Vì sao các nền văn minh cổ biến mất ?

Lịch sử loài người tới nay đã ghi nhận 7 nền văn minh cổ đại: Ai Cập, Lưỡng Hà, Hy Lạp, Ân Thương, Sông Ấn, La Mã, Maya. Nhưng đằng sau dấu tích và những dòng sử sách còn lại, nhiều thành trì, đền đài... đã đột ngột biến mất mà nguyên nhân vẫn chưa được tìm ra.

Đã từng có thật một thành Troy?

Câu chuyện về thành Troy được gắn liền với hai trường ca của Homer là Iliad và Odyssey và với thần thoại Hy Lạp. Trong khi rất nhiều nền văn minh cổ đại để lại di tích vật chất cho hậu thế thì thành Troy được coi như một câu chuyện trong trí tưởng tượng của người xưa. Trên trái đất thời hiện đại không có dấu vết của bức thành gắn liền với cuộc chiến tranh bất hủ và con ngựa gỗ huyền thoại.

Thế nhưng theo những nghiên cứu mới đây, thành Troy (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) là có thật. Họ khẳng định rằng cách đây hơn 3.000 năm, thành Troy nằm trên một đỉnh đồi, gần bến cảng thông ra biển Aegae (hiện cảng này đã bị cát vùi lấp).

Khi những nhà buôn Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha dong thuyền từ biển Aegae tới Biển Đen, họ đều dừng chân ở Troy để tiếp tế lương thực và giải trí. Những dấu tích khảo cổ học mới được phát hiện - mảnh thuyền và cọc sắt nằm rải rác dưới những lớp đất cách thành Troy khoảng 4 km - là bằng chứng cho thấy chiến thuyền Hy Lạp từng đậu ở đây trước khi tấn công thành, giống như lời kể của Homer trong anh hùng ca Iliad.

Vì sao thành Troy biến mất? Đó là câu hỏi mà nhiều thế hệ các nhà khoa học mất công đi tìm câu trả lời. Giáo sư vật lý Amos Nur tại Đại học Stanford, Mỹ, nói: “Chúng tôi tin rằng các thảm họa tự nhiên, đặc biệt là động đất, đã đóng vai trò quan trọng trong sự mất tích bí ẩn của nhiều nền văn minh”.

Khi nghiên cứu vùng phía đông Địa Trung Hải ở cuối thời kỳ đồ đồng, Hiệp hội Địa vật lý Mỹ cũng cho rằng một trận động đất lớn có thể là thủ phạm chính đằng sau sự biến mất của nhiều thành phố như Troy, Mycenae và Knossos. Các thành phố này đã bị quét khỏi bản đồ thế giới trong khoảng năm 1.225-1.175 trước Công nguyên.

Văn hóa Harappa

Đây là nền văn hóa cổ đại nằm trong tổng thể các nền văn minh Sông Ấn, phát triển vào khoảng từ năm 2.800 đến 1.800 trước Công nguyên. Theo sử sách, nó có sự phát triển cao về kinh tế, thương mại, nông nghiệp, nghệ thuật, chữ viết... Hàng loạt đền thờ được phát hiện đã chứng minh cho sự tồn tại của nó.

Nhưng nền văn hóa này đã biến mất, nguyên nhân cho đến nay vẫn chưa rõ. Giả thuyết phổ biến nhất là người du mục Arian xuất hiện và đánh chiếm. Giả thuyết thứ hai được nhiều người chấp nhận, đó là sự biến đổi khí hậu. Vào khoảng 1.800 năm trước Công nguyên, khí hậu trong lưu vực sông Ấn thay đổi, trở nên lạnh và khô hơn. Sông Ghaggra-Hakra trở nên khô cạn làm biến đổi kiến tạo mảng. Nguồn nước của hệ thống sông bị chuyển hướng về đồng bằng sông Hằng, dẫn đến sự suy tàn của nền văn minh Harappa.

Các thuyết khác cho rằng sự suy tàn của nền văn minh sông Ấn có liên quan đến sự sụp đổ của vương quốc người Sumer, hay xung đột quân sự và bệnh tật.

Giáo sư Amos Nur và đồng nghiệp Prasad khi xem xét lịch sử địa chấn đã nhận thấy có những trận động đất thảm khốc đổ xuống vùng ven biển gần biên giới Ấn Độ - Pakistan. Theo giả thuyết của họ, một hoặc nhiều chấn động lớn có thể đã làm vỏ trái đất di chuyển, kéo theo việc chặn dòng chảy của một con sông lớn trong vùng. Nền sản xuất nông nghiệp bị phá hủy, các trận lụt nghiêm trọng xảy ra và cuối cùng vùi lấp các thành phố dưới bùn lầy.

Nền văn minh Maya

Đó là nền văn minh cổ đặc sắc được người Maya, một bộ tộc thổ dân châu Mỹ, xây dựng từ năm 1.000 trước Công nguyên. Nền văn minh Maya đạt một trình độ cao về lĩnh vực xây dựng nhà nước và kiến trúc, toán học, thiên văn học.

Các số của người Maya

Những di tích khảo cổ học chứng minh, người Maya đã phát triển khái niệm “số 0” vào năm 357, sớm hơn châu Âu gần 900 năm. Họ xác định chính xác độ dài của một năm - thời gian trái đất quay hết một vòng quanh mặt trời - chính xác hơn rất nhiều bộ lịch được châu Âu sử dụng vào thời đó. Không những thế, tôn giáo của người Maya cũng rất đặc biệt vì có sự kết hợp giữa lễ nghi với các chu kỳ của vũ trụ.

