Sách đồng, bia đá, sách gỗ, sách lá

Cùng là kim sách, song sách đồng (ảnh bên) là loại phổ biến hơn và gần gũi với đời thường bởi nó là loại sách tín ngưỡng do dân làm ra.

Kho tàng sách đồng của Việt Nam chắc có khá nhiều nhưng hiện còn biết được khoảng 12 cuốn. Hai cuốn sách đồng của chùa Láng và chùa Dâu, sách đồng Cầu Khuông, sách đồng Đông Lao, 5 sách đồng Quảng Nam, sách đồng Mai Phúc - Gia Lâm. Sách đồng chùa Đậu ghi chép sự tích Man Vương và Tứ Pháp nay đã không còn.

Một cuốn sách kinh Phật đồng đặc biệt có ở chùa Láng. Tương truyền sách được khắc kinh Phật chỉ để vua Lý tụng niệm mỗi lần ông đến lễ chùa. Sách đồng Cầu Không là pho dã sử kể về kỳ tích Lê Thánh Tông bình chiêm ở phương Nam và cho dựng Cầu Không. Cho dù có đôi chút thần thánh hoá, song thực sự là một tư liệu sử học quý về lai lịch Cầu Không cũng như sự nghiệp an quốc nơi biên viễn phương Nam của Đại Việt hồi thế kỷ 15. Sách hiện do ông Nguyễn Văn Thuỳ lưu giữ tại thôn Văn An xã bắc Lý huyện Lý Nhân tỉnh Hà nam.

Bản hùng văn ghi chiến tích cha ông

Cuốn sách này vốn được cất giữ tại đền cầu Không - Thái Bình. Xưa kia đền toạ lạc ngay gian giữa của chiếc cầu gỗ 21 gian kiểu thượng gia hạ kiều. Đến năm 1952, Cầu Không đổ nát, sách mới lưu lạc về nhà dân. Sách có tên "Khâm đúc đồng bài", gồm hai tấm đồng tạo nên bốn trang sách khổ lớn nặng 6,5 kg. Tổng cộng sách khắc 527 chữ Hán và 2 chữ Nôm, có dòng chỉ có 1 chữ, dòng nhiều nhất 37 chữ, sách được làm ngày 6 tháng 3 năm Hồng Đức thứ 3 (1472). Giá trị của sách đồng Cầu Không, chẳng những là sử liệu cho biết nhiều chi tiết quá trình xây dựng trùng tu Cầu Không, hành trang của vua Lê Thánh Tông mà còn là bản hùng văn ghi chiến tích bình Chiêm của ông cha:

"Giữa cầu có đền thiêng treo cờ vàng, (vua) bèn sai quân đến cầu đảo. Nhân đấy lấy cái cờ vàng này, treo ở thuyền rồng. Thuyền rẽ biển vào sông như đi trên đất liền... phất cờ này thì biển yên gió lặng, phá đồn Thị Nại, đánh tan Bồ Bàn, Trà Toàn bị bắt. Xa giá nhà vua thắng lợi trở về".

Sách đồng Đông Lao được làm năm Chính hoà thứ 8 (1687) hiện lưu giữ tại nhà thờ họ làng Đông Lao, huỵên Hoài Đức, Hà Tây. Sách có số phận "dâu bể" nhất trong số đồng thư. Bởi có khối lượng đồng đỏ khá lớn khoảng 4,7 kg gồm 18 lá đồng, mỗi tờ đồng lá khắc chữ Hán nổi sắc nét dàn áp lại với nhau tạo nên những trang sách và gáy đóng bằng ba khuyên tròn. Năm 1947 nó đã bị đánh cắp và bán cho lò đồng Ngũ Xã. Tưởng chừng số phận đồng thư Đông Lao đã bị "hoá kiếp". May thay nhờ có phù hộ của thành hoàng làng, quận công Nguyễn Công Triều (? - 1690) linh thiêng đã bảo vệ nó thoát khỏi lò nấu đồng Ngũ Xã.

Truyền ngôn kể rằng, ông chủ lò hôm ấy nhóm ba lò lần liền đều bị tắt, bèn cho sắp xếp lại đồng vụn trong nồi và phát hiện ra cuốn đồng thư. Tuy ít học nhưng là người trọng chữ nghĩa, ông cho người báo về Đồng Lao. Một đoàn bô lão dại diện dân làng lên chuộc và thỉnh sách về yên vị tại nhà thờ tổ để chúng ta còn được chiêm ngưỡng hôm nay. Nội dung sách thể hiện quy ước thờ cúng thành hoàng làng, một trong những danh tướng Lê - Trịnh có công lớn trong việc diệt Mạc. Sách còn là cuốn khoán ước cổ có tuổi đời trên 300 năm.

