Bạo lực ở Tây Tạng
Trung HoaXe bọc thép Trung quốc tuần tra ở Lhassa (thủ phủ Tây Tạng). Theo Tân Hoa xã, Thủ tướng Ôn Gia Bảo có cuộc họp báo ngay sau phiên bế mạc của Quốc hội nước này, trong đó ông lên án vai trò của Dalai Lama trong vụ bạo động ở Lhasa vừa qua nhưng cũng khẳng định cánh cửa đối thoại vẫn còn để ngỏ.
TQ công nhận có biểu tình tại Tây Tạng
Các giới chức Trung quốc đã công nhận rằng có xảy ra các vụ biểu tình của các nhà sư Tây Tạng tại thủ phủ Lhassa trong tuần qua. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung quốc ông Tần Cương nói rằng lực lượng an ninh đã "ổn định" tình hình. Bộ trưởng là ông Dương Khắc Trì thì nói rằng vấn đề Tây tạng không có dính líu gì tới tôn giáo hay chủng tộc.
Đài RFA và thông tấn xã Reuters nói rằng có 600 nhà sư đã tuần hành đến thủ phủ Lhassa để đòi tự do cho một người đồng đạo bị bắt giữ, và cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán họ. Đài RFA đưa tin có hàng chục nhà sư đã bị bắt trong các vụ đàn áp này.
Tuy nhiên, không có mấy tin tức lọt ra được bên ngoài Tây Tạng, và nhà cầm quyền Trung quốc vẫn im hơi lặng tiếng cho tới thứ Năm 13.3.2008, khi ông Tần Cương xác nhận là có xảy ra một loạt các vụ biểu tình.
Trong khi đó, tại thủ đô Kathmandu của Nepal, ít nhất 1000 người Tây Tạng lưu vong đã đụng độ với cảnh sát khi họ tìm cách đi tới tòa đại sứ Trung Quốc. Phái viên BBC Charles Harviland có mặt tại Kathmandu cho biết là các nhân chứng nói với anh là khoảng từ một tới ba ngàn người Tây Tạng lưu vong và các ủng hộ viên đã tụ họp tại một ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng. Nhiều người Tây Tạng nay vẫn đổ vào nước này, nhưng Nepal bây giờ gửi họ sang Ấn Độ vì nước này không muốn làm Bắc Kinh phật lòng.
Trước đó, phái viên đài BBC Geeta Pandey từ New Dheli cho hay cảnh sát Ấn Độ bắt giữ hơn 100 nhà sư Tây Tạng đang trên đường tuần hành về hướng biên giới Trung Quốc để phản đối nước này tổ chức Olympic.
Máu đổ ngày thứ sáu 14.3.2008
Phóng viên người Anh James Miles đang có mặt tại Lhasa nói với BBC rằng những người biểu tình đã chiếm quyền kiểm soát trung tâm thành phố.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin tại Lhasa, một số đám cháy đã bùng lên trong lúc đang có các cuộc biểu tình hiếm hoi trên đường phố. Hãng tin Tân Hoa Xã nói nhân chứng mô tả các cửa hàng bị phóng hỏa.
Các cuộc tuần hành của sư sãi vẫn đang tiếp tục diễn ra trong tuần. Các nhóm vận động nói đây là đợt biểu tình lớn nhất chống lại sự cai trị của Bắc Kinh từ 20 năm qua.
Một nhân chứng nói với BBC về các vụ đụng độ giữa sư sãi và các lực lượng an ninh hôm Thứ Tư, trong đó có một số nhà sư bị đánh đập.
Cũng hôm Thứ Sáu, các tường thuật đưa tin nhân chứng cùng một tổ chức nhân quyền nói các lực lượng an ninh đã bao vây ba tu viện tại Lhasa.
Các quan chức Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh nói với hãng tin AP rằng các công dân Mỹ báo tin có súng nổ và biểu tình tại Lhasa.
Bắc Kinh nói họ có chủ quyền đối với Tây Tạng, nhưng nhiều người địa phương vẫn trung thành với lãnh tụ tinh thần Đạt Lai Lạt Ma, người đã rời bỏ khu vực từ năm 1959 và hiện đang sống lưu vong tại Ấn Độ.
Báo động ngày thứ bảy 15.3.2008
Chính quyền Tây Tạng lệnh cho người biểu tình chống Trung Quốc phải đầu hàng vào thứ hai tuần tới, tiếp sau vụ đụng độ được cho là làm mười người chết. Truyền thông Trung Quốc nói rằng mười người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trước đó khiến một số doanh nhân “bị thiêu cho tới chết”.
