Thị trưởng không lương

Darwin Hindman, thị trưởng TP Columbia, là người cổ vũ đi bộ, đi xe đạp, giảm ô nhiễm.

Nghe nói ông Darwin Hindman thị trưởng thành phố (TP) nơi tôi đang sống là Columbia bang Missouri làm việc cho dân mà không lĩnh một xu tiền lương nào, tôi rất quan tâm. Trước đây đọc báo tôi có biết chuyện ông Bloomberg thị trưởng TP New York chỉ nhận lương tượng trưng mỗi năm một đô-la, nhưng ông ấy là nhà sáng lập hãng thông tấn Bloomberg (có hẳn một kênh truyền hình cáp Bloomberg phát đi khắp thế giới), giàu nứt đố đổ vách, hơi đâu mà để tâm đến thứ lương công chức “ba cọc ba đồng”. Chả lẽ TP Columbia nhỏ bé với 100 nghìn dân cũng có thị trưởng là triệu phú ư ?

Từ lâu tôi đã có ý định phỏng vấn ông Hindman nhưng mãi đến hôm vừa rồi mới được ông nhận lời. Ba giờ chiều hôm ấy, tôi dẫn vợ và con gái đến nhà thị trưởng, cùng đi còn có bà Thi Tiểu Mỹ, Hội trưởng Hội những người bạn của Trung Quốc ở TP Columbia. Dọc đường bà Mỹ nói với tôi là ông Hindman có uy tín rất cao ở đây, hiện đang làm thị trưởng nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp (mỗi nhiệm kỳ 3 năm); đợt bầu thị trưởng vừa rồi ông trúng cử với 75% số phiếu. Tôi hỏi “Tại sao người ta thích ông”, bà đáp: ông Hindman chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, tích cực xây dựng các công viên, nâng cao chất lượng sống của dân. Chẳng hạn ông ấy đề xướng mọi người bớt đi ô tô, bản thân ông ngày nào cũng đạp xe đi làm. Cho nên dù Hindman đã phải mổ cắt khối u thực quản và mổ tiền liệt tuyến nhưng dân chúng vẫn cứ bầu ông làm thị trưởng.

Nhà ông Hindman ở trong một khu dân cư nằm giữa những hàng cây um tùm cách trung tâm TP chừng 2 dặm, là nhà riêng của người cha để lại. Nhìn bên ngoài, tòa nhà rộng mà cũ kỹ này chẳng khác gì nhà của nhiều thường dân Mỹ.

Hindman ra đón khách trong bộ quần áo thể thao, có lẽ vừa đi tập về. Ông đưa chúng tôi đi qua phòng khách, ra ngồi ở ban công có mái che. Tôi để ý quan sát thấy đồ đạc trong nhà chẳng có thứ nào đặc biệt cả.

Dĩ nhiên, câu hỏi đầu tiên tôi nêu ra với ông Hindman là tại sao ông làm việc nhà nước mà lại không lĩnh lương. Ngài thị trưởng giải thích: tại nước Mỹ, chính quyền cấp một của liên bang và tiểu bang thực hành chế độ tam quyền phân lập, còn ở địa phương thì cơ cấu chính quyền do dân địa phương tự quyết định; do đó mà xuất hiện tình trạng người đứng đầu chính quyền địa phương nơi thì có lương, nơi thì hoàn toàn tự nguyện làm việc không lương, nơi thì do dân bầu ra, nơi thì cấp trên bổ nhiệm. TP Columbia chúng tôi có cơ quan chính quyền cao nhất là một Ủy ban TP gồm 7 vị, đứng đầu là thị trưởng. Tất cả chúng tôi đều là người tình nguyện kiêm chức, theo quy định là không nhận lương.

- “Không lĩnh lương thì ông sống bằng nguồn nào?” – tôi tò mò hỏi.

- “Trước khi làm thị trưởng, tôi từng có 40 năm hành nghề luật sư, thu nhập cũng khá. Năm 62 tuổi (1995) lần đầu tiên tôi được bầu làm thị trưởng. Hồi ấy đôi khi tôi vẫn nhận thụ lý các vụ án dân sự, chỉ không nhận vụ nào liên quan tới chính quyền TP. Năm nay tôi 74 tuổi, hai vợ chồng đều có lương hưu, cho nên vẫn sống được, chẳng sao cả.”

- “Đã không có lương thì vì cớ gì ông vẫn ra tranh cử thị trưởng ?” – tôi cảm thấy người TQ chúng ta rất khó hiểu được những chuyện như thế này.

- “Các quan chức dân cử thông thường không để ý tới chuyện lương bổng. Người Mỹ ra làm quan trước hết là để thực hiện các ý tưởng của họ. Nếu họ có thể dẫn dắt nước nhà hoặc địa phương của mình phát triển theo hướng họ mong muốn, thì họ sẽ cảm thấy mình thành công.” Ông nói thêm: lương Tổng thống (TT) Mỹ là 250 nghìn đô-la một năm (lương chính trước thuế là 400 nghìn), nếu ông Bush đi làm việc khác, chắc chắn thu nhập của ông ấy sẽ không chỉ có một chút xíu như vậy.

