Đông Tác

Blog

Trang nhà > Con người > Hồi tưởng > "Người ơi, ta nặng nghiệp phong trần!"

"Người ơi, ta nặng nghiệp phong trần!"

Thứ Tư 13, Tháng Hai 2008

"Nghiệp phong trần" - Đó là định mệnh của hầu hết văn nghệ sĩ đích thực. Từ khi dấn thân với văn chương, nhiều nhà văn nhà thơ đã nhẫn nại vác "cây thánh giá" suốt cuộc đời mình mà không mảy may oán thán, bởi đó là con đường mà họ đã chọn, và họ biết tin vào sự công bằng của thời gian. Nhưng những "bạn đồng hành" của họ, tự nguyện chịu đựng nghiệp chướng với họ, có biết tin vào thời gian không? May mắn thay, lịch sử văn học Việt Nam đã từng chứng kiến những "bạn đồng hành" chung thủy. Nhiều người trong số họ vẫn sống trọn vẹn nửa đời còn lại sau khi người bạn đời của họ đã ra đi...

Nuôi đủ năm con với một... túy ông

Về hoạn lộ, nhà thơ Hoàng Trung Thông khá may mắn. Sự nghiệp thơ ca của ông bắt đầu từ những tiếng reo ca hồn nhiên về lao động và kháng chiến với vị thế của một người trong cuộc. Sau thời kỳ gian khổ "gối đất nằm sương" ở chiến khu Việt Bắc, hòa bình lập lại, Hoàng Trung Thông về Hà Nội, đã từng là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Nghệ An, Tổng biên tập báo Văn Nghệ và tạp chí Tác Phẩm Mới, Giám đốc NXB Văn học, Viện trưởng Viện Văn học... Bình sinh ông được xếp vào hàng "quan văn nghệ". Bởi vậy, từng có nhiều người băn khoăn: Có còn một Hoàng Trung Thông thi sĩ? Và cho đến những bài thơ cuối đời, trong tập Mời trăng (1992), chất thi sĩ trong ông đã trỗi dậy, qua những trăn trở, đớn đau, những câu tự vấn về cuộc đời, nhân tình thế thái. Có một Hoàng Trung Thông day dứt khôn nguôi ở cuối đời. "Tôi muốn uống rượu trong. Lại phải uống rượu đục" (Tứ tuyệt); "Ta nhìn mặt trời, tưởng là mặt trăng. Mặt trời chói lọi, Sao mây mờ giăng. Và ta tự hỏi, làm gì được chăng?" (Ngày)... Đó chính là "cây thánh giá" của cuộc đời ông. Người ta đã nhận ra một Hoàng Trung Thông thi sĩ trong cốt lõi. "Chính vì vậy mà mối sầu càng đè nặng khi cảm thấy hình như chân trời ngày một lùi xa và con đường mỗi lúc càng thêm nhiều ghềnh thác. Mỗi chặng đường đã qua với những yêu cầu cụ thể, với những hạn chế của lịch sử và nhận thức của cả cộng đồng và giới hạn bản lĩnh của chính mình, tất cả đã khơi sâu nỗi buồn cố hữu, khoảng cách giữa hiện thực và ước mơ"... (Nguyễn Bao - lời tựa cho Tuyển tập Hoàng Trung Thông). Ôm nỗi sầu muộn của mình, Hoàng Trung Thông tìm sự lãng quên trong rượu, trong những cuộc chuyện trò thường xuyên với những người đạp xích lô, người lầm than buôn thúng bán mẹt và ông thực sự trở thành một "tuý ông" gần như triền miên. Say mà tỉnh, mà đau. Và trong cuộc tỉnh - say ấy, ông đã có một người bạn đồng hành - bà Hồ Thị Hoa - hiền thê. Phận gái không được ăn học đủ đầy, bà là một người nhẫn nại "chạy ăn từng bữa toát mồ hôi". Nhìn cơn "chơi rượu" của chồng (từ của Hoàng Trung Thông) bằng tấm lòng khoan dung và thương yêu.

