Về dấu tích sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung

Ảnh: một trong các viên đá trang trí kiến trúc cung điện Đan Dương

Đầu năm 2008, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân được mời báo cáo với TP. Huế và các ban ngành chức năng của tỉnh TT-Huế về đề tài "Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung". Sau báo cáo, lãnh đạo TP. Huế cho biết sẽ đề nghị các ngành chức năng Trung ương thẩm định.

Nhưng trước mắt chính quyền cùng tác giả đang khảo sát lại tư liệu, hiện trường, bàn biện pháp bảo vệ các hiện vật "vô chủ", lập đề án xin kinh phí khai quật, chuẩn bị trưng bày tài liệu và hiện vật trong dịp Festival 2008. Nhân sự kiện nầy, báo LĐ có cuộc trao đổi nhanh với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.

*Vì sao vua Quang Trung được bí mật táng ngay trong khuôn viên cung điện Đan Dương?

- NĐX - Như lịch sử đã ghi, vào đầu những năm 90 của thế kỷ XVIII, triều đại Quang Trung phải đương đầu với các lực lượng thù địch rất nguy hiểm. Ở phía Nam, có Nguyễn Vương. Gần hơn, chính vua Thái Đức Nguyễn Nhạc cũng lăm le ra Phú Xuân để giành quyền lực. Ở phía Bắc, có Trung Quốc. Và, không ở đâu xa, ngay tại Phường Đúc, cách nơi ông ở vài cây số, các Thừa sai Thiên chúa giáo ngày đêm đang theo dõi mọi động tĩnh của triều Quang Trung để báo ra ngoài cho các nước Phương Tây.

Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (tức 16-9-1792) vua Quang Trung băng. Nếu tin nầy lọt ra ngoài thì lực lượng thù địch sẽ động thủ và sự nghiệp của triều đại Quang Trung không tránh khỏi sụp đổ. Vì vậy, vua quan triều Quang Toản không có cách nào tốt hơn để giữ bí mật là táng quan tài của vua Quang Trung ngay tại Cung điện Đan Dương.

*Những "thông tin"nào đã dẫn dắt ông đến với địa điểm từng là nơi toạ lạc của lăng vua Quang Trung , "giải mã" bí mật quan trọng vào bậc nhất lịch sử VN?

- NĐX - Một nguyên chú trong bài thơ Cảm hoài của của Ngô Thì Nhậm cho tôi biết: "Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta". Một nguyên chú khác trong thơ Phan Huy Ích cho biết: khi ông ở trọ trong một ngôi chùa để làm việc với Thái sư Bùi Đắc Tuyên ở chùa Thiền Lâm, "bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu" với ông. Chứng tỏ lăng vua Quang Trung gần chùa Thiền Lâm.

Chùa Thiền Lâm ở ấp Bình An, phía nam sông Hương và phía bắc đàn Nam Giao, nguyên là một bộ phận của Phủ Dương Xuân - cung điện mùa đông thời các chúa Nguyễn do Hòa thượng Khắc Huyền khai sơn. Nhưng Đại Nam Nhất Thống Chí xuất bản đời Duy Tân lại viết "chùa Thiền Lâm do Hoà thượng Thạch Liêm dựng" và chùa nằm trên đất An Cựu. Chứng tỏ nhà Nguyễn cố tình viết sai lịch sử chùa Thiền Lâm. Vì sao? Cũng trong cuốn địa lý lịch sử nầy viết về Phủ Dương Xuân rất to lớn đẹp đẽ, nhưng "từ khi chiến tranh với loạn (Tây Sơn) địa điểm của Phủ mất tích". Vì sao địa điểm một cái phủ to lớn như thế có thể mất tích? Pierre Poivre trong bút ký Kỹ hành (Voyage) cho biết vào năm 1749, ông đã đến Cung điện Mùa Đông (tức Phủ Dương Xuân) trên một cái gò, có một cánh nhìn ra sông, trước Cung điện có một cái Hồ...

Từ thông tin của Poivre, từ chùa Thiền Lâm tôi đi tìm dấu tích Phủ Dương Xuân. Lại gặp một vùng hoang địa bên phía tây chùa Thiền Lâm, có đủ những cảnh vật mà Poivre đã viết. Vùng nầy có những giếng hoang dân địa phương gọi là "giếng loạn", có nhiều mồ chôn gọi là "mã loạn", có "Cồn bông sứ" chứng tỏ nơi đây từng là nơi cung điện thờ cúng trồng bông sứ, trong thế kỷ thứ XIX dân chúng bị cấm lai vãng vùng hoang địa nầy, đến đầu thế kỷ XX các quan đại thần mới đến lập nghĩa địa, cho xây chùa, phát hiện nhiều gạch đá táng cột, đá lát, ghế đá, chóp trụ đá từ dưới đất bị nước mưa chảy xói trơ ra, hoặc đào đất bắt gặp nhiều nơi. Vùng nầy trước là đất của xã Dương Xuân, cũng có tên là Long Sơn, sau triều Nguyễn đổi lại là ấp Bình An. Những thứ đá ấy chứng tỏ nơi đây từng là một vùng cung điện, với nhiều kiến trúc, nơi thờ cúng (Bông sứ) đã bị đập phá chôn vùi xuống đất với nhiều chữ "loạn" có liên hệ đến Phong trào Tây Sơn. Trong vùng có nhiều giếng nước bỏ hoang chứng tỏ trước đây có nhiều người ở.

Cụ Phó bảng Nguyễn Đình Hiến Phủ doãn Thừa Thiên - đã từng đến đây, đã rất khó hiểu về vùng đất hoang nầy. Trong bia văn Cổ Kính Trùng Viên Thuyết viết về một trong những cái giếng hoang trong vùng nầy, cụ Phó bảng đã đặt câu hỏi: "Cái giếng nầy do ai bắt đầu đào? Vào thời nào? Vì sao lại bỏ hoang?". Lời bình của người bạn đồng châu Quảng Nam của cụ Phó bảng viết "Câu chuyện nầy, trong cái nhỏ thấy cái lớn". Bia văn với lời bình dựng từ năm 1930 (hiện nay Phòng TTVH TP Huế giữ).

Nhưng mãi đến nay tôi mới trả lời được cụ Nguyễn "Vì nó là nguồn nước của quan quân triều Quang Trung kẻ thù của triều Nguyễn đã bị triệt hạ nên nó bị bỏ hoang". Và qua đó cũng nói rõ "cái lớn" mà cụ thượng thư bộ Binh triều Nguyễn Phạm Liệu không dám nói thẳng "Ấy là Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung". Công trình nghiên cứu của tôi không những giải mã được bí ẩn Lăng mộ vua Quang Trung ở đâu mà còn giải mã nhiều bí ẩn trong nhiều sử sách, các chùa ở Huế, văn thơ, ca dao ở vùng đất Thuận Hoá Phú Xuân nầy.

*Cám ơn ông. Bạn đọc sẽ cùng ông chia sẻ "bí mật" bằng cách tìm đọc cuốn Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương của ông vừa xuất bản!

PV (LĐ)