Đông Tác

Blog

Trang nhà > Khoa học > Ngôn ngữ > Ngôn ngữ và Trí tuệ

Language and Intelligence

Ngôn ngữ và Trí tuệ

Thứ Sáu 7, Tháng Ba 2008

I. Khái niệm về trí tuệ

Có lẽ trong quá trình tìm hiểu về con người, các nhà nghiên cứu trên thế giới đều cần tự đưa ra hoặc gặp một câu hỏi chung: trí tuệ là gì? Xin dẫn một trong những câu trả lời được chấp nhận bởi đa số, nghĩa là không bị phản đối nhiều, tuy có vẻ hơi thiên về triết lý: "Trí tuệ là khả năng của con người chúng ta trên trái đất này, có thể tự khám phá và tìm hiểu về chính mình". Chẳng hạn như con khỉ không hề biết rõ nó là ai, mà chỉ biết nó khác với con người hay các loài thú vật khác; và con khỉ cũng chẳng biết được con người hay con rắn khôn hơn nó (?), nên dĩ nhiên là nó sợ cả hai đối tượng như nhau, tùy theo hoàn cảnh! Trong khi đó thì con người biết được có thể có các giống vật khác ở bên ngoài quả đất, hoặc tin rằng có các đấng thiêng liêng tài giỏi thông minh hơn mình!

Có một khái niệm gắn chặt với trí tuệ là sự thông minh, nói cách khác trí tuệ gần như được khai thác hoặc phát huy bằng sự thông minh, và nếu không thông minh tới mức nào đó thì trí tuệ cũng coi như bỏ đi không sử dụng. Nhưng thông minh là gì ? Mỗi người trong chúng ta lại có câu trả lời khác nhau, tùy theo sở học và quan niệm cá nhân. Có quan niệm cho người thông minh là người hiểu biết được nhiều chuyện hoặc là người có khả năng giải quyết đa số các vấn đề khó khăn; hay là người có tài phát minh sáng chế ra những điều mới lạ v.v. Tất cả các câu trả lời trên đều đúng, nhưng vì số lượng câu trả lời đúng như thế quá nhiều, nên chưa có câu trả lời nào được coi là hoàn toàn đầy đủ. Tuy vậy, khi đi tìm một câu trả lời tổng quát, các nhà khoa học đã cùng nhìn nhận thấy có một mẫu số chung của sự thông minh: đó là trí nhớ.

Theo như phân loại của các chuyên gia, có tất cả ba loại trí nhớ. Thứ nhất là trí nhớ sinh hoạt (working memory), dùng ngay trong các sinh hoạt thường ngày như nói chuyện hoặc làm việc. Thí dụ ta cần đến trí nhớ sinh hoạt để nghe giảng bài, để nhớ tên khách hàng trong lúc mua bán v.v., nó còn có những tên gọi khác là trí nhớ tạm thời (temporary memory) hay ngắn hạn (short-term memory). Loại thứ hai là trí nhớ quy nạp (declarative memory), như cây chuối sau vườn nhà khi ta còn bé, hay những bài học vỡ lòng. Đây là loại trí nhớ dài hạn (long-term memory), còn được gọi là ký ức, rất quan trọng cho sự thông minh và được dùng rất nhiều trong lúc suy nghĩ , tính toán để quyết định làm gì, hay làm bằng cách nào. Sau cùng là trí nhớ thường trực (permanent memory) hay quy trình (procedural memory), dùng để nhớ những động tác hay hành động có tính cách lặp lại nhiều lần, và đôi khi có tác dụng gần giống như tính phản xạ tự nhiên. Thí dụ, như đi băng ngang qua đường, chúng ta tự động nhớ là phải nhìn cả hai bên trái và phải; hoặc đưa tay lên chống đỡ gạt đi nếu có vật lạ xâm phạm vào cơ thể.

Trước khi bắt đầu đi sâu vào chi tiết, người viết cũng xin xác định cho rõ để tránh sự hiểu nhầm nếu có: trí nhớ chỉ mới là điều kiện "cần thiết", nhưng "chưa đủ" để bảo đảm có sự thông minh hay không. Nói cách khác, người thông minh cần phải có trí nhớ tốt, nhưng người có trí nhớ tốt chưa hẳn là người thông minh!

Sự nghe và thấy trong não

II. Quá trình nghe và thấy trong não bộ

Sự thông minh nào bao giờ cũng phải cần có thời gian để học hành hay rèn luyện. Không hề có cái chuyện gọi là "thông minh vốn sẵn tính trời" nào cả. Đó chỉ là cách nói bay bổng của văn chương thi phú mà thôi. Còn như nếu hiểu "tính trời" theo thực tế, thì chỉ có vấn đề thuộc về di truyền học. Nghĩa là cơ cấu não bộ của những đứa bé mới sinh ra đời tùy thuộc vào sự di truyền từ đời trước khá nhiều, và chắc chắn là không giống nhau về "phẩm" cũng như "lượng". Nhưng dù con người sinh ra như thế nào thì cũng cần có sự giáo dục và huấn luyện mới có được trí thông minh, và dĩ nhiên bằng phương pháp nào thì cũng phải qua hai cơ chế giác quan chính là mắt thấy và tai nghe. Xin bắt đầu bằng "nghe" trước:

Âm thanh từ màng nhĩ sẽ được chuyển vào "vùng thu âm sơ khởi" (primary auditory area, số 1 trong hình 1), tại đây quyết định giữ lại tín hiệu nào cần và không cần. Tất cả tín hiệu trong vùng số 1 nói trên chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, và sẽ mất đi sau thời hạn khoảng chừng hai (2) giây, nếu không được sử dụng sau đó.