- “Ngoài ra, làm quan còn được hưởng những lợi ích thiết thực nào không ?”

- “Làm thị trưởng sẽ được nhiều người biết mình và sẽ có ảnh hưởng lớn trong dân chúng, đó là những thứ mà người bình thường không thể có.” Hindman nhìn tôi cười: “Nếu tôi không làm thị trưởng thì hôm nay ông có tới phỏng vấn tôi không nhỉ ?”

- “Làm quan chẳng phải là có những mặt gò bó mất tự do thoải mái đấy ư ? Chẳng hạn hôm vừa rồi tôi xem ti-vi thấy chiếu phim hoạt hình Lil Bush (Bush Con), toàn lấy TT Bush và gia đình ông ta ra làm trò cười, thậm chí còn nói bóng nói gió chuyện phó TT Cheney có quan hệ tình cảm với bà mẹ ông Bush nữa cơ …” – tôi hỏi tiếp.

- “Quan chức là nhân vật của công chúng, cho nên chớ có nghĩ tới chuyện tránh được sự đeo bám, giám sát của giới truyền thông. Có những báo đài ra sức châm chọc mình, anh cũng đành chịu thôi. Nếu anh là dân thường thì có thể viết báo tố cáo họ đặt điều nói xấu anh. Nhưng nếu anh là nhân vật của công chúng thì việc tố cáo như thế chỉ tổ làm anh chuốc thêm tai vạ, tự nhiên trở thành điểm nóng của dư luận. Cho nên cho dù báo đài phê bình sai đi nữa thì chúng tôi cũng chỉ có thể giải thích mà thôi, chung quy vẫn cứ phải qua báo đài mà xua tan các dư luận xấu ấy.”

- “Mỗi khi dân chúng có việc gì, họ có thể dễ dàng đến gặp thị trưởng hay không ?” – tôi thừa biết câu trả lời sẽ là “có”, nhưng vẫn cứ muốn biết thêm các chi tiết cụ thể.

- “Thị trưởng được dân bầu ra là để phục vụ dân, khi dân gặp khó khăn dĩ nhiên họ có thể đến tìm thị trưởng. Toàn bộ số điện thoại, fax, e-mail và địa chỉ thông tin của tôi đều công bố trên mạng. Nói chung dân chúng hay gửi e-mail để phản ánh các vấn đề, mỗi ngày tôi nhận được khoảng ba chục thư điện tử. Nếu ai muốn trao đổi trực tiếp với tôi thì chỉ cần hẹn trước là họ có thể đến văn phòng gặp tôi.”

- “Nói chung thư điện tử của họ thường hay nói tới các vấn đề gì ?”

- “Thời nào có việc của thời ấy. Chẳng hạn mới đây chính phủ liên bang đang khảo sát nơi xây dựng một cơ sở thí nghiệm gì đấy có thể có ảnh hưởng không tốt tới cây trồng vùng xung quanh. Columbia là một địa điểm được lựa chọn. Một số dân biết việc đó bèn gửi e-mail cho tôi tỏ ý lo ngại và phản đối. Hiện nay dự án này còn chưa quyết, nếu chính phủ liên bang chọn Columbia và đa số dân phản đối thì chúng tôi sẽ phản ánh lại cho chính phủ biết, chắc là khi ấy chính phủ sẽ phải thay đổi ý kiến.”

- “Đấy là những vấn đề trọng tâm, còn những chuyện thường ngày thì sao ? Ông sẽ giải quyết như thế nào ?”

- “Thông thường người ta hay phản ánh chuyện sửa chữa đường xá, xử lý rác … Các vấn đề cụ thể ấy tôi chuyển cho ban thư ký giải quyết.”

- “Ông có viết lời phê, chỉ thị của mình về các vấn đề dân chúng phản ánh không ? Hay là ông có nhận được chỉ thị từ cấp trên không ?”

Có lẽ câu hỏi này của tôi sặc mùi “quan trường hóa kiểu TQ” nên ngài thị trưởng hình như chưa hiểu. Sau khi được bà Mỹ giải thích thêm, ông mới vỡ lẽ và trả lời: “Tôi chỉ ký các sắc lệnh đã được UBTP thông qua, chưa bao giờ chỉ thị gì về các vấn đề cụ thể và cũng chưa bao giờ nhận được chỉ thị của cấp trên. Vì tôi là người được dân bầu ra nên tôi chỉ chịu trách nhiệm với dân chúng TP tôi.”

- “Với chức trách của một thị trưởng, ông quản lý TP này như thế nào ?” – tôi bắt đầu quan tâm tới chuyện triển khai các công việc cụ thể .

