2007 và cuộc "bể dâu" của một năm văn học

Khi mà niềm hy vọng về sự khởi sắc của văn chương như đang dần dà bị làm cho vơi mỏng bởi tình trạng ồn ào của các xì-căng-đan thì người ta dễ sinh ra chán nản. Hơn thế nữa, khi nụ cười hân hoan một cách ngây thơ vì có tác phẩm xoàng xĩnh được ngợi khen như kiệt tác, lại chung sống với những cái lắc đầu và vài ba nụ cười ý nhị... đã trở thành một hiện hữu thường tình thì xem ra, cuộc “bể dâu” của văn chương - văn học ở nước Nam ta vẫn còn nhiều điều phải bàn bạc. Đặt sang một bên hoạt động văn học ở cả hai miền với nhiều cuộc gặp gỡ, hội thảo, bàn tròn. Gạt sang một bên năm bảy cái tuyên bố đại ngôn, gạt sang một bên dăm ba tiếng phèng la loẻng xoẻng của mấy ông bà phê bình mới chuyển sang nghề PR, gạt sang một bên những tiếng í ới thất thanh vì ông này vào Hội còn bà kia thì không... thì chỉ với một nhà thơ lại đi “đạo văn”, một nhà văn làm sách để ca ngợi văn nghiệp của mình, một nhà nghiên cứu đã cung cấp “thuốc phóng” để giúp học trò “phóng” thầy lên tận mây xanh... cũng đủ hình dung về một tình trạng nhộn nhạo, mà dù là người dễ tính người ta cũng không thể không lấy làm rầu lòng.

1. Thơ: Nỗ lực để làm ra vài điều... không mới!

Thơ hay ngày càng hiếm hoi, đó là sự thật, thế nên đồng nghiệp phụ trách trang thơ của một số tờ báo đã than vãn với tôi rằng tìm thơ hay cho báo Tết là rất khó khăn. Vâng, làm sao được, khi đang có không ít nhà thơ hăng hái đi tìm các giá trị ngoài thơ nhiều hơn là các giá trị trong thơ (?). Và quả thật, dù có người đã cố gắng làm cái bìa tập thơ sao cho bắt mắt, hay huy động ánh sáng, âm thanh, hình ảnh và hình thể của chính nhà thơ vào cuộc trình diễn thì tiếc thay, thơ hay vẫn cứ vắng bóng. Gửi VB (Phan Thị Vàng Anh), Trong bóng người xưa (Lê Thiếu Nhơn) hay các tập thơ được nhiều người khẳng định là “xứng đáng được trao giải” như Bùa lá (Nguyễn Thị Đạo Tĩnh), Thế giới không còn trăng (Nguyễn Trọng Tạo)... cũng chưa phải là xuất sắc. Còn với tư cách cá nhân, tôi thích đọc Hoạ mi năm ngoái của Trần Kim Hoa, đọc xong tôi cứ nghĩ, phong cách thơ tinh tế, đằm thắm, ý tưởng sâu kín... của chị không gần gũi với lối thơ ồn ào, khoái lập ngôn của nhiều tác giả hôm nay. Cùng với lối thơ này, cần kể đến Lời buồn trên đá (Bùi Kim Anh), Ánh sáng đời cây (Lê Thị Mây)... Không duy mỹ đến cực đoan, song tôi vẫn nghĩ chẳng có nỗi niềm riêng tư nào lại nên khuếch đại trước công chúng với tần số âm thanh thật cao, nhất là với những nỗi buồn!

Góp phần vì thơ, năm qua Quỹ Lời vàng Eva đã làm một số việc và hình như Quỹ này có ý định gắn tên tuổi với Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội. Từ cái không gian yên tĩnh, thanh lịch, mang dáng vẻ Việt Nam ấy, nhiều tập thơ đã được giới thiệu, từ tập Chữ cái (Từ Huy) đến các tập Ao lá sen (Trương Thị Kim Dung), Phía bên kia cây cầu (Đinh Thị Như Thuý)... cho thấy sự lựa chọn ngày càng kỹ lưỡng hơn. Tất nhiên, giải thưởng của Lời vàng Eva có để lại dư ba trong công chúng hay không lại là chuyện khác.