Tiếp theo, các tín hiệu sẽ được chuyển vào trung tâm xử lý, còn gọi là trung tâm Wernicke (số 2). Ngay tại đây tín hiệu sẽ được xử lý và đổi qua ngôn ngữ riêng của não bộ, một hình thức ngôn ngữ có thể phỏng đoán tương tự như dạng mã số (digital coding) của máy tính, tuy chưa có ai biết rõ như thế nào.

Cấu trúc đại thể của não

Sau khi xử lý xong, biết phải làm gì rồi, thì tín hiệu mã số sẽ được chuyển qua vùng Broca (số 3), coi như chỗ phát xuất mệnh lệnh cho vùng cơ năng (motor area, số 4), rồi từ đó sẽ truyền lệnh chi tiết ra cho giác quan, hay chân tay để thi hành mệnh lệnh. Đồng thời, cũng do từ quyết định của trung tâm xử lý, mã số đó cũng có thể được sao chép và lưu giữ tạm thời trong các vùng não xung quanh (Parietal lobes, màu vàng trong hình 2), hay chuyển lên vùng thùy não (Frontal lobes, màu xanh dương trong hình 2) đóng vai trò bộ nhớ thường trực, ở những vị trí của tế bào nhớ còn trống chỗ gần nhất.

Sau một vài giờ hay vài ngày, các mã số mà bây giờ có thể gọi là ký ức (hay trí nhớ) sẽ bị mất dần theo thời gian nếu cường độ quá yếu. Ngược lại sẽ giữ rất lâu, nếu cường độ vẫn còn rất mạnh do chủ nhân vô tình hay cố ý muốn ghi nhớ "suốt đời". Nên nhắc thêm đây, khi muốn nhớ lâu một vấn đề gì, chúng ta thường ôn lại hay nghĩ tới nó nhiều lần. Chính nhờ ôn lại nhiều lần như vậy đã làm tăng cường độ của mã số trong bộ nhớ, giống như ta dùng bút vẽ tô đi tô lại nhiều lần để làm cho nét vẽ đậm ra. Trường hợp vô tình là do một biến cố quan trọng nào đó xảy ra ngoài ý muốn. giả sử trường hợp bộ nhớ không còn chỗ nào trống, thì các tín hiệu mã số vào sau sẽ dùng luật thiên nhiên "mạnh được yếu thua", chiếm đóng và dĩ nhiên là xóa đi mã số cũ, giống như việc thu chồng lên hay xóa đi băng nhạc cũ.

Tương tự như trên cho hình ảnh hay thị giác, bắt đầu bằng những tín hiệu hình ảnh từ võng mô của mắt, được chuyển đến "vùng thu hình sơ khởi" (Primary visual area) nằm phía sau ngay trên gáy (số 5), và được chọn lọc trước khi đưa qua cho vùng "thông dịch" (người viết gọi tên theo nhiệm vụ, còn tên y học là Angular gyrus, số 6). vùng này có nhiệm vụ đặc biệt tương tự như bộ từ điển là đổi các tín hiệu hình ảnh ra thành mã số của ngôn ngữ hay tiếng nói. Đây là chi tiết rất quan trọng của ngôn ngữ mà chúng ta ít để ý: tất cả các hình ảnh và ý tưởng đều phải được chuyển qua dạng mã số tín hiệu của ngôn ngữ, trước khi được xử lý! Thí dụ, khi nhìn thấy "cái máy bay" trên trời, thì tín hiệu hình ảnh đó sẽ được chuyển vào vùng nói trên, và lập tức sẽ được thông dịch cho ra mã số của âm thanh tiếng nói và kế tiếp là hàng chữ "cái máy bay" trong đầu (nếu biết chữ), trước khi chuyển qua cho vùng Wernicke (số 2) xử lý.

Tóm lại, ký ức hay trí nhớ, dù là từ hình ảnh, âm thanh hay mùi hương thơm v.v. sẽ được giữ lại và để dành đâu đó trong não bộ dưới dạng chính là mã số của ngôn ngữ. Trung tâm Wernicke (số 2) đóng vai trò chủ chốt để xử lý các mã số ngôn ngữ đó, cũng như quyết định lưu giữ lâu dài hay bỏ qua cho quên và tự xóa đi. Theo tài liệu tham khảo (*), trung tâm Wernicke có thể chứa một lúc trung bình là 7 sự việc khác nhau để xử lý, trong vòng một (1) phút là tối đa, và sẽ bị mất nếu không dùng đến! Chính vì các yếu tố quan trọng nói trên, cho thấy nổi bật vai trò của ngôn ngữ đối với trí nhớ nói chung, trí tuệ hay sự thông minh nói riêng.

(theo Nguyễn Cường)

(*) : John O.E. Clark, The Human Body, Arch Cape Press, New York, 1989.