Trang nhà > Tư duy > Đổi mới > Những người thu thuế cần xem lại cách đầu tư
Những người thu thuế cần xem lại cách đầu tư
Thứ Ba 22, Tháng Giêng 2008
LĨNH VỰC VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
Chủ tịch Hội Nhà văn VN Hữu Thỉnh cho biết: So với 9 năm trước (1998 - 2006), năm 2007 là năm được Nhà nước đầu tư lớn nhất cho hoạt động hỗ trợ sáng tác VHNT. Trong kế hoạch 5 năm (2006 - 2010), Nhà nước dự kiến dành 175 tỉ 260 triệu đồng để hỗ trợ đầu tư các lĩnh vực VHNT thuộc 3 mảng đề tài: Lịch sử, công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, thiếu niên, nhi đồng và dân tộc thiểu số. Trong đó, 10 hội chuyên ngành được phân bổ 91 tỉ 260 triệu đồng, các hội địa phương được 84 tỉ đồng. Mức đầu tư cho 2007 do đó ngoài khoản kinh phí hơn 1 tỉ/năm còn có thêm 1,6 tỉ đồng phục vụ riêng cho việc đầu tư sáng tác.
Việc phân bổ trước nay theo dư luận đánh giá và ông Thỉnh tự nhận là manh mún và dàn trải (không riêng gì ở Hội Nhà văn). Vì vậy, theo ông Thỉnh, 2007 là năm đầu tiên cố gắng mạnh về đầu tư chiều sâu, thay vì dừng ở mức 3 - 6 triệu đồng/tác giả (thường là 6 triệu cho tiểu thuyết và 3-4 triệu cho tác phẩm thơ). Còn đầu tư chiều rộng (vẫn tiếp tục duy trì), đã được nâng lên với 3 mức: 15 - 20 - 25 triệu đồng (cá nhân) và 30 triệu đồng (công trình tập thể).
Dù là năm thứ hai liên tiếp vắng mặt tại giải thưởng hàng năm của hội, nhưng lý luận phê bình 2007 lại có một năm đầu tiên được chăm sóc khá kỹ: Có đến 10 công trình được hỗ trợ. Ông Thỉnh cho hay: Theo góp ý của báo chí, năm nay hội có thể phải lưu tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ cho dịch thuật bởi vai trò hỗ trợ cho sáng tác của nó (trước - nay cũng có hỗ trợ nhưng ở mức không đáng kể).
Cùng với việc tăng cường đầu tư chiều sâu, giá trị giải thưởng hàng năm của hội cũng "mở rộng hầu bao" hơn. "Chưa bao giờ giá trị giải thưởng của hội cao như bây giờ (từ 15 - 20 triệu) - ông Thỉnh cho biết - Ngoài ra, còn kèm theo mức thưởng 2 triệu đồng cho mỗi tác phẩm được lọt vào chung khảo, là điều trước đây chưa bao giờ có".
Việc tổ chức cho các nhà văn đi thực tế (mà dư luận lâu nay đánh giá là không cho thấy nhiều kết quả) theo ông Chủ tịch hội tới đây cũng cố gắng thay đổi. "Vẫn tạo điều kiện cho anh em đi thực tế, nhưng có lẽ giờ chỉ nên đi nhóm 2-3 người thôi để tiện đi sâu vào từng bản làng... thì may ra mới tìm được cái gì riêng riêng, hay hay để viết" - ông nói. Nhu cầu giao lưu này quả thực là có thật, nhất là ở các nhà văn tỉnh lẻ dù hầu như mới chỉ cho thấy những "thắng lợi về tinh thần".
"Việc người được xét chọn nhận tiền đầu tư hay từ chối không phải là vấn đề đạo đức. Anh không nhận không có nghĩa là anh cao cả và anh nhận không có nghĩa là hèn. Còn nếu như cứ yêu cầu anh nhận tiền đầu tư sáng tác phải cho ra tác phẩm tốt, nhất là tác phẩm đỉnh cao thì chắc chẳng ai dám nhận".
Thuỷ Lê (LĐ)
LĨNH VỰC GIÁO DỤC
Tổng hợp kết quả thanh tra mua sắm và sử dụng thiết bị dạy học (TBDH) từ năm 2002 - 2006 qua báo cáo của 41 tỉnh thành, đã phát hiện sai phạm hơn 63 tỷ (63.295 triệu) đồng. Trong đó, 25 tỷ (25.790 triệu) đồng sử dụng sai mục đích, thất thoát, lãng phí hơn 11 tỷ (11. 120 triệu) đồng.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi 7.633 triệu đồng (cho đến nay mới thu hồi được 987 triệu). Có 48 cá nhân bị kiến nghị xử lý trách nhiệm, trong đó đề xuất xử lý hình sự 1 người.
Kết thúc năm học 2006 - 2007, 13 tỉnh thành vẫn còn "dư" hơn 86 tỷ đồng chưa kịp mua TBDH.
Kết quả thanh tra cho thấy, sai phạm chủ yếu về quản lý tài chính, trong đầu tư mua sắm, tổ chức mua sắm thiết bị. Nhiều địa phương không lập kế hoạch kinh phí hoặc lên kinh phí không sát thực tế. Thanh tra tại 10 địa phương, đã phát hiện lãng phí gần 10 tỷ đồng.
Những địa phương thực hiện đúng kế hoạch tiêu tiền lại vấp phải những sai phạm trong quy trình bàn giao, bảo quản, nghiệm thu. Chẳng hạn, nhà thầu cung cấp thiết bị ký hợp đồng với Sở GD-ĐT trong khi lại bàn giao trực tiếp xuống trường nên các trường nhận TBDH chỉ xác nhận chung, không nghiệm thu cụ thể. Bởi vậy, không giám sát được về mặt chất lượng.
Chưa kể, chất lượng các thiết bị đều là thủy tinh dễ vỡ hoặc nhựa mỏng, giòn. Thiết bị đo lường phục vụ các bộ môn khoa học tự nhiên như Nhiệt kế, ampe kế... đều thiếu chính xác. Nhiều thiết bị được mua không tương thích với chương trình trong SGK.
Đáng chú ý , với các tỉnh đã mua sắm thiết bị như Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc... thì hầu như đều xếp trong kho, không sử dụng, hoặc để lẫn với hóa chất gây hư hỏng.
Được biết, dự án đổi mới giáo dục phổ thông là một dự án lớn, với tổng kinh phí giai đoạn 2002 - 2006 lên tới hơn 300 tỷ đồng. Kinh phí phân bổ mua sắm TBDH xấp xỉ 400 tỷ đồng.
..."Cán bộ ngành giáo dục cần xem lại báo cáo kết quả thanh tra mua sắm trang thiết bị giáo dục 2002 - 2006. Thời gian tới cần xác định đúng vai trò của Thanh tra Chính phủ là một khâu trong quản lý nhà nước. Một mặt làm tốt công tác thanh tra, mặt khác cần cảnh báo sớm để tránh những sai phạm tương tự"... (Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng).
Về các LĨNH VỰC khác thì rất tiếc chưa có số liệu.
Lê Nhung (VNN)