Trang nhà > Quan niệm > Nho giáo > Khoa cử ở Việt Nam
Khoa cử ở Việt Nam
Chủ Nhật 25, Tháng Hai 2007
Xã hội ta xưa đại để chia ra làm hai loại người : quan và dân. Quan là người giúp vua điều khiển guồng máy chính trị để đem lại trật tự, an ninh cho dân. Cách kén người ra làm quan bằng thi cử gọi là Khoa cử.
Tuy nhiên, làm quan không cứ phải theo cử nghiệp, ngoài Khoa cử ta còn có lệ Cống cử, hay Bảo cử, tức là các quan phải tiến cử những người có tài và có đức ra làm quan. Nhưng phương pháp này không cung cấp đủ người cho bộ máy hành chánh vì những người đứng ra Bảo cử, nếu lỡ tiến lầm người dở thì sẽ bị nghiêm trừng, do đó thường xuyên phải dùng Khoa cử để kén nhân tài.
Khoa cử xuất hiện từ bao giờ ?
Nguyễn Hiến Lê (Triết học Trung Quốc, Chiến Quốc Sách), Đào Duy Anh (Trung Quốc Sử Cương), Trần Văn Giáp (Khai Trí Tập San), Trần Quốc Vượng (Lịch Sử Việt Nam, I) đều chép Khoa cử xuất hiện ở Trung quốc từ nhà Tùy, nhà Đường (cuối thế kỷ thứ VI, đầu thế kỷ thứ VII), thời nhà Hán chỉ có lệ dân cử người hiền tài, song theo Chu Thiên (Bút Nghiên) và Trần Trọng Kim (Nho Giáo) thì Khoa cử bắt đầu có từ Hán Vũ Đế : "Hán Vũ Đế (140 tr. TL) ra bài sách cho những người đã trúng tuyển, trong số đó có Đổng Trọng Thư". Ta có thể hiểu là Khoa cử manh nha từ nhà Tây Hán, nhưng đến nhà Tuỳ, nhà Đường mới được khai thác và tổ chức có quy mô.
Cùng chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, song Việt Nam, Cao Ly và Nhật Bản đặt ra Khoa cử từ lâu, Âu châu phải đợi đến thế kỷ thứ XIX mới dùng thi cử để kén người (1).
Thời Bắc thuộc (111 tr. TL-938) văn hoá cổ của ta - và có lẽ cả chữ Việt cổ - dần dần bị chính sách đồng hoá của Trung Hoa hủy diệt (2). Chữ Hán được nâng lên địa vị chính thức. Tuy vậy, người Nam muốn học cao và thi cấp trên vẫn phải sang tận Trung quốc. Năm 845, vua nhà Đường lại hạn chế số sĩ tử của ta sang thi khoa Tiến sĩ không được quá 8 người, thi khoa Minh kinh (giảng giải kinh sách) không được quá 10 người (3). Người hiển đạt thời ấy còn hiếm nhưng không phải là không có, chẳng hạn :
Đời Hán Minh Đế (58-75) có Trương Trọng, người Giao chỉ, du học Lục dương, rồi làm Thái thú Kim thành.
Đời Hán Linh Đế có Lý Tiến, người Giao Châu, khoảng 184-89 được làm Thứ sử Giao châu (như Thủ hiến), Sĩ Nhiếp lúc ấy làm Thái thú.
Đời Đường có Khương Thần Dực, người quận Cửu chân, làm Thứ sử châu Ái (Thanh Hoá). Hai người cháu du học kinh đô Tràng An, cùng đỗ Tiến sĩ : Khương Công Phục làm đến Bắc bộ Thị lang, anh là Khương Công Phụ làm đến Gián nghị Đại phu dưới Đường Đức Tôn và Đường Thuận Tôn (4).
