VŨ TRỤ QUAN [theo sách Đạo gia]

- Đạo mà có thể giảng giải được thì không phải là cái đạo thường hằng. Tên mà có thể gọi được thì không phải là cái tên thường hằng. Không tên là khởi đầu của trời đất, có tên là mẹ của muôn vật. Cho nên thường không để nhìn thấy cái có vi diệu trong cái không. Thường có để nhìn thấy cái không vi diệu trong cái có. Hai cái đó cùng một nguồn gốc, nhưng tên khác nhau, đều gọi là huyền. (Cái) huyền ấy thâm sâu hơn cả những gì thâm sâu; chính là cửa phát sinh ra mọi điều huyền diệu. [Đạo Đức Kinh, chương 1]

- Đạo rỗng không mà dùng không hết. Đạo sâu xa man mác tựa hồ như là tổ tông của vạn vật. Đạo làm nhụt đi sự bén nhọn, tháo gỡ rối rắm, pha trộn ánh sáng, hòa mình cùng bụi bặm. Đạo chìm lắng [trong vạn vật], mà tựa như hiện hữu. Ta không biết Đạo là con của ai; hình như có trước Trời. [Đạo Đức Kinh, chương 4]

- Khoảng trời đất giống như ống bễ thợ rèn. Trống không mà không hao kiệt; càng động, hơi càng ra. [Đạo Đức Kinh, chương 5]

- Nhìn mà không thấy, gọi là Di (thuần tuý, tố phác). Nghe mà không thấy, gọi là Hi (âm thanh ít). Nắm mà không được, gọi là Vi (nhỏ bé). Ba điều ấy [ta chỉ có thể lấy tâm mà lĩnh hội chứ] không thể suy cứu đến cùng. Cho nên cả ba hợp lại làm Một (tức là Đạo). Trên nó không sáng. Dưới nó không mờ. Miên man dằng dặc mà không thể đặt tên. Rồi lại trở về chỗ không có gì. Đó là trạng thái của cái không trạng thái. Hình tượng của cái không có vật chất. Nó tinh tế mơ hồ; [ta] đón trước thì không thấy đầu, [ta] theo sau thì không thấy đuôi. [Đạo Đức Kinh, chương 14]

- Đạo có đủ đặc tính của vật chất; trạng thái mơ hồ của Đạo là trạng thái duy nhất. Chính trong trạng thái mơ hồ ấy vẫn có hình tượng có thể nghe và thấy được. Cũng chính trong trạng thái mơ hồ ấy vẫn có vật thể mà ta có thể nắm bắt được. Trong trạng thái mơ hồ ấy vẫn có một thứ tinh tế. Thứ tinh tế ấy rất chân thực, mà trong sự chân thực đó lại có sự tồn tại vật chất. [Đạo Đức Kinh, chương 21]

- Cốc thần bất tử, đó là Huyền tẫn. Cửa Huyền tẫn chính là gốc rễ trời đất. Miên man trường tồn, dùng không bao giờ hết. [Đạo Đức Kinh, chương 6]
- Có một vật hỗn độn, sinh thành trước trời đất; yên lặng, trống không; đứng một mình mà chẳng thay; đi khắp nơi không dừng; có thể làm mẹ thiên hạ. Ta không biết tên của nó, nên đặt tên nó là Đạo. Gượng gọi tên đó là Lớn. Lớn là đi, đi là xa; xa là trở lại. Cho nên Đạo lớn, Trời lớn, Đất lớn, Người cũng lớn. [Đạo Đức Kinh, chương 25]

- Đạo thì chân thực và đáng tin cậy. Nó vô vi (= chẳng cố ý làm gì) và vô hình. Người ta chỉ có thể lấy tâm truyền tâm chứ không thể dạy bằng lời (= chỉ có thể tâm truyền 心傳 chứ không thể khẩu thụ 口授). Người ta có thể đạt được Đạo chứ không tận mắt thấy được nó. Đạo là gốc (bản căn) của chính nó. Nó đã hiện hữu trước khi có trời đất. Nó đã tồn tại tự thuở xa xưa cho đến nay. Nó sinh ra quỷ, thần, thượng đế, trời, đất. Nó ở trên Thái Cực mà không cho là cao. Nó ở dưới Lục Cực mà không cho là sâu. Nó sinh trước trời đất mà không cho là lâu dài. Nó sinh trưởng trước thời thượng cổ mà không cho là già. [Trang Tử, Đại Tông Sư]

