Thân Văn Quyền (1771-1836)

Về cửa nhà gia thế

Nguyên quán của Thân Văn Quyền là làng An Lỗ, Quảng Điền, bắc sông Bồ. Ông cố của Thân Văn Quyền là Thân Văn Thanh, sinh năm 1665, nông dân nghèo của làng An Lỗ, quyết tha hương tìm kế sinh nhai ở kinh thành Phú Xuân (Huế). Bước đầu khó khăn, ông cố Thân Văn Thanh ngụ cư ở Cửa Sĩ, bờ nam sông Hương, thuộc làng Cư Chánh (xưa là Cư Hoá), sát làng Nguyệt Biều, làm nghề đưa đò ngang. Ông cố quyết tâm nuôi con ăn học. Có người con trai thành đạt là Thân Văn Bảng, sinh năm 1704, từng giữ chức Tri huyện, là ông nội của Thân Văn Quyền. Con thứ của Thân Văn Bảng là Thân Văn Thê, sinh năm 1745, từng giữ chức Lễ Sanh thời chúa Nguyễn Phúc Thuần nhưng khi quân Lê - Trịnh, rồi quân Tây Sơn chiếm Phú Xuân thì ông Thê ở ẩn, chuyên làm thuốc cứu người. Ông Thân Văn Thê là thân phụ của Thân Văn Quyền. Thân Văn Quyền hay Thân Trọng Quyền, tự là Dụng Trung, sinh năm 1771 ở Cửa Sĩ. Tuổi niên thiếu ông được thân phụ dạy và tuổi thanh niên theo học vị thầy họ Trần ở làng Liễu Cốc. Vị thầy họ Trần này từng giữ chức Lễ Bộ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương nên người đời gọi là Thầy Trần Lễ Bộ. Và dĩ nhiên vị này cũng là một ẩn sĩ, đóng cửa dạy học trò ở làng Liễu Cốc, ven chân núi. Với những người thầy là ẩn sĩ vừa nêu, Thân Văn Quyền chịu nhiều ảnh hưởng; không học theo đường thi cử để thành danh, chấp nhận sống thanh bạch nhưng chăm lo học hành,nghiên cứu chuyên sâu nghĩa lý và thâm sâu đạo học.

Nhà giáo đại ẩn

Nhà nho trẻ Thân Văn Quyền, hằng ngày qua sông Hương, đến nhà thầy Trần Lễ Bộ để tu học, trong khi đó bạn bè cùng trang lứa của ông đang theo học ở Văn miếu Long Hồ. “Trường đại học” này được xây dựng từ thời chúa Nguyễn Phúc Thuần. Khi quân Lê Trịnh chiếm đóng Phú Xuân, Lê Quý Đôn từng giảng dạy ở trường đại học này và học trò Thuận Hoá nô nức đến Long Hồ học tập, lấy nghiệp văn chương để tranh nhau lợi danh. Còn anh học trò nghèo Thân Văn Quyền, lặng lẽ cắp bút nghiên vào núi học thầy Trần Lễ Bộ, với lòng tự trọng của môn đồ Khổng Mạnh, không xu phụ và biết lẽ thịnh suy của thế cuộc. Vào tuổi thanh niên, khi Tây Sơn đánh tan quân Trịnh ở Phú Xuân (1786), nho sĩ trẻ Thân Văn Quyền vẫn theo học thầy Trần Lễ Bộ ở Liễu Cốc. Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân, rồi đánh thắng quân xâm lược Thanh, Phú Xuân trở thành kinh đô và văn miếu Long Hồ trở thành Quốc Tử Giám triều Tây Sơn, nơi Hoàng thái tử Nguyễn Quang Toản học tập cùng với con em các đại thần. Dĩ nhiên, học ở đại học này là theo đưòng cử nghiệp, rồi thi cử để ra làm quan. Còn nho sĩ trẻ Thân Văn Quyền vào tuổi 20 vẫn lặng lẽ qua sông Hương, băng qua làng Long Hồ để đến làng Liễu Cốc học đạo thánh hiền, y thư lý số tinh thông, không luyện văn chương cử nghiệp để đi thi. Khi vua Quang Trung băng hà, Vua Cảnh Thịnh nối ngôi, thì chỉ vài năm sau, khoảng tuổi 23, Thân Văn Quyền vẫn ẩn cư nhưng bắt đầu dạy học trò để độ nhật và tiếp tục học hành nghiên cứu thâm sâu đạo học của Khổng Mạnh.

