Thăng Long thời Hồ - Lê sơ

Như một quy luật, nhà Trần sau thời gian hưng thịnh, đã đi vào suy thoái, quý tộc ngoại thích Hồ Quý Ly chiếm ngôi lập ra nhà Hồ (1400 - 1407). Hồ Quý Ly cho xây dựng một đô thành mới ở Thanh Hoá gọi là Tây Đô.

Cặp rồng đá còn lại của thành Tây Đô

Thành Thăng Long, lúc này đổi là Đông Đô rồi Đông Quan, lại một lần nữa chứng kiến quân ngoại bang giày xéo. Năm 1406, nhà Minh phái 20 vạn quân sang xâm lược Đại Việt. Cuộc kháng chiến do nhà Hồ lãnh đạo thất bại, thành Đông Quan trở thành nơi chiếm đóng của địch. Đất nước đứng trước thử thách mới của lịch sử để rồi chứng kiến cuộc chiến tranh giữ nước của anh hùng Lê Lợi (1418). 10 năm sau ngày phất cờ khởi nghĩa tại núi rừng Lam Sơn, quê hương của Lê Lợi, toàn quân dân Đại Việt đã đại thắng giặc Minh, lập nên triều đại nhà Lê.

Ng. Chí Công và GS H.V.Regemorter tại Đài thiên văn Meudon. Photo d’archives NCCong ©1978

Năm 1512 Lê Tương Dực lệnh cho Vũ Như Tô đứng ra trông non xây dựng hơn 100 nóc cung điện có gác và khởi công xây dựng Cửu Trùng Đài. Năm 1514 lại cho mở rộng Hoàng thành mấy nghìn trượng (mỗi trượng 3,6m) bao bọc cả quán Trấn vũ và chùa Kim Cổ, tường thành chạy từ phía Đông nam đến Tây bắc, chắn ngang sông Tô. Theo lối vẽ ước lệ của bản đồ thì phỏng đoán rằng mặt phía Đông gần trùng với phố Hàng Cót, Hàng Điếu, Hàng Da ngày nay. Phía mặt Bắc chạy theo sông Tô, trùng với đường Hoàng Hoa Thám, mặt phía Tây là đường Bưởi. Mặt Nam có thể là một đoạn phố Cầu Giấy chạy sang Kim Mã rồi Sơn Tây, Trần Phú tới Hàng Da. Có thể hiểu đây là khu Hoàng thành với diện tích rộng gấp đôi Hoàng thành thời Lý -Trần.Khu dân cư chia làm hai huyện: Vĩnh Xương và Quảng Đức, mỗi huyện 18 phường.

Vào thời Lê Sơ, Thăng Long vẫn là nơi tập trung buôn bán lớn nhất của cả nước. Đồng thời cũng là nơi dồn tụ nhiều nghành nghề thủ công cũng như các thợ thủ công giỏi nổi tiếng. Kinh thành được xây dựng lại đàng hoàng hơn, Văn Miếu được mở rộng, Quốc Tử Giám được dựng lại, các hoạt động kinh tế văn hoá, giáo dục, thi cử đều được khôi phục và phát triển, đặc biệt cực thịnh dưới thời vua Lê Thánh Tông. Có thể nói đây là thời kỳ phát triển đỉnh cao của chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Đây cũng là thời kỳ ra đời của “Tao Đàn Nguyên Suý” với 28 thành viên được ví như 28 vì tinh tú, trong đó Lê Thánh Tông vượt lên khỏi tầm vóc một nhà chính trị, một nhà vua, ông trở thành một nhà văn hoá lớn có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của văn học dân tộc.

Lê Thánh Tông đã trở thành gương mặt tiêu biểu của văn học Thăng Long thế kỷ XV. Nhà Lê Sơ tồn tại 99 năm, tổng cộng 10 đời vua từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng.

(Theo Hanoi.gov.vn)

Xem tiếp: Thăng Long thời Mạc - Lê mạt (1527-1786)