PHỎNG VẤN MỘT PHI CÔNG CẢM TỬ NHẬT BẢN

Hình bên: máy bay Kamikaze mang bom tự sát lao xuống tàu chiến Mỹ

Tạp chí Aeroplane của Anh Quốc số tháng 4.2003 có đăng bài của Nick Stroud phỏng vấn Muraoka Hideo, nguyên là sĩ quan chỉ huy một phi đội đặc công Kamikaze đánh bom tự sát từng chiến đấu trong Đại chiến II hiện còn sống.

Cũng như mọi thiếu niên Nhật khác, từ nhỏ Muraoka đã được gia đình giáo dục theo tinh thần Võ Sĩ Đạo vô cùng khắc nghiệt nhằm rèn được ý chí ngoan cường và tinh thần bất khuất. Năm 14 tuổi, Muraoka vào học trong một trường lục quân. Năm 1939, khi tốt nghiệp anh lại được trường hàng không Topu tuyển vào học, đào tạo nghề lái máy bay. Muraoka kể: “Tôi trở thành ngưới lái máy bay hoàn toàn chỉ vì tôi không muốn lăn lê bò toài trên đất bùn như lính bộ binh. Tôi thích bay trên bầu trời. Nhưng về sau, khi hiểu được nhiệm vụ nặng nề của một phi công chiến đấu, tôi đã ân hận vì sự lựa chọn của mình.”

Tốt nghiệp trường hàng không, Muraoka được điều sang Đài Loan (hồi đó bị Nhật chiếm) phục vụ trong trung đội máy bay số 4 thuộc lục quân, với quân hàm thượng úy. Thời gian đó, cuộc chiến tranh Thái Bình Dương do phát xít Nhật gây ra đang diễn ra ác liệt. Năm 1943, quân đội Mỹ tấn công chiếm đảo Guadalcanal và sau đó bắt đầu phản công trên khắp các mặt trận. Quân đội Nhật co về phòng ngự.

Ngày 23 tháng 3. 1943, Muraoka được điều về Nhật, chỉ huy tiểu đội không quân 3 thuộc trung đội 224 đóng ở gần thủ đô Tokyo. Thời gian ấy, anh chủ yếu làm nhiệm vụ đào tạo phi công mới, đồng thời trực chiến bảo vệ Tokyo. Sau này, khi được hỏi về công việc đó, Muraoka nói: “Ông Eisenhower từng nói, thành tích chiến đấu lớn nhất của một chiến binh là bảo vệ được tính mạng của đồng đội mình. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó. Trong việc đào tạo phi công, tôi chủ yếu dạy họ biết cách tự bảo vệ mình và yểm hộ đồng đội. Phải thừa nhận là tôi vô cùng nghiêm khắc trong công tác huấn luyện, nhưng yêu cầu càng nghiêm thì tôi càng cứu được tính mạng của họ trong các cuộc chiến đấu sau này. Thực tế chứng tỏ cố gắng của tôi là rất có hiệu quả. Các phi công từ trung đội 224 sau khi đưa về các đơn vị khác đều trở thành những phi công cừ nhất. Về sau, trong các trận không chiến đánh máy bay ném bom B-29 của Mỹ, họ đã thể hiện rất xuất sắc.”

Ngày 18 tháng 10.1943, Muraoka sang Đài Loan làm sĩ quan chỉ huy trung đội máy bay 20 đóng ở Đài Bắc. Tại đây, Muraoka được lái loại máy bay anh ưng ý nhất trong đời mình – máy bay chiến đấu Chim Cắt Nakajima-1, không quân Mỹ thường gọi là “Oscar”. Loại máy bay này ngày ấy đã có chút lỗi thời, song nó cực kỳ gọn nhẹ, tính năng thao tác cực tốt. Cho tới nay, Muraoka vẫn cho rằng trong các trận không chiến, tính năng thao tác tốt, cơ động là điều quan trọng nhất. Phóng viên hỏi đùa Muraoka là anh có thích trang bị máy bay kiểu Zero cho trung đội mình không, thì Muraoka kiên quyết trả lời “Không bao giờ ! Chim Cắt là máy bay tốt nhất. Zero được thiết kế riêng để cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay, do đó nó phải có thêm một số trang bị khiến nó nặng hơn Chim Cắt."

