Trang nhà > Lịch sử > Khảo cổ học > Phát hiện mới về đền cổ Ai Cập
Phát hiện mới về đền cổ Ai Cập
Chủ Nhật 20, Tháng Giêng 2008
Mặt tiền ngôi đền
Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra khá nhiều chi tiết quan trọng tại khu vực Đền thờ thần Amun ở Karnak, bao gồm: những bồn tắm dùng trong tế lễ, lối đi vào riêng biệt dành cho vua chúa và tàn tích của một bức tường khổng lồ xây dựng cách đây 3.000 năm để chặn bờ sông Nile vào thời đó.
Những di vật khảo cổ khác bao gồm hàng trăm đồng tiền đồng. Tất cả những phát hiện này khiến cho các chuyên gia phải xem xét lại lịch sử của khu thờ phụng lớn nhất từ thời Ai Cập cổ. Các nhà khảo cổ đặc biệt chú ý vào khám phá về bức tường đê, vì đây là chứng cứ đầu tiên cho thấy dòng sông Nile từng chảy dọc theo Đền thờ.
Khu vực thờ thần Amun-Re này có diện tích khoảng 81 héc-ta gần thành phố Luxor ngày nay và cách sông Nile hiện nay khoảng 200m. Các nhà khảo cổ đã tình cờ phát hiện ra bức tường đê khi đang xây dựng một quảng trường và tiến hành bảo quản gần mặt tiền ngôi đền. Những di vật khác được phát hiện trong quá trình khảo sát bức tường.
Mansour Boraik, Giám sát trưởng thuộc Hội đồng Cổ vật tối cao ở Luxor cho biết: “Khám phá về bức tường không chỉ làm thay đổi quang cảnh của Luxor mà còn làm thay đổi giả thiết của chúng tôi về sự hình thành Luxor và thậm chí là giả thiết về quá trình xây dựng ngôi đền.”
Thay đổi lịch sử
Zahi Hawass, Tổng thư ký Hội đồng cổ vật tối cao Ai Cập, đồng thời là thành viên của National Geographic tại Ai Cập cho biết bức tường sa thạch cao khoảng 7m và rộng khoảng 2.5m nhưng có thể còn cao hơn trong quá khứ. “Đây là bức tường đê lớn nhất từng được xây dựng ở Ai Cập cổ.
Công trình này đặc biệt quan trọng vì nó bảo vệ Đền trước những cơn lũ hàng năm của sông Nile.” Phát hiện tường đê này khiến các nhà khoa học phải xem xét lại những giả thiết về mặt tiền của ngôi đền trong quá khứ.
Những giả thiết về mặt tiền và khoảng sân trước Đền được xây dựng dựa trên những hình vẽ minh họa trong những hầm mộ tư nhân có từ triều đại thứ 18 (1550 – 1295 trước Công nguyên).
Hình vẽ tìm thấy trong hầm mộ của Neferhotep, một viên chức vào thời đó, miêu tả cái hồ chữ nhật lớn phía trước ngôi đền, được nối với sông Nile bằng một kênh đào. Các nhà khảo cổ phát hiện một phần của bức tường lần đầu vào những năm 70 nhưng cho rằng nó thuộc hồ nước trên. Giả thiết này vẫn đứng vững cho đến tháng Giêng hồi đầu năm, một nhà khảo cổ Ai Cập phát hiện một phần nữa của bức tường cách đấy vài mét, quá xa để có thể là một phần của hồ.
Hiện tại các nhà khoa học tin rằng hồ nước xuất hiện trong các bức họa cổ đã bị lấp và người ta đã mở rộng ngôi đền ngay trên hồ nước cũ gần sát bờ sông Nile của cách đây 3.000 năm.
Một cách nhìn mới về Karnak
Giả thiết mới đã được chứng minh bằng những phân tích mẫu trầm tích của chân tường. Kết quả cho thấy sự hiện diện của phù sa và cát ở các mức độ khác nhau, chứng tỏ đã có một dòng nước chảy qua đó.
- Hiện trường khai quật
Dựa trên các hình trang trí và các bức họa trên bức tường, các chuyên gia cho rằng công trình này được khởi công vào triều đại thứ 22 (khoảng năm 945 – 715 trước Công nguyên) và hoàn thành vào giữa thế kỷ thứ IV trước Công nguyên.
W. Raymond Johnson, nhà Ai Cập học thuộc Viện nghiên cứu Phương Đông, Đại học Chicago đã đến nghiên cứu và cho biết khám phá này thể hiện trình độ cao của những người thợ xây Ai Cập cổ. “Họ là những kỹ sư tài năng và thực tế. Họ biết rằng nếu muốn xây dựng một công trình lớn trên bờ sông Nile thì họ cần phải xây một công trình khác gia cố ngay phía trước nó. Điều này cũng giữ cho sông Nile không bị xói mòn.”
Khám phá này hé lộ thêm về thành phố cổ Thebes mà Karnak từng là trung tâm tôn giáo. Nhà khảo cổ Johnson cho biết: “Chúng tôi từng cho rằng quang cảnh của Thebes cổ vẫn không hề thay đổi nhưng bây giờ chúng tôi phải xem xét lại điều đó.”
Những phát hiện mới
Trong quá trình khai quật bức tường, các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra hai bồn tắm công cộng và một chiếc bình chứa hơn 300 đồng tiền có niên đại từ thời Macedonia cai trị Ai Cập, khoảng thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ I trước Công nguyên.
Một bồn tằm khá rộng, hình tròn đã được khai quật hoàn toàn. Đáy bồn được lát bằng gạch khảm và có thể chứa 16 người. Bồn còn lại đang được khai quật và có chỗ ngồi được xây trên những bức tượng cá heo. Hai bồn tắm này được tìm thấy phía ngoài bức tường, và các nhà khoa học cho rằng nó được xây dựng trên bãi phù sa còn lại sau khi sông Nile chuyển hướng chảy về phía tây.
Bình chứa tiền đồng được phát hiện gần bồn tắm và đang được tẩy rửa để nghiên cứu các hình khắc. Trên các đồng tiền là hình vẽ khá giống với vua Macedonia Ptolemy I, II và III.
Những bồn tắm có lẽ được sử dụng với mục đích tẩy uế cho khách viếng đền trước khi đặt chân vào nơi linh thiêng này.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng, có thể có một khu dân cư rộng lớn hơn chưa được khám phá.
Các nhà khảo cổ vẫn đang khai quật một con đường rộng dẫn thẳng vào Đền được khắc tên pharaoh Taharka (hay Taharqa), cai trị Ai Cập khoảng cuối thế kỷ thứ VII trước Công nguyên. Lối đi này là nơi ra vào riêng biệt của nhà vua. Lối đi dẫn ra thẳng sông Nile để Pharaoh có thể vào Đền ngay từ thuyền của mình.
Điều này làm dấy lên khả năng những chiếc thuyền Ai Cập cổ có thể bị chôn vùi đâu đó trong lòng sông trước kia, bao gồm những chiếc thuyền rồng khổng lồ chuyên chở biểu tượng của các vị thần trong các nghi lễ tôn giáo.
Johnson cho rằng một khi sông Nile đã chuyển hướng về phía tây, các thế hệ khảo cổ gia và Ai Cập học có thể sẽ phát hiện thêm nhiều chi tiết khác. “Bất kỳ điều gì vẫn còn nằm dưới lớp đất kia cũng là một món quà vô giá.”
Theo Tuệ Minh (Khoahoc.com)