Chụp ảnh đẹp bằng điện thoại di động

Khi chụp ảnh, hãy giữ chắc chắn máy ảnh, không để rung. Thấu kính của camera ĐTDĐ rất nhỏ, rất nhạy nếu bị rung lúc chụp, khi đó, những bức ảnh có được sẽ rất mờ.

Có 2 cách để cải thiện điều này. Thứ nhất, chụp các bức ảnh trong điều kiện có ánh sáng tốt, camera sẽ chụp nhanh hơn, ít mất thời gian để điều chỉnh ảnh, và người dùng cũng không cần giữ tay lâu, tránh bị rung. Thứ hai, bạn cần giữ camera thật chắc chắn.

Không chụp ngược sáng

Chú ý để không bị ngược sáng, nguồn ánh sáng phát ra cần nằm xuôi theo hướng chụp ảnh. Với điện thoại camera, bạn phải đặc biệt lưu ý nguồn ánh sáng chính khi chụp ảnh.

Với máy ảnh kỹ thuật số thông thường, có thể bổ sung ánh sáng bằng đèn flash. Tuy nhiên điện thoại chụp hình thường có ít máy được trang bị đèn flash, vì vậy xem điều chỉnh ánh sáng hợp lý, đúng hướng sẽ có những bức ảnh tốt hơn.

Nên chụp cận cảnh

Camera điện thoại thường có độ phân giải thấp, do vậy nếu chụp xa, lấy ảnh rộng, đối tượng mà bạn muốn chụp sẽ bị mờ. Không nên dùng zoom, bởi độ phân giải giảm, ảnh sẽ rất mờ.

Khi chụp ảnh, nên chú ý tư thế đối tượng và đưa máy xuống khi bức ảnh đã hiển thị trên màn hình. Camera điện thoại có tốc độ chậm nên bạn không thể chụp ảnh liên tiếp. Bạn nên xem xét cẩn thận tư thế đối tượng, không nên nóng vội. Khi chụp, hãy để các bức ảnh hiển thị trên màn hình rồi mới dừng lại. Không nên hạ máy ảnh nhanh, không lấy nét kịp khiến ảnh bị nhòe.

Biên tập lại ảnh

Để có một bức ảnh đẹp, bạn bên biên tập lại ảnh trên điện thoại, hoặc tốt nhất là trên máy vi tính. Một vài điện thoại có chức năng chỉnh sửa hình ảnh. Nếu không, bạn có thể tải các bức ảnh vào máy tính, dùng các phần mềm để chỉnh sửa lại.


Chụp hình với nhiều góc độ khác nhau. Ảnh: Hoàng Hà

Để chụp được những bức ảnh đẹp, bạn nên cầm chắc máy, điều chỉnh ánh sáng và chụp cận cảnh, chụp nhiều ảnh. Ngoài ra, cũng nên tuân thủ nguyên tắc một phần ba. Chụp ảnh từ camera của điện thoại di động là một thách thức bởi một phần do độ phân giải và chất lượng ống kính của nó thường thấp. Tuy nhiên, với một chút hiểu biết, bạn vẫn có thể chụp được những bức ảnh có chất lượng hình ảnh tốt.
Có một lưu ý nhỏ, màn hình điện thoại thường không hiển thị hình ảnh đẹp bằng máy tính nên cũng đừng thất vọng vì hình ảnh không đẹp. Trước hết hãy tải vào máy tính để xem qua trước khi in, hoặc chỉnh sửa trên PC. Việc chỉnh sửa trên điện thoại không phải là giải pháp tối ưu.

Xem xét cẩn thận tư thế đối tượng. Ảnh: Hoàng Hà.

Lau sạch ống kính trước khi chụp

Một vài điện thoại có ống kính khá bé và không có nắp đậy nên ống kính dễ bị bụi ngay cả khi để trong túi áo, túi quần hay bao da. Bạn nên dành thời gian lau sạch ống kính thường xuyên để bảo vệ ống kính.

Độ phân giải

Hãy để ảnh ở độ phân giải lớn nhất, để có thể chỉnh sửa và có chất lượng cao. Một vài điện thoại chụp ảnh cho phép điều chỉnh độ phân giải ảnh. Để độ phân giải thấp thì tiết kiệm được bộ nhớ, nhưng chất lượng hình không cao. Để độ phân giải lớn nhất chất lượng đạt được là tối đa trong phạm vi cho phép của máy ảnh nhưng bù lại sẽ "ngốn" nhiều bộ nhớ. Tuy nhiên, lời khuyên là hãy để độ phân giải ảnh lớn nhất vì những bức ảnh chụp được sẽ dễ in và chỉnh sửa trên máy tính cũng dễ dàng hơn.

Hãy chụp nhiều ảnh một lúc

Nên chụp ở nhiều tư thế khác nhau, sau đó bạn có thể chọn được những bức ảnh ưng ý nhất.

Để nâng cao tay nghề, bạn cũng có thể chụp ở khắp mọi nơi, nhiều góc độ khác nhau. Rèn luyện thật nhiều để biết góc độ thích hợp, và chụp ảnh như thế nào là đẹp nhất.

Nguyên tắc "một phần ba"

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên bạn nên tuân thủ một số nguyên tắc, như nguyên tắc "một phần ba". Tức là không để đối tượng muốn chụp vào giữa bức ảnh (1/2) mà hãy tưởng chia màn hình thành 3 phần dọc và 3 phần ngang. Khi đó, sẽ có 4 giao điểm, hãy đặt các chủ thể, đối tượng vào các vị trí của giao điểm.

Huy Nguyễn (theo Slashphone)