Trang nhà > Hà Nội > Nhân vật > Những vị đầu bếp bất tử trong vụ "Hà Thành đầu độc" (2)
Hành trình tìm mộ các chí sỹ
Những vị đầu bếp bất tử trong vụ "Hà Thành đầu độc" (2)
Thứ Bảy 29, Tháng Ba 2008, bởi
Hành trình tìm mộ của gia đình Bà bếp Hiên
...Câu hỏi đặt ra là các ngôi mộ nằm ở đâu?
Đến hôm về dự đám tang cô ruột tôi ở quê Đan Phượng, ngồi trên ôtô, tôi đem chuyện giấc mơ kể lại, thì bà chị tôi, bà Cả Thu bảo: Chị có nghe các cụ truyền lại là, mộ cụ Hai Hiên cùng các nghĩa sĩ bị xử trảm đặt tại khu Bãi Bàng, hình như chỗ ấy giờ thuộc về tổ 14, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Ngôi mộ của các vị nghĩa sĩ hiện vẫn nằm trong khuôn viên của nhà dân
Tôi đi mò cả tháng trời, không biết tung tích ở đâu, cứ đi tìm vô vọng trong khu vực, tìm đến những “cái gò đất cao cao, chung quanh cũng có nhiều chỏm đất cao mãi lên” như lời bà chị miêu tả, không thấy.
Thì mấy chục năm trời, bà chị ốm đau quên cả lối đến mộ rồi, bao biến thiên, đất cao thành đất thấp là thường chứ có gì là lạ? Ông Khải mới bèn tìm đến nhà người bạn cùng quê, tên là Nguyễn Văn Thắng. Ông Thắng, trước là cán bộ ở phòng nông nghiệp gì đó. Ông ấy bảo, đúng chỗ ấy là Bãi Bàng, mộ các ông chết chém. Cái bãi ấy trước thuộc về đất của Hà Tây, sở dĩ vì có nhiều cây bàng nó mọc xum xuê mà các cụ gọi mãi thành tên.
Một ông già, trước là cán bộ bưu điện, nghe tôi trình bày thì rất hào hứng: “Chỗ kia kìa. Mộ ai chứ mộ cụ Hai Hiên và các chí sĩ, chúng tôi không dám báng bổ xâm phạm. Các cụ truyền lại, bảo rằng đó là những người yêu nước đã bị chém đầu bởi quân thù, sau này đất nước sẽ vinh danh họ. Bố tôi, ông nội tôi, rồi chúng tôi đều nhang khói, trông nom khu mộ của những người chết chém ấy”.
Trước, đất ấy là “thái ấp” của một viên quan tổng đốc oai phong, ông ta được cắt đất thụ lộc, nhưng ông vẫn để các ngôi mộ nằm trong "thái ấp" của mình.
Sau đó, năm 1925, ông Thiếu (thấy kể là người Hà Đông, Hà Tây ngày nay), một viên chức thời Pháp đã khéo léo xin với “quan điền thổ”, được cai quản cả vùng đất mênh mông có nghĩa địa Bãi Bàng. Ông Thiếu biến đó thành cái trang trại nuôi bò, dê, ông còn tiến hành di dời 12 (hay là 13) ngôi mộ ra khỏi “điền thổ” của mình. Mộ từ bấy nằm trên một bãi đất bằng, cách trang trại nuôi dê 300m.
Khi giặc Mỹ đánh phá Hà Nội, người ta đào hầm tránh bom, họ “ẩy” mất vài ngôi mộ đi đâu đó; thành thử, khi ông Khải đến, chỉ còn có 9 ngôi. Các ngôi mộ vốn ở một gò đất cao ráo, gần 100 năm trôi qua, gò đất đã thành vũng nước theo đúng nghĩa đen. Bởi đường sá được tôn cao, các ngôi nhà cũng được xây cất khang trang, tự dưng khu nghĩa địa Bãi Bàng trở nên thấp, lụt quanh năm. Lại thêm sự vô lối trong xây dựng, khiến cho cống tắc, các rãnh nước bị bịt hết, các ngôi mộ nằm thấp hơn so với mặt đường những 50cm, khu chôn cất những người đầu bếp anh hùng càng rơi vào... thê thảm.
Các ngôi mộ, giờ nằm trong phần đất sát tường mà để đến được đó, chúng ta nhất thiết phải đi qua địa giới nhà một cụ tên là Nguyễn Đức Tĩnh.