Hai thành phố Quirigua (Đông Guatemala ngày nay) và Benque Viejo, vốn là trung tâm văn hóa của người Maya trong thời kỳ đỉnh cao, đột ngột biến mất vào cuối thế kỷ thứ 9. Nhiều nhà sử học cho rằng đây là hậu quả của những cuộc chiến liên miên, ban đầu là ngay trong bộ tộc nhằm tranh giành quyền lực, sau đó là với kẻ xâm lăng là đế quốc Tây Ban Nha. Nhưng kết quả nghiên cứu của nhà địa - vật lý Robert Kovach lại cho chúng ta nguyên nhân hủy diệt khác: một trận động đất kinh hoàng.

Một lý giải khác

Gerald Haug đã chứng minh cuối thế kỷ 9, vùng xung quanh Venezuela hầu như không mưa cho đến đầu thế kỷ 10. Tuy nhiên, câu hỏi về một nền văn minh chuộng hòa bình, biết sống hòa mình với thiên nhiên, cho đến thế kỷ 8 đã đạt dân số 15 triệu lại có thể ra đi mà không để lại một lời "trăng trối" vẫn luôn bức xúc?

Đầu thập kỷ 1980, giới khoa học mới dám quả quyết là đã dần "giải mã" được những thông điệp Maya. Song cũng phải đợi đến cuối năm 1994, khi khoảng 80% các con chữ được hiểu nghĩa tường tận thì các nhà nghiên cứu mới ngỡ ngàng trước đống hoang tàn của một tượng đài sụp đổ. Truyền thuyết của một xã hội Maya yêu hòa bình và thiên nhiên tan tành trong chớp mắt. Họ không biến mất trong một cuộc động đất khủng khiếp, không chết đói vì tàn phá rừng già nhiệt đới hay vì dịch bệnh, cũng chẳng bị một nền văn minh khác tiêu diệt. Sự thật đơn giản hơn nhiều: Chính người Maya tự đưa nhau đến chỗ diệt vong.

Những dòng chữ trên các bảng gốm và cả trên các cuộn giấy còn giữ lại được đã chứng minh người Maya là một dân tộc vô cùng hiếu chiến. Cuộc sống của họ được đánh dấu bằng những nghi lễ tàn bạo và liên miên chìm trong chiến tranh đẫm máu. Hai bộ tộc mạnh nhất thời bấy giờ nằm dưới sự chỉ huy của Tikal và Calakmul. Họ cùng thống trị và sử dụng hơn 50 bộ lạc nhỏ hơn làm quân chư hầu tàn sát lẫn nhau. Nhận định này được đưa ra bởi Nikolai Grube, chuyên gia hàng đầu về văn hóa Maya và là người có công chính trong việc giải mã chữ viết cổ. Ngoài ra theo ông, nền văn minh Maya tan rã không đột ngột như mọi người xưa nay vẫn dự đoán, mà đây là một quá trình đau đớn và chậm chạp. Bởi không chỉ tại chiến tranh, người Maya còn chết vì đói.

Một đồng nghiệp của Grube là Tom Sever, nhà khảo cổ học duy nhất có hợp đồng làm việc với NASA, đã phát hiện sự tình cờ tưởng như phi lý song lại có ý nghĩa sâu xa. Năm 1999, nước Mỹ với mục đích do thám đã phóng lên không trung vệ tinh Lkonos. Lkonos là vệ tinh có khả năng chụp ảnh rõ đến 1 m, thậm chí nhận ra người trên mặt đất, trong khi các vệ tinh khác phải đầu hàng trước những vật thể nhỏ hơn 5 m.

Dựa vào các bức ảnh của Ikonos, Tom Sever nhận ra một hệ thống kênh đào từ thời Maya. Đó là những nỗ lực của họ để cải thiện môi trường sinh thái. Khi khí hậu thay đổi và nhiệt độ tăng lên hơn 6 độ, rừng già bị khai thác dữ dội, nước mưa bị mất đi, hệ thống kênh đào nhằm phân phối và dự trữ nước này tỏ ra hợp lý hơn. Nhìn lại người Maya, giữa các cuộc chiến tranh họ đã không đủ ăn. Những bộ xương được khai quật cho thấy rõ dấu hiệu suy dinh dưỡng. Đến cuối thế kỷ 9, các kênh rạch bắt đầu cạn khô, nước ngầm thì ở sâu dưới 150 m mà kỹ thuật ngày ấy không thể khai thác. Cái chết từ từ của người Maya đã được giải thích.

Hiện nay ở Trung Mỹ còn khoảng 4,2 triệu hậu duệ người Maya. Hồi tưởng rõ rệt nhất đối với họ là về năm 1511, khi những kẻ thực dân Tây Ban Nha xuất hiện. Người Maya kháng cự dũng cảm, và quốc gia cuối cùng của họ - Tayasal - mãi đến năm 1697 mới bị chinh phục. Cuộc vùng dậy muộn mằn hồi năm 1901 cũng bị quân đội Mexico đập tan. Kinh Thánh và bảng chữ cái Latin của người Tây Ban Nha cũng đã góp phần tiêu diệt nốt những nét văn hóa cuối cùng của một nền văn minh cổ xưa.