- “UBTP thay mặt dân quản lý TP này. Ủy ban chúng tôi mỗi tháng họp 4 lần bàn các vấn đề cần giải quyết, trong đó hai kỳ họp công khai, dân chúng có thể tới dự và phát biểu ý kiến tại chỗ, có truyền hình trực tiếp. Những công việc đã được UB quyết định thì giao cho City Manager (Quan chức quản lý TP) thực thi.”

Tôi chưa hiểu mấy về khái niệm và chức năng của City Manager. Thấy thế ông Hindman bèn giải thích: City Manager là một quan chức cấp cao do UBTP thuê để quản lý các công việc thường ngày của TP; chức vụ này có lương (khoảng 120 nghìn đô-la/năm). Ông ấy có quyền tổ chức bộ máy làm việc của mình; chức trách của ông là chấp hành các nghị quyết của UBTP.

Qua sự giới thiệu của Hindman, tôi dường như cảm thấy UBTP chẳng khác mấy Hội đồng Quản trị của một công ty, thị trưởng là chủ tịch Hội đồng, còn City Manager thì tương đương Tổng Giám đốc (CEO) công ty. Hindman về cơ bản đồng ý với cách hiểu ấy của tôi nhưng ông tuyên bố: “Điểm khác biệt lớn nhất giữa chúng tôi với công ty là ở chỗ công ty nhằm mục đích kiếm lời còn chúng tôi thì miễn phí phục vụ nhân dân TP.”

- “Nguồn thu nhập của chính quyền TP lấy từ đâu ? Dùng vào những lĩnh vực nào ?”
- “Chủ yếu từ thuế giao dịch và thuế nhà đất của TP này. 60% dùng để trả lương cho 1100 viên chức (trong đó có 175 cảnh sát và 128 lính chữa cháy), còn lại dùng vào việc tăng cường trị an và phòng cháy chữa cháy, công trình y tế vệ sinh chăm sóc sức khỏe nhân dân, sửa chữa đường xá, công viên.”

Theo tôi biết, TP Columbia có 31 trường trung học và tiểu học công lập thực hành giáo dục miễn phí, đều do UBTP phụ trách. Chi phí cho khu vực này rất lớn, lấy nguồn ở đâu ? Thị trưởng Hindman nói: có khoản thu thuế riêng để đầu tư cho các sự nghiệp công cộng như trường học và thư viện công cộng.

Tôi lại hỏi: "Thu nhập tài chính năm ngoái được bao nhiêu và chi dùng ra sao, nếu thâm hụt thì có thể vay ngân hàng không?"

- “Năm ngoái số thu là 350 triệu đô-la, chi vừa hết, thu chi cân bằng. Có bao nhiêu tiền thì chúng tôi làm ngần ấy việc. Nếu công trình xây dựng thực sự cần tiền thì có thể dùng khoản thuế sau này sẽ thu được để thế chấp vay tiền ngân hàng; nhưng phải được toàn thể dân TP bỏ phiếu đồng ý.”

Ở Mỹ, các quan chức thường xuyên bị giới truyền thông đưa ra ánh sáng, tương đối nhiều là những chuyện “tác phong sinh hoạt”, còn các vấn đề kinh tế như tham ô hối lộ dường như không thấy nói nhiều. Tôi hỏi ngài thị trưởng: “Quan chức chính quyền có cơ hội tham ô hoặc nhận hối lộ hay không ?” Ông trả lời rất thẳng thắn: "Chuyện ấy ở địa phương khác từng xảy ra nhưng ở chỗ chúng tôi thì chưa bao giờ có. Bởi lẽ trước hết chúng tôi chẳng hề nghĩ tới việc làm những chuyện vi phạm pháp luật như việc xoay sở kiếm tiền; hơn nữa quyền phê duyệt cấp đất, xây nhà nằm trong tay cả 7 người của UBTP, hầu như chẳng ai có thể cùng lúc hối lộ cho cả 7 người chúng tôi được.“

Hai tiếng đồng hồ dự định cho cuộc phỏng vấn trôi qua rất nhanh, lẽ ra còn nhiều vấn đề nữa cần hỏi tiếp nhưng tôi không tiện quấy rầy quá nhiều vào cuộc sống riêng tư của ngại thị trưởng. Lúc cáo từ ra về, tôi nhân tiện hỏi ông Hindman có cảm nghĩ gì về TQ không. Ông vui vẻ nhắc lại chuyện tháng 5 năm ngoái ông dẫn đầu đoàn đại biểu TP Columbia đến thăm khu Lao Sơn, TP Thanh Đảo tỉnh Sơn Đông TQ. “Columbia kết nghĩa chị em với Lao Sơn và đã ký hiệp định hợp tác về KHKT, giáo dục và quản lý chính quyền. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của TQ, chúng ta sẽ ngày càng có nhiều cơ hội hợp tác với nhau.”

Nguyên Hải lược dịch bài của Trần Cường (Trung Quốc)

Nguồn: sina.com 2007-07-18