- [Họ] xem quan niệm «mọi vật bình đẳng với nhau» là nguyên tắc đầu tiên, và nói: «Trời có thể che phủ vạn vật nhưng không chở được chúng. Đất có thể chở vạn vật nhưng không che phủ được chúng. Đại Đạo có thể bao hàm vạn vật nhưng không thể phân biện rõ chúng.» [Họ] biết vạn vật đều có chỗ sở năng và chỗ bất sở năng, nên nói: «Hễ tuyển chọn cái gì, tức là không đạt được toàn thể [tức là có sự thiên vị]; hễ truyền dạy cái gì, tức là không đạt tới tất cả. [Nhưng] hễ noi theo Đạo, tức là không bỏ sót cái gì cả [vì Đạo bao hàm tất cả].» [Trang Tử, Thiên hạ]

- Cho nên, cái sinh ra vạn vật thì không bị vật khác sinh ra; cái khiến cho vạn vật biến hoá thì không bị vật khác làm cho biến hoá. Vạn vật đều tự nhiên sinh ra, tự nhiên biến hoá, tự nhiên xuất hiện hình thể và chủng loại, tự nhiên phát huy trí tuệ và năng lực, tự nhiên suy diệt và sinh trưởng. [Liệt Tử, Thiên thụy]

- Xét về phương diện lớn thì Đạo không có chỗ tận cùng; xét về phương diện nhỏ thì Đạo không bỏ sót vật nào. Cho nên tất cả vạn vật cả lớn lẫn nhỏ đều có đầy đủ Đạo. Đạo rộng lớn thay! Không có thứ gì mà Đạo không dung chứa. Đạo sâu thẳm thay! Không ai có thể đo lường được Đạo. [Trang Tử, Thiên Đạo]

- Đạo có thể che trời chở đất, mở rộng bốn phương tám hướng; cao thì không có chỗ ranh giới, sâu thì không có chỗ tận cùng; bao bọc lấy trời đất, sinh thành vạn vật mà không để lại dấu tích. Đạo như thể nguồn nước phún ra, chảy qua chỗ trống rỗng rồi từ từ làm đầy tràn; thế nước chảy cuồn cuộn, nước đục rồi từ từ trong trẻo lại. Cho nên, để thẳng đứng thì Đạo làm đầy trời đất; để nằm ngang thì lấp đầy bốn biển; vận dụng Đạo thì vô tận, không kể ngày đêm; mở rộng ra thì Đạo bao phủ lục hợp (trên, dưới, bốn phương), cuộn tròn lại thì Đạo [chưa] đầy một nắm tay; Đạo ước thúc nhưng cũng có thể triển khai; Đạo thâm u mà sáng rỡ; Đạo nhu nhược mà cương cường; Đạo là mối giềng giữ lấy trời đất mà bao hàm âm dương; Đạo là mối giềng giữ lấy vũ trụ mà làm sáng tam quang (nhật, nguyệt, tinh); Đạo dày đặc mà uyển chuyển, rất nhỏ mà tế vi; núi nhờ đó mà cao, vực nhờ đó mà sâu, thú nhờ đó mà chạy, chim nhờ đó mà bay, mặt trời mặt trăng nhờ đó mà sáng; các tinh tú nhờ đó mà vận hành; lân nhờ đó mà rong chơi, phượng nhờ đó mà lượn múa. [Hoài Nam Tử, Nguyên Đạo]

- Trời dài, đất lâu. Trời đất sở dĩ dài lâu chính vì không tư dục, không mong cầu sự sống riêng tư, vì thế nên trường sinh. [Đạo Đức Kinh, ch.7]

- Ngày xưa thánh nhân dùng hai khí âm dương để thuyết minh sự sinh hoá của vũ trụ vạn vật. Nếu cái hữu hình sinh ra từ cái vô hình, thì trời đất từ nơi nào mà sinh ra? Cho nên nói: «[Thiên địa vạn vật trước khi sinh thành thì phải trải qua bốn giai đoạn, đó là] Thái Dịch, Thái Sơ, Thái Thủy, Thái Tố.» [Liệt Tử, Thiên Thụy]

- Thái Dịch là [giai đoạn] khí chưa được thấy (tức là trạng thái hỗn độn trước khi trời đất sinh thành); Thái Sơ là [giai đoạn] nguyên khí vừa xuất hiện [nhưng chưa định hình]; Thái Thủy là [giai đoạn] khí bắt đầu có hình trạng; Thái Tố là [giai đoạn mà] hình trạng và tính chất của nguyên khí cơ bản được hình thành. [Liệt Tử, Thiên Thụy]