Sang thời tự trị, sau khi chỉnh đốn việc nước, năm 1075 vua Lý Nhân Tôn mở khoa thi Tam trường (thi Đại khoa gồm ba kỳ) đầu tiên ở nước ta, mô phỏng theo Khoa cử của Trung quốc. Dần dần về sau, các triều Trần, Hồ, Lê, Mạc v.v... cải sửa thêm, đến đời Lê Thánh Tôn, thế kỷ XV, Khoa cử cực thịnh.
Từ Lê Trung Hưng (1533-1787), trở đi, Khoa cử ngày càng xuống dốc, thiên về hư văn.
Những điểm khác biệt với Trung quốc
Tuy rập theo khuôn mẫu của Trung Hoa, song Khoa cử ở Việt nam cũng có những điểm dị biệt :
1) Trước hết, ngoài Bắc sử, ta phải học thêm Nam sử để biết rõ thêm những gì đã xảy ra ở nước mình.
2) Tuy chữ Hán giữ địa vị chính thức ngay cả thời tự trị, nhưng ta đã dựa vào chữ Hán đặt ra một thứ chữ riêng để viết thêm những âm không có trong chữ Hán, gọi là chữ Nôm (có lẽ do chữ "Nam" đọc trệch đi). Chữ Nôm được Hồ Quý Ly là người đầu tiên đem ra dịch Kinh sách từ thế kỷ thứ XIV, mãi đến 1565, đời Mạc Mậu Hợp, mới dùng chữ Nôm lần đầu trong một khoa thi Tiến sĩ (đề mục kỳ đệ tứ là một bài phú Nôm), và phải đợi đến Quang Trung mới dùng chữ Nôm trong khoa th Hương đầu tiên ở Nghệ Ani, Nguyễn Thiếp, tức La Sơn Phu Tử, làm Đề Điệu (thời ấy Chánh khảo là quan văn, gọi là Đề Điệu, sau này chức Đề Điệu trỏ vào một quan võ trông coi trật tự trong trường thi).
Nhờ biết sử dụng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, ta đặt ra loại chơi chữ rất độc đáo, người Tầu không thể có được, chẳng hạn trong câu: Da trắng vỗ bì bạch thì " bì " = da, " bạch " = trắng, là chữ Hán, nhưng " bì bạch " lại là chữ Nôm khi mô tả tiếng vỗ trên da thịt. Câu này rất khó đối, mãi gần đây mới thấy ông Phan Ngọc đưa một vế đối chỉnh của một người bạn: Rừng sâu mưa lâm thâm
3) Trung quốc cho thi Tú tài riêng gọi là Phủ thí, năm sau thi Cử nhân gọi là Hương thí, nhưng ở Việt Nam, ít nhất cũng dưới triều Nguyễn, Cử nhân và Tú tài thi chung, người đỗ gọi là Cử nhân, người hỏng nhưng được xếp cao cho đỗ Tú tài, trung bình cứ lấy đỗ một Cử nhân thì lấy đỗ ba Tú tài. Tú tài được miễn dịch vụ cùng sưu thuế, nhưng không được phép thi Hội (6).
Ở Trung quốc danh từ "Sinh đồ" chỉ những người từ nhà học, nhà hiệu tại các châu, huyện cử ra, Cống cử hay Hương cống không do nhà học, nhà hiệu ra, mà do trúng tuyển, trong khi ở Việt Nam, thi Hương trúng ba trường thì gọi là Sinh đồ (ông Đồ), sau gọi là Tú tài, đỗ cả bốn trường thì gọi là Hương cống (ông Cống), sau gọi là Cử nhân.
4) Chu Xán, Thị lang bộ Lễ nhà Thanh, sang sứ Việt Nam năm 1688, về ghi trong Sử giao ký sự : "Trường thi nước ấy không có nhà làm sẵn, sĩ tử phải ngồi trong lều phục xuống đất mà viết" (7). Mãi tới 1843, vua Thiệu Trị mới cho xây trường thi bằng gạch đầu tiên ở Thừa Thiên. Trước đó, mỗi khoa thi người ta xây trường sơ sài nhà tranh vách nứa để sau khi thi phá bỏ lấy đất trồng trọt, nhưng bởi là đất công, không ai chăm bón, nên cây cằn cỗi, đứng xa thấy cả khu trường thi nổi bật lên một mầu vàng úa giữa đám cây cối xanh tươi xung quanh.
