Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn:

"Nghệ thuật không có giấc ngủ đông!"

“Dân tộc ta có nhiều phẩm chất văn hóa rất cao quý, trong tâm trạng truyền đời có một cảm hứng vì đại nghĩa và một tâm thế khoan dung. Đừng để cảm hứng vì lợi nhuận có cội nguồn từ văn hóa phương Tây hủy hoại bào mòn những cái đó, nuôi lớn những phẩm chất nhược tiểu vốn tiềm tàng trong tâm trạng đó, để rồi tự ti dân tộc, vì chút vật chất mà coi rẻ cả những vốn liếng văn hóa nhân sinh từng đem lại sức mạnh vĩ đại cho cha ông.”

PV: Theo anh, trong 1 tiếng đồng hồ trên truyền hình thì Đỗ Minh Tuấn sẽ nói về vấn đề gì: cải cách hành chính, tham nhũng, đạo đức, sự giả danh của nghệ sỹ… Anh muốn nói về vấn đề gì?

Đỗ Minh Tuấn (ĐMT): Cho tôi nói một tiếng kia à? Vậy thì tôi sẽ nói về ẩn dụ của chủ nghĩa tư bản và cảm hứng sống của con người Việt Nam truyền thống. Câu chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa, hay căn cước tinh thần gì gì đấy không phải là chuyện những câu nói đầu lưỡi, mà nó liên hệ với các bậc thang giá trị, các tiêu chuẩn hành vi, rồi thì những lối sống của con người. Những thứ đó không phải sách vở đâu, nó liên quan xa gần đến ổn định của xã hội và cảm giác hạnh phúc của con người trong xã hội đó.

Ẩn dụ chính của chủ nghĩa tư bản là xem thế gian như một thị trường, tất cả nhà cửa đất đai, ngai vàng, linh hồn, thần thánh... đều có thể đem ra mua bán được. Nhưng khi ẩn dụ đó được truyền vào thế giới thứ ba thì nó thường gặp trở ngại liên quan đến bản sắc. Vì mỗi dân tộc đều có những ẩn dụ riêng, những cảm hứng sống riêng, nhiều khi phi lợi nhuận và khinh thường lợi nhuận như cảm hứng sống vì đại nghĩa của con người Việt Nam truyền thống. Sống với những ẩn dụ riêng, những cảm hứng sống của cộng đồng mình, con người vừa cảm thấy cuộc đời trở nên có ý nghĩa và đầy sinh khí, lại vừa thấy chật chội và tù túng, muốn cải cách, đổi thay. Quá trình đổi mới giao lưu văn hoá sẽ dần dà tạo ra những canh tân văn hoá, những cấu trúc tinh thần mới được cộng đồng tự nguyện chấp nhận vì nó hoà hợp cả truyền thống và đổi mới, nó vẫn là một phương cách riêng của cộng đồng nhằm mở rộng và phát triển thế giới biểu trưng và ý nghĩa của chính mình. Nhưng những sứ giả của chủ nghĩa tư bản không chấp nhận những bước đi chậm chạp vòng vo ấy, nó phải áp đặt qua công nghệ và truyền thông cái ẩn dụ của chủ nghĩa tư bản vào các cộng đồng để đưa hàng hoá lên ngai vàng. Cách hiệu quả nhất là nuôi dưỡng cảm hứng về lợi nhuận và cảm hứng hưởng thụ để nó trở thành cảm hứng sống của mọi cộng đồng. Vì thế, truyền thống và bản sắc luôn luôn đối trọng với phát triển, ta phải lưu tâm hơn tới vấn đề này. Dân tộc ta có nhiều phẩm chất văn hoá rất cao quý, trong tâm trạng truyền đời có một cảm hứng vì đại nghĩa và một tâm thế khoan dung. Đừng để cảm hứng vì lợi nhuận có cội nguồn từ văn hóa phương Tây hủy hoại bào mòn những cái đó, nuôi lớn những phẩm chất nhược tiểu vốn tiềm tàng trong tâm trạng đó, để rồi tự ti dân tộc, vì chút vật chất mà coi rẻ cả những vốn liếng văn hóa nhân sinh từng đem lại sức mạnh vĩ đại cho cha ông. Tuy nhiên, tôi sẽ không đề cập đến vấn đề bản sắc từ góc độ bảo thủ.