Nhưng các vị thủ lĩnh Tây Tạng lưu vong cho biết số người chết cao hơn và đổ lỗi cho Trung Quốc.
Quốc tế lo lắng
James Miles, một phóng viên người Anh ở Lhasa, cho biết rằng các cuộc bạo loạn hôm nay (15.03) diễn biến xấu hơn một ngày trước đó. Ký giả này cho biết, cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán đoàn người biểu tình vốn bất chấp lệnh giới nghiêm tại khu vực phố cổ ở thủ phủ.
Tân Hoa Xã trích dẫn một thông cáo, trong đó chính quyền Tây Tạng kêu gọi “những người vi phạm luật pháp đầu hàng vào đêm thứ hai” và cam kết rằng “những ai đầu hàng sẽ được khoan hồng”. Người đứng đầu chính quyền Tây Tạng, ông Qiangba Puncog, đã lên án “âm mưu của những kẻ đòi ly khai”. Ông cũng nói rằng cảnh sát không hề xả súng kể từ khi các cuộc bạo loạn nổ ra. Quan chức cho Tân Hoa Xã biết rằng những người chết hôm thứ sáu là “những dân thường vô tội”, trong đó có nhân viên khách sạn và chủ cửa hàng.
Tuy nhiên, một người Tây Tạng ở Lhasa nói với Reuters hôm thứ bảy: “Nếu máu có đổ hôm nay, đó sẽ là máu của chúng tôi”.
Các nước phương Tây đã bày tỏ quan ngại về các cuộc đụng độ, và quan chức Mỹ kêu gọi Trung Quốc hành động kiềm chế.
Cuộc bạo loạn tồi tệ nhất ở Tây Tạng kể từ năm 1989 tiếp diễn sang ngày thứ năm bắt nguồn từ các cuộc biểu tình ôn hòa hồi đầu tuần nhằm kỷ niệm cuộc nổi dậy chống Trung Quốc năm 1959.
’Phẫn uất âm ỉ’
Các hãng thông tấn hôm thứ bảy đã phát đi các hình ảnh cho thấy nhiều thanh niên đốt cờ Trung Quốc cũng như ném đá, trong khi truyền thông Trung Quốc nói rằng cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán đám người biểu tình. Một nhân chứng cho biết nhìn thấy một số người được cáng đi.
Các cuộc biểu tình, gần giống với những gì xảy ra ở Miến Điện hồi tháng chín năm ngoái, do các vị sư khai mào rồi sau đó được cả các dân thường hưởng ứng.
Người Tây Tạng ở các nước khác cũng bày tỏ ủng hộ bằng các cuộc tuần hành tại chính nơi mình sống. Từ nơi sống lưu vong Ấn Độ, Dalai Lama kêu gọi chấm dứt bạo lực đồng thời thúc giục Trung Quốc “giải tỏa những phẫn uất của người Tây Tạng thông qua đối thoại”. Trong khi đó, hôm thứ bảy, người Tây Tạng lưu vong đã tổ chức các cuộc biểu tình ở Australia, Pháp và Ấn Độ. Hôm thứ Sáu, khi lửa cháy tại Lhasa, một nhóm người biểu tình Tây Tạng đã tụ tập trước cửa sứ quán Trung Quốc ở London. Người Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ cũng từng tổ chức tuần hành về quê hôm thứ Hai, nhưng sau bị cảnh sát Ấn chặn lại.
Chính phủ Trung Quốc hiện đang đối diện với một bài toán khó. Họ không muốn xảy ra đổ máu, chỉ 5 tháng trước khi có Olympic Bắc Kinh; và cũng muốn tránh tình cảnh tương tự như những gì ở Miến Điện năm 2007. Tuy nhiên, họ không thể để cho các vị sư và người biểu tình muốn làm gì thì làm vì sẽ bị coi là yếu thế và có thể lại làm nảy sinh bất ổn. Tây Tạng, cũng như các vùng lãnh thổ gây tranh cãi khác như Tân Cương và Đài Loan, đang là mối đau đầu lớn cho ban lãnh đạo Trung Quốc. Cách tiếp cận của họ từ trước tới nay là dùng phương thức ’cây gậy và củ cà rốt’. Chính quyền Trung ương đã đổ nhiều tiền vào khu vực này để nâng cao mức sống của người dân Tây Tạng. Đường sắt mới chạy tới thủ phủ Lhasa được ca ngợi như bằng chứng cho thấy chính quyền chăm lo cho người dân.
Lịch sử phản kháng
Tuy nhiên người Tây Tạng than phiền rằng đầu tư vào đây chủ yếu chỉ làm lợi cho người Hán Trung Quốc và hậu quả là văn hóa Tây Tạng bị pha trộn, thậm chí bị hủy hoại.