5) Theo Lê Quý Đôn, triều đình ta "đối với những người thi đỗ đãi ngộ rất hậu, bổ dụng rất cao ...so với việc đặt Khoa mục ở Trung quốc từ xưa đến nay chưa từng có".
Công hay tội ?
Trong non một ngàn năm tự trị, Nho học và Khoa cử đã đào tạo được nhiều bậc khoa bảng ngoài sự nghiệp văn chương đều có công giúp nước, triều nào cũng có, xin tạm nêu ra :
Đời Trần có Chu Văn An (?-1370) đỗ Tiến sĩ, giữ chức tư nghiệp (dạy ở Quốc Tử Giám, tức trường ĐH của ta), dạy Thái tử và con các Đại thần, dâng sớ " thất trảm " đòi chém 7 kẻ gian thần, vua không nghe, ông treo mũ từ quan. Sau được thờ trong Văn Miếu, tức là nơi thờ phụng Khổng Tử, ông tổ đạo Nho.
Đời Hồ có Nguyễn Trãi (1380-1442) đỗ Thái Học Sinh (như Tiến sĩ). Sau khi giúp Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, ông viết bài "Bình Ngô Đại Cáo" được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước ta (8) và là tác giả nhiều thơ văn Hán Nôm còn lưu truyền.
Đời Nguyễn có Nguyễn Công Trứ (1778-1859) đỗ Giải nguyên, thi Hương (1819), lập nhiều công lớn và đặc biệt khai khẩn đất hoang miền duyên hải Nam Định và Ninh Bình, lập ra hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn, và hai tổng Hoành Thu, Minh Nhất.
Nhờ có một tổ chức giáo dục và Khoa cử sớm hoàn bị, nước Việt Nam xưa được coi là một nước văn hiến. Thế mà chỉ mới bị bãi bỏ có hơn 70 năm, ngày nay phần đông chúng ta không mấy ai biết đến Khoa cử nữa. Hoặc chúng ta mỉm cười chế giễu, hoặc chúng ta lên án nghiêm khắc. Trong Việt Nam quốc sử khảo Phan Bội Châu viết : "Trung quốc bỏ Khoa cử từ năm Canh Tý (1900)(9), Triều Tiên bỏ từ năm Giáp Ngọ (1894), đó là một việc nhơ nhớp duy chỉ nước ta còn có mà thôi" và "người ta mửa ra, mình lại nuốt vào". Vì sao cha ông ta lại quá nặng lời như vậy ? Có phải vì các vị quá phẫn uất trước thảm bại của nước nhà trong tay quân viễn chinh Pháp, mà giới lãnh đạo của ta lúc ấy do Khoa mục xuất thân, cho nên cha ông ta quy hết mọi tội cho Khoa cử đã đào tạo ra một lũ hủ Nho, mở miệng chỉ biết "chi, hồ, dã, giả", và một đám tham quan ô lại, chuyên bắt nạt dân đen, nhưng trước họng súng của Tây phương thì lại bó gối, cúi đầu, khiến cho lòng người chán nản, hết tin tưởng ở giai cấp lãnh đạo mà họ vẫn phục tùng xưa nay, do đó chúng ta phủ nhận luôn cả những khía cạnh tích cực của Khoa cử ?
Đành rằng Khoa cử ngày một hủ bại, không thiết thực, chuộng hư văn, nhưng có thật lỗi ở Khoa cử hay ở người áp dụng nó ? Con dao nào dùng mãi cũng cùn, ta không biết mài lại cho nó sắc lại đổ lỗi cho dao xấu, đi mua dao khác thay thì suốt đời còn phải thay.