- Một là khởi đầu của biến dịch. Cái trong và nhẹ thì đi lên làm trời. Cái đục và nặng thì đi xuống làm đất. Khí xung hòa thì biến thành người. Cho nên, trời đất hàm chứa tinh khí; vạn vật nhờ đó mới biến hoá và sinh thành. [Liệt Tử, Thiên thụy]

- Không gian thì vô hạn; sự vật thì vô tận. […] Ngoài cái vô hạn của không gian thì không có cái vô hạn nữa; ngoài cái vô tận của sự vật thì không có cái vô tận nữa. [Liệt Tử, Thang vấn]

- Thầy Liệt Tử nói: «Trời đất không có công năng tuyệt đối, thánh nhân không có khả năng toàn diện, vạn vật không có công dụng trên mọi phương diện. Cho nên, chức năng của trời là che phủ sinh linh; chức năng của đất là chở chuyên vạn vật; chức năng của thánh nhân là giáo hóa thế nhân; mỗi sự vật đều có chức năng tương ứng vốn có của nó. Thế nhưng trời có sở đoản (chỗ vụng), đất có sở trường (chỗ hay), thánh nhân có khi bế tắc, sự vật có lúc hanh thông. Tại sao thế? Bởi vì trời che phủ vạn vật nhưng không chở chuyên được chúng, đất chuyên chở chúng nhưng không giáo hóa được chúng, thánh nhân giáo hóa chúng nhưng không vi phạm được cái tính năng vốn có của chúng. Sư vật gì đã bị ấn định tính năng như vậy rồi thì không thể vượt ra khỏi địa vị của nó. Cho nên, đạo của trời đất nếu không âm thì dương, sự giáo hóa của thánh nhân nếu không nhân thì nghĩa, tính năng vốn có của sự vật nếu không nhu thì cương: Tất cả đều noi theo tính năng vốn có mà không vượt ra địa vị của mình. Cho nên, hễ có sự sống tất có cái đã tạo ra sự sống; hễ có hình thể tất có cái đã tạo ra hình thể; hễ có âm thanh tất có cái đã tạo ra âm thanh; hễ có màu sắc tất có cái đã tạo ra màu sắc; hễ có mùi vị tất có cái đã tạo ra mùi vị. Cái do sự sống tạo ra sẽ chết, nhưng cái tạo ra sự sống (tức Đạo) thì chưa hề cùng tận; cái do hình thể tạo ra thì có thực, nhưng cái tạo ra hình thể thì chưa hề có thực; cái do âm thanh tạo ra thì nghe thấy, nhưng cái tạo ra âm thanh thì chưa hề phát thanh; cái do màu sắc tạo ra thì phô bày, nhưng cái tạo ra màu sắc thì chưa hề hiển lộ; cái do mùi vị tạo ra thì thưởng thức được, nhưng cái tạo ra mùi vị thì chưa hề hiển lộ: Tất cả đều có chức năng vô vi. Cái vô vi này có thể âm, có thể dương, có thể nhu, có thể cương, có thể dài, có thể ngắn, có thể tròn, có thể vuông, có thể sinh, có thể tử, có thể nóng, có thể lạnh, có thể nổi, có thể chìm, có thể trầm (như nốt fa: cung), có thể bổng (như nốt sol: thương), có thể có thể hiện, có thể có thể mất, có thể đen, có thể vàng, có thể ngọt, có thể đắng, có thể hôi, có thể thơm. Cái vô vi thì vô tri (không biết) và vô năng (không thể), nhưng không gì là không biết, không gì là không thể làm được. [Liệt Tử, Thiên Thụy]

- Lớn và nhỏ bao hàm lẫn nhau, nên vô cùng vô tận. Bao hàm vạn vật cũng như bao hàm trời đất. Bao hàm vạn vật nên không có chỗ cùng tận. Bao hàm trời đất nên không có chỗ giới hạn. [Liệt Tử, Thang vấn]

- Cái có thực mà không xác định được nơi chốn thì gọi là vũ (không gian). Cái lâu dài mà không truy được gốc ngọn thì gọi là trụ (thời gian). [Trang Tử, Canh Tang Sở]

- Cái cực đại thì không có gì bên ngoài nó nữa và nó được gọi là Đại Nhất (Một Lớn). Cái cực tiểu thì không có gì bên trong nó nữa và nó được gọi là Tiểu Nhất (Một Nhỏ). Cái không có độ dày thì không thể bị cái khác chồng chất lên, nhưng nó rộng lớn tới ngàn dặm. [Nếu so sánh với cái tuyệt đối hay cái vô hạn thì] trời cũng thấp như đất và núi non cũng ngang bằng với ao đầm. [Trang Tử, Thiên Hạ]

(Nguồn: Tư tưởng Đạo gia)