PV: Liệu chúng ta có nhấn mạnh quá vấn đề bản sắc mà không trở thành bảo thủ?

ĐMT: Nếu đối lập truyền thống với đổi mới để dùng cái này ngáng chân cái kia thì sẽ bảo thủ, nhưng nếu tìm được cách kết hợp hài hoà hai thứ đó thì sẽ không bảo thủ. Chính công cuộc toàn cầu hoá và cách mạng viễn thông giúp cho các dân tộc chia sẻ tâm trạng riêng và ẩn dụ riêng của mình với nhân loại. Nó cho tôi nói một giờ những chuyện chỉ nói ở quán bia, xó xỉnh kia mà! Nhờ Tivi mà nhiều người biết mặt tôi đấy! (cười) Tôi dại gì mà phản đối toàn cầu hoá và công nghệ hiện đại. Toàn cầu hoá và công nghệ hiện đại giúp các dân tộc đưa các sản phẩm văn hoá của mình xâm nhập sâu rộng vào thế giới. Vấn đề là làm sao để chúng ta không bị Tây hoá mà hình thành được một bản sắc xuyên quốc gia. Như người Nhật đấy, họ đã thành công trong việc đưa nhạc Rock sang Âu Mỹ, họ sáng tạo được một nhân vật Doremon mang bản sắc Nhật xâm nhập vào các dân tộc khác, chẳng thua gì anh chàng cao bồi trong phim Mỹ trước đây. Vì sao Doremon làm được thế? Vì nó đã mang trong mình cả bản sắc Nhật Bản và cả sự hiểu biết và cảm thông văn hoá khi xuất hiện trên màn ảnh nhỏ của các dân tộc khác. Vấn đề làm thế nào để Việt nam có thể hình thành bản sắc xuyên quốc gia? Văn học nghệ thuật có thể được nhìn nhận như một cái gì quan trọng hơn mấy trò giải trí, để mà biết định hướng đầu tư cho nó hay không? Nhiều chuyện lắm...

PV: Trong đời sống hiện đại, có cảm giác nhiều văn nghệ sỹ làm những việc “quá xa” với đời sống văn hoá này nhưng vẫn giữ “cái áo” bản sắc văn hoá dân tộc. Họ coi đó như “con bài” có thể chìa ra và có thể làm mọi thứ. Vậy khi nào có thể xác định đâu là bản sắc văn hóa dân tộc, đâu là cái giả danh?

ĐMT: Khi ta nói bản sắc văn hóa dân tộc là nói đến những cái xao xuyến không thể dập tắt trong tâm hồn người VN. Còn nếu bản sắc mà gây cho con người cảm xúc chơi vơi, buồn bã, mất hướng, vô nghĩa, tự tử… thì cần phải lưu ý cái bản sắc đó. Đúng như anh nói hiện nay người ta cứ chìa bản sắc ra như con bài để làm mọi thứ. Việc xây dựng hệ thống loa phường, hay quét vôi chùa loè loẹt không thể coi là phát huy bản sắc dân tộc được.

PV: Anh là đạo diễn và nhà thơ, vậy thì nền điện ảnh, thơ ca của ta bây giờ bản sắc văn hóa Việt được thể hiện thế nào?

ĐMT: Người Việt Nam bao đời nay quan tâm đến cái gì là tiêu chí quan trọng nhất để xác định bản sắc trong một tác phẩm. Nếu tác phẩm đưa người đọc, người xem đi đến tâm quyển của người Việt, quan tâm đến giá trị và ý nghĩa cuộc sống theo cách cảm cách nghĩ của người Việt thì cái đó có bản sắc.

PV: Bạn đọc VieTimes khi đọc đến đây sẽ rất dễ liên tưởng Đỗ Minh Tuấn cũng né tránh vòng vo giống nhà văn Bảo Ninh. Đời sống văn học thơ ca hiện đại có bản sắc hay không? Đó là một câu hỏi không trả lời “rõ ràng” được sao!