Như lẽ thông thường của mọi hoạt động sáng tạo, chất lượng tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm bao giờ cũng được quyết định bởi các giá trị của chính nó, còn việc dùng phương tiện gì để đưa tác phẩm đến với công chúng lại không bao hàm ý nghĩa làm tăng giá trị của tác phẩm. Đối với thơ, các sản phẩm nhất bản, nhất thời và đoản thọ kiểu như kết hợp thơ với hoạ đã không đưa tới kết quả như có người mơ tưởng. Bởi đó là việc làm không mới. Bởi có một điều rất đơn giản là một sự vật dù trừu tượng đến đâu thì nó vẫn chỉ là nó khi mang tải các ý nghĩa để người ta không nhầm lẫn, nghĩa là dù thế nào thì hoạ vẫn không phải là thơ và thơ vẫn không phải là họa. Đến năm 2007, dường như nhiều người vẫn chưa lưu tâm làm thế nào để có thơ hay mà chỉ loay hoay tìm cách đem thơ đến với công chúng. Giống như người làm ra sản phẩm chưa cần biết chất lượng ra sao đã vội nghĩ đến việc làm thế nào để bán được thật nhiều. Trong bối cảnh ấy, trình diễn thơ đang như là một thứ mode. Nhớ năm trước, thấy có nhà thơ nằm nhoài trên ghế hay cạo đầu trọc lóc rồi mượn pantomin để “diễn thơ”, tôi chưa hết buồn cười. Đến năm nay, nhìn mấy nhà thơ lăn lộn quay cuồng, đầu tóc rũ rượi, áo xống hớ hênh, mặt mũi ngơ ngác... vừa “hét thơ” vừa “gào thơ” thì tôi kinh ngạc. Trân trọng cố gắng của các nhà thơ, song tôi vẫn muốn hỏi nếu “xem - nghe” xong rồi, lúc ra về người ta chỉ còn nhớ tiếng bước chân huỳnh huỵch, tiếng lốc cốc gõ lên sàn gỗ, tiếng “la thơ” thất thanh, mớ tua rua xanh đỏ, mấy chiếc mặt nạ rơi xuống và cái áo rộng cổ... và không nhớ đó là bài thơ gì, bài thơ ấy hay ra sao, thì nàng Thơ liệu có tự hào? Khi điều quan trọng nhất là bài thơ khó có thể đọng lại như nốt “chủ âm” của một màn trình diễn thì thiết nghĩ rút cuộc, màn trình diễn chỉ còn là một phái sinh của sân khấu chứ đâu có thuộc về thơ. Còn nếu xét từ lịch sử sân khấu thì trình diễn như thế đâu có gì lạ lẫm. Vào lúc thơ phải vay mượn hình thức thể hiện của một loại hình nghệ thuật khác để tìm cách đến với công chúng, liệu có nên coi đó là sáng tạo mới mẻ?

2. Văn xuôi: Vẫn như thế và hình như... vẫn như thế!

Nhìn vào văn chương năm 2007, kể cả sách dịch, nếu những Chuyện tình một đêm (Chi Xuyên), Cô đơn trên mạng (Janusz L.Wisniewski), Lần đầu bên nhau (Thái Trí Hằng), Chuyện tình New York (HaKin)... - trong đó có cuốn viết trên blog rồi in thành sách, chủ yếu như chuyện diễm tình thời hiện đại thì các tác phẩm tỷ như Phóng viên mồ côi (Mạc Can), Tớ là Dâu (Joseph Ruelle) lại hấp dẫn sự tò mò hơn là thành công về tư tưởng - nghệ thuật. Vì thế, tôi ngạc nhiên khi đọc các cuốn sách như Dưới chín tầng trời (Dương Hướng), Du ký Việt Nam (Tạp chí Nam Phong, 1917 - 1934, nhiều tác giả), Biệt xứ và Gosts Berling (Selma Lagerlof),... Mỗi cuốn một vẻ, một vấn đề, một tính huống xã hội - con người, ngay cả bộ du ký gần 2000 trang cũng đem lại thông tin bổ ích với những ai muốn tìm hiểu đất và người Việt Nam cách nay gần 100 năm. Với Dưới chín tầng trời, Dương Hướng trở lại với tiểu thuyết và tôi lờ mờ thấy ở anh có điều gì đó khá gần gũi với một số nhà văn cùng thế hệ khi dựng một cốt truyện trải theo thời gian dài, với vô vàn biến cố. Cách tiếp cận này cho phép tác giả mô tả một toàn cảnh xã hội - lịch sử song sẽ phải chấp nhận tình thế sơ lược, và thành hay bại cũng từ đó mà ra.