Ngàn năm bia đồng, bia đá

Năm 1986, tình cờ, lúc trùng tu đình Mọc Quan Nhân, các cụ bô lão đã tìm thấy tấm bia đồng cỡ lớn độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Diềm bia trang trí hoa văn tinh xảo khắc 2700 chữ Hán kể về sự tích vị thần làng Hùng Lãng Công. Lúc đó làng bị dịch bệnh hoành hành, vợ chồng ông đã dập được dịch bệnh cứu dân làng. Ông vốn dòng dõi vua Hùng lấy bà Trương Mị Nương người làng Quan Nhân làm vợ. Giặc Nam Triều sang xâm lược, ông dẫn quân chống trả thắng lợi nhưng cuối cùng đã hy sinh. Được tin chồng tử trận, bà Mị Nương đã hoá theo chồng. Năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767) Chúa Tĩnh vương đã ban phong vị thần làng là Trung Nghĩa Đại Vương.

Về sự lạ sách đồng thật phong phú, quí giá bởi nó soi sáng cho rất nhiều sự kiện ghi chép trong chính sử. Sách đồng tại nhà thờ họ Hoàng ở Điện Bàn Quảng Nam cho biết, gốc gác ông Hoàng Diệu, vị tổng đốc đã tuần tiết khi Hà Nội đã thất thủ giữ vững khí tiết anh hùng. Ông vốn xuất thân từ một chi họ Mạc ở Hải Dương di tán vào Nam khi họ Mạc bị diệt vong.

Ngoài ra, ngày 14/7/1994, bảo tàng Quảng Nam còn may mắn mua được 4 cuốn đồng thư triều Nguyễn từ một người kiếm phế liệu tên Trần Văn Thảo. Các hiện vật quí giá này do anh Thảo đào được trên bãi cát nằm giữa hai huyện Hoà Vang và Điện Bàn, 3 cuốn đều là sách phong quân và phong vương cho cha con Nguyễn Phước Hiệu. Một cuốn đặc biệt khắc bài Ngự chế của vua Minh Mạng (1823)

Cán bộ viện nghiên cứu Hán Nôm, trong một lần đi điền dã đã phát hiện cuốn sách đồng làng Mai Phúc xã Ngọc Thuỵ Gia Lâm. Sách gồm 12 lá đồng cỡ 18x34cm nặng 1 kg. Chữ Hán khắc chìm trên một mặt không trang trí, không có tên nghệ nhân khắc sách. Trên mỗi lá đồng số trang từ 1 đến 12 ở góc bên trái, mỗi trang có 7 hoặc 8 dòng, mỗi dòng có từ 5 đến 25 chữ, tổng cộng khoảng 200 chữ. Nội dung sách là bản thần tích thần làng Mai Phúc được Đông các hoạ sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1572.

Điều đáng chú ý đây là cuốn sách đồng "trẻ tuổi" nhất mới được dân làng cho vào năm 1920, gần như còn chung "nhịp thở" với thế hệ chúng ta. Thần tích kể về câu chuyện hai anh em họ nhà Xuân Vinh và Xuân Nương thông minh tài giỏi đã mộ quân giúp vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan sứ quân Kiều Công Hãn ở thành Phú Lâm huyện Bạch Hạc. Khi Đinh Bộ Lĩnh đăng quang đã phong hai anh em Xuân Vinh làm đại vương và Xuân Nương làm công chúa. Phần cuốn sách ghi rõ ngày hoá của nhị vị thần linh và thời gian làm sách đồng.

Mộc thư trong kho tàng văn hoá cổ Việt

Diện mạo cổ thư không thể thiếu được Mộc thư, phần đông đảo và quan trọng nhất trong kho tàng văn hoá cổ Việt Nam. Lịch sử bi hùng Đại Việt cũng buộc cổ thư Việt Nam gánh chịu những nguy cơ tuỵêt diệt không kém thảm hoạ "chôn học trò đốt sách" thời Tần. Đầu thế kỷ 15 Đại Việt rơi vào ách đô hộ nhà Minh. Minh thành tổ đã truyền chỉ cho đại tướng Mộc Thạch "đốt hết, vét hết" văn hoá Việt. Bởi vậy chân dung Mộc thư Việt Nam có những "khoảng trống đen" không thể bù đắp được. Về mặt khách quan, mộc thư chưa thực sự phát triển ở những thời kỳ đầu dựng nước Đại Việt độc lập.

Nửa sau thế kỷ 20, nhà văn hoá Trần Văn Giáp đã để lại cho đời một công trình ý nghĩa khi ông đã tổng kết lại một cách khoa học và đầy đủ tổng ba tập chỉ dẫn các công trình Hán Nôm của Việt Nam bao gồm 76 cuốn sách đời Nguyễn Trọng Hoàng, Lê Tứ khố thư mục. Tuy nhiên, con số văn bản thật lại ít hơn rất nhiều. Có thể nói ngày nay công nghệ chế mộc bản đã thất truyền ở Việt Nam. Mộc kinh thư tồn tại rất sớm ở các trung tâm Phật giáo đại Việt xưa như chùa Bút Tháp, chùa Dâu. Kho tàng Mộc Kinh thư giá trị còn được bảo quản tốt nhất tại chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang.