Phan Huy Chú, trong Lịch Triều Hiến Chương, viết : "Xem việc thi cử hay hay dở thì biết nước thịnh hay suy ". Thời thịnh của Khoa cử là thời kẻ sĩ coi nó chỉ là phương tiện, tạo điều kiện cho mình thi thố tài năng giúp đời, đạo đức vẫn là chính, văn học chỉ là thứ yếu ("văn" phải được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả chính trị, mưu lược quân sự, kinh tế, triết học v.v... chứ không phải chỉ học làm thơ suông). Mục đích dạy "văn" là để đào tạo ra hạng người có kiến thức, có mưu trí, có tài ứng đối mẫn tiệp, biết cách cư xử khôn khéo trên chính trường ngoại giao. Đã đành ngày nay tin tưởng văn thơ có thể đuổi được giặc là chuyện buồn cười, song ta không nên quên rằng chính trị, ngoại giao thời xưa rất khác, văn học không phải là chuyện phù phiếm. Ngày nay chúng ta thường băn khoăn tự hỏi sao tổ tiên ta lại hồ đồ kén chọn người ra gánh vác việc nước bằng văn thơ ? Đọc lại những sự kiện lịch sử còn được lưu truyền thì thấy dù trong thời tự trị, ta vẫn bị Trung quốc đàn áp, nay đánh, mai doạ, tuỳ ta yếu hay mạnh. Họ lại thường dò xét xem ta có nhân tài hay không bằng cách đưa ra những câu đố hiểm hóc, những bài thơ oái oăm bắt giảng và họa lại, nếu ta hiểu và đối đáp trôi chảy, có khí phách, họ kết luận nên lui binh, cho hoà. Thí dụ thời nhà Mạc, quân Minh kéo sang định thôn tính nước ta. Tướng Mao Bá Ôn đóng quân ở cửa nam Quan, làm bài thơ "Cái bèo" đưa sang, ngụ ý khinh người Nam như cái bèo, phải một trận gió là tan. Sư Giáp Hải, đỗ Trạng nguyên, được cử ra làm thơ hoạ lại, hàm ý ta không sợ vì không thiếu nhân tài (dưới lớp bèo) "nào cá, nào rồng trong ấy ẩn", ta sẵn sàng ứng chiến. Bá Ôn đọc xong, rút quân về (10).
Thư sinh không thể làm tướng thì làm sứ. Trạng Bùng Phùng Khắc Hoan (1528-1613) đi sứ cũng nhờ văn tài làm vua quan Tầu kính phục, không những khiến họ lui binh, mà nước ta từ đó thoát khỏi phải cống hiến nước giếng Trọng Thuỷ để rửa ngọc trai, và người bằng vàng đúc (11).
Gần ta hơn, năm 1789, vua Quang Trung (1752-92), trước khi đại thắng quân Thanh đã tuyên bố : "Chỉ trong vòng mười ngày nữa thế nào ta cũng quét sạch quân Thanh, nhưng nước Thanh lớn hơn ta gấp mười lần, bị thua tất lấy làm thẹn, chắc phải tìm cách rửa hờn. Nếu cứ binh lửa liên miên thật không phải hạnh phúc cho dân, lòng ta sao nỡ ? Vì vậy, sau khi thắng trận phải khéo "dùng ngọn bút thay giáp binh" (lấy lời lẽ khéo léo để giảng hoà, đẩy lui quân địch). Việc ấy phi Ngô Thời Nhậm (1746-1803) không ai làm nổi. Đợi mươi năm sau, ta đủ thì giờ gây nuôi, nước giầu, dân mạnh thì ta có sợ gì nó ?" (12). Quang Trung thành công một phần nhờ tài biết dùng người. Quả nhiên sau này khi cầm đầu phái bộ ta sang Trung quốc, Ngô Thời Nhậm chứng tỏ Quang Trung không lầm người. Lúc tiến vào cửa Sứ quán, thấy hàng chữ đề "An Nam di sứ công quán" (Công quán của Sứ bộ xứ man di An Nam) Ngô Thời Nhậm không chịu vào, nói : "Ta không phải đại diện cho một xứ man di, nên không vào Sứ quán ấy". Quan nhà Thanh chữa rằng đối với Trung quốc thì tất cả đều là man di, mọi rợ hết, Ngô Thời Nhậm cười rằng : "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã (trâu tìm trâu nhập bọn, ngựa tìm ngựa nhập bọn). Phải chăng Đại quốc là mọi rợ khác ?". Nhà Thanh đành phải sửa lại cái biển thành "Nam quốc Sứ quan Công quán", lúc đó Ngô Thời Nhậm mới chịu dẫn đoàn ngoại giao của ta bước vào (13).