Chim khôn biết chọn cây lành mà đậu, ấy là tìm thế; đậu cây lành ngày nắng hay ngày mưa; ấy là đắc thời. Bậc túc nho như Thân Văn Quyền không thể không dùng những suy nghiệm học được từ Kinh Dịch mà biết thời, không thể không dùng con toán của Kinh Thái Ất mà biết người, không thể không dùng phép tính Độn Giáp để biết thế cuộc… và người dật sĩ họ Thân vẫn ung dung ẩn cư. Tuy ẩn cư, sống cuộc đời thanh bạch, ông giáo trẻ Thân Văn Quyền không tiêu cực, vẫn đào tạo nhiều học trò thành đạt, vẫn để học trò đi thi và phục vụ chế độ đương thời. Thời quân Lê Trịnh mới vượt sông Gianh (1774), có nhiều nho sĩ rất náo nức về giang sơn đươc thu về một mối, sau mấy trăm năm Trịnh - Nguyễn phân tranh và cũng rất náo nức được danh lợi. Lê Quý Đôn, trong đoàn quân viễn chinh Lê - Trịnh đại thắng, với kiểu “trịch thượng” của bề trên, từng khen vị nho sĩ Lê Viết Trinh, khi đọc lá thư của Lê Viết Trinh, có đính kèm bài tiểu dẫn của họ Lê: “Gia thế tôi vốn theo nghiệp nho, tài sơ học cạn, không được nước cũ dùng, ẩn náu ở Phú Xuân, chuyên dạy học trò, xuân thu thấm thoát đã quá năm mươi tuổi. Từ tháng giêng năm Giáp Ngọ (1774), trông thấy quân nhà vua tới cõi, mới trở về làng, chính muốn trộm nhàn để gội lấy giáo hoá mới. Nhưng vì liền năm đói kém, mất kế dinh sinh, chính là “Lòng lo gạo củi trời khôn hiểu, vận gặp ba đào mộng cũng kinh”, thường muốn trở về dinh Phú xuân để cúi bày một vài ý kiến nhỏ bé, nhưng bởi tráng sĩ hỗ thẹn về nỗi hết tiền, khó mà thực hiện được kế ấy. Nay lại thấy xe thiều phó nhiệm, đi qua địa phương, bất giác quên mình quê mùa, viết thành ba bài thơ luật để ngụ ý nhỏ dâng cần hiến bộc. Nay có nhờ ơn dung nạp, không bỏ lời quê, thì dù không phải là gươm Thanh Bình ngọc Kết Lục, nhưng cũng nhờ giá cao ở cửa Tiết Chúc Biện Hoà vậy”.

Kế nhỏ của nho sĩ Lê Viết Trinh là:

“Tân hình nhược chú Thương vương tệ
Cựu khí ưng tiêu Nguyễn Thị Đồng”

(Tiền Thương khuôn mới chì đem đúc
Đồng Nguyễn đồ xưa phải phá tung)

Quân đội Lê Trịnh cũng từng theo kế này để lấy đồng đúc tiền nhưng chỉ nấu chảy những đồ đồng cỡ nhỏ, chứ chuông chùa Thiên Mụ, 10 chiếc vạc đúc thời chúa Nguyễn Phúc Tần chưa có cách nấu chảy nên hiện nay vẫn còn.