Kho mộc thư đồ sộ này hiện lưu giữ 34 đầu sách với gần 3000 ván khắc. Mỗi ván khắc hai mặt gồm 4 trang sách ngược (âm bản) khoảng 200 chữ Nôm hoặc Hán. Kho mộc thư này được đánh giá là quý giá và nguyên văn nhất còn lại với những kỷ lục quốc gia về số lượng ván sách nhiều nhất có niên đại xưa nhất, chữ khắc chuẩn và đẹp nhất. Mộc thư sớm nhất ở đây có niên đại từ thế kỷ 14 triều Trần, song chủ yếu là thế kỷ 17-18 mà phần lớn là Kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển trường phái Trúc Lâm. Một số ít là nội y thư, giới thiệu nghề may ở nước ta.

Mộc văn thư gần như đã biến mất sau nhiều cơn binh lửa suốt thế kỷ 18, 19 và đầu thế kỷ 20. Ông tổ của nghề chế mộc văn thư được người đời tôn vinh cho Lương Như Học đại quan nhà Hậu Lê. Ông đã học hỏi nghề trong chuyến đi sứ để truyền bá cho dân chúng vào đầu thế kỷ 16. Thực sự mộc thư chỉ phát triển thịnh hành thời Lê Trịnh (1592 - 1786), đầu Nguyễn và bước vào suy thoái dần khoảng giữa thế kỷ 19 và mất hẳn khoảng đầu thế kỷ 20. Một trong những nguyên nhân khiến mộc thư Việt Nam chậm phát triển trước thế kỷ 17 bởi công nghệ chế tạo giấy in chưa thật phổ biến mạnh mẽ ở Việt Nam.

Từ mộc thư tới sách lá độc nhất vô nhị

Bộ mộc thư qui mô nhất có thể còn biết tới ngày nay chính là mộc bản tàng thư của bộ Đại Việt Sử ký Toàn thư được ấn loát vào năm Chính Hoà thư 18 (1697) do chúa Trịnh Căn chủ trương. Phường thợ Hồng Lục và Liễu Ngạn được giao trọng trách chế khắc bộ mộc bản đồ sộ khởi công ngày 13/12/1967, hai phường nghề cật lực khắc ván in không kể ngày đêm và bộ chính sử được hoàn tất ngày 28/1/1698.

sang thế kỷ 18 mộc thư nở rộ với sự ra đời của hàng loạt tác phẩm tiểu thuyết, thi ca hán Nôm nổi danh in đậm dấu ấn của thời kỳ văn chương thịnh đạt. Hàng loạt trước tác từ Kiến Văn Lục, Lê Triều hội điểm, Lịch Triều tạp kỷ, Phủ Biên tạp lục lần lượt được ấn loát. Sau khi đại Nam rơi vào ách đô hộ, kỹ thuật in ấn phương tây xâm nhập và nghề in mộc thư đã cáo chung ở đầu thế kỷ 20. Văn hoá vật thể Mộc thư còn lại rất ít ỏi hầu như chỉ có từ niên đại thế kỷ 19.

Như một qui luật tồn vong, hơn 400 mộc thư còn được bảo tồn nguyên vẹn tại Phúc Giang thư viện của dòng họ Nguyễn Huy ở thôn trường lưu (xã Trường Lộc) Can Lộc, Hà Tĩnh. Sách lá là thể loại khá đặc biệt tồn tại lâu đời ở các tỉnh miền núi phía Bắc và phổ biến ở các vùng Trung bộ và Nam Bộ vốn thuộc văn hoá Chăm và Chân Lạp. Được viết trên lá buông của người Khơme và lá cọ của dân tộc Thái vốn là vật liệu không mấy bền vững nên sách lá còn lại không nhiều. Loại cổ thư này chủ yếu phân thành hai dòng: kinh thư về các bộ kinh được lưu giữ tại các chùa và văn thư về mọi chuyện đời thường, phong tục tập quán lưu giữ ở các gia đình.

Tái hiện lại một cách sống động diện mạo vốn có chân dung cổ thư Việt Nam trải hơn 4000 năm văn hiến là việc làm không dễ dàng gì. Dẫu sao qua nhiều điều đã thất truyền nên việc phục dựng những công nghệ chế tác sách cổ của cha ông đòi hỏi sự đầu tư thích đáng và sự nỗ lực từ nhiều cơ quan chức năng. Tất nhiên yếu tố không thể thiếu được là tâm huyết của thế hệ trẻ hôm nay. Hy vọng một ngày nào đó, ta lại có thể chế tác lại mộc thư, kim thư... để bù đắp lại những mất mát mà thời gian và chiến tranh đã cướp đi từ kho tàng quý giá của tổ tiên cơ hoàn trả lại cho bộ mặt văn hoá Việt Nam nét hấp dẫn đa sắc sẽ mãi mãi trường tồn.

Trịnh Thu Hà (TBKT)