Trại tập trung Sachsenhausen
“Lò giết người” khổng lồ
Sachsenhausen là một trại tập trung gần Berlin, được xây dựng năm 1936. Đức quốc xã sử dụng trại này để giam giữ các tù nhân chiến tranh. Trại được lắp đặt các thiết bị để hành quyết, khoảng 30.000 người đã bỏ mạng tại đây.
Sau cuộc tuyển cử 1932, khi biết rằng không thể bảo đảm đa số phiếu, giới lãnh đạo quốc xã quyết định dựa vào những phương tiện khác để tiếp tục nắm giữ quyền lực. Khi sắp đến cuộc bầu cử năm 1933, quốc xã bắt đầu đẩy mạnh những hoạt động bạo lực để phá hoại phe đối lập bằng cách lập ra hàng loạt trại tập trung.
- Lò thiêu xác người ở trong rừng gần trại
Lúc đầu các trại tập trung là những địa điểm giam cầm, tra tấn, và sát hại các tù chính trị như đảng viên cộng sản và dân chủ xã hội. Dần dà, quốc xã cho cầm giữ tại đây người Do Thái, dân Digan (Gypsy), tín hữu Chứng nhân Jehovah, người đồng tính, nhà báo và những người “đáng ghét” khác.
Năm 1942, riêng trong vùng lãnh thổ bị quốc xã chiếm đóng tại Ba Lan, có sáu trại hành quyết lớn. Sau năm 1939, lúc khởi phát chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhiều trại tập trung được xây dựng để giam cầm những kẻ thù phi chính trị của quốc xã, trong đó có người Do Thái và tù binh chiến tranh, những người này hoặc bị giết hoặc trở thành lao động khổ sai, luôn luôn chịu đói và bị tra tấn.
Khi nhập trại, tù nhân bị buộc phải xăm trên mình số tù. Những người còn đủ sức phải làm việc 12–14 giờ mỗi ngày. Luôn luôn có tập hợp điểm danh trước khi bắt đầu và sau khi kết thúc những giờ lao động khổ sai. Những lần tập hợp điểm danh này kéo dài hàng tiếng đồng hồ, ngay cả lúc trời mưa hoặc tuyết rơi, nhiều tù nhân chết vì bị cảm lạnh.
Giữa hai thời điểm nhập trại và chết, người tù chịu đựng nhiều hình thức nhục mạ và tra tấn tinh thần. Họ thường bị đánh đập, roi vọt, trói giật tay treo trên sà ngang, rồi bị bắn chết một cách ngẫu hứng.
Sachsenhausen được coi là một trong những trại tập trung kinh hoàng nhất trên đất Đức. Được xây dựng năm 1936 ở Oranienburg, cách Berlin khoảng gần một tiếng đi tàu điện, trại được lắp đặt các thiết bị để phục vụ các cuộc hành quyết hàng loạt, nguỵ trang dưới dạng các phòng thẩm vấn tù nhân. Trong số 30.000 người bỏ mạng tại đây, có một nhóm tù nhân là lính Xô viết.
Năm 1945, quân đội Liên Xô đã giải phóng trại giam Sachsenhausen và thu giữ toàn bộ tài liệu lưu trữ tại đây.
Ngày nay, trại tập trung Sachsenhausen được bảo tồn như một bảo tàng chứng tích về tội ác của Đức quốc xã. Hàng năm, bảo tàng Sachsenhausen vẫn tổ chức cuộc gặp mặt cho những cựu tù nhân thoát chết tại chính nơi từng là “xưởng giết người” khổng lồ này. Tiến sĩ Horst Seferens, người phụ trách quan hệ công chúng của bảo tàng Sachsenhausen, cho biết: “Tôi hết sức xúc động khi thấy những cựu tù binh mừng tủi gặp lại nhau. Tình cảm lúc nhìn thấy nhau còn sống, thoát khỏi trại tập trung thật khó diễn tả”.
Andrzej Szczypiorski, một cựu tù nhân của trại Sachsenhausen, đã đề tựa rằng: “Và tôi biết thêm một điều, châu Âu trong tương lai không thể tồn tại mà không tưởng nhớ tới tất cả những người, bất kể là dân tộc nào, bị giết vì lòng thù hận, bị tra tấn đến chết, bị bỏ đói, bị hành quyết bằng khí độc, bị thiêu sống hoặc bị treo cổ…”.
Theo Trần Kiên (VNN)