Người trí thức trong cuộc bể dâu thường bị dày vò với hai đường xuất xử; Lê Viết Trinh, Mai Chiêu Tư … thì đi một đường nhưng Ngô Thế Lân, Hoàng Quang … lại rẽ lối khác. Lê Quý Đôn dành nhiều trang viết, trong Phủ Biên Tạp Lục, thầm khâm phục một nhân cách: “Dật sĩ Thuận Hoá là Ngô Thế Lân tự là Hoàn Phác, khi nhỏ có chí thú, rộng học giỏi văn, ẩn ở xã Vu Lai, huyện Quảng Điền, tự đặt hiệu là Ai Trúc Trai, năm nay chừng hơn 50 tuổi ngụ ở phố Thanh Hà. Tôi sai người mời mà không đến, gửi thư cảm tạ, và nói lấy sự xu thời cầu cạnh làm hổ thẹn…”. Nhà nho trẻ Thân Văn Quyền thời Tây Sơn ở Phú Xuân thì ẩn dật, còn dật sĩ Ngô Thế Lân lại cộng tác với Tây Sơn … Ôi đạo học khôn cùng, mấy ai là người hiểu thấu và vận dụng cho đúng? Rồi Tây Sơn cũng suy tàn trên đất Phú Xuân, Nguyễn Ánh trở lại Phú xuân và trở thành Gia Long hoàng đế. Trên cảnh hoang tàn đổ nát của Phú Xuân, nhà vua đã cùng các quan văn võ bắt tay xây dựng Việt Nam. Đại học Long Hồ biến thành Đền Khải Thánh, nơi thờ cha mẹ của Đức khổng Tử và Văn Thánh – Quốc Tử Giám Huế được xây dựng. Bên kia sông, trường “Đại học Quốc gia” bề thế hoạt động, nơi đào tạo nhân tài phục vụ đất nước với triều đại mới, thì bên này sông, ở bến đò Cửa Sĩ, cũng có lớp học kiểu nhà tranh vách ván của thầy đồ nghèo Thân Văn Quyền, vẫn âm thầm khiêm tốn đào tạo nhân tài. Với tài năng và đức độ, hữu xạ tự nhiên hương, nhân dân vùng Thuận Quảng rất nễ trọng bậc đại ẩn họ Thân. Vì thế về sau, có người mừng ông câu đối:

“Nguyệt Biều Nhất Đái Thuỷ, Bắc Lai Chi Cuồng Lãng Nan Diêu
Hoa Ôc Kỷ Gian Sương, Tây Hạ Chi Mê Trần Bất Nhiễm”

(Một dải nước Nguyệt Biều, dẫu sóng phương Bắc dữ dội thế nào cũng không đục.
Mấy gian nhà hoa ốc, dù bụi phương Tây dơ bẩn thế nào cũng khó lây)

Suốt thời vua Gia Long trị vì, đương nhiên buổi giao thời ở chốn kinh đô không thể không có những trò đời đổi trắng thay đen. Đại học sĩ Nguyễn Du trong cuộc thế ấy, hằng ngày làm việc cạnh nhà vua mà lòng chẳng thấy vui. “Trãi qua một cuộc bễ dâu. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.... Bó thân về với triều đình. Hàng thần lơ láo phận mình ra chi”. Những đại công thần như Nguyễn Văn Thành vẫn bị bức tử. Kẻ hàng thần đầy quân công như Lê Chất cũng không thoát khỏi “tam ban triều điển” … Trong bối cảnh “ngột ngạt” ấy, một vị thầy đạo cao đức trọng như Thân Văn Quyền làm sao mang lều chõng ứng thí, mài mực, phóng bút trên giấy ta, mượn chữ nghĩa của thánh hiền mưu cầu danh lợi, nhằm thoát cảnh “ngày ba bữa vỗ bụng rau bành bạch” được? Và với tất cả lòng tự trọng của một nhà nho chân chính, một nhà giáo không ngượng miệng trước thánh hiền, Thân Văn Quyền dẫu vào tuổi 53, chấp nhận đại ẩn, đóng cửa dạy học trò. Cũng nên biết lúc bấy giò Thân Văn Quyền đã là rể trưởng của quan Thượng thư thuộc dòng Hoàng trọng của Nguyệt Biều.