Tìm thấy mộ, ông Khải mừng quá, đôn đáo chạy về quê, xin chính quyền dấu triện, chứng nhận mình là cháu của cụ Hai Hiên, xin phép tôn tạo rồi quy tập tất cả các vị lại, chôn chung trong một ngôi mộ lớn. Chỉ còn lại xương cốt của 8 vị. Ông Khải xúc động nhận ra rằng, tuy bị bỏ bẵng, qua năm tháng như vậy, nhưng bà con ai cũng xúc động và tôn kính sự hy sinh của những người yêu nước đó.
Mộ của những người đầu bếp anh hùng mãi đìu hiu như thế sao?
Nhớ lần trước chúng tôi vào thăm mộ các vị đầu bếp - chống giặc, cứu nước. Ông Thắng, người bạn đã giúp ông Khải tìm được mộ cụ Hai Hiên và những nghĩa sĩ bị hành hình năm 1908, vạch cây thủy trúc mọc hoang dẫn chúng tôi khám phá... nghĩa địa.
Bận đủ thứ việc cũng phải đến 10 năm rồi, ông Thắng mới trở lại thăm ngôi mộ “Hà thành đầu độc”, nơi hoàn toàn xứng đáng là một di tích lịch sử tầm cỡ quốc gia. Cỏ dại mọc lút mộ phần. Chữ viết trên bia bụi phủ kín, mờ đến mức phải dùng vôi miết cọ mãi mới đọc được.
Ông Thắng xúc động tâm sự: Ông Khải xây mộ xong thì ông ấy cũng về Phú Thọ sống, từ bấy bặt tin. Ngôi mộ lại chìm vào... quên lãng. Đôi lần, tôi (ông Thắng) cũng định viết đơn gửi cơ quan chức năng, gửi lên Bộ, lên Trung ương đề xuất là chúng ta nên tôn vinh xứng đáng di tích, công trạng của những chí sĩ trẻ yêu nước này. Nhưng rồi nghĩ lại, tôi làm đơn với tư cách gì nhỉ? Không biết gì về chuyện 100 năm trước, không phải là con cháu ruột rà của các cụ, nghĩ thế, đành thôi.
Việc ông Khải xây lại mộ cũng là rất tâm huyết, mà cũng là rất... bất lực.
Lần nào trò chuyện với tôi, ông Khải cũng khóc, nói một câu của người cổ: “Có máu thì có xót xa”, là các cụ nhà tôi nằm đó, nên tôi xót xa lắm. Tôi đến, bảy, tám, chín ngôi mộ nằm hiu quạnh ở góc vườn, không biết ngôi nào của cụ bếp Hiên nhà tôi. Tất cả người già trong khu vực đều khẳng định đó là những bộ cốt không có... xương sọ.
Thủ cấp của các vị, có thể nghĩa quân Yên Thế đã mang đi, ông nội tôi bị đày ra Côn Đảo, bà nội tôi sợ Pháp nó bắt tru di tam tộc, nên không ai dám đến viếng. “Chứ biết rõ thì tôi đã “bê” (di dời) về quê nhà tôi từ lâu rồi. Tôi bèn xây bêtông, quây tất cả vào một ngôi mộ tập thể. Bấy giờ khó khăn quá, chỉ xây be bé. Rồi tất cả lại chìm trong cỏ dại. Cách đây 2 năm (năm 2006), gia đình chúng tôi lại tổ chức xây lại to gấp đôi lên, gia đình cụ Đỗ Khắc Nhạ (tức Đồ Đàm) có liên lạc với tôi, cùng xây cất”, ông Khải khóc nức nở.
Ông Phúc, cháu ngoại cụ bếp Hiên, người trực tiếp đứng ra “gõ cửa” nhiều cơ quan chức năng xin phép được xây cất ngôi mộ thì than thở: “Tôi vừa về quê, xây mộ bố tôi, tôi không khóc, vì thấy rất là toại nguyện. Nhưng, để tôn tạo được “di tích” này như hôm nay, tôi đã nhiều lần bật khóc vì... gặp khó khăn”. Tôi đã có đơn gửi nhiều cơ quan hữu quan, xong, không ai giúp chúng tôi được một viên gạch, đấy là chưa kể những người gây khó dễ mà chúng tôi không tiện kể ra đây.