Tương tự như vài năm trở lại đây, dọc theo 12 tháng trong năm, cứ vài tháng văn đàn lại rộ lên ý kiến tán dương một vài tác phẩm. Hiềm một nỗi là tên tuổi của mỗi tác phẩm thuộc loại “số zách” kia chỉ chềnh ềnh giữa trang báo được vài ba tuần rồi nhanh chóng nhường vị trí cho một tác phẩm “số zách” khác để khiêm tốn lui vào quầy hạ giá. Và theo tôi trong năm 2007, Vũ điệu thân gầy và Đức Phật, nàng Savitri và tôi là hai tác phẩm điển hình cho tình trạng éo le này.

Vũ điệu thân gầy, cái nhan đề làm tôi nhớ tới ca khúc La Compasita được Phạm Duy dịch thành Vũ nữ thân gầy, nếu là ngẫu nhiên, tôi sẽ không lạm bàn, còn nếu là mô phỏng thì việc này lại bộc lộ tình trạng lười nhác của tư duy. Song điều muốn nói là tôi dự cảm về sự kiện tác giả có tên trong cuốn sách, có lẽ do ấp ủ hy vọng sẽ nhận được lời tán dương, nên khi tác phẩm “bị” đánh giá theo đúng nghĩa của phê bình thì “nhảy cẫng” lên và blog trở thành diễn đàn phản công trở lại. Viết văn để được nổi danh, viết văn để được ca ngợi, viết văn theo lối “ăn quẩn cối xay” với vũ trường, với bar, với rượu Tây, với mấy mối tình hoang dã cùng thế giới nội tâm luôn luôn phải gồng lên để dằn vặt một cách ngây ngô... và các động thái tương tự như thế, theo tôi, chẳng bao giờ giúp tác giả thành danh. PR và sự háo danh đã làm hại họ. Ngày nay, thông tin trên báo chí đa số là thông tin luôn cần được thay thế, chúng dễ làm cho các “ngôi sao văn chương” rơi vào tình trạng nhất thời, hữu hạn. Văn chương có giá trị là văn chương sống được với thời gian, được công chúng tìm đọc, không chỉ để thoả mãn trí tò mò, càng không là nơi mang tải tham vọng cá nhân. Lại nghĩ, người tỉnh táo cần nhận chân được thực trạng của vấn đề để từ đó đi xa hơn.

Nói đến PR văn chương trong năm 2007, không thể không nhắc tới “chiến dịch” lăng-xê cuốn tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi. Vẫn mấy cây bút, vẫn mấy bản tụng ca thường được đưa ra. Người ta viết mà như chưa bao giờ tự vấn: người đọc sẽ nghĩ gì, sẽ đánh giá người chế tác tụng ca ra sao? Người ta cố đưa cuốn tiểu thuyết vào hàng “số zách” với các thành tựu mà xem ra còn lâu nó mới đạt được và thật buồn cười, khi thấy có người nhận xét vì Hồ Anh Thái đã đọc vô vàn cuốn sách về Phật giáo mới viết được một cuốn tiểu thuyết như thế. Cứ từ đó mà suy thì té ra người nào đọc nhiều sách thì người ấy sẽ có tác phẩm xuất sắc hay sao? Tới khi nhà phê bình Phạm Xuân Thạch soi chiếu một cách riết róng với bài Hồ Anh Thái có sợ giải thiêng? thì hầu như tất cả đều im lặng, riêng cây bút Thi Hà phản ứng rất dữ dội qua bài Xin đừng ảo tưởng và định kiến! Bài viết hợm hĩnh này, sau khi post lên website Thegioisach lại thấy đăng trên báo Người đại biểu nhân dân – nơi tác giả cuốn sách có người nhà gác cửa. Liệu còn có điều gì để nói thêm nữa đây!?