ĐMT: Tôi không né tránh. Tôi có chính kiến và thẳng thắn đặt mọi vấn đề lên bàn. Cái gì tôi cũng muốn nói chính kiến và xã hội sẽ đánh giá. Nhưng trả lời câu hỏi kiểu này giống như tích vào đáp án A hay B trong các show game, nhiều khi may thì đúng chứ không phản ánh bản chất sự hiểu biết. Tuy nhiên nếu đã hỏi dồn như vậy thì tôi có thể nói thẳng rằng theo cách định nghĩa tôi vừa nói thì nhiều tác phẩm thơ ca và điện ảnh Việt Nam có bản sắc dân tộc. Tuy nhiên trong thơ ca hiện đại có tình trạng mượn hồn.

PV: Ngày xưa khi làm thơ anh rất có khát vọng. Anh từng có ước mơ làm thơ đoạt giải Nobel, nhưng điều gì đã làm dìm chết ước mơ đó của anh?

ĐMT: Sao anh lại khẳng định ước mơ đó đã chết? (cười) Tôi đã làm thơ với cảm xúc tuôn trào, có khi làm một ngày cả chục bài thơ, nằm trên giường viết vì nhà chật quá, có hơn mười mét vuông, lại hay ngập nước mưa lõng bõng. Bài thơ Mẹ tôi người hay lo được giải Nhất thi thơ Báo Văn nghệ cũng là viết trên giường, viết liền một mạch trong một buổi tối. Năm 1992 tôi đã cho xuất bản liền 4 tập thơ, tổng cộng gần 600 trang. Thời sinh viên GS Lê Đình Kỵ đã đưa thơ tôi cho các nhà thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên định giới thiệu một trang trên báo Văn nghệ với bài viết của ông. Nhưng Xuân Diệu bảo là nó mới hai mươi tuổi mà đã suy tư như một ông già nên Văn Nghệ lại thôi. Sau đó, tôi cũng được Giải Nhất thi thơ báo Văn nghệ và nhiều giải thơ hay khác. Nhà phê bình Đặng Tiến ở Paris đã viết: “Tuấn làm mới ngôn ngữ hội hoạ cũng như đã làm mới ngôn ngữ thơ ca. Cả thơ và hoạ đều tài tử, tài hoa, mơ mộng và giàu suy tưởng”. Nhà thơ Hữu Thỉnh tuyên bố rõ với tôi mấy lần là nếu có một người thuộc lứa thơ thập kỷ 80 Hữu Thỉnh cần ngả mũ kính chào thì đó là Đỗ Minh Tuấn. Gần đây nhất, có một độc giả là anh Phạm Lưu Vũ khen thơ tình của tôi không kém Tagore. Cũng oách đấy chứ! (Cười). Thế nhưng tôi ít được các nhà phê bình lăng xê đánh giá trên báo lắm. Khi tổng kết một giai đoạn thơ ca, hầu như người ta chẳng nhắc đến tôi, ông Hữu Thỉnh cũng chẳng bổ sung khi biên tập. Khi lứa thơ của Thiều, Quyến... phát triển thì tôi cảm nhận được sự mới mẻ, xanh tươi của cảm xúc và liên tưởng trong thơ họ. Có lẽ vì tôi vào “cơn phê bình”, nhập hồn vào những cái hay của người khác, nhất là thơ trẻ, để giải mã cái hay của họ, nên muốn có cảm xúc mới, muốn vượt lên mình. Tự nhiên thấy thơ mình cần phải xanh hơn, mờ hơn, hoang dã hơn, bớt đi những thường trực của tư cách công dân, những ý tứ rạch ròi và những nỗi đau day dứt ngày xưa. Từ đó mình tự chán mình trong cảm xúc, có nhu cầu muốn trẻ lại, muốn đổi thay thi pháp, để mới hơn nữa, hay hơn nữa. Thế rồi thời thế đổi thay, công việc khác cuốn đi, cảm xúc mới chưa chín muồi nên thơ tạm “ngủ đông” từ ngót chục năm nay.

PV: Rất nhiều nhà thơ đột ngột có “nhu cầu” viết phê bình. Anh cũng đã viết rất nhiều tiểu luận về thơ hiện đại. “Nhu cầu” đó là nhu cầu thực sự hay sao?

