1746 Phat Tich pagoda

Chùa Phật Tích (Vạn Phúc Tự)

萬 福 寺

Bắc Ninh


Chùa Phật Tích 佛 跡 寺 có từ năm 1057. Tên chữ: Vạn Phúc Tự 萬 福 寺. Lễ hội: ngày 4 tháng Giêng âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt (2014). Vị trí: 32VG+FG, thôn Phật Tích, xã Phật Tích, H. Tiên Du, Bắc Ninh. Cách BĐX Bờ Hồ: 28km (hướng 2h). Từ Hà Nội theo đường cao tốc QL1A đến gần khu đô thị Hoàn Sơn rẽ phải đi khoảng 9km nữa sẽ đến chùa

Lược sử

Chùa Phật Tích được vua Lý Thánh Tông thành lập vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057) trên sườn núi Lạn Kha (rìu mục). Từ xưa đã có nhiều thiền sư đến tu luyện. Phía trước chùa có sông Đuống, phía sau là dãy núi Nguyệt Hằng. Tương truyền đây là nơi Từ Thức gặp tiên nữ Giáng Hương trong một dịp đầu xuân khi mọi người nô nức xem hoa mẫu đơn.

Năm 1066 Lý Thánh Tông cho xây thêm một toà tháp cao. Sau này khi tháp bị đổ mới lộ ra ở trong đó bức tượng Phật A Di Đà làm bằng đá xanh nguyên khối, bên ngoài dát vàng. Xóm Hỏa Kê (gà lửa) cạnh chùa được đổi tên thành thôn Phật Tích để kỷ niệm sự kiện kỳ diệu. Năm 1071, Lý Thánh Tông đi du ngoạn khắp vùng Phật Tích và viết chữ "Phật" dài tới 5m, sai khắc vào đá đặt trên sườn núi. Đến đời Trần Nhân Tông, vua đã cho xây cung Bảo Hoa tại chùa. Vua Trần Nghệ Tông thì cho xây dựng thư viện Lạn Kha và năm 1384 đã tổ chức thi Thái học sinh tại đây.

Đồi tháp chùa Phật Tích. Photo NCCong ©1983

Chùa được xây lại với quy mô rất lớn và đổi tên là Vạn Phúc Tự vào năm 1686 dưới đời vua Lê Hy Tông. Đệ nhất cung tần Trần Ngọc Am khi rời phủ chúa Trịnh Tráng về tu ở chùa này đã góp công đầu. Tấm bia đá “Vạn Phúc đại thiền tự bi” được dựng cùng đợt ấy cho biết: năm 1057 nhà Lý đã cho xây ở đây cây tháp cao mười trượng, bên trong có pho tượng Phật mình vàng cao sáu thước (chính là pho tượng Phật A Di Đà nói trên).

Đến thời Pháp thuộc, chùa vẫn nổi tiếng to đẹp và linh thiêng, nơi hành hương của nhân dân Kinh Bắc và khách thập phương đổ về hàng năm, nhất là vào dịp lễ hội Phật Tích ngày 4 tháng Giêng âm lịch. Năm 1947 chùa bị đốt cháy rụi.

Năm 1959 chùa Phật Tích được dựng lại sơ sài. Bộ Văn hóa xếp hạng chùa là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia tại Quyết định số 313/VH-VP ngày 28 tháng 4 năm 1962. Chùa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2014.

Tiền đường chùa Phật Tích. Photo ©NCCong 2019

Kiến trúc và di vật

Đến cuối thập kỷ 2000 chùa được đại trùng tu theo kiểu “nội Công ngoại quốc” như cũ (giống với lối kiến trúc tại chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang). Trên hai đỉnh đồi có thêm một tháp cao và tượng Phật A Di Đà rất lớn, có thể thấy từ xa. Chùa có 7 gian tiền đường, 5 gian Tam bảo, 8 gian nhà Tổ và 7 gian nhà Mẫu.

