Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > "Mua bán" bằng tiến sỹ ở Nga
"Mua bán" bằng tiến sỹ ở Nga
Thứ Năm 31, Tháng Giêng 2008
Các chuyên gia khẳng định chất lượng hoạt động rất thấp của nhiều hội đồng trong số 4000 hội đồng khoa học hiện nay ở Liên bang Nga. Theo số liệu không chính thức, quá nửa số đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ và phó tiến sĩ hoặc đã được mua hoặc sao in lại từ các luận án thời Liên Xô cũ.
Bộ Đào tạo Liên bang Nga muốn làm rõ việc đào tạo “không quy chuẩn” các tiến sĩ khoa học tại các trường đại học.
Mỗi năm số lượng các công trình nghiên cứu khoa học được mua và cóp nhặt, đã tăng lên tại Nga. Theo các quan chức Bộ Đào tạo và Khoa học, lỗi này do các hội đồng giám khảo luận án ở các trường đại học này đã lạm dụng quyền hạn gây ra.
Do vậy, Bộ trưởng đã khẳng định cần chấm dứt sự tồn tại gần một nửa số hội đồng khoa học trên. Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập lại cho rằng biện pháp này không hữu hiệu, không triệt tận gốc tệ tham nhũng và hối lộ, chỉ làm cho tệ nạn này biến sang hình thức khác.
Ông Sergei Kôlesnhikôv - thành viên của hội đồng giám khảo, thuộc Uỷ ban Giám khảo cấp Quốc gia giải thích với báo Tin Tức Mới: “Chủ yếu các luận án này liên quan đến các trường đại học vùng xa xôi ít được biết đến. Các trường này không làm tròn chức năng của mình, ít các luận án phó tiến sĩ được bảo vệ có chất lượng. Dù vậy vẫn có nhiều người trở thành giáo sư từ các trường này”.
Số lượng luận án tiến sĩ và phó tiến sĩ “trái nghề” tăng từng năm. Cuối những năm 90, mỗi năm bảo vệ gần 10-15 ngàn phó tiến sĩ, hiện nay số lượng này tăng 2-3 lần. Tiến trình này không có ở bất kỳ một nước châu Âu nào.
Các chuyên gia khẳng định cần thiết phải có giải pháp về vấn đề này, nhưng phải thực hiện cho đúng cách. Hiện tại chưa có tiêu chí để đánh giá uy tín và thẩm quyền của các hội đồng khoa học.
“Làm thế nào để chấm dứt hoạt động của các hội đồng khoa học này, khi không có chút khái niệm nào về hoạt động của họ, rất khó hiểu. Cần theo dõi kỹ các công việc nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, đọc kỹ các luận án bảo vệ trong các hội đồng này. Tiếp đó cần tái lập các ban lưu động bao gồm các chuyên gia giỏi, để tham gia ẩn danh trong các hội đồng khoa học của các trường đại học và đánh giá luận án của họ. Nhưng chưa có chế độ kinh phí để các chuyên gia thực hiện công việc này. Nếu thẳng tay giải thể các hội đồng khoa học không có uy tín, thì chúng ta có thể gặp hậu quả đáng buồn hơn việc mua bán luận án.” - ông Sergei Kômkôv, Chủ tịch quỹ đào tạo Liên bang Nga chia sẻ.
Chủ tịch ban giám khảo kinh tế thuộc Uỷ ban giám định quốc gia - ông Ruslan Grinberg thì cho rằng: “Sau khi giải thể một loạt hội đồng xét duyệt luận án tiến sĩ và phó tiến sĩ, khoa học trong nước tuyệt nhiên sẽ ngừng phát triển. Nếu chỉ để lại 25 trường chuyên đào tạo tiến sĩ và phó tiến sĩ khoa học, sẽ làm tê liệt bất kể sự khởi đầu nào của các nhà khoa học trẻ, đơn giản là không có chỗ cho họ đi.
Thực tế trong thời gian ngắn, các trường đại học ở một vài thành phố, trong đó có Maxcơva, Xanh Pêtecburg và Ekatêrenburg sẽ được tồn tại các hội đồng giám khảo luận án tiến sĩ và phó tiến sĩ. Cuộc ganh đua ở những nơi này sẽ nhiều hơn hàng chục lần so với hiện nay và các ý tưởng khoa học sẽ giảm đi”.
Ông Kôlesnhikôv lo ngại rằng cuộc chiến chống tham nhũng với các hội đồng khoa học sẽ chỉ đem lại tệ ăn hối lộ ở mức độ khác.
Để tồn tại hội đồng khoa học, người ta sẵn sàng chi những khoản tiền bất kể. Các trường đại học loại nhỏ ở các vùng xa xôi của Nga có chất lượng giảng dạy không thua kém các trường hàng đầu ở các thành phố lớn, sẽ không còn khả năng “bơi lội” được nữa. Quả thật, họ sẽ bị đè bẹp bởi các trường lớn có ngân quỹ và uy tín.
“Có nhiều khả năng sẽ giải thể các hội đồng khoa học ở những trường không có quan hệ với Bộ Đào tạo và do cải tổ hai cấp đào tạo sau đại học”, ông Kômkôv kết luận.
Mạnh Hùng (Theo báo “Tin Tức Mới”)