Những lỗi lầm
Bất cứ một chế độ nào dù hay đến đâu cũng phải có ngày suy. Một trong những lỗi lầm lớn của Khoa cử là quá trọng đãi những người thi đỗ, vô hình trung tạo ra hạng người học chỉ vụ lấy đỗ, còn đạo nghĩa trong kinh sách thì không mấy quan tâm đến. Lê Quý Đôn đã tóm thâu cái học của họ trong câu "thi thiên, phú bách, văn sách, năm mươi" nghĩa là chỉ cần học thuộc lòng 1000 bài thơ, 100 bài phú và 50 bài văn sách là đủ vốn để dựa theo đó làm văn bài và thi đỗ !
Vì quá phục văn hoá Trung Hoa, vì khiêm tốn tin rằng chỉ bậc thánh mới xứng đáng viết sách dạy học và những gì đáng viết đều đã có trong kinh sách, cho nên ngoại trừ Nam sử và vài cuốn sách vỡ lòng như "Nhất Thiên Tự" (sách 1000 chữ), " Tam Thiên Tự " (sách 3000 chữ) v.v... ông cha ta ít dám viết sách dạy học. Phần đông khi học lại chỉ vận dụng trí nhớ để học thuộc lòng, thiếu óc suy luận, không tìm hiểu nghĩa thâm thuý bên trong mà chỉ áp dụng cái vỏ bên ngoài. Chẳng hạn cho rằng đã làm con thì phải thực hiện tất cả mọi ý muốn của cha mẹ mới là có hiếu. Sự thực, "Đức Thánh Khổng" có dạy như thế không ? Cổ Học Tinh Hoa chép rằng Tăng Sâm, một trong những học trò giỏi của Khổng Tử, một hôm bừa cỏ lỡ tay làm đứt mất một ít rễ dưa, cha giận cầm gậy đánh. Tăng Sâm đau quá gục xuống một lúc mới hồi lại. Về nhà thưa với cha rằng : "Lúc nẫy con có tội để đến nỗi cha phải đánh, làm đau tay cha, thực là con lỗi đạo". Nói xong lui xuống, vừa gẩy đàn vừa hát, có ý để cha biết rằng mình không còn đau. Khổng Tử biết chuyện cấm cửa không cho Tăng Sâm vào. Sâm tự nghĩ mình vô tội, nhờ bạn đến hỏi vì cớ gì mà thầy giận. Khổng Tử nói : "Ngày trước, ông Thuấn phụng sự cha là Cổ Tẩu, lúc cha sai khiến gì thì ở luôn bên cạnh, lúc cha giận giữ thì lánh xa, lúc cha đánh bằng roi vọt thì cam chịu, đánh bằng gậy gộc thì chạy trốn. Thế cho nên ông Cổ Tẩu không mang tiếng bất từ. Nay Sâm liều mình chịu đòn đến nỗi ngất đi để chiều cơn giận của cha, nếu lỡ cha đánh chết thì có phải khiến cho cha mắc tội không ? Tội bất hiếu còn gì to hơn nữa ?"