Hoạn lộ cũng bảy nỗi ba chìm

Mấy mươi năm đại ẩn sát nách kinh thành Phú Xuân, nhà giáo Thân Văn Quyền đã thấy dấu hiệu thịnh trị của Đại Nam với vua trẻ có học hành nghiêm túc Minh Mạng. Mà vua Minh Mạng cũng từng biết tiếng Thân Văn Quyền thời còn tiềm để. Cho nên, khi đại học sĩ Trịnh Hoài Đức và danh thần Nguyễn Hữu Thận tiến cử Thân Văn Quyền, nhà vua chuẩn y, mà Thân Văn Quyền cũng quyết định rời “hoa ốc” để ra làm quan. Khởi đầu, năm Minh Mạng thứ tư (1823), nhà vua giao ông chức Giáo thụ (chánh thất phẩm, lương 20 quan tiền, 20 phương gạo, tiền xuân phục 5 quan), công tác ở phủ Thăng Hoa, Quảng Nam. Với chức Giáo thụ, ông đã thể hiện hoài bão “cải cách giáo dục” mà ông đã nghiền ngẫm bao nhiêu năm. Nhà vua cũng đồng tình và ông đã thành công với giáo dục mới lúc bấy giờ. Chỉ thực tập một năm, nhà vua đã vời ông về triều, vào năm Minh Mạng thứ năm (1824) giao chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám (Tòng tứ phẩm, lương 50 quan tiền, tiền xuân phục 10 quan). Đường hoạn lộ của ông như thế bước đầu cũng lắm hanh thông. Chỉ chưa đầy hai năm công tác mà ông đã “vào Trung ương”, đủ biết Thân Văn Quyến có năng lực thực sự và vua Minh Mạng cũng có xu hướng cải cách giáo dục theo lối thực dụng vậy. Tuy nhiên, không may cho ông, năm sau do học trò Quốc Tử Giám không đạt kết quả tốt trong một kỳ thi, nên vua Minh Mạng nghiêm khắc phạt ông, phải giáng chức. Năm ấy ông phải nhận chức Chủ sự Bộ Lại (chánh lục phẩm, lương 25 quan tiền, 25 phương gạo, tiền xuân phục 7 quan). Âu cũng là lẽ thường tình, mới thể hiện một năm làm sao ông “cải cách” kịp? Học trò Quốc Tử Giám đi thi là thi với sự trang bị kiến thức với những thầy giáo khác, rồi đề thi là đề thi “kiểu cũ” nên kết quả không tốt như ở Quảng Nam. Qua việc này đủ thấy vua Minh Mạng rất nghiêm khắc với các quan trong triều. Nhưng rồi nửa năm sau ông đã được thăng Thừa chỉ Viện Hàn Lâm (Chánh ngũ phẩm, lương 30 quan tiền, tiền xuân phục 8 quan). Với chức vụ mới, Thân Văn Quyền đã là bầy tôi gần vua; chuyên bàn bạc nghĩa lý sách vở thánh hiền với vua. Một người ham học như vua Minh Mạng, mà bầy tôi uyên thâm lý nghĩa như Thân Văn Quyền thì vua tôi chắc chắn phải tâm đắc lắm. Khi đã biết rõ năng lực của ông, nhà vua liền sung chức Giảng tập ở Dưỡng Chánh Đường, nơi Hoàng Thái Tử Miên Tông học tập (sau này là vua Thiệu Trị). Kể từ năm Minh Mạnh thứ 6 Thân Văn Quyền trở thành thầy học của vua Thiệu Trị. Với uy vọng ấy và có năng lực thực sự, vua Minh Mạng tin tưởng ông, nên năm Minh Mạng thứ 7 (1826) ông được thăng Thị Độc học sĩ, rồi chỉ mấy tháng sau đã thăng Thượng BửuThiếu Khanh (Tòng tứ phẩm, 50 quan, 50 phương gạo, tiền xuân phục 10 quan). Đường hoạn lộ sáng sủa nhất của ông là vào năm Minh Mạng thứ 8 (1827), ông được thăng Thượng Bửu Tự Khanh (Tòng tam phẩm, 90 quan, 90 phương gạo, tiền xuân phục 16 quan). Những ngày tháng này ông rất gần vua và ông đã thể hiện tư tưởng thân dân. Nhà vua đã sai ông trích dẫn và biên tập những câu văn có tư tưởng “dân vi bản” trong tứ thư ngũ kinh, “tập văn thành cú” và được treo ở vách hông Điện Cần Chánh, nơi làm việc của nhà vua hằng ngày. Cả vua và tôi đều có ý hướng thân dân vậy.