50 năm sau ngày chấm dứt chiến tranh, Muraoka chịu khó đi xa 5500 km đến tận Viện Bảo tàng máy bay chiến đấu Wanaca tại New Zealand để dự cuộc họp mặt của các cựu phi công Đại chiến II. Khi thấy trong Viện Bảo tàng có cả một chiếc Chim Cắt thân yêu, Muraoka đã rưng rưng nước mắt khóc mãi.

Ngày 23 tháng 10 năm 1943, tức ngày đầu tiên nổ ra trận hải chiến ở vịnh Leyte, Muraoka cùng trung đội 20 nhận lệnh khẩn cấp di chuyển sang Philippines. Trận Leyte được coi là trận quyết định chiến tranh Thái Bình Dương. Tình hình lúc ấy đã rất rõ ràng là Nhật sẽ mất Philippines. Toàn trung đội vô cùng tuyệt vọng.

Muraoka nhớ lại: “Khi tôi chuyển sang trung đội 20, chất lượng các phi công Nhật bấy giờ đã rất kém, trong số 50 phi công trung đội tôi chỉ có 15 người thích hợp với không chiến. Trung đội tôi có 30 máy bay, trong đó chỉ có 2/3 dùng được. Tôi thật sự không thể diễn tả được sự tuyệt vọng của mình. Trong lúc đó máy bay của Mỹ nhiều gấp 10 lần chúng tôi. Một lần bay trinh sát, tôi đếm số tàu chiến hai bên đang giao chiến trên vùng biển, phía Nhật có 10 tàu, còn phía Mỹ thì sao ? Tôi đếm đến 300 thì ớn quá, quyết định không đếm nữa.

Một sĩ quan Nhật tự sát năm 1945

Trong tình hình tuyệt vọng như vậy, Bộ Thống soái Nhật quyết định dùng cách đánh tự sát. Họ tuyển mộ các phi công sẵn sàng chiến đấu theo kiểu lao máy bay vào mục tiêu của địch. Người ta thành lập các phi đội Kamikaze, tức Thần Phong (Thần Phong là tên người Nhật gọi cơn bão đã đánh chìm toàn bộ hạm đội của Mông Cổ trên đường vượt biển sang tấn công Nhật năm 1281). Trận ra quân đầu tiên của các phi công Kamikaze là ngày 25/10/1944. Từ đảo Saipan, 6 chiếc máy bay kiểu Zero của hải quân cất cánh mang đầy bom lao vào các tàu sân bay Mỹ. Từ đó cho đến hết chiến tranh, hơn 2200 phi công Kamikaze Nhật đã cất cánh mà không bao giờ trở về.

Trung đội 20 của Muraoka cũng được chọn làm đội đặc công Kamikaze. Muraoka kể: “Mới đầu người ta chọn các đội viên Kamikaze từ trong nước, sau đó mới đưa sang Philippines chiến đấu. Về sau, do tình hình ngày một xấu, Bộ Thống soái quyết định trực tiếp chọn ngay từ các trung đội không quân ngoài mặt trận. Là chỉ huy trung đội 20, tôi có nhiệm vụ chọn các phi công đặc công Kamikaze trong trung đội mình và hộ tống họ lao vào các tàu sân bay Mỹ.”