Cần phải hiểu, vụ “Hà thành đầu độc” là một ý định lớn dùng cà độc dược giết hàng trăm tên địch ngay tại bàn ăn của chúng rồi phối hợp với các cánh quân cướp thành Hà Nội là kế hoạch táo bạo của cụ Đề Thám và những người đầu bếp hòng xoay chuyển thế cục chống Pháp lúc bấy giờ. Một sơ suất nhỏ đã làm nghiệp lớn tan tành. Nhưng, cũng chỉ một tích tắc nữa thôi, họ sẽ là những người hùng hát khúc khải hoàn nếu “Hùm thiêng Yên Thế” chiếm được thành Hà Nội.
Cần hiểu, năm 1908, khi đó, cụ Đề Thám và các nghĩa binh oai dũng của ông đã 25 năm xuất quỷ nhập thần làm cho giặc Pháp “táng đởm kinh hồn”, việc lật ngược thế cờ không có gì là huyễn tưởng cả.
Trở lại với cái việc nằm chờ được khang trang, được vinh danh với tư cách một sợi chỉ đỏ trong bức tranh lịch sử Vệ quốc Việt Nam của các ngôi mộ (nay, thực chất là một ngôi với các bộ di cốt).
Ngôi mộ nằm trong khuôn viên của khu đất mà cụ Nguyễn Đức Tĩnh và gia đình đang sinh sống. Nói nôm na là nằm trong góc vườn um tùm nhà cụ Tĩnh. Cụ Tĩnh, năm 2008 này, đã bước sang tuổi 88, là người am hiểu và rất nặng lòng với chứng tích quý hóa của vụ “Hà thành đầu độc”. Ngặt vì sức yếu, anh Nguyễn Đức Thành, con trai cụ Tĩnh đã phải đỡ lời bố. Anh Thành 50 tuổi, là giáo viên dạy văn ở Phú Thượng, là người hiểu đời, hiểu sử, nên cái khúc “hậu” của trang sử bi tráng liên quan đến các vị đầu bếp yêu nước đã làm anh trăn trở nhiều.
Anh Thành cho biết, miếng đất có phần mộ đã trải qua nhiều biến động, nó bị thu hẹp khá nhiều do những nhập nhằng trong xây dựng gần đây.
Khi gia đình các vị đầu bếp đến thăm và xây cất (không phải chỉ một mình ông Khải), anh Thành, cụ Tĩnh đều rất ủng hộ. Bản thân họ cũng tổ chức thắp nhang, tưởng nhớ. Việc tri ân những tử sĩ vì nước quên thân này, đã được bà con âm thầm thực hiện từ thời... thuộc Pháp đến giờ (trước, thắp nhang ở đó, có thể bị giặc Pháp xử chém thị uy).
Quả thật, sau khi ông Khải xây cất lại khu mộ, và nhiều sử gia tha thiết lên tiếng, Phòng Văn hóa - Thông tin quận Cầu Giấy, Hà Nội đã từng đề nghị với gia đình cụ Tĩnh cho phép gắn biển mộ như một di tích lịch sử tại... vườn nhà cụ. Dù rất trân trọng ý kiến này, tri ân những người nằm trong... khuôn viên nhà mình, nhưng, gia đình anh Thành vẫn rất băn khoăn chưa biết quyết thế nào.
Theo tôi, nếu Nhà nước và chính quyền địa phương có sự quan tâm chỉ đạo thì nên làm theo hai giải pháp sau đây: một là, tạo một con đường mới (không đi qua nhà anh Thành) để những ai tưởng nhớ đến ngôi mộ của 12 tử sĩ trong vụ "Hà thành đầu độc" có thể vào thắp nhang, thực hiện các hoạt động tôn vinh và tri ân. Chứ không nên đi qua nhà anh Thành để vào di tích.
Cách thứ hai là Nhà nước nên tạo điều kiện di chuyển ngôi mộ lịch sử này đến một khu đất mới để xây dựng thành di tích lịch sử cho khang trang, ý nghĩa, thì mới xứng tầm. Bởi cái chỗ mà ngôi mộ đang tọa lạc hiện nay cũng không phải chính là nơi các vị đã được mai táng sau khi bị hành quyết (như đã kể ở trên, vị trí đó cách vị trí hiện nay 300m).