Minh Mạng năm thứ 9 (1828) là năm ông được thăng tién nhất trên bước đường làm quan.Thân văn Quyền giữ chức Hữu Thị Lang Bộ Hộ (Chánh tam phẩm, lương 120 quan tiền, 120 phương gạo, tiền xuân phục 20 quan). Và chỉ 4 tháng sau, Thân văn Quyền được thăng Hữu Tham Tri bộ Hộ (Tòng nhị phẩm, lương 156 quan, 156 phương gạo, tiền xuân phục 30). Về đường tiến thân thì Thân Văn Quyền cũng từng làm quan nhị phẩm, nhưng cũng lắm chông gai về sau. Do sống tốt với đồng liêu và tính trung thực khi tâu vua về những hình phạt nghiêm khắc đối với các quan, trái ý vua nên có khi ông phải bị giáng chức, thậm chí suýt bị tử hình hay phải đi ra nước ngoài công tác để chuộc lỗi.

Tai bay vạ gió

Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), chỉ một tháng nhậm chức Hữu Thị Lang Bộ Hộ, ông đã được thăng Hữu Tham Tri Bộ ấy. Nghĩ đến phúc ấm của tổ tiên, Thân Văn Quyền cùng gia quyến tổ chức xây dựng nhà thờ họ Thân ở Cửa Sĩ. Không may đồng liêu là Lý Văn Phức, Tả Tham Tri Bộ Hộ, nhận hối lộ của tay lái buôn người Liệu Ninh Thái, người Hoa,100 lạng bạc để đề đạt việc y lĩnh trưng quan thuế ở Bắc Kỳ. Vì tin đồng liêu nên Thân Văn Quyền chấp thuận không nghi kỵ. Xong việc, tên Liệu Ninh Thái có kín đáo biếu xén Thân Văn Quyền. Không biết âm mưu của họ Liệu và đồng liêu Lý Văn Phức (đã nhận hối lộ) nên khi việc trên bại lộ, ông phải liên đới chịu trách nhiệm và bị giáng chức xuống Hàn Lâm Thị Độc (từ Tòng nhị phẩm xuống Chánh tứ phẩm).

Trong hai năm Minh Mạng thứ 11, 12, Thân Văn Quyền đổi ra làm Tham Hiệp Trấn Quảng Bình. Sau một năm được thăng thự Tham Hiệp. Nhân làm phó chủ khảo trường thi hương Gia Định, nhà vua thăng ông Tả Thị Lang Bộ Hộ (chánh tam phẩm, lương 120 quan, 120 phương gạo, tiền xuân phục 20 quan) và sung biện các vụ.

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), nhân cục Bửu Tuyên ở Bắc Thành đúc tiền phần nhiều thiếu hụt, Bộ Hộ đều ghép vào tội. Thân Văn Quyền cho Viên ngoại là Lưu công Nghị và Tư vụ là Nguyễn Doãn Thông phụ trách công việc đúc tiền. Việc làm chưa lâu nhưng Thân Văn Quyền chưa rõ nguyên nhân thiếu hụt; thậm chí thông cảm sự thiếu hụt do kỹ thuật liền tâu vua châm chước cho cục Bửu Tuyên. Không may nhà vua ngờ ông kết bè với người gian và giúp người để lấy tiếng nên cách chức ông. Sau đó nhà vua khôi phục hàm Biên tu (chánh thất phẩm, 20 quan tiền, 20 phương gạo, tiền xuân phục 5 quan). Như vậy hình phạt đối với ông là quá nặng. Tuy nhiên sau đó ông được sung chức Giảng tập ở Quảng Phúc Đường, chuyên lo giáo dục các thân vương, hoàng tử. Khoảng thời gian này ông trực tiếp giảng dạy hoàng tử Miên Thẩm, Miên Trinh… vào tuổi 15,14 và ông đã giáo dưỡng hai ông hoàng tư tưởng thân dân; để sau này trở thành hai nhà thơ lớn của Hoàng tộc triều Nguyễn.