Chính quyền Bắc Kinh và đức Dalai Lama đã từng có kế hoạch hội đàm để bàn về quyền tự trị của khu vực, nhưng chưa có tiến triển gì.
Các cuộc biểu tình và nổi dậy dường như không phải chuyện hiếm thấy tại Tây Tạng kể từ khi quân đội Trung Quốc tiến vào đây năm 1950. Đợt biểu tình tuần rồi trùng hợp với dịp kỷ niệm 49 năm ngày bạo động bất thành năm 1959, mà sau đó đức Dalai Lama phải đi lưu vong.
Cuộc biểu tình lớn gần đây nhất là vào đầu năm 1989, ngay trước sự kiện Thiên An Môn tại Bắc Kinh. Hồi đó, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào còn là bí thư Đảng ủy Tây Tạng và cách thức đối phó với đoàn biểu tình ông đã được Bắc Kinh khen ngợi.
Vài nét về Tây Tạng
Gần đây, cũng có không ít thanh niên Việt Nam bắt đầu lên thăm Tây Tạng theo các tuyến du lịch hoặc tự đi chụp hình để tìm hiểu nền văn hóa và lối sống độc đáo của người dân tại đó.
Về mặt lịch sử, dân tộc Tây Tạng mà có sử liệu nói là có tới 1/6 thanh niên nam theo Phật giáo, đã từng giao lưu, thậm chí chinh chiến với các tộc người xung quanh như Mông Cổ và người Hán.
Khác với toàn bộ châu Á bị Phương Tây sang thực dân hóa từ nhiều thế kỷ, cho đến giữa thế kỷ 20, vùng đất Tây Tạng hiểm trở cũng chỉ là nơi thu hút ít nhiều người Tây Phương đi thám hiểm.
Nhưng số phận Tây Tạng sang một bước ngoặt từ khi Quân đội Trung Quốc tiến vào Tây Tạng năm 1950, chỉ không lâu sau khi ông Mao chiến thắng phe Quốc dân đảng trong cuộc nội chiến 1949.
Xứ Tây Tạng cổ xưa bị nhập vào Trung Quốc. Cuộc nổi dậy bất thành năm 1959 khiến vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 phải bỏ Tây Tạng, vượt núi sang Ấn Độ, lập ra một chính phủ lưu vong. Các tu viện bị phá huỷ trong cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông phát động hồi thập niên 60 và 70. Người ta tin rằng hàng nghìn người Tây Tạng bị giết trong giai đoàn trấn áp, tù đầy dưới thời Thiết Quân Luật.
Vì áp lực quốc tế, chỉ đến những năm 80, Bắc Kinh mới nới lỏng sức ép. Nhưng từ đó, với chính sách Mở Cửa và phát triển du lịch, Tây Tạng trở thành một nơi được quan tâm. Trung Quốc cũng đầu tư cho sự phát triển vùng này mặc dù làn sóng đầu tư cũng có nghĩa là người dân tộc Hán kéo đến sinh sống ngày một đông. Các tổ chức nhân quyền nói việc đàn áp tôn giáo vẫn diễn ra.
Tinh thần Phật giáo
Phật giáo đến Tây Tạng vào thế kỷ 8. Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng được coi là đứng đầu, ông sinh năm 1935, hiện đang lưu vong tại Dharamsala, Ấn Độ. Người thứ nhì là Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama). Các tín đồ đều tin rằng cả hai người là hiện thân của những vị Lạt Ma trước đó.
Trung Quốc và người Tây Tạng lưu vong không chỉ có quan điểm khác biệt về vùng đất này. Việc chọn vị Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 cũng là một vấn đề. Người được đức Đạt Lai Lạt Ma chọn là Gedhun Choekyi Nyima hiện biến mất sau khi bị Trung Quốc đưa đi năm 1995.
Bắc Kinh chỉ có quan hệ thỉnh thoảng và không chính thức với Đạt Lai Lạt Ma. Ngài kêu gọi tìm giải pháp hòa bình, bất bạo động và chấp nhận để Tây Tạng được tự trị chứ không phải độc lập.
Kinh tế Tây Tạng vẫn dựa trên nông nghiệp là chính. Ngoài rừng và đồng cỏ, vùng đất này còn có nhiều khoáng sản nhưng giao thông kém hạn chế việc khai thác. Hiện nay nguồn thu chính của Tây Tạng vẫn là du lịch.
(Source: AFP, AP, BBC, RFA, Tân hoa xã)