Có thể trường sinh bất lão?

(Ảnh bên: cuốn sách được dịch ra tiếng Pháp)

Tháng 2-2007, nhà nghiên cứu người Anh Aubrey De Grey quả quyết tại một cuộc họp báo ở London: Con người sống bất tử có lẽ đã ra đời! Ông không phải là người duy nhất nghĩ rằng tử thần đã được khoa học khống chế.

Tiên đoán của nhà tương lai học

Tôi (phóng viên Greg Klerkx, của tạp chí New Scientist - ND) đụng phải vấn đề trường sinh một cách ngẫu nhiên. Cuối năm 2004 công luận trên Internet cho biết rằng: một số nhà bảo trợ cho giải thưởng Ansari X (trị giá 10 triệu USD để triển khai du lịch vũ trụ) đã chú ý vào một dự án mới. Họ cung cấp tài chính để xây dựng Viện sinh học Lão khoa với nhiệm vụ: giải quyết “vấn đề tử thần”!

Thoạt đầu, tôi chẳng chú ý nhiều lắm. Thực ra, tôi mới 41 tuổi và cảm thấy mình vẫn còn trẻ trung, đầy đủ sức khỏe nên chẳng chú ý nhiều đến chuyện bất tử. Dù sao, ý tưởng kéo dài đời sống thêm một vài năm chỉ là chuyện tầm thường. Mấy tháng sau, tôi nhận được một e-mail. Một người bạn thông báo về quyển sách mới của nhà tương lai học Ray Kurzweil mà tôi ngưỡng mộ từ lâu (trong những năm 1980, vào thời mà mạng lưới thông tin công cộng còn tối tăm, ông này đã tiên đoán Internet sẽ làm bá chủ toàn cầu; sau đó, ông phát minh ra máy scanner và đoạt giải thuởng Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ - giải thưởng cao quý nhất về kỹ thuật). Một quyển sách rất hấp dẫn nhưng dường như tác giả đi hơi quá xa: Ông công bố rằng phát minh lớn sắp đến nhất định là… trường sinh bất tử. Ông còn quả quyết: đã tìm ra được “công thức”!

Tôi không khỏi chới với vì sự trùng hợp. Đồng ý, trong những năm vừa qua, một loạt khám phá mới đã bắt đầu đưa ra ánh sáng cơ chế của tiến trình lão hóa nhưng ý tưởng trường sinh bất tử vẫn còn làm cho hầu hết các nhà sinh học phì cười. Dù sao tôi cũng bị bối rối. Kurzweil là con người tầm cỡ. Thế là tôi bắt đầu truy đuổi theo. Càng đào sâu, tôi càng thấy hấp dẫn.

Khoa Lão học, nhằm hiểu được tiến trình lão hóa hiện nay là một bộ môn đòi hỏi rất cẩn trọng và chính xác. Phong trào trường sinh bất tử có rất nhiều hệ phái: từ Kurzweil đến Marvin Minsky, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo tại Viện Kỹ thuật Massachusetts - MIT qua Aubrey de Grey, nhà sinh vật học thuộc Trường Đại học Cambridge và Gregory Stock thuộc Trường Đại học California tại Los Angeles. Họ đều xem già không phải là điều bất khả xâm phạm!

Khôi phục sự trẻ trung

Họ không chỉ bàn luận suông với nhau. Họ tổ chức họp báo để phổ biến các ý tưởng của mình. Đó là những bài báo đủ nghiêm túc để thuyết phục các nhà khoa học tên tuổi và các ông nhà giàu tài trợ kinh phí nghiên cứu. Không vì thế mà họ đúng nhưng lại đủ cho tôi phải xem lại sự hoài nghi của mình. Có con đường nào dẫn đến đó không? Con người thực sự có thể trường sinh hay không?

Tôi đã gọi cho Kurzweil để biết rõ hơn. 57 tuổi đời, ông đang đầu tư hết uy tín của mình vào trường sinh bất tử hay một cái gì đó tương tự như thế. Tôi hỏi ông dự kiến sống được bao nhiêu tuổi và được trả lời: “Cứ nói rằng tôi không có ý định chết đi!”. Kurzweil xây dựng niềm xác tín trên sự kiện: kỹ thuật sinh học đã đạt giai đoạn tiến bộ gia tốc, có thể so sánh với cuộc cách mạng thông tin.

Ông nói: “Phải mất 15 năm mới giải mã được virus HIV nhưng chỉ cần 31 ngày là biết rõ virus SARS. Các lĩnh vực kỹ thuật sinh học khác cũng tiến bộ không kém”. Theo ông, nếu sử dụng kiến thức hiện nay và phát triển nó theo gia tốc, tuổi thọ con người có kéo dài. Kurzweil gọi đó là chiến thuật bắc từng cây cầu này để tiến đến một cây cầu khác.

Kurzweil cùng đồng nghiệp Terry Grossmann, chuyên gia dinh dưỡng và y học đã lập ra 3 chiếc cầu đầu tiên để tiến đến trường sinh bất tử.

Cây cầu số một là sử dụng kiến thức và cách thức xử lý hiện đại để tạo cho mình một cơ thể tuyệt hảo. Ông hãnh diện tuyên bố mỗi ngày sử dụng đến 250 chất bổ sung dinh dưỡng, trong đó có axit alpha lipoique (chiết xuất từ hạt của trái nho), N-acétyl-L-carnitine và cây cúc gai Marie, tất cả nhằm bồi bổ thể chất bên cạnh gingko biloba, acétyl-L-carnitine và vinpocétine để bổ não. Mỗi tuần, ông đều chích phosphatidylcholine nhằm “khôi phục sự trẻ trung cho tất cả các màng tế bào trong cơ thể” và tránh mọi tật xấu, kể cả uống cà phê. Kurzweil quả quyết với chế độ dinh dưỡng này, ông có thể duy trì được tinh thần và thể chất của một con người 40 tuổi, dù đang là 57! Ông dự kiến sẽ duy trì trạng thái này vĩnh cửu!

Chiếc cầu thứ hai là vận dụng kỹ thuật y học đang phát triển, như xét nghiệm chẩn đoán bằng di truyền.

Chiếc cầu thứ ba rắc rối hơn: Kurzweil tưởng tượng ra một đạo quân robot tí hon thay thế cho hệ thống tiêu hóa, nhằm thu hút đối đa chất bổ dưỡng từ thức ăn để cấy trực tiếp vào mỗi cơ phận và mỗi tế bào. Ông nói đến những đột phá mới đây trong lãnh vực kỹ thuật vi cấp, như con robot lội, dài 3mm, do nhóm của giáo sư Tao Mei thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc chế tạo. Ông này hy vọng chẳng bao lâu nữa sẽ thu nhỏ kích thước nó và ứng dụng vào việc chuyển tải thuốc, hay đả thông các mạch máu bị nghẽn.

ND: Đinh Công Thành

Xem thêm: Con người + Con chíp = người máy ?