Sau 4 tháng giảng dạy ở Quảng Phúc Đường, ông được thăng Thị Giảng, rồi Thị Độc Học Sĩ (Chánh tứ phẩm, lương 60 quan tiền, 60 phương gạo, tiền xuân phục 10 quan). Để tạo điều kiện cho ông phấn đấu, năm Minh Mạng thứ 14 (1833), nhà vua bổ ông ra làm án sát tỉnh Tuyên Quang (Tòng tam phẩm, lương 90 quan, 90 phương gạo, tiền xuân phục 16 quan), chỉ một tháng ông được cất bổ Thị Lang Bộ Hộ, sung biện việc nội các.)

Do tính trung trực, thương đồng liêu, hay tâu vua giảm nhẹ hình phạt cho những quan gặp oán oan sai, nên có khi phật ý vua. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), có tiến sĩ Nguyễn Trữ, án sát sứ tỉnh Hưng Yên, nhẹ dạ nghe lại dịch rút bớt khẩu cung của người phạm tội. Tuần phủ Phan Bá Đạt dâng sớ đàn hặc Nguyễn Trữ, ông này bị án tội đồ. Nhà vua thấy không có tang chứng hối lộ nên đặc cách cho đổi hàm, cách chức, bắt phải gắng sức chuộc tội. Thân Văn Quyền tâu vua nên giảm nhẹ hơn nữa cho Trữ; vì Trữ là tiến sĩ xuất thân. Không may cho Thân Văn Quyền, nhà vua nổi giận, ghét ông có ý che chở cho Trữ, nên quát vệ sĩ kéo ông ra pháp trường để chém. Nhưng nhà vua sớm nghĩ lại, kịp cho người ngưng hành hình, chuyển án trảm giam hậu, vào tù chờ đến mùa thu xét xử. Tháng tư, năm Minh Mạng thứ 15 (1836), nhân tiết Vạn Thọ, nhà vua nguôi giận tha ông nhưng phải đi hiệu lực, theo thuyền qua Lữ Tống (Philipin) để ra sức chuộc tội. Thời gian này ông rất buồn, viết Đông hành ký sự, có câu :

“Hồi đầu Lã Tống sầu biên nguyệt
Tiền lộ Trà Sơn mộng lý xuân”

(Ngoảnh lại Lã Tống thấy trăng ngoài biên mà sầu.
Trà sơn trước mặt vẫn mộng tưởng luôn)

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) được khôi phục chức Tư Vụ (chánh thất phẩm, lương 20 quan tiền, 20 phương gạo, tiền xuân phục 5 quan). Năm Minh Mạng thứ 18 (1836), ông thăng án sát sứ tỉnh Gia Định (tòng tam phẩm). Tới tỉnh Gia Định thì lâm bệnh, chỉ một tháng sau có chỉ nhà vua thăng Bố chánh sứ tỉnh Định Tường (chánh tam phẩm). Lúc bấy giờ bệnh ông quá nặng, chưa kịp đến Định Tường thì qua đời ở dinh án Gia Định. Nhà vua nghe tin, lấy làm tiếc, cho thiệt thụ chức Bố chánh và ban 300 quan tiền để gia đình lo việc tang.