Cần một nơi yên nghỉ xứng đáng với các chí sĩ Hà Thành
Hình như chưa nhận thức được các giá trị này, hình như chỉ cốt ra văn bản, có ý kiến lấy lệ để đối phó với sự kêu gọi da diết của các nhà sử học và những người nặng lòng với sự kiện “Hà Thành đầu độc”...; cho nên, mọi việc, cho đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Nghĩa là chúng ta vẫn tưởng nhớ các vị đầu bếp bất tử của non sông Việt Nam trong... góc vườn nhà ông Tĩnh.
Cơ quan hữu quan ở Hà Nội, các nhà sử học, các nhà văn hóa nên vào cuộc một cách thực sự, cụ thể và tâm huyết, ngõ hầu giải tỏa những “ách tắc” trên con đường phấn đấu cho sự kiện “Hà thành đầu độc” một ngôi mộ xứng tầm, một khu tưởng niệm, một phù điêu - tượng đài tri ân như cần phải có, một thái độ ứng xử làm sao không phụ lòng các vị đã ngã xuống - những bậc quốc sĩ trong vai trò bất đắc dĩ phải làm bồi bếp cho quân Pháp. Tôi thấy bị tổn thương, thấy buồn hiu hắt khi rụt rè xin đi qua nhà anh Thành thăm mộ, vạch cỏ dại để đọc những dòng chữ giản dị gợi về một sự kiện lịch sử bi tráng.
Cuối cùng, vẫn cần phải sòng phẳng: các nhân chứng cao tuổi trong vùng đều kể, hồi đào hầm tránh bom Mỹ, người ta đã phát hiện những bộ tiểu có cốt mà không có xương sọ (của những người chết chém) ở đúng nơi này.
Nhà sử học Dương Trung Quốc từng đến viếng mộ, từng nói với các nhà báo chúng tôi: "Di tích liên quan đến vụ "Hà thành đầu độc" này là một di tích quý, cần bảo vệ và tôn vinh xứng đáng". Từ đời cha ông không ít cư dân nặng lòng với sự kiện “Hà thành đầu độc” trong khu vực, đều truyền lại câu chuyện không thể nghi ngờ như đã kể ở trên; song, vẫn chưa có một động thái “giám định” kiểu giấy trắng mực đen nào liên quan đến “di tích”.
Không lẽ, đúng 100 năm sau khi các chí sĩ hy sinh, mà phần mộ của những người vì giấc mộng đẹp và lớn - giải phóng Hà Nội, giải phóng Việt Nam khỏi tròng ách thực dân - vẫn cứ bị đối xử chưa công bằng như thế? Nhưng rồi, nói như người của thời cụ bếp Hiên còn mặc quần xanh, áo xanh, cưỡi ngựa bạch về làng: Người ta, há lại hành xử với các ân nhân “độ mạng” của mình thế mãi ru?
Ông Phùng Trịnh Hùng, 76 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố 15, xóm 2, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội (nơi có ngôi mộ trên) cho chúng tôi biết: Gia đình anh Thành sống ở khu đất có mộ của các vị đầu bếp từ lâu. Họ có ý thức bảo quản giữ gìn, chưa bao giờ có thái độ, ý định lấn chiếm, di dời khu mộ đi chỗ khác.
Khi con cháu cụ bếp Hiên tìm đến để xây cất, gia đình rất nhiệt tình tạo mọi điều kiện cho họ được xây dựng kiên cố hóa khu mộ. Về phía chính quyền địa phương cũng nhận thức rõ được giá trị lịch sử của khu mộ trên nên đã cho gắn biển chỉ dẫn vào khu mộ cụ bếp Hiên rất cẩn thận (biển chỉ dẫn được gắn ngay tại bức tường trước cổng đi vào làng, cách mộ 300m).
Nguyện vọng của chính quyền địa phương rất muốn Nhà nước tôn vinh xứng tầm giá trị của ngôi mộ liên quan đến sự kiện trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Theo Đỗ Doãn - Anh Phương (CAND)
Ảnh: bia mộ cụ Đội Bình [1] ở thôn Kim Châm, xã Đội Bình, huyện Ứng Hoà, Hà Tây
Cận cảnh một trang sử bi tráng
Sau khi báo chí kỳ công "xới" vụ việc 100 năm "vô lý" (như lời ông Dương Trung Quốc) này lên, cả một kho sử được kể ra dần dà, qua nhiều nhân chứng, qua sự truy tìm tư liệu tích cực của không ít người quan tâm đến vụ việc. Hành động quật cường của những người yêu nước trong vụ Hà Thành đầu độc dần hiện ra thật oai dũng, bi tráng đến độ "độc nhất vô nhị". Cuốn sách "Vụ chính trị ở Đông Dương" (do tiến sỹ Patrice Morlat viết về vụ Hà Thành đầu độc thông qua việc sưu tầm các tàng thư của Bộ Thuộc địa Pháp) đã được Đại tá Trần Vân, nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, hiện là luật sư của Đoàn luật sư TP Hà Nội tiến hành dịch, theo đó, có tới 49 nghĩa sỹ bị bắt, tư liệu kể rõ từng phiên toà, "nó" xử bao nhiêu người, tử hình bao nhiêu người.