ĐMT: Đúng vậy. Trước những bài tiểu luận giải mã thơ hiện đại, tôi đã viết những bài thơ dài trong đó có những đoạn day dứt, muốn lột xác về thẩm mỹ và thi pháp. Như bài Bướm thôi miên của tôi in trên báo Văn Nghệ có đoạn:

“Nửa đời mới chớm quên

Chớm lá, chớm lơ mơ không rượu

Đập cánh giấy, con gà thơ rũ bùn nhân thế

Để gáy thu, nghèn nghẹn giọng mơ câm

Nức nở cung trầm

Giọng nhỏ plu

Buồn

Vô ơn

dễ nghe

rồi lảo đảo đi tìm bướm thôi miên

Vẫn tiếc dãy chân dung cụ tổ

Và quê hương thăng hoa dãy tím bìm bìm chữ

Chuối Phật Bà xoè trăm ngón tay xanh”

Đó là sự quằn quại muốn lột xác thoát khỏi con người công dân đấy, muốn trút bớt trách nhiệm lo toan đau đớn nặng nề, để viết cái gì ướt át “lẳng lơ” một tý, điên điên một tý, nhưng mà vẫn cứ dây dưa tiếc nuối cái tâm thế ngày xưa. Nhiều người không hiểu những thôi thúc của con người thi sỹ trong tôi nên khi đọc những bài tôi giải mã thơ trẻ, chia sẻ những cái hay của thơ hiện đại thì cho là tôi ủng hộ phe này, phe nọ. Và họ giận. Rồi nói tôi trên báo rất nặng lời.

PV: Ông đã đọc tập thơ mới gần đây của nhà thơ Phan Thị Vàng Anh, có tên là “Gửi VB”?

ĐMT: Tập thơ này tôi chưa đọc. Gần chục năm nay tôi xao nhãng đọc thơ. Nhưng đọc trích dẫn trên báo thì cũng thấy có mấy câu thú vị.

PV: Con đường của các nhà thơ rất lạ. Mới đầu vào làm thơ có những giấc mơ rất lớn nhưng giấc mơ nhỏ dần, rồi giải thưởng tỉnh, hội. Và có người nói với tôi rằng chỉ mong sau khi chết con cháu nhớ được một câu thơ của mình thôi. Vậy thế hệ làm thơ của anh, anh còn hy vọng vào tác giả nào?

ĐMT: Hy vọng sẽ có tác phẩm lớn ư? Tôi chẳng…

PV: Trước đây Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã có bài viết Trò chuyện với Hoa thuỷ tiên gây nhiều phản ứng. Anh nghĩ thế nào về bài viết này và những đánh giá của Nguyễn Huy Thiệp về các nhà thơ hiện đại? Anh lý giải thế nào về tiểu thuyết ba xu của Nguyễn Huy Thiệp ?

ĐMT: Tôi chưa đọc cuốn nào. Nhưng anh ấy đã nói trên báo rồi đấy, nói trong một bài phỏng vấn đại ý đó là mẹo của anh ấy thôi.

PV: Anh nghĩ đó là mẹo gì?

ĐMT: Tôi làm sao mà biết Nguyễn Huy Thiệp toan tính những gì. Nhưng đọc những câu trả lời phỏng vấn trên báo dịp được Pháp trao huân chương gì đấy, tôi đoán rằng đó là mẹo thông báo về “cái chết văn chương”. Nguyễn Huy Thiệp có nhiều mưu, nhưng cũng biết giữ gìn tư cách. Thế là Thiệp viết tiểu thuyết ba xu. Bằng hành động ấy, Thiệp kêu lên: “Con người văn chương của tôi đã chết rồi, đang thối rữa ra đây!”. Nhưng tôi không nghĩ sự nghiệp văn chương của Thiệp kết thúc bằng tiểu thuyết ba xu. Ấy là tôi suy đoán ra như vậy. Tôi linh cảm là sau này Thiệp vẫn sẽ tung ra những tác phẩm hay.

PV: Nhìn một cách đại quát, anh có thể chỉ ra ba cản trở lớn khiến các nhà văn Việt Nam chưa có tuyệt tác để đời?

ĐMT: (Im lặng)

PV: Anh đang “uốn lưỡi” trước khi nói?

ĐMT: Không phải. Tôi chưa nghĩ đến vấn đề này, song tôi có tiềm năng để hình thành các câu trả lời. Nhưng tôi phải nghĩ...

PV: Anh cảm thấy còn nhiều hơn ?

ĐMT: Đúng. Nhiều chứ không phải ba!

PV: Phải chăng Nhà thơ, đạo diễn, nhà phê bình Đỗ Minh Tuấn đang cân nhắc các quan hệ cá nhân để trả lời?