Bàn đến chữ "trung" nhiều người tin rằng đạo làm tôi phải hết sức phục tùng vua, vua trái thì can hoặc treo mũ từ quan, vua giết thì cam chịu chứ không được chống đối. Cao Bá Quát chống lại triều đình lập tức mang tiếng "giặc" (giặc châu chấu). Khổng Tử tuy nói rằng vua thay trời trị vì dân, dân phải phục tùng, nhưng cũng nói vua có bổn phận của vua, tức là phải chăm lo hạnh phúc cho dân. Mỗi khi vua ở trái đạo thì Trời ra tai (lụt lội, đói kém) hoặc sinh ra những chuyện bất thường (nhật thực, nguyệt thực v.v...) để thức tỉnh. Lúc ấy vua phải ăn chay, sám hối, sửa đổi đường lối chính trị, phóng thích tù nhân, phát chẩn cho người nghèo để chuộc lỗi. Thuyết này tuy hoang đường nhưng có công dụng là kiềm chế được phần nào các "đấng quân vương" còn chút ít lương tâm. (Giở sử ra, ta thấy nhan nhản những vụ như sau : "Năm 1345, tháng tư, tháng năm đại hạn. Ra lệnh ân xá cho tù nhân"). Mạnh Tử còn đi xa hơn Khổng Tử với câu : "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh".
Nho học chủ trương lập đức là chính, học đạo để thành người quân tử. Lúc đầu chữ " quân tử " trỏ vào đám quý tộc cầm quyền chính, sau Không Tử cho rằng chỉ những người có đức hạnh mới xứng đáng cầm quyền, nên người quân tử cũng trỏ vào những người có đức hạnh. Nhà Nho sở dĩ trọng sự thanh bạch cũng vì tin rằng cái nghèo luyện cho ta bớt kiêu căng, bớt xa xỉ, bớt lười biếng, tóm lại là gây nhân cách cho con người. Một ông quan nghèo chắc chắn là một ông quan thanh liêm, không tham nhũng cho nên mới nghèo. (Paul Doumer chép trong Hồi Ký rằng Phan Thanh Giản Làm quan to mà lúc chết vẫn chỉ có một túp nhà tranh đơn sơ). Tuy nhiên, trong thực tế, hạng này càng ngày càng hiếm, mà hạng vơ vét của dân làm giầu thì càng ngày càng nhiều, bởi đạo hạnh đã kém mà tục lệ khao vọng của ta lại nặng nề, khiến người thi đỗ mang công mắc nợ, đã thế nếp sống nhà quan thường xa hoa trong khi lương bổng ít (14) cho nên "túng thì phải tính". Ca dao ta có những câu chua chát:
Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình
Ba Bộ đồng tình cướp gạo con tôi !
hay :
Con ơi, nhớ lấy câu này:
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan !
đủ nói lên tình trạng đám quan lại khi đạo suy.
Nho giáo coi việc tu thân là cần, giữ sao cho tính tình lúc nào cũng điềm đạm, ôn hoà, cho nên nhà Nho khinh những người cậy sức khỏe lấn át kẻ khác. Nhà Nho chỉ "đấu khẩu" chứ không thèm "đấu chân tay", chê các võ quan là hạng "vai u, bắp thịt, mồ hôi đầu", "có khỏe mà chẳng có khôn", hoặc "văn thời tứ phẩm đã sang, võ thời nhất phẩm còn mang gươm hầu"... Lâu dần thành thói quen "trọng văn, khinh võ". Việc dụng binh trong nước coi là bất thường, thời bình cho quân lính ở nhà cấy ruộng, hữu sự mới triệu ra, cho nên quân sĩ thiếu luyện tập.
Vì tin rằng con người quý ở chỗ tinh thần thảnh thơi, không bị cái "hình dịch" (đeo đuổi công danh, phú quý để phục vụ cho hình xác) nó làm cho quay cuồng, nên ta coi rẻ phú cường mà cầu an lạc, không chú trọng đến khoa học thực tiễn, không lo mở mang kinh tế cho nước giầu mạnh mà chỉ lo nhẹ thuế cho dân an vui là đủ. Từ ưa hoà bình thanh nhàn, ta biến dần thành tính cầu an, rồi nhẫn nhục, và sau cùng đi đến chỗ hèn yếu. Khi va chạm với súng ống tối tân của Tây, thảm bại là cái chắc. Tuy các quan ta không thiếu người có khí tiết, nhưng vì quá khinh ngành võ, lại thiếu vũ khí, thiếu kinh nghiệm chiến đấu nên tỏ ra hoàn toàn bất lực trước sức mạnh của quân Pháp. Cái mớ kinh nghiệm trị nước bằng đức, đối ngoại bằng văn tài của tiền nhân để lại không còn thích hợp nữa nên Hoàng Diệu (1828-82), Nguyễn Tri Phương (1796-1867) v.v... chỉ đành đem cái chết để tỏ lòng mình.