3. Lý luận - phê bình: Đến bao giờ mới tìm được “đường tới Roma”?

Trong bối cảnh các công trình nghiên cứu công phu, đồ sộ, nhiều khám phá mới như công trình Văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX do PGS TS Trần Ngọc Vương chủ biên, Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá của PGS TS Trần Nho Thìn, hay cuốn sách Trường phái hình thức Nga của PGS TS Huỳnh Như Phương... đang trở thành vài ba tác phẩm hiếm hoi, thì năm qua, sự manh mún và cẩu thả của nghiên cứu - lý luận - phê bình lại bộc lộ ngày càng rõ nét, và có thể coi cuộc tranh luận xung quanh “phát hiện” về thời điểm ra đời thơ tự do ở Việt Nam của Dương Văn Khoa trên Văn nghệ số Tết là ví dụ điển hình. Thiển cận, hời hợt, bảo thủ - chỉ có thể nhận xét như vậy về các tranh luận của Dương Văn Khoa. Tuy nhiên, qua cuộc tranh luận, lại thấy xuất hiện một tác giả nghiên cứu văn học khá nghiêm túc, thông thạo chuyên môn, tuổi đời còn rất trẻ, là Phạm Văn Ánh. Thế nhưng, cuộc tranh luận nói trên hầu như không có ý nghĩa tham vấn cho nhiều người viết lý luận - phê bình khác, người ta vẫn tiếp tục tung ra các sản phẩm kỳ dị kiểu như Chỉ tại các nhà phê bình (Nguyễn Hiếu - báo Người Hà Nội), Bắt mạch văn trẻ (Bùi Việt Thắng - báo An ninh Thủ đô)... Rồi người ta tập hợp mấy khoá luận tốt nghiệp đại học để làm ra cuốn Thế giới nghệ thuật Tạ Duy Anh - một cuốn sách tôi từng nhận xét là “nỗi xấu hổ của giới nghiên cứu văn học trong năm 2007”. Với cuốn sách này, điều cần nói tới là người tuyển chọn. Người ta đã không nắm bắt được ý nghĩa đích thực của các khoá luận đại học là gì, nên tổ chức cuốn sách rất cẩu thả, không biết lược bỏ các ý tưởng và phân tích trùng lặp, đặc biệt là không nắm bắt được chính xác nội hàm của một số khái niệm mà mấy cử nhân tương lai đã sử dụng. Liệu có thể coi đây là sản phẩm bắt nguồn từ sự nôn nóng nổi tiếng của ai đó khi làm ra cuốn sách? Không chỉ thế, còn thấy người ta xuất bản các cuốn sách nghiên cứu kiểu như Tam diện tuỳ bút của Trần Thanh Hà, trong đó, tác giả khẳng định ở Việt Nam có ba vị “bậc thầy” về tuỳ bút là Nguyễn Tuân, Nguyễn Ngọc Lan và... Đỗ Lai Thuý! Trong cuốn sách, PGS TS Đỗ Lai Thuý được ca ngợi hết lời, cứ như là minh tinh của khoa văn học và văn xuôi nước nhà. Tôi đã viết và đăng trên VieTime một bài phân tích những điều lố lăng của cuốn sách, đến nay vẫn chưa thấy họ trả lời (?). Từ các hiện tượng trên, tôi thử đặt câu hỏi: Phải chăng cuộc khủng hoảng lý luận - phê bình đang ngày càng thêm trầm trọng, và biết bao giờ mới tìm thấy lối ra?

Nhìn lại văn chương năm 2007, cần nhắc tới việc xuất bản tác phẩm của một số tác giả ở miền Nam trước năm 1975 và tác giả có tác phẩm vốn “ít” xuất hiện trên văn đàn. Đây là dấu hiệu cho thấy tinh thần dân chủ trong văn học đã rộng mở, song tuy thế tôi lại ngạc nhiên, vì có nhà phê bình nhanh nhảu cổ võ, tán dương, gán cho tác phẩm vài điều chưa có, biến thành tuyệt phẩm văn chương, hoặc trầm trồ về vài ý tưởng không mấy cao siêu như ý ngọc lời vàng. Rồi từ lúc manh nha đến năm qua, nhiều người hào hứng bàn về “văn chương mạng” như là một vấn đề của văn chương thời công nghệ tin học. Và thiển nghĩ, dù tính cập nhật và khả năng chuyển tải văn chương internet có hữu hiệu đến đâu thì một khi đã coi đó là văn chương thì cần đo đếm từ tiêu chí văn chương. Theo nghĩa đó, thú thực văn chương trên internet chưa thực sự thuyết phục tôi. Sự chung sống “giữa vàng và rác” của văn chương trên mạng làm tôi nghĩ nên cẩn trọng, và tỉnh táo ư, có lẽ cũng không thừa!

