm nay mới khá lên, mỗi năm có khoảng 3-4 em đoạt giải, tuy chưa bằng các trung tâm mạnh ngoài Bắc như Hà Nội chẳng hạn.
Các em chuyên toán lúc nào cũng say mê học toán, chịu khó tìm hiểu thêm. Cái chính là cần một đội ngũ thầy giáo chịu khó, có phương pháp bồi dưỡng, khích lệ tinh thần cho các em, cần được cấp trên quan tâm, giúp đỡ động viên. Chúng tôi thường xuyên mời các thầy giỏi ở Hà Nội về bồi dưỡng cho các em, để các em được làm quen với nhiều loại toán, phong cách dạy, để các em thấy mình không thua kém HS ngoài Bắc.
- Có phải một phần vì các thầy ở Hà Nội là người ra đề thi không?
Các thầy có người ra đề, có người không. Cái chính là các em được học thêm những phương pháp mới. Tuy nhiên, không thể phủ nhận mảng đào tạo HS giỏi ngoài Bắc rất mạnh, có truyền thống từ lâu, cứ nhìn vào kết quả thi quốc gia hàng năm là biết.
- Anh có cách dạy gì để rèn luyện cho các em?
Dạy cho các em những gì khi xưa chúng tôi thích và nắm vững là chưa đủ. Chúng tôi phải học thêm. đọc thêm, sưu tầm thêm. Tôi thường cho HS làm bài tập theo mảng.
Tôi thường cho đọ 3 đề toán thay vì 5 đề, tự làm khó thêm bằng cách thay đổi đề, cách lý luận. Khi HS giải xong, tôi phát triển lên, chỉ cho các em thấy thực ra đằng sau vấn đề này rất đơn giản, có thể xoay chuyển theo cách này hay cách khác.
Tôi cũng học kinh nghiệm của thầy Gontrar để truyền kiến thức cho các em. Bản thân tôi cũng học được ở các em. Đôi khi mình ra đề tưởng là khó, nhưng có HS tìm được cách giải đơn giản, hay hơn cách của thầy.
- Trong HS của anh có em nào đạt thành tích quốc tế như anh khi xưa không và anh nhớ em nào nhất?
Có hai em Nguyễn Đăng Khoa được giải Bạc ở Nhật năm 2003 và Lê Quang Nẫm đoạt huy chương Vàng giải châu Á Thái Bình Dương. Em Lê Đình Triều rất thông minh, luôn có cách giải toán sáng, rõ ràng. Hiện em đang học ở Mỹ. Hai em Phạm Quốc Việt và Trần Quang Vinh thật tiếc, chỉ cố chút nữa thì đoạt giải quốc tế. Hai em này rất chịu khó, nhiều bài khó vẫn làm được. Em Nẫm hiện cũng được học bổng ở Mỹ. Em Vinh học ở trường Bưu chính viễn thông.
- Còn mấy người bạn khi xưa đoạt giải quốc tế với anh hiện nay ra sao? Có ai tham gia giảng dạy chuyên toán?
Anh Phạm Hữu Tiệp, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Liên Xô, đang giảng dạy tại Mỹ. Tiến sĩ Hoàng Lê Minh hiện là Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.
Dạy học cùng đội tuyển toán với tôi có anh Trần Nam Dũng, năm 1985 đoạt giải bạc ở Pháp và anh Nguyễn Thanh Dũng trước dạy chuyên toán ở Huế.
- Anh nghĩ thế nào về việc sử dụng nhân tài?
Nhân tài được sử dụng vào đâu và làm gì mới là điều quan trọng. Có những em có công trình, nhưng không được ứng dụng, chỉ là trên giấy, cái đó làm các em mất hưng phấn. Có khi người ta làm việc miệt mài, quên mọi thứ, nhưng đó lại là lĩnh vực không gắn với ngành thu nhập cao cũng làm người ta nản chí.
Trong khi đó, ở nước ngoài nếu phát minh ra một cái gì đó được ứng dụng, được xã hội công nhận, có khả năng sinh lợi cho người khác thì cũng sinh lợi cho mình. Người trí thức rất muốn có điều kiện làm việc tốt, đồng thời được đảm bảo cuộc sống.
Rất nhiều phụ huynh muốn được anh rèn toán cho con em họ. Vì sao anh không mở lớp dạy thêm ở nhà?
Tôi chỉ tham gia giảng dạy trong khuôn khổ trường PTNK, kể cả lớp bồi dưỡng thi vào ĐH, không nhận dạy thêm ở đâu. Khi có chút thì giờ rảnh rỗi, tôi dành trọn cho gia đình, nhất là cô con gái mới lên 5 tuổi. Chưa rõ cháu có năng khiếu toán hay không, chỉ biết tối nào hai ba con cùng học vẽ. Cháu rất thích vẽ. Đi du lịch là đam mê của gia đình tôi.
- Xin cảm ơn anh. Chúc anh đào tạo được nhiều HS đạt thành tích cao ở các kỳ thi quốc gia và quốc tế.
(Theo Tin tức cuối tuần)