Chính sánh "bế quan tỏa cảng" càng khiến ta thu hẹp tầm mắt, chỉ biết có văn minh Trung Hoa, ngoài ra không coi ai ra gì, tự kiêu, tự mãn cho mình là văn minh, không thèm học hỏi thêm. Nguyễn Tường Tộ viết : "mỗi khi chê Tây nhỏ yếu, thì mọi người hân hoan, vui vẻ, còn nói sự thật thì lập tức bị thoá mạ, nghi là ăn hối lộ của Tây, vì thế ai cũng cắn răng ngậm miệng, không dám nói sự thật" (15). Phái đoàn Phan Thanh Giản đi sứ Pháp về kể lại những chuyện mắt thấy tai nghe xứ người thì bị coi là nói chuyện hoang đường : "làm gì có thứ nước chảy từ dưới lên trên (nước phun trong công viên), và đèn gì lại chúc đầu xuống mà vẫn cháy được?".
Chữ Quốc ngữ do các giáo sĩ Tây phương đặt ra, lại do một lớp thông phán thiếu đức độ sử dụng lúc đầu, cho nên một số người cho học chữ Quốc ngữ là "vong bản", thà bỏ thi cử khi Quốc ngữ trở nên bắt buộc, chứ không thèm học loại chữ "con nòng nọc". Hành động này tuy do lòng nhiệt thành ái quốc mà ra song là một hành động quá khích bởi chữ Hán cũng đâu phải chữ của ta ?
Cải cách
Ngày nay ta chê Khoa cử "dùng thơ phú để kén nhân tài" có hơi oan cho Khoa cử . Thực ra thi Hương cũng như thi Hội bao giờ cũng có một kỳ thi văn sách (có chỗ chép là vấn sách) gồm hai phần :
— Cổ văn hỏi về chính sự và sử Trung quốc.
— Kim văn hỏi về chính sự hiện tại của nước nhà.
Thí dụ : Năm 1868, đầu bài Kim văn thi Hội là : "Quân xâm lăng (Pháp) hiện nay càng ngày càng gây hấn, đồn luỹ dựng lên khắp nơi, vậy nên đánh hay nên hoà?"(16).
Ngô Thì Sĩ trong bài tự trướng mừng Lê Quý Đôn đỗ Bảng nhãn cũng viết : "Thi văn sách, chuyện được mất xưa nay, điều hay điều dở của chính sự, chỗ cao thấp của nhân tài, sự khoan nghiêm của pháp lệnh, điều nào ông cũng lần lượt trình bầy rõ ràng, rành mạch, tuyệt vời, tỏ ra hiểu sâu kinh, rộng sử, bác cổ thông kim"(17).