Sự nghiệp trồng người

Những tháng ngày giảng dạy ở Dưỡng Chánh Đường, nơi Hoàng Thái tử học tập, Thân Văn Quyền cùng với đồng nghiệp đã dạy Hoàng Thái Tử Miên Tông tư tưởng “dân vi bản” của thánh hiền nho gia. Rồi những năm tháng giảng dạy ở Quảng Phúc Đường, Thân Văn Quyền đã góp phần giáo dưỡng các hoàng tử Miên Thẩm, Miên Trinh; để về sau trở thành Thương Sơn Tùng Thiện Vương, Vĩ Dã Tuy Lý Vương. Một nhà thơ Thương Sơn với những tác phẩm đồ sộ như Thương Sơn Thi tập, Thương Sơn tứ tập, Thương Sơn tứ toại, Thương Sơn thi thoại, Thương Sơn văn di, Nạp bị văn tập, Độc ngã thư sao, Lão sinh thưởng đàm… Qua những áng thơ văn, nhà thơ đã nói lên được nỗi đau đời, đau người, yêu nước thương nhà, trọng cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp của con người… đặc biệt rất “thân dân”. Rồi một nhà thơ Vĩ Dã Tuy Lý Vương với khối lượng trước tác to lớn: Vĩ Dã hợp tập, Nữ Phạm diẽn nghĩa từ, Nghinh tường khúc, Hoà Lạc ca… cũng nặng lòng nhân thế, cũng đau đời, đau người như nhà thơ Thương Sơn vậy. Hai nhà thơ tước vương này rất kính phục vị thầy Thân Văn Quyền và đã ảnh hưởng tư tưởng thân dân của thầy Thân Văn Quyền. Nơi vua làm việc cùng các đại thần như Cần Chánh điện, ông cũng giúp vua trích những câu kinh điển về chủ nghĩa ái dân, treo tường phía phải của điện, nhắc nhở các đại quan. Nhà giáo Thân Văn Quyền có tư tưởng cải cách giáo dục từ đầu thế kỷ 19. Lúc bấy giờ, thông tin hạn hẹp, nhưng chủ trương của ông là một bước tiến bộ. Ông từng tâu với Vua Minh Mạng không nên giáo dục từ chương nữa mà phải cho học trò học lễ nhạc, xạ, ngự, cả văn lẫn võ, cả đức lẫn thể. Nói theo hiện nay, nhà giáo Thân Văn Quyền đã chủ trương “giáo dục toàn diện” từ đầu thế kỷ 19.

Ngay cả việc giáo dục con, Thân Văn Quyền cũng thành công với các người con ưu tú như Thân Văn Duy, Thân Văn Nhiếp… Liệt Truyện từng đánh giá Thân Văn Duy ngang danh thần Hà tôn Quyền, Lý Văn Phức… Còn Thân Văn Nhiếp là một danh thần cương trực, noi được gương cha. Suốt triều vua Tự Đức, dù không phải là quan ngự sử nhưng Thân Văn Nhiếp từng dâng vua những tờ sớ cương trực, thân dân, có khi “chạm tự ái” đức vương thượng nhưng quá chí lý, vua không bắt tội Thân Văn Nhiếp được. Vua Tự Đức “sính thơ”, cho xây dựng đài tạ làm nơi xướng hoạ, bàn luận thơ văn; Thân Văn Nhiếp can: “Thôi điệt vị ly ư Dực thất, du quan dĩ khởi ư hậu hồ” (Sô gai chửa rời nơi Dực Thất. Chơi xem chớm ở nơi Hâụ Hồ). Năm Tự Đức thứ năm,Thân Văn Nhiếp đang công cán ở tỉnh Bình Định, biết ở cung vua đang cho xây dựng nhà thuỷ tạ, làm vườn đua ngựa, phí tổn cao… Thân Văn Nhiếp với tấm lòng “trung với nước, hiếu với dân” đã dâng sớ can vua; có đoạn ông viết: “Nhà thuỷ tạ hứng mát, tạm thời tiêu khiển, mà kéo dài dến hàng tuần. Vườn sau đua ngựa, dẫu rằng tập khó nhọc, học nghề võ, mà thực thì rong ruổi làm vui… Gỗ cây hết, không được đặt giá mua của dân, đặt giá mua của dân thì hạ dân càng tỏ ra quẫn bách; sức binh mỏi thì không thể không trốn tránh… Lại gần đây, mua hàng hoá của nước Thanh, hàng năm có kể đến bạc vạn; hỏi han đồ châu báu khắp các tỉnh… Nay xin triệt nhà thuỷ tạ, huỷ vườn hậu phố mà chẳng cần ngựa hay, bỏ việc đặt giá mua để thư sự đau khổ cho dân, xa con hát để sự tăng nghe được đoan chính”. Khi đất nước đã lâm nguy, vua Tự Đức rất lo lắng cho xã tắc, nhưng vì ông không có con, nên lo phần hậu sự cho mình khá đậm; cụ thể là lo xây Khiêm Lăng rất tốn kém. Sau khi xảy ra binh biến Đoàn Trưng, Đoàn Trực, Thân Văn Nhiếp dâng sớ “phê phán kịch liệt” nhà vua và triều đình: “Thần cúi thấy sự thế ngày nay, là thời đại nào ư? Bờ cõi cũ chìm mất, giặc Bắc lan tràn, nắng lụt gió bão, chỗ nào cũng có tai biến sức kiệt, của hết, dân không lấy gì mà sống được. Lại nói kỳ phụ lay động, loạn lạc nổi lên, cái thế an nguy, thực không phải trăm điều lo mà thôi đâu. Thế mà gần đây công việc hậu sự tha hồ xa xỉ không thôi, làm ngôi lăng “Vạn Niên Cơ” so với lăng Thiên Thụ không những tốn gấp 10 lần ; lại ngói đen gửi mua ở Hạ Châu, giáy mỏng làm trò gửi mua ở nước Thanh, giấy bóng đồ uống, nhiều năm phái đi mua sắm, đàn Tây Dương, vải Tây Dương, năm nào cũng có thanh đơn trả tiền. Lại khi tuần hành cung nữ chèo thuyền, đó đều là từ trước tới giờ chưa từng có…. Hoàng thượng ngày thường vẫn mong bắt chước như Văn Đế, thế mà hiện nay hành động lại trái ngược quá, Cho dân lao khổ để làm vui, vung tiền của để làm thích. Cốt vượt khuôn phép trước, để kheo mẽ sau này …” Vua Tự Đức đọc sớ của Thân Văn Nhiếp, không bắt tội mà còn nói: “Lời ngươi thống trách, đều là lỗi của Trẫm vậy, sai Viện thần mật chép để biết”.