Cuộc hôn nhân giữa bà Hoa và Hoàng Trung Thông là do hai bên gia đình sắp đặt. Lấy chồng từ 15 tuổi, cưới xong, chồng đi tham gia cách mạng, lâu lâu mới về thăm. Mười tám tuổi, bà Hoa sinh con đầu lòng, rồi bốn đứa con kế tiếp lần lượt ra đời. Bà ở nhà dệt lụa, buôn bán lặt vặt, làm ruộng, vừa nuôi con vừa chăm sóc mẹ chồng. Gay go nhất là thời kỳ 1954 -1956, gia đình bị quy sai là địa chủ, bị đấu tố và lấy hết đồ đạc. Nhiều khi nhà hết gạo ăn, mấy mẹ con bà cháu phải ăn rau má, khoai lang, cà luộc qua bữa. Đói không có ăn, ốm không thuốc uống, chồng ở xa, không dám về sợ bị bắt oan, cả nhà sống trong những cơn đói triền miên và nỗi thấp thỏm lo sợ. Đến 1956, sau khi được sửa sai, Hoàng Trung Thông trở về, ít lâu sau có lương, ông thu xếp đón cả nhà ra Hà Nội. Cuộc sống mới dễ thở hơn đôi chút. Nhưng gần hết cuộc đời nhà thơ và vợ sống trong thời bao cấp. Nhà bảy tám miệng ăn, trông chủ yếu vào một suất lương của ông "quan" văn nghệ lãng tử nên luôn túng bấn. Bà Hoa đã phải xoay xở đủ nghề: bóc lạc thuê, làm tơ xuất khẩu, có lúc các con phải dậy từ lúc 4 giờ sáng đi mua trứng về cho mẹ bán rồi mới đi học. Bà Hoa lại bị bệnh viêm phế quản mãn tính, mỗi khi trở trời hoặc lao lực đều bị những cơn ho rát ngực hành hạ. Tuy vậy người đàn bà ấy vẫn cố gắng nuôi con ăn học nên người, chăm sóc nâng đỡ ông chồng bị áp huyết cao ngày đêm dìm nỗi sầu muộn của mình trong cơn say. Bà nói: "Tôi quý nhất nhà tôi ở tính hiền lành, thương con cái. Ông hay uống rượu. Uống chưa nhiều đã say, nhưng ông ấy say hiền, không đập phá. Tôi trình độ thấp, ân hận một điều là không giỏi giang kiếm tiền để cho chồng con được sung sướng hơn".

Sự khiêm nhường của người đàn bà lam làm chân chất ấy, đã để lại những ấn tượng cảm động trong lòng các con. "Mẹ tôi suốt đời nhường nhịn và lúc nào cũng làm một việc gì đó, không chịu nhàn rỗi". Và hình ảnh của người vợ hiền đã hiện lên rất đẹp trong những bài thơ cuối đời của Hoàng Trung Thông.

Cả một đời anh chỉ một người
Yêu anh rất mực giận rồi cười
Bạn bè, con cái em săn sóc
Chỉ nói thương em dạ chẳng rời...

(Tặng vợ)

"Đã theo chồng chấp cả"

"Lúc bốc mộ nhà tôi, mọi người đều thấy khối óc cứng lại, không tan. Tôi nhớ đến ông vua trong truyện xưa, chết chôn xuống đất mãi rồi mà quả tim không tan" - Bà Bùi Thị Thạch - người bạn đời của Nhà thơ Quang Dũng, ngẩng đầu lên khỏi cuốn kinh Diệu Pháp Liên Hoa đang đọc dở và nói với tôi như vậy. Ngày nào bà cũng đọc kinh và gõ vào một chiếc mõ nhỏ đặt trên mặt bàn cũ kỹ.

Quang Dũng khi xưa đã nói với bà, như một lời cảnh báo, như một hối lỗi "Người ơi! Ta nặng nghiệp phong trần". Tác giả của Tây tiến và những áng thơ khiến cho hậu thế đến nay đọc lai còn rợn người cũng kéo vào nghiệp đa truân của mình một người đàn bà làm bạn đời. Nhà thơ với gương mặt đàn ông đẹp đẽ và lang bạt. Người đa tình thổi sáo bên sông, con hùm thiêng cuả núi rừng Tây Bắc ấy, gần như không được hưởng những vinh quang do tài hoa của mình đem lại. Ông đã cùng người bạn đời của mình sống những năm tháng dài lầm lũi cực nhọc, không một cái tết nào được sung túc dư dật, thường thiếu ăn. Nhà thơ của chúng ta trong nhiều năm đã cùng vợ đi quét lá rụng ở góc công viên về đun.

Trong một chuyến tản cư lên Yên Bái, cô Thạch đã gặp nhà thơ Quang Dũng cũng theo kháng chiến lên đây. Hai người thường ngồi bên cửa sổ nhà bạn, nhìn những người tù bị xiềng chân đi qua trước nhà. Quang Dũng nói chuyện về họ. Cô gái yêu văn chương thuộc lòng Cung oán ngâm khúc và Chinh phụ ngâm ấy không ngờ rằng người đàn ông đẹp trai biết đủ cầm kỳ thi hoạ ấy đã đem lòng yêu mình. "Không hiểu sao ông ấy lại dính vào tôi, chứ ông ấy nhiều người mê lắm. Lúc về xuôi, ông ấy viết thư lên tỏ tình, nói rằng đó là mối tình đầu, tôi vui lắm nhưng cứ cười thầm: Anh mà lại mối tình đầu! Có mà mối tình thứ bao nhiêu rồi ấy chứ!". Rồi sau đó là đám cưới. Quang Dũng vẫn đi kháng chiến. Về Hà Nội sinh con được 29 ngày thì bà Thạch lại phải một mình bế con, đeo tay nải chạy bộ suốt ngày đêm đi tản cư. Đi đến đâu đói xin ăn, khát xin uống. Vừa lên đến Yên Bái thì bị những cơn sốt rét rừng hành hạ. Nhiều lúc đang bị sốt cao, con đòi bú, đang bú thấy mẹ nóng quá, con khóc giẫy lên bò ra. Khổ mà không nỡ kêu với chồng, vì nhà thơ của bà cũng đi kháng chiến, cũng chịu sốt rét hành hạ - "Tây tiến đoàn binh không mọc tóc. Quân xanh màu lá dữ oai hùm. Mắt trừng gửi mộng qua biên giới. Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"... (và chính vì cái câu "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" ấy mà nhà thơ khổ).