Với một tâm trạng vô cùng nặng nề, Muraoka nhớ lại việc lựa chọn đó: “Trước tiên, tất cả các đội viên trong trung đội đều phải điền vào một biểu bảng in sẵn, trong đó chỉ có 3 sự lựa chọn – “Tôi hoàn toàn đồng ý”; “Nếu là bất đắc dĩ, tôi đồng ý”; “Tôi không muốn tham gia”. Là sĩ quan chỉ huy, tôi không phải điền vào bảng này, nhưng tôi biết mình có nhiệm vụ quyết định cuối cùng chọn ai thi hành nhiệm vụ đánh bom tự sát. Hầu như tất cả các phi công đều điền “Tôi hoàn toàn đồng ý”. Tôi thừa biết, trước đó toàn bộ số phi công “tự nguyện” này đều đã được tẩy não bằng tinh thần Võ Sĩ Đạo. Phi công lái máy bay Zero nổi tiếng nhất toàn nước Nhật là Sakai cho rằng việc chọn đội viên đặc công Kamikaze là một hình phạt tàn khốc đối với các phi công. Tôi thì cho rằng đấy là sự lãng phí phi công.”

Khi phóng viên hỏi Muraoka sự việc nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất thời ấy, thì Muraoka nói: “Đối với tôi, việc khó khăn nhất là lựa chọn ai làm đội viên đặc công Kamikaze. Nên nhớ rằng tất cả họ đều là những chàng trai tuổi đôi mươi; tôi lúc ấy cũng mới có 25 tuổi, còn quá trẻ mà đã phải đảm đương một trách nhiệm lớn lao như vậy. Khi tôi đọc tên các đội viên được chọn làm đội viên đặc công Kamikaze, các chàng trai ấy đều tỏ ra vô cùng bình tĩnh, rất khó có thể thấy nét đau khổ xuất hiện trên mặt họ, lại càng không có ai kháng lệnh. Có điều, họ càng bình thản như thế thì tôi lại càng đau lòng.”

Nhằm để các bạn trẻ thời nay hiểu được quãng lịch sử rất khó chịu khi phải nhớ lại ấy, Muraoka năm 1982 đã viết xong cuốn hồi ký Đội Chim Cắt đặc nhiệm. Rất tiếc là sách này chưa dịch ra tiếng Anh, và vừa in ra đã bán hết ngay không thể tìm đâu ra.

Sau đấy, chúng tôi trò chuyện về việc chiến đấu bảo vệ vùng trời nước Nhật. Muraoka nói: “Hồi ấy tôi rất thích lái chiếc Chim Cắt bay một mình, vì lúc ấy ai cũng chỉ lo cho bản thân. Sau các lần giao chiến với máy bay Mỹ, tôi rút ra được một số kinh nghiệm: phi công Mỹ thường thích tập kích các máy bay Nhật bay một mình. Trong hầu hết các lần giao chiến, tôi đều chỉ gặp loại máy bay Tia Chớp kiểu P-38 và Mèo Địa Ngục kiểu F6F. Vì Chim Cắt hỏa lực yếu nên khi gặp các máy bay Mỹ mạnh hơn, nói chung các phi công Nhật không có lựa chọn nào khác là chạy trốn. Nhưng tôi thì thường tích cực chống trả, tôi bao giờ cũng chặn đầu địch và quần nhau với chúng. Thực ra tại Miến Điện tôi thích chọi nhau với các phi công Anh Quốc hơn, vì họ giỏi hơn phi công Mỹ."

Hiện nay Muraoka vẫn chưa thể nhớ chính xác con số máy bay địch mình đã bắn hạ, nhưng nhớ rõ là trong số đó có 2 chiếc F6F và 1 chiếc P-38.
“Ngày 15 tháng 8 năm 1945, khi đang ở Đài Loan, tôi nghe Thiên Hoàng Hirohito tuyên bố (trước đây Thiên Hoàng chưa bao giờ nói ở nơi công cộng) tin Nhật đầu hàng. Khi ấy tôi không lấy làm ngạc nhiên lắm mà chỉ đờ người ra, vì từ lâu tôi đã biết Nhật đầu hàng chỉ là chuyện thời gian mà thôi.

Với tôi, mọi chuyện bây giờ đã chấm dứt.”

Nguyễn Hải Hoành (tổng hợp từ báo nước ngoài)