DIỄN VĂN NHẬN GIẢI NONINO CỦA NGUYỄN HUY THIỆP

Kính thưa các quý bà,

Kính thưa các quý ông,

Tôi là Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn đến từ Việt Nam. Tôi rất hạnh phúc khi có mặt ở đây để nhận giải thưởng “Nonino Risit D’Âur Prize 2008”. Đây thật sự là một vinh dự to lớn với tôi. Tôi không phải là người giỏi tưởng tượng, vì thế - không nói ngoa khi cho rằng giải thưởng này ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Kính thưa các quý vị,

Tôi sinh ra, lớn lên, sống và viết văn ở một nước nông nghiệp nghèo. Khi tôi sinh ra (năm 1950), dân số nước tôi khi ấy có chừng 30 triệu người và có đến 90% họ bị mù chữ. Hiện nay tình hình khác trước rất nhiều: dân số nước tôi hiện có chừng hơn 80 triệu và số người mù chữ có lẽ chỉ có khoảng 15%. Ở Việt Nam, văn học (giống như mọi lĩnh vực khác ở trong đời sống kinh tế, xã hội) đang phát triển với tốc độ phi thường. Trước kia, truyền thống văn học ở nước tôi rất gần với “đạo” (một khái niệm có thể hiểu tương tự như tôn giáo).

Ở thế hệ mẹ tôi, các bà già nông dân khi ra đường trông thấy những mảnh giấy có viết chữ thì họ thường cẩn thận nhặt lên, vuốt phẳng phiu và thận trọng cất nó vào những cái bồ vẫn dùng để đựng thóc gạo như một vật bí hiểm thiêng liêng. Ở thế hệ anh tôi, có thi sĩ đã từng viết ra câu thơ cảm động “nhà ta quý sách hơn vàng”. Nhà văn là những người luôn được coi như người khác thường, được quý trọng bởi những điều họ viết ra ắt hẳn có ánh sáng, ắt hẳn có cái gì như một sự khai hoá nhân sinh nào đó cho mọi người.

Nửa thế kỷ trôi qua, văn học Việt Nam bắt đầu hoà nhập ra cùng thế giới, sự phong phú trong cách viết, trong lối nghĩ của các nhà văn cũng khác xa ngày trước. Cách đây hơn 10 năm, vào năm 1997, Internet đã đến Việt Nam và tới nay đã có tới 25% người dân biết sử dụng nó.

Tôi là một nhà văn sinh ra ở nông thôn, mẹ tôi là nông dân. Hiện nay tôi sống ở Thủ đô, các con tôi không còn biết đến những dụng cụ làm nông nghiệp nữa, chúng đọc sách, rồi chúng chán sách, bây giờ chúng chỉ đọc những thông tin trên mạng Internet và chơi game.

Hồi còn bé, khi mới tập viết văn, ông ngoại tôi (vốn là một nhà Nho) có kể cho tôi nghe một câu chuyện khiến tôi nhớ mãi. Câu chuyện như sau:

Ở nơi kia cây cối xum xuê, con người thuần phác có một đạo sĩ rất là thánh thiện. Ông ta ngồi viết văn, dạy trẻ con học và tự mình gieo trồng để lấy cái ăn. Mọi người đều quý mến ông, luôn đến hỏi ý kiến ông về mọi việc và ông thường cho họ những lời khuyên rất chí thánh. Cuộc sống của ông nghèo túng, ông chỉ trùm một cái chăn để che thân người. Khi ngồi làm việc, những con chuột hôi hám, quái ác vẫn thường chạy đến cắn rách cái chăn, chúng làm ông rất khổ sở bực mình.

Thấy vậy, có một người đi qua thương tình bèn biếu cho ông đạo sĩ một con mèo để nó bắt chuột. Dân làng vốn thương ông nên thương luôn con mèo, họ vẫn thường mang sữa đến cho con mèo ăn. Một ngày kia, có một bà hành hương giàu có nghe tiếng thơm nhân đức của ông đạo sĩ bèn mang đến tặng cho ông đạo sĩ một con bò sữa để nuôi con mèo. Dân làng thấy vậy mới làm cho con bò một cái chuồng để nó có chỗ ở khi mưa khi nắng.

“Nhưng bò có nhà mà đạo sĩ lại không có nhà! Để thế sao được?” Dân làng nói với nhau như thế và họ xúm lại làm cho ông đạo sĩ một cái am nhỏ để ở. Từ ngày ấy, ông đạo sĩ không còn nhiều thời giờ để tu niệm và viết văn nữa, ông phải bận rộn để nuôi con bò, con bò lấy sữa nuôi con mèo, còn con mèo đi đuổi lũ chuột. Thấy ông đạo sĩ bận rộn không có thời giờ tu niệm và viết văn như trước, dân làng tốt bụng lại gửi đến cho ông đạo sĩ một người đàn bà để nuôi con bò.

Thế là vị đạo sĩ đã có tấm vải che thân, đã có con mèo bắt chuột, đã có con bò cho sữa, lại có cả người đàn bà săn sóc cho cuộc đời mình. Nhà đạo sĩ không còn giữ được sự yên ổn ở trong lòng mình. Ông ta có hết cả rồi, ông ta trở nên đầy đủ như một phú ông. Ông ta lấy người đàn bà làm vợ. Ít lâu sau, ông ta bắt đầu hay cáu gắt, hay văng tục và nói nhảm nhí, ông ta còn uống rượu, đánh người và đuổi theo các cô gái bằng tuổi con mình.

Con đường hạnh tu của ông đạo sĩ đến đây chấm dứt.

Kính thưa các quý vị,

Câu chuyện của ông đạo sĩ ở trên khá giống với sơ đồ tha hoá của nhiều nhà văn trong một đất nước nông nghiệp lạc hậu đang tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá như ở Việt Nam. Ở Việt Nam, với tốc độ phát triển như hiện nay, nông thôn đang bị phá vỡ, dân chúng không còn đất nữa, cả nước đang như một công trường ngổn ngang. Cuộc sống mới với rất nhiều cơ hội mới đang ào ạt ập đến từng thôn xóm, đến từng gia đình, đến với từng người. Không thể nói điều ấy là không tốt. Điều ấy còn quá tốt nữa là khác. Tuy nhiên, rất nhiều điều khác cũng đang đặt ra đối với mọi người. Ở Việt Nam cứ 20 phút lại có một người nhiễm HIV, cứ 15 phút có một người chết vì tai nạn giao thông. Văn học tham dự vào cuộc sống mới hiện đại đang phát triển như thế nào, giữ vai trò gì luôn là câu hỏi đặt ra cho mỗi người cầm bút.

Kính thưa các quý vị,

Hôm nay tôi đến đây để vinh dự nhận giải thưởng đặc biệt này, tôi không hi vọng viết lại được câu chuyện của ông ngoại tôi theo một kết thúc khác nhưng quả thật tôi cũng thích có những vị đạo sĩ vừa viết văn được, vừa có chăn ấm, vừa có mèo, vừa có bò, lại vừa có người đàn bà hạnh phúc của mình. Thượng đế anh minh vẫn ban cho cuộc sống rất nhiều phép màu không ai biết được!

Kính thưa các quý vị,

Xin cám ơn các quý vị đã lắng nghe những lời nói tầm thường nhưng chân thật này của tôi. Xin cám ơn Ban tổ chức giải thưởng Premio Nonino, xin cám ơn ông bà Maurizo Gatti và Nhà xuất bản ObrarO đã tạo điều kiện tốt nhất để cho tôi có mặt ở nơi đây.

Xin cám ơn tất cả.