Người duy nhất bị hành quyết trong vụ Hà Thành đầu độc đã Hà Nội được chính thức "vinh danh", là ông Đội Nhân, thông qua việc Thủ đô lâu nay có con phố mang tên Đội Nhân. Sau khi ông Đội Nhân bị giết, gia đình phải trốn sang Lào, Cam Pu Chia và Anh quốc, ly tán tang thương: bà cụ thân sinh ra ông Nhân bị Pháp đưa đi đày rồi chết; vợ ông đang mang thai, bỏ chạy về quê, cũng không sống được bao lâu vì đau buồn. Bản thân phần mộ cụ Đội Nhân bây giờ, qua "khai quật", chỉ có mỗi cái thủ cấp từng bị bêu khắp Hà Nội cách đây 101 năm (xem ảnh)!
Khi ông Hai Hiên (một đầu bếp) - người trực tiếp về quê tìm cà độc dược, chế biến, thử độc tính rồi bỏ vào thức ăn để đầu độc hơn 200 binh lính Pháp - bị chặt đầu, thì vợ ông cũng bị giặc tra tấn cho đến chết (vừa qua, Ban quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò đã có công văn do bà phó ban Nguyễn Thị Hiên ký, xác nhận, ông Hai Hiên, khi bị giặc Pháp giam ở Hoà Lò, có tên ở Bảng ghi danh số 1, số thứ tự 34; vợ ông cùng ở trong "bảng tử thần" này, với số thứ tự 35).
Còn ông Đồ Đàm, người được dân thờ trong đình làng ở Hoài Đức, Hà Nội hiện nay, sau khi bỏ trốn, giặc Pháp tra tấn người thân và dân làng, doạ sẽ xoá sổ cả 2 cái làng là quê nội và quê ngoại Đồ Đàm, ông mới phải trở về chịu hành quyết. Bà con và các học trò đã tế sống ông đồ chí lớn của họ trong 3 ngày trước khi ông hiên ngang bước lên đoạn đầu đài. Tuy nhiên, sau đó, vợ ông Đồ Đàm vẫn bị giặc tra tấn đến chết, em trai ông bị án lưu đày biệt xứ, gia đình bị giặc đẩy vào tang tóc triền miên.
Bà chủ quán cơm tham gia tích cực vụ Hà Thành đầu độc, tên là Nguyễn Thị Ba (tức bà Nhiêu Sáu) bị tra tấn bằng cách thả vào thùng bê tông có đóng đinh lởm chởm bên trong, rồi cứ thế lăn từ quán cơm 20 Cửa Nam đến Hoả Lò Hà Nội. Tại đây, bà bị tra tấn cho đến chết, sau đó gia đình đã đút lót cai ngục, tráo thi thể, đem bà về cánh đồng làng bí mật chôn cất. Phần mộ ấy bây giờ nằm dưới ruộng rau, dưới cống nước thải bẩn thỉu của khu dân cư, rất đau lòng...
Theo hongquang.vnweblogs.com/post/5619/78537
Xem online : Kỳ 1.
[1] Theo tài liệu của ông Trần Lâm thì trong thời khắc lịch sử đau thương ấy, các thủ cấp bị quân Pháp bêu đã 2 ngày. Ngay từ ngày đầu cuộc hành quyết 8/7/1908, các chiến hữu dũng cảm của nghĩa sỹ Nguyễn Chí Bình đã ẩn nhẫn chờ đợi thời cơ hành động. Hôm đó, đêm đã về khuya, lợi dụng lính canh mệt mỏi, họ đã táo bạo, nhanh chóng cướp lấy thủ cấp của cụ Đội Bình, vượt gần 60 cây số về thôn Kim Châm.