ĐMT: Khi đối diện với một vấn đề học thuật, không bao giờ tôi nghĩ đến anh A, anh B. Khi tôi đã nghĩ vấn đề đó là đúng thì thế giới cháy lửa tôi vẫn lao vào khẳng định điều tôi tin là đúng. Vì thế đừng đánh giá tôi theo kiểu cân nhắc hay ngoại giao. Nếu tôi trả lời có vế này vế kia thì chẳng qua tôi đang tránh chủ quan, phiến diện. Trước đây tôi hay nói kiểu nghệ sỹ, ném ra một ý không toàn diện, gây được ấn tượng nhưng làm tổn thương người khác hoặc uy tín học thuật của họ. Như thế không công bằng. Bây giờ tôi đã biết cân nhắc, suy nghĩ trước khi nói. Khi nghĩ xong, tôi điểm huyệt nào thì chắc chắn trúng huyệt đó.

Tử huyệt thứ nhất, về mặt tư duy, nhiều nhà văn Việt nam chưa thoát khỏi sức hút của tư duy khái niệm. Hình tượng chưa đủ sức sống riêng để thăng hoa độc lập mà thường bị trở thành hình nộm múa may theo sự giật giây của ý tưởng. Hình tượng chỉ là con rối thể hiện một ý nghĩ nào về lý luận, chính trị, triết học chứ chưa phải thoát thai từ một dòng chảy sáng tạo mãnh liệt mà mình không thể đuổi kịp. Với các ngòi bút tài năng hình tượng thường có sức sống riêng, lôi nhà văn theo. Hình như Tolstoi từng ngẩn ngơ thông báo với bạn là nhân vật của ông vừa bị chết rồi, chết mà ông không biết trước. Ông không định cho nó chết, nhưng đến lúc ấy nó phải chết, vì nó có một số cuộc sống ngoài ý muốn của nhà văn. Nhà văn của ta mạnh quá, họ cai quản toàn bộ thế giới chữ nghĩa, nhân vật theo một trật tự, một ý đồ. Họ thiếu độ yếu ớt, mong manh để có thể bị hình tượng lôi đi. Họ đối xử với hình tượng như một ông chủ nghiệt ngã. Đó gọi là tính thực dụng chính trị hay là quyền lực của tác giả. Nó chỉ cho ra những tác phẩm đúng mà không cho ra những tác phẩm hay. Nó còn cho ra những tác phẩm sơ lược khi nhà văn lùa chất liệu đời sống vào trong những khuôn ý tưởng để làm ra những tác phẩm có tính luận đề. Các tác phẩm kiểu này thường thiếu cảm xúc, thiếu một sự dầy dặn, đa chiều. Logic đời sống và tâm lý nhân vật bị phương hại. Tác phẩm trở thành một thứ hàng mã triết học hay ngụ ngôn chính trị.

Tử huyệt thứ hai là tình trạng vô hồn hoặc mượn hồn. Khi chưa có những cảm xúc mới từ máu thịt mà nhà văn cứ cố học theo những hình thức tân kỳ, làm xiếc hình tượng và câu chữ, thì sẽ dẫn đến những tác phẩm không có hồn vía hoặc lai căng kệch cỡm. Những loại văn chương này xuất hiện nhiều trong thời đổi mới, nó giống như những que hương giả bằng nhựa có bóng điện bên trong để tạo ấn tượng về tàn hương đang cháy, nhưng chẳng có mùi thơm.

Tử huyệt thứ ba là nôn nóng, thiếu bản lĩnh tự tin trong sự hoài thai. Vì sốt ruột, háo danh, hay muốn chia sẻ sớm do sự thôi thúc của tính bầy đàn nên nhiều nhà văn không kiên nhẫn chịu sự ủ men trong tâm hồn để đủ sức tạo nên những tác phẩm lớn mà luôn luôn đẻ vội, đẻ non. Xuất bản miệng, hay viết được vài chương đã vội cho in báo. Những nhà văn như thế thiếu một sự đơn độc cần thiết của tài năng lớn. Họ cũng là những kẻ hiếu thắng, giống như Trạng Quỳnh chỉ vẽ vội mười con giun đơn giản để mau thắng cuộc, chứ không vẽ cho kỹ một con rồng.

Nhóm phóng Viên Vietimes thực hiện