Thăng Long thời Trần

Nhà Lý chính thức chấm dứt sự thống trị của mình vào ngày mồng 1 tháng Chạp năm Ất Dậu (1226), khi Lý Chiêu Hoàng dưới sự đạo diễn của Trần Thủ Độ đã xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh.

Nhà Trần thay nhà Lý trên chính trường chính trị, đồng thời cũng thay nhà Lý mở ra một thời kỳ mới phát triển cao hơn của xã hội Đại Việt: vững vàng, năng động, thống nhất và ổn định cho đến giữa thế kỷ XV. Thăng Long thời Trần vẫn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá lớn nhất của Đại Việt bấy giờ. Cuộc chuyển giao triều chính diễn ra một cách hoà bình đã không làm cho Thăng Long thay đổi nhiều. Về kiến trúc vẫn như thời Lý, nhiều cung điện trong Hoàng thành và Cấm thành vẫn giữ nguyên. Nhà Trần ngoài việc trùng tu các công trình cũ còn xây dựng một số công trình kiến trúc mới ở Thăng Long: lập Viện quốc học, Giảng võ đường... Kinh thành chia làm 61 phường, bao gồm cả phường buôn, phường thợ và phường làm nông nghiệp. Một số tên phường trong thời kỳ này còn thấy lác đác ghi trong sử sách cũ như: Thái Hoà, Báo Thiên, Phủng Nhật, Cơ Xá, Bố Cái, Hạc Kiều, Thịnh Quang, Toán Viên...
Tiền Kiến Trung thông bảo
Việc buôn bán giữa Thăng Long và các địa phương đã bắt đầu phát triển. Sông Tô Lịch thành nơi buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền. Khách buôn từ khắp nơi đều theo sông Hồng, qua cửa Hà Khẩu vào sông Tô để đưa hàng vào kinh thành. Việc năm 1400 Hồ Quý Ly đánh thuế thuyền buôn đã chứng tỏ hình thức buôn bán bằng đường thuỷ ở Thăng Long thời gian này khá hưng thịnh.

Sự kiện năm 1282 vua Trần Thánh Tôn đi xe từ kinh thành đến Bình Than (Chí Linh-Hải Hưng) để hội chư quân cho phép chúng ta khẳng định tuyến đường bộ thời ấy đã tương đối rộng rãi và thông thương thuận tiện. Đây chính là những tiền đề cần thiết cho các hoạt động kinh tế và thương mại của Thăng Long thời Trần được đẩy lên một diện mạo mới.

Cuối thời Trần, Thăng Long đã được sử sách chép với cái tên “Kẻ Chợ”. Điều đó cho thấy diện mạo của Thăng Long đương thời đã phần nào mang dáng dấp của một thành phố quốc tế: một thành phố nhân ái, là nơi giao lưu và hội tụ của nhiều yếu tố kinh tế, văn hoá và con người; một thành phố thủ công và buôn bán nhỏ của người Việt nhưng cũng có các cửa hàng buôn bán lớn của người Hoa, Hồi Hột, Chà Và...; một thành phố đón tiếp các sứ giả Tống, Nguyên, Lào, Chiêm Thành, Gia va, các tăng ni bậc thầy cả ở Trung Á, Ấn độ và có cả những quần tụ người Chiêm Thành ở miền ven nội; một Thăng Long vừa diễn chèo Việt, tuồng Tầu, và múa điệu người Hồ...
Tiền Thiệu phong thông bảo, đời Trần Dụ Tông (1341-1357)
Kinh tế công thương nghiệp thành thị sinh ra tầng lớp thị dân và lối sống thị dân. Sử chép: vua Trần Anh Tông (1293-1314) thường “lén đi chơi, cứ đến đêm đi kiệu cùng hơn mười người thị vệ, đi khắp kinh thành, đến gà sáng mới về” chứng tỏ Thăng Long ngày ấy đã tương đối sầm uất và ắt hẳn có nhiều hình thức buôn bán cũng như vui chơi về ban đêm.

Thăng Long đời Trần không chỉ xây dựng và sáng tạo nghệ thuật mà còn đánh giặc và đánh giỏi. Trong vòng 30 năm, ba lần Thăng Long trở thành toà thành vườn không nhà trống, để rồi là mồ chôn quân xâm lược mà dấu vết oai hùng vẫn in dấu vàng son mỗi tên người tên đất: Đông Bộ Đầu - dốc Hàng Than; Giang Khẩu - Hàng Buồm... và cuối cùng, “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” lại nối tiếp chiến công xưa nhấn chìm quân xâm lược cùng tham vọng bành trướng của chúng. Thăng Long qua ba lần thử lửa vẫn vững vàng xứng đáng là một đô thành anh hùng.

Nhà Trần tồn tại 175 năm với 12 đời vua nối nhau trị vì trên đất Thăng Long - Kẻ Chợ.

Theo Hanoi.gov.vn

Xem tiếp: Thăng Long thời Hồ - Lê sơ