Con gái anh hùng Chê Ghê-va-ra hiện nay sống ra sao

Ít ai không biết tên tuổi Ec-ne-xtô Ghê-va-ra, thường được thân mật gọi là Chê (anh cả) Ghê-va-ra, người anh hùng bất tử của cách mạng Cu-ba, người chiến sĩ từng đánh du kích sát cánh bên cạnh Phi-đen Cat-xtơ-rô.

Năm 1959 cách mạng Cu-ba thành công, Chê Ghê-va-ra làm Thống đốc Ngân hàng rồi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Cu-ba. Năm 1966, ông sang Bô-li-vi-a chỉ huy chiến tranh du kích giải phóng nước này ra khỏi ách thống trị quân sự độc tài; năm sau, ông bị quân đội Bô-li-vi-a bắt và hành quyết khi mới 39 tuổi.

Năm 1997, khi Bô-li-vi-a đã có chính phủ dân chủ, hài cốt ông được Chính phủ Cu-ba rước về nước mai táng tại Santa Clara – thành phố từng được Chê Ghê-va-ra dẫn bộ đội cách mạng tiến vào giải phóng năm 1959.

Ngày 9-10-2007, Chính phủ Cu-ba long trọng làm lễ kỷ niệm 40 năm ngày Chê Ghê-va-ra hy sinh. Hôm đó lãnh tụ Phi-đen Cat-xtơ-rô mệt không đến được, có cử em trai là Tư lệnh Ra-un Cat-xtơ-rô đến thay; ông đã tiếp thân mật bà quả phụ A-lây-đa Mac (Aleida March) và con gái bà là bác sĩ A-lây-đa Ghê-va-ra.

Raul Castro, Aleida March, Aleida Guevara

Ảnh AP: Ra-un Cat-xtrô ôm hôn bác sĩ A-lây-đa; người đứng giữa đeo kính râm là bà Aleida March

Ec-ne-xtô Ghê-va-ra người Ac-hen-ti-na, xuất thân gia đình thượng lưu nhưng ông đã từ bỏ cuộc sống giàu sang để theo con đường cách mạng gian nguy. Ông có 4 con với người vợ thứ hai (bà Aleida March); trong đó con gái đầu là A-lây-đa (Aleida Guevara March) sinh năm 1960, hiện là bác sĩ nhi khoa làm việc trong một bệnh viện ở Habana thủ đô Cu-ba. A-lây-đa có hai con gái còn nhỏ; chị được Nhà nước Cu-ba trao cho vinh dự “Đại sứ lưu động thế giới của Cu-ba”.

BS A-lây-đa kể về đời sống của mình như sau:

“Tôi là con gái của Chê Ghê-va-ra, song điều quan trọng nhất, tôi là con đẻ của Cách mạng Cu-ba, là con gái của nhân dân Cu-ba. Chính nhờ vậy mà tôi trở thành một người có ích cho xã hội. Như hàng triệu người Cu-ba, tôi đang sống một cuộc đời bình thường. Tôi không có bất cứ đặc quyền nào. Nhưng nếu xét về mặt khác, thì tôi lại có một đặc quyền rất lớn: được hưởng tình yêu thương ấm áp của nhân dân Cu-ba. Điều ấy khuyến khích tôi phải đối xử với nhân dân mình bằng cùng một tình cảm như vậy. Tôi là một đảng viên cộng sản và không có bất cứ chức vụ nào trong chính quyền.

Tôi không hưởng sự đãi ngộ cao về vật chất, như căn hộ rộng, xe hơi sang, biệt thự ngoại ô... Tôi có một chiếc ô tô con nhãn hiệu Lada, mua từ ngày xưa, khi Liên Xô xuất khẩu loại xe này sang Cu-ba. Tôi từng hai lần lái chiếc xe ấy ra nước ngoài: sang làm việc ở Ni-ca-ra-goa 1 năm và ở An-gô-la 2 năm. Tôi còn có một căn nhà rộng rãi do mẹ chồng đổi cho. Thật ra, căn hộ cũ có 2 phòng ngủ cũng đủ để chúng tôi sống.

Là thầy thuốc khoa nhi, tôi rất bận việc. Hàng ngày, tôi dậy từ 6 giờ rưỡi, lập tức vào bếp làm bữa ăn sáng cho con gái út. Con gái lớn học ở trường nội trú nên không cần tôi phục vụ. Đưa cháu đến trường về, tôi dọn dẹp qua loa nhà cửa rồi tất tả đến bệnh viện. Ngoài công tác chuyên môn ra, tôi còn kiêm nhiệm công việc tại Trung tâm Trẻ em tàn tật và Trung tâm Nghiên cứu Di sản Chê Ghê-va-ra. Tôi về nhà lúc 5 giờ chiều. Buổi tối nếu không có công tác xã hội thì tôi làm các việc nội trợ như mọi phụ nữ khác: giặt rũ, là quần áo, nấu ăn v.v... Nói thật tình, tôi không phải là một người nội trợ giỏi.”

Có người hỏi A-lây-đa: “Chị coi điều nào là quan trọng nhất – cách mạng hay con cái ?” A-lây-đa trả lời dứt khoát: “Cách mạng là quan trọng nhất. Dĩ nhiên, tôi cũng rất yêu quý hai đứa con gái của mình. Tôi chân thành mong mỏi chúng sẽ sống như tôi, luôn luôn vui vẻ, làm một con người chân chính.”

Nguyễn Hải Hoành