Chương trình VTV6-VTV3:

Xem "Tòa tuyên án" để sống có trách nhiệm hơn

"Tòa tuyên án" "Tòa tuyên án" - chương trình truyền hình mới nhất của VTV6 - đã lên sóng vào 22h tối thứ bảy ngày 1-3 trên VTV3, VTV6 (phát lại lúc 15h30 ngày thứ hai và 20h ngày thứ tư trên VTV6) với rất nhiều chi tiết thú vị. Chương trình được dự kiến sẽ đồng hành cùng các bạn trẻ trong suốt ba năm liên tục.

Tân, Chiến, Cường đứng trước vành móng ngựa. Ba chàng trai trẻ phải ra trước pháp luật vì đã dàn dựng một vụ cướp giả để Tân có dịp thể hiện vai trò người hùng với cô gái mà cậu si mê.

Tang vật chỉ là một sợi dây chuyền mạ vàng giá vài ngàn đồng, nạn nhân là bạn trai của cô gái mà Tân mê. Trong khi chống lại "bọn cướp", anh này bị thương - giám định thương tật là 18%. Cả ba chàng trai "cướp" đều ngoan ngoãn, con nhà lành, học giỏi.

Tất cả những người tham dự phiên tòa không ai ngờ được "trò lãng mạn nông nổi" ấy đã dẫn ba chàng trai đến vòng tù tội, thấp nhất 2 năm án treo, cao nhất 5 năm tù giam. Cánh cửa vào đời đang thênh thang đã sập lại phũ phàng trước mặt họ.

"Tòa tuyên án" - chương trình truyền hình mới nhất của VTV6 - đã phục dựng phiên tòa "mẫu" đầu tiên đó lên sóng vào 22h tối thứ bảy ngày 1-3 trên VTV3, VTV6 (phát lại lúc 15g30 ngày thứ hai và 20g ngày thứ tư trên VTV6). Và "Tòa tuyên án" dự kiến sẽ đồng hành cùng các bạn trẻ trong suốt ba năm liên tục.

"Tòa tuyên án" thật!

45 phút cho việc phục hiện một phiên tòa không phải là việc đơn giản, vì những phiên tòa bình thường có khi kéo dài ngày nọ qua ngày kia, với những bộ hồ sơ dày cả ngàn trang. Nhưng êkip làm "Tòa tuyên án" đã có được sự bắt tay rất nhiệt tình của Học viện Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao.

Tất cả vụ án mà chương trình đã và sẽ phục hiện đều là những phiên tòa đã diễn ra, được biên tập lại, cắt bớt những thông tin mang tính thủ tục lặp đi lặp lại hoặc những tình tiết quá bạo lực, gây phản cảm. Tư liệu không thiếu, thậm chí quá dư thừa, vấn đề là làm thế nào cho thật sự hấp dẫn mà vẫn mang tính giáo dục?

TS Nguyễn Văn Điệp - trưởng khoa tư pháp của Học viện Tư pháp, cho biết: "Tôi đã đóng hơn 400 phiên tòa giả định với sinh viên, và đã nhận lời vừa tư vấn vừa tham gia đóng vai những người hành nghề tư pháp trong loạt chương trình này. Chúng tôi có rất nhiều hồ sơ phiên tòa để cung cấp cho VTV, nhưng vấn đề mà chúng tôi cùng thống nhất là không chạy theo những vụ án có quá nhiều máu me, bạo lực, những xìcăngđan đang "hot" để câu khách một cách rẻ tiền. Chúng tôi cố gắng làm cho nó dễ hiểu, dễ xem, dễ tiếp thu".

TS Mai Anh - trưởng khoa đào tạo thẩm phán, cũng tham gia tư vấn và đóng vai thẩm phán trong những phiên tòa trên truyền hình - thổ lộ: "Làm chương trình về tòa án nếu muốn hấp dẫn theo kiểu câu khách cũng không khó, nhưng hấp dẫn sẽ có tính hai chiều, chúng tôi không muốn hướng dẫn và quảng bá cho bạo lực. Chúng tôi muốn gửi đến bạn xem đài trẻ thông điệp: mỗi phiên tòa là một bài học đau đớn. Xem không phải để thỏa mãn tò mò, cũng không chỉ để thu nạp thêm kiến thức, mà để sống có trách nhiệm hơn với xã hội, và trước hết là với bản thân mình".

Không tài trợ vẫn phát giờ vàng

Hiếm có một chương trình nào nặng nề, khô khan, biết chắc chưa ăn khách mà lại được VTV "nâng đỡ” như "Tòa tuyên án": phát vào 22g tối thứ bảy hằng tuần, giờ vàng. Chưa hết, phát cùng lúc trên VTV3 và VTV6.

TS Tạ Bích Loan, giám đốc Trung tâm truyền hình thanh thiếu niên (VTV6) của VTV, nói: "Hiện tại, ở hầu hết các nước phát triển đều có loại chương trình tương tự; ở Pháp thậm chí còn được phát trực tiếp và có khá đông khán giả. Xã hội nào cũng cần tuyên truyền giáo dục pháp luật, nhất là cho thế hệ trẻ, những con người thừa năng động nhưng lại chưa kịp trang bị cho mình những kiến thức cần thiết nhất để vào đời.

Chúng tôi biết là bước đầu sẽ khó khăn, chẳng ai có thể bắt các bạn trẻ ngồi ôm tivi 45 phút tối thứ bảy để xem một chương trình giáo dục thuần túy như thế. Nhưng chúng tôi hi vọng với sự giúp sức của toàn xã hội: các cơ quan tư pháp, các phương tiện truyền thông, những học sinh, sinh viên - đối tượng mà chúng tôi hướng tới - sẽ tự thu xếp được thời gian để nạp thêm cho mình những kiến thức quan trọng trong cuộc sống.

Về tính hấp dẫn của chương trình, TS Loan cũng khá tự tin: "Một phiên tòa thật ra tự thân nó đã có sức hấp dẫn, vì nó đụng chạm đến số phận con người. Nó lại là câu chuyện thật, với những tình tiết éo le. Tôi chắc rằng sẽ có không ít bậc phụ huynh xem trước, để truyền đạt lại cho các cô các cậu (đi chơi đêm hôm trước). Vì vậy chúng tôi cũng sẽ xếp lịch phát lại hợp lý”.

Trừ những vai nhân chứng, bị can do các sinh viên Trường Sân khấu - điện ảnh thể hiện; tất cả các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, hội thẩm nhân dân... sẽ hoàn toàn do các giảng viên của Học viện Tư pháp, các thẩm phán, thư ký Tòa án nhân dân tối cao và các luật sư đang hành nghề thể hiện. Đóng chính vai của mình trong cuộc sống và công việc hằng ngày, chính vì thế mà phần tranh tụng của họ không hề gây cảm giác dàn dựng, và phần tuyên án cũng rất thuyết phục.

(Theo Tuoitre)