Thay lời kết

Hành trạng của danh thần Thân Văn Quyền đã tỏ rõ ông là một nhà nho mẩu mực vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, một nhà giáo có chủ trương cải cách đương thời và đã làm không tiếc sức cho việc cải cách ấy. Cũng qua việc thưởng phạt Thân Văn Quyền cũng thấy tài lãnh đạo đất nước của vua Minh Mạng. Thân Văn Quyền đã có ảnh hưởng khá sâu đậm trong nội bộ vua quan Triều Nguyễn trên phương diện thân dân và thực dụng. Về văn hoá, Thân Văn Quyền đã góp phần hun đúc tâm hồn và tài năng cho hai nhà thơ lớn, thuộc hoàng tộc là Thương Sơn Tùng Thiện Vương, Vỹ Dã Tuy Lý Vương. Cũng qua nghiên cứu hành trạng của ông, chúng ta cũng rút bài học sử dụng nhân tài trong trị quốc; nếu dùng đúng năng lực thì người làm quan sẽ phát huy tối đa sở trường, nếu dùng không đúng việc thì bề tôi dễ mắc sai lầm. Thân Văn Quyền là một nhà giáo dục, làm việc rất có hiệu quả ở Quốc tử giám, ở Dưỡng Chánh Đường, Quãng Phúc Đường nhưng qua làm kinh tế ở Bộ Hộ thì bộc lộ sở đoản. Thật vậy, khi giữ chức Thị Lang Bộ Hộ, ông không quen quản lý kinh tế nên bị đồng liêu qua mặt, hoặc chưa nắm được mánh lới của những người thợ đúc tiền…dám tâu vua giảm tội cho kẻ gian nên phải bị giáng chức nặng. Trãi qua bao cuộc bể dâu ông vẫn ung dung sống đời dật sĩ, giỏ cơm bầu nước, vui với đạo, không màng danh lợi, không bon chen chốn trường thi theo thói thường. Khi được tiến cử ra làm quan, thì đem hoài bão, sở học để thi thố, giúp vua, giúp nước, giúp dân. Với tư tưởng thân dân, ông luôn đứng về phía dân để tâu lên nhà vua những điều lợi cho dân, làm gạch nối càng ngày càng ngắn lại giữa hoàng phái với nhân dân. Xin trích lại những câu đối do Tùng Thiện Vương viếng Thầy giáo Thân Văn Quyền, còn ghi trong sử sách, trong nhà thờ ông ở Cửa Sĩ :

“Đạo Vị Tiên Sinh Thủ
Danh Tòng Hậu Bối Khoa”

(Đạo đức thì tiên sinh giữ,
Danh tiếng thì hậu bối suy tôn)

Tài liệu tham khảo :

Các gia phả họ Thân, Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Phủ Biên Tạp Lục.

Trần Viết Điền