Thành Cổ Loa

(Ảnh bên: trống đồng Cổ Loa)

Xem thêm Làm sáng tỏ những khoảng trống của lịch sử?.

Thành Cổ Loa gắn liền với những truyền thuyết kỳ thú về việc vua An Dương Vương xây thành ốc; về chiếc nỏ thần Kim Quy; về mối tình bi thảm Mỵ Châu - Trọng Thuỷ...

Từ bao đời nay, ngôi thành cổ này cùng với những nhân vật lịch sử được huyền thoại hoá đã đi vào tiềm thức của người dân Việt.

Sơ đồ Loa thành

Đây là toà thành cổ vào bậc nhất Việt Nam, được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước ta thời đó), nay thuộc huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội.

Thành được xây dựng kiểu vòng ốc (nên gọi là Loa thành) tương truyền có tới 9 vòng, dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước thuyền bè đi lại được. Ngày nay ở Cổ Loa còn lại 3 vòng thành đất: Thành Ngoài (8km), Thành Giữa (hình đa giác, chu vi 6,5km) và Thành Trong (hình chữ nhật, chu vi 1,6km). Thân thành ngày nay còn có chiều cao trung bình từ 4-5m, có chỗ còn cao tới 12m, chân thành rộng tới 20-30m. Các cửa của 3 vòng thành cũng được bố trí rất khéo; không hề nằm cùng trên một trục thẳng mà lệch chéo đi rất nhiều. Do đó đường nối hai cửa thành ở cùng một hướng đều là một đường quanh co, lại có ụ phòng ngự ở hai bên nên gây rất nhiều trở ngại cho quân địch khi tiến đánh thành.

Qua các giai đoạn lịch sử, Cổ Loa có rất nhiều tên: Loa thành (thành ốc), thành Côn Lôn, thành Tư Long, Cửu thành, Thành Việt Vương, thành Khả Lũ, Cổ Loa thành. Đến thế kỷ thứ X, thời kỳ Ngô Quyền làm vua, Cổ Loa lại trở thành kinh đô lần thứ hai.

Từ trung tâm thành phố, đi 18 km đến xã Cổ Loa thuộc huyện Ðông Anh, bạn sẽ tìm thấy vết tích còn lại của ba vòng thành xưa bằng đất và nơi các nhà khảo cổ tìm được hàng vạn mũi tên đồng, lưỡi cày, rìu sắt, xương thú vật...

Qua cổng làng, cũng là cổng Thành trong là tới đình làng Cổ Loa. Theo truyền thuyết thì đó là nền cũ của điện ngự triều, nơi bá quan triều hội ngày xưa nên trong đình còn tấm hoành phi "Ngự triều di quy". Cạnh đình là Am Bà Chúa tức là miếu thờ công chúa Mỵ Châu, nằm nép dưới gốc đa già cổ thụ. Miếu am bé bỏng như cuộc đời ngắn ngủi của nàng công chúa đáng thương "trái tim lầm chỗ để lên đầu". Trong am có một tảng đá hình người cụt đầu, người ta bảo đó là tượng Mỵ Châu.

Đình Ngự Triều

Qua am Mỵ Châu tới đền Thượng, tức đền An Dương Vương, được coi là dựng trên nền nội cung ngày trước. Ðền này mới làm lại hồi đầu thế kỷ XX, có đôi rồng đá ở bậc tam cấp cửa đền là di vật đời Trần hoặc Lê sơ. Trong đền có tượng An Dương Vương bằng đồng mới đúc cùng dịp làm lại đền. Trước đền là Giếng Ngọc, tương truyền là nơi Trọng Thuỷ tự tử vì hối hận và nước giếng này mà đem rửa ngọc trai thì ngọc sáng bội phần!

Năm 1962, Cổ Loa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp nhà nước. Nó có đầy đủ các loại hình di tích: Đình, đền, chùa, am, miếu, trong đó hàm chứa biết bao giá trị văn hoá Việt Nam qua rất nhiều thế hệ.

Trong khu vực Thành Nội còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật: Khu đền Thượng thờ An Dương Vương, khu đình Ngự triều di quy, am thờ Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn với hàng trăm pho tượng...

Các nhà khảo cổ học còn trưng bày ở đây rất nhiều hiện vật quý giá của người Việt cổ đã khai quật được trong lòng đất Cổ Loa: trống đồng Cổ Loa, tiền đồng, rìu đồng, hàng nghìn mũi tên đồng, khuôn đúc đồng, lưỡi cày, các vật dụng bằng gốm, đất nung,...