Gia đình nhà thơ Quang Dũng đã trải qua những cái tết nghèo cực. Không đủ tiền mua gạo nếp và củi để nấu bánh chưng, Quang Dũng nảy ra một sáng kiến, bảo vợ đồ xôi lên, dỡ xôi ra lá, cho một ít nhân qua loa vào giữa, gói lại thành bánh rồi thả vào nước nóng đun một chốc vớt ra như bánh chưng thật cho con nhìn thấy cho chúng khỏi buồn. Nhà bảy miệng ăn, bà Thạch không xin được việc, chỉ sống suốt đời bằng nghề đan len, suốt đời đôi kim đan không rời tay. Cũng do nhà nghèo, con cái không có tiền ăn học đến nơi đến chốn, và chính các con cũng đâm sợ cái nghiệp văn chương của bố. Buồn rầu, u uất, nhà thơ chẳng mấy khi ở nhà, suốt ngày lang bạt ở nhà bạn bè hoặc chốn nọ nơi kia.

Chỉ đến khi đổi mới, các giá trị đích thực được bắt đầu nhìn lại thì nhà thơ tài hoa này ốm liệt giường hai năm rồi mất. Chỉ còn chút may mắn cuối đời là ông còn kịp nghe thoảng qua bên tai thời đổi mới. Ông đã kịp đọc bằng chính chất giọng trầm ấm, hào sảng của mình bài thơ Tây tiến trong một buổi phát thanh văn nghệ cuả Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là chút vớt vát mà người đương thời đã kịp làm - dù đã quá muộn- với tài thơ Quang Dũng.

Gánh nặng cuộc đời bất hạnh của tài thơ Quang Dũng đã làm oằn vai ông và vai vợ con. Song người vợ của ông vẫn dũng cảm tồn tại, dù sau khi chồng mất năm 1988, bốn năm sau, cô con gái yêu cũng nằm xuống ở tuổi 35 để lại những đứa cháu thơ dại. Ngày ngày bà sống trong căn phòng rộng 6 mét vuông ở một chung cư đã xuống cấp tại khu Nguyễn Công Trứ, tụng kinh gõ mõ và thắp hương cho bàn thờ đặt hai bức ảnh: chồng và con gái. Trong nhà không có một đồ đạc gì đáng giá ngoài chiếc ti vi đen trắng mà đứa con nghèo dành dụm mua cho và chiếc cát sét cũ kỹ nuôi dòng thơ của chồng bà. Trong căn phòng nhỏ này chỉ có những kỷ niệm về người bà yêu. Những bức ảnh đã ố vàng, những bản nhạc, bài thơ, bức tranh cũ kỹ được bà bọc vào túi nilon. Năm nay 78 tuổi, bà sống đắp đổi được chăng với 30 nghìn đồng tiền tuất/tháng và sự giúp đỡ của con cái và những người bạn thân thiết của chồng.

Hai người đàn bà mà chúng tôi vừa thăm, mỗi người một cách, đã chịu cơ cực vì nghiệp dĩ văn chương của chồng. Họ có hối tiếc chăng những nhung lụa vàng son mà lẽ ra họ xứng đáng được hưởng? Hãy nghe bài thơ của bà Bùi Thị Thạch - người bạn đời cuả nhà thơ Quang Dũng - nói về chồng.

Chồng người là nhà vua
Chồng tôi là nhà thơ
Cách nhau 3 thế kỷ
Cùng lưu danh muôn thuở
Người xưa làm thơ "Ai tư vãn"(*)
Người nay làm thơ "Trách ai"
"Ai" trước và "ai" sau
Nỗi niềm có khác nhau
Là một kiếp đàn bà
Đã theo chồng chấp cả.

Chồng tôi bút thơ lưu danh
Chồng người binh đao xây thành
Nếu đem tài hoa xét lại
Ngai vàng bia đá sử xanh"

(Bùi Thị Thạch)

Võ Thị Hảo (ĐĐK)


Xem online : Quang Dũng (1921-1988)