Nhìn từ diện rộng, phải thừa nhận đến năm 2007, một thị trường sách giải trí đã hình thành, và không có gì đáng e ngại khi trong xã hội đã và đang có một kiểu loại nhu cầu giải trí như vậy, ngoại trừ một vài cây bút phê bình như muốn gạt sang một bên ý nghĩa giải trí hoặc “đầu cơ” tên tuổi vào PR. Bằng việc làm ấy, họ đã vô tình (hay cố ý?) lừa dối người đọc.

4. Chuyện ngoài văn chương: “Nhiều như cát sông Hằng”!

“Hằng hà sa số - nhiều như cát sông Hằng”, xin được mượn câu thành ngữ này để mô tả tình trạng lộn xộn, nhiều khi lố lăng, của một số nhà văn, nhà thơ xứ ta trong năm 2007 khi họ thực hiện các hành vi “ngoài văn chương”. Tôi vẫn nghĩ, dù là viết văn hay làm thơ thì cũng như mọi nghề nghiệp khác, sản phẩm của mỗi tác giả sẽ tạo ra cơ sở để công chúng và đồng nghiệp đánh giá. Nhưng thực tế cho thấy, hình như điều tôi nghĩ lại chỉ mang ý nghĩa cá nhân. Đó là khi tôi tiếp xúc với các bài viết hoặc trả lời phỏng vấn, nhất là trên diễn đàn của người Việt ở hải ngoại, thấy một số nhà thơ trong nước không những “ăn theo nói leo” khi luận bàn về một số vấn đề chính trị - xã hội một cách tuỳ tiện, mà còn khoe khoang, đánh bóng bản thân theo lối như anh Văn Chinh đã nhận xét: “thích đánh bóng mình trên lộ trình nói xấu người khác một cách… vô tư!”. Người thì cố đào bới, moi móc trong sự nghiệp thơ ca xem ngày trước mình có mẩu chữ nào phảng phất tinh thần “cấp tiến” để chứng minh bản thân có tầm nhìn xa, cấp tiến từ trong máu. Người thì ca ngợi thơ phú của mình giàu tính phương Đông, trong khi tôi cố đọc mà chẳng thấy có một tí tẹo nào. Rồi họ thi nhau mông má quá khứ, thậm chí cố bịa ra vài ba sự cố chỉ có duy nhất mình là chứng nhân để biến bản thân thành chính nhân quân tử, ý chí hơn người, thơ phú tài hoa, sẵn sàng lấy cái chết (được mô tả một cách bi hùng nhưng lại... không dám chết!) để bảo toàn danh dự... Nghĩa là dường như một số nhà thơ xứ ta đang múa may “ngoài thơ” để trở thành người nổi tiếng. Nghĩa là dường như “hội chứng chửi có thưởng” đang ám ảnh một số người. Nghĩa là dường như danh hiệu nhà thơ đang được ai đó “đầu cơ” cho dăm ba thứ “ngoài thơ”. Và nghĩa là dường như... hơi bị thảm hại!

Rồi đầu năm 2007, giữa thanh thiên bạch nhật, giữa Văn Miếu - “ngôi đền thiêng” của nền học nước nhà, lại có chị nhà thơ ngang nhiên trưng bày tới ba văn bản đạo văn để mọi người thưởng lãm. Ấy vậy mà vẫn có người giàu lòng trắc ẩn coi đó chỉ là sự lỡ làng, là nghi án. Ăn cắp văn giấy trắng mực đen rõ ràng lại “đánh tráo” thành lỡ làng, nghi án thì các lý lẽ phải - trái trên đời này còn có ý nghĩa gì không? Hiện tại, tôi đã sưu tầm được một số văn bản đạo văn, trong đó có cuốn sách của một nhà văn bỗng dưng cao hứng viết lý luận, ông này đã “thuổng” từ công trình của một nhà khoa học tới quãng 1/3 số chữ nghĩa để đưa vào cuốn sách, quá kinh hoàng! Hy vọng ra giêng ngày rộng tháng dài, tôi sẽ công bố sự việc này để mọi người có điều kiện ngắm nghía.