Tại toà thượng điện có đặt bức tượng Phật cổ nhất miền Bắc, tạc A Di Đà ngồi thiền trên toà sen, cao 1,85m (tính cả bệ đá là 3m). Các miếng vá không che nổi dấu vết phá huỷ của chiến tranh. Đầu tượng trán nở, tóc xoắn ốc, tai to chảy, mặt trái xoan, đôi mắt phượng khép hờ nhìn xuống hiền lành, mũi dọc dừa cao đầy, môi mỉm cười độ lượng. Thân tượng dong dỏng, thanh thoát, hai cánh tay toát lên vẻ thon lẳn, các ngón dài hình búp măng. Áo cà sa có hai lớp: lớp áo ngoài chạm khắc tinh xảo như làm bằng lụa mỏng ôm sát lấy thân mình thon thả và chảy mượt thành nhiều nếp xuống tận đài sen. Lớp áo trong để hở ngực làm tôn chiếc cổ kiêu ba ngấn, dây lưng bên dưới thắt thành nơ.

Tượng A-di-đà chùa Phật Tích. Photo NCCong ©1983

Bệ tượng gồm đế và đài sen. Đế hình bát giác cao 5 tầng: tầng sát đất để trơn; tầng hai và ba chạm nổi các lớp sóng kép; tầng bốn và năm mỗi mặt chạm nổi đôi “rồng giun” bờm tóc dài (đặc trưng rồng thời Lý) nối đuôi nhau, chạy quanh bệ tượng. Đài sen có 15 cánh to nở rộ; mỗi cánh sen được chạm một đôi rồng chầu vào hình Phật ngồi thiền trên đài sen hào quang tỏa sáng hình lá đề.

Ngoài pho tượng A Di Đà còn bảo lưu được những cổ vật quý khác như: chân cột bằng đá chạm hoa sen, mỗi hoa là một đôi rồng chầu; hình dàn nhạc công “thiên thần”; tượng thần chim đánh trống cơm. Lại có 5 đôi thú đá to lớn gồm ngựa, trâu, tê giác, voi, sư tử đối xứng nhau qua lối dẫn lên tiền đường trong tư thế quy phục Phật pháp. Bệ đá của mỗi con thú đều chạm hoa sen; thân sư tử có những lớp vân mây xoắn biểu tượng tinh tú.

Ngoài ra, cần kể đến 32 ngôi tháp mộ đứng rải rác ven đồi có niên đại từ thế kỷ XVII đến XX và pho tượng thiền sư Chuyết Chuyết phát lộ năm 1988 rồi được phục chế năm 1993.

Hàng linh thú đá chùa Phật Tích. Photo NCCong ©2019

Năm 2008 nền chùa cổ đã bị đào phá bằng máy xúc để xây mới. Các hiện vật quý bị vứt ngổn ngang khắp nơi, sau đó nhiều thứ phải chuyển đến bảo quản tại Hà Nội. Ngày nay trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có trưng bày những mảnh đá chạm rồng và hoa lá; nhiều mảnh lá đề bằng đá với kích thước to nhỏ khác nhau, trên mặt chạm rồng; một pho tượng Kim Cương có niên đại thế kỷ XI; tảng đá chạm hình hoa văn sóng nước (thế kỷ XI); mảnh đá chạm đầu tượng tiên nữ; tượng nữ thần chim tạc trong tư thế nửa người với đôi tay đã hoá thành đôi cánh.

Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng trưng bày một tảng đá kê chân cột của chùa Phật Tích có hình vuông, mỗi chiều dài đến 1m, vòng chân cột có đường kính 60cm. Quanh chân cột là vòng cánh sen được chạm nổi rất tinh tế, với 16 cánh sen chính cùng 16 cánh sen phụ xen kẽ, mỗi cánh sen chính trông giống như một chiếc mai rùa.

Tượng Kinnara chùa Phật Tích

Di tích lân cận

1746 Phat Tich pagoda ©NCCong 1983-2019