Nhớ cuối năm ngoái, tự dưng một nhà văn cũng có đôi chút tiếng tăm lại bàn với tôi về giải thưởng của Hội Nhà văn và tuyên bố như đinh đóng cột rằng tác phẩm A của ông X không xứng đáng nhận giải. Tôi hỏi: Thế anh đọc cuốn ấy chưa? Ông hồn nhiên trả lời: Chưa đọc, nhưng lão X không xứng đáng! Thế thì tôi chịu thật, té ra theo ông thì khi xét giải thưởng chỉ cần xem tác giả đó là ai, chứ không cần xem tác phẩm theo tiêu chí hay - dở. Thảo nào dạo ấy trên báo chí, ông là người rất hăng hái “tấn công” vào cái ông X kia. Đến năm nay, chuyện giải thưởng có vẻ ít xôn xao, nhưng chuyện kết nạp hội viên lại trở nên rất om xòm. Tôi đọc một số bài phỏng vấn nhà văn, nhà thơ và có người làm cho tôi ngao ngán. Nhất là ông nhà thơ Thanh Tùng. Để phản đối việc Hội Nhà văn kết nạp nhà thơ nọ, ông nói: “Nếu Ban chấp hành vẫn khăng khăng cho rằng tác giả viết mấy câu thơ nhung nhăng ấy xứng đáng gọi là nhà thơ thì xin từ nay đừng ai gọi tôi là nhà thơ nữa. Cứ coi như tôi chưa từng viết bài Thời hoa đỏ, chưa từng hai lần được giải thưởng thơ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và cũng chưa từng được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam”. Nói đến thế thì quả là nhà thơ đã tự làm hao hụt sự chín chắn, nếu không nói là ông huênh hoang quá đà. Trong tư cách một bài thơ, Thời hoa đỏ chưa phải là tuyệt tác, bài thơ được công chúng biết tới chủ yếu là nhờ giai điệu quá hay của Nguyễn Đình Bảng, xin đừng hoang tưởng trước sự thật ấy. Thêm nữa, để phản đối việc kết nạp nhà thơ nọ vào Hội, Thanh Tùng nói rằng coi như ông chưa từng được trao, nhận mấy cái giải thưởng ghê gớm kia, và ông làm tôi băn khoăn tự hỏi: Để lời phản đối có thêm sức nặng, ông có trả lại mấy giải thưởng, rồi xin ra khỏi Hội không nhỉ?

Con người nghề nghiệp và con người xã hội dù có quan hệ mật thiết với nhau thì vẫn có một ranh giới. Trong một số trường hợp cụ thể, không nên đánh đồng hai tư cách ấy, nói cách khác, không thể sử dụng con người nghề nghiệp thay thế con người xã hội. Từ bình diện này mà xét, có lẽ một số nhà văn, nhà thơ xứ ta đã nhầm lẫn trong khi xử lý quan hệ trên, tỷ như có người dùng thẻ hội viên thay cho chứng minh thư nhân dân chẳng hạn. Trong thực tế, việc sử dụng tư cách con người xã hội như thế nào, ở mức nào là quyền của mỗi người, nhưng không phải khi nào cũng có thể lấy con người nghề nghiệp ra để “bảo lãnh” cho con người xã hội. Nhắc tới điều này, tôi muốn nói rằng, ai đó muốn thể hiện mình trước công chúng, hãy tỉnh táo xem xét bản thân là ai, nếu không, sẽ chỉ tự đẩy mình vào tính thế lố bịch là sắm “nhầm vai” mà thôi!

Vâng, năm tháng rồi sẽ qua đi, chẳng ai có thể trì níu để tìm ra cơ hội làm lại vì đã lỡ sai lầm. Vì thế, từng hành vi, từng ứng xử của mỗi chúng ta cần được cân nhắc, suy tư cẩn trọng trong tâm thế của người trưởng thành.

NGUYỄN HÒA