Có người trách Phan Thanh Giản (1796-1867), Chánh Sứ 1863, sang Pháp để xin chuộc ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Ông sinh ở Vĩnh Long, năm 1825 đỗ Cử-nhân, 1826 đỗ Tiến-sĩ. Được cử làm Phó-sứ sang Tàu năm 1832, làm quan đến chức Hiệp-biện ĐH sĩ, sung Vĩnh long Kinh lược sứ (1866), tùng nhất phẩm. Năm 1867, sau khi mất nốt ba tỉnh Vĩnh-Long, An-Giang và Hà-Tiên, ông để lại một bức thư trần tình rồi xếp đồ triều phục, các đạo sắc gửi trả về Kinh, tuyệt thực 17 ngày không chết, sau phải uống thuốc độc. Triều đình luận tội, cách chức đục tên ông trên bia Tiến-sĩ, mãi năm 1886, vua Đồng Khánh mới cho ông phục chức.Ông để lại chừng 10 bộ sách Hán văn và một ít văn quốc âm. Trích trong Khoa-cử ở Việt-Nam (chưa in)
Phan Thanh Giản nhường ba tỉnh An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long cho Pháp năm 1867, dù chết cũng không đủ chuộc tội. Nhưng đứng trước hoả lực tối tân của Pháp, mưu lược hay đến đâu mà không có vũ khí tốt đi kèm cũng khó mà thắng huống chi lại là mưu lược chỉ thích hợp cho một đường lối hành quân cổ xưa và một nền tâm lý khác hẳn. Thử đem những người tốt nghiệp trường Khoa học Chính trị của Pháp chẳng hạn, bảo họ cầm quân xuất trận xem họ có lúng túng hay không ? Nếu họ cũng giỏi như những người tốt nghiệp trường võ bị Saint Cyr thì chẳng hoá ra học Saint Cyr là thừa ư ? Phan Thanh Giản tuẫn tiết tỏ ra không tham sinh, uý tử, nhường ba tỉnh cho Pháp tất nhiên không phải vì tư lợi mà muốn tránh cho dân khỏi chết thêm trong một cuộc chiến tuyệt vọng.
Giáo dục của ta không phải chỉ dạy toàn ngâm thơ, vịnh nguyệt, nhưng đối với thời nay quả có thiếu phần thực dụng, cần phải canh cải. Song không phải mãi sau khi đụng chạm với Tây phương ông cha ta mới tỉnh ngộ. Ngay từ cuối thế kỷ XIV, Hồ Quý Ly đã sáng suốt muốn ly khai ảnh hưởng Trung quốc bằng cách nâng cao địa vị chữ Nôm lên. Năm 1393, Quý Ly soạn sách Minh Đạo bằng chữ Nôm bàn về các nhân vật và kinh điển đạo Nho, chê các danh Nho đời Đường, đời Tống chỉ biết chắp nhặt văn chương, học rộng mà viễn vông. Sách dâng lên Thượng Hoàng Nghệ Tông khen, nhưng bị phe bảo thủ chỉ trích trong đó có vài học quan ở Quốc Tử Giám. Năm 1395, Quý Ly dịch thiên "Vô Dật" trong Kinh Thư ra dạy vua ; 1396 làm sách Thi Nghĩa bằng Nôm (giảng nghĩa Kinh Thi) cho nữ quan dạy các hậu phi và cung nhân (18). Những cố gắng cải cách của Quý Ly không thu lượm được mấy kết quả vì nhà Hồ mất sớm, sách vở viết ra lại bị quân Minh đốt sạch.
Gần ta hơn có Lê Quý Đôn cũng muốn cải tổ Khoa cử và văn học. Song ngay lớp sĩ phu thời đó cũng chưa mấy ai thấy rõ tầm quan trọng của các đề nghị cải cách. Ngược lại, lợi dụng danh nghĩa cải cách, tự do, một Thí sinh đùa bỡn viết ngay vào quyển thi :
May sinh gập thời bình,
Thần xin lấy ba vợ.(19)
Đầu thế kỷ XIX, Cao Bá Quát (1808-54/55) khi đi sứ Tân Gia Ba có dịp mở rộng tầm mắt, đã choáng người trước "Tầu thủy Hồng mao", làm ngay một bài thi ca tụng, rồi tự phê phán : "Đáng phàn nàn cho ta bấy lâu chỉ lo đóng cửa gọt rũa câu văn, lải nhải từng câu từng chữ có khác nào con sâu đo muốn đo cả Trời Đất?" (20).
Chính vua Minh Mệnh cũng nhận xét: "Văn cử nghiệp chỉ câu nệ những cái hủ sáo... học như thế trách nào mà nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi?"
Một số người cho rằng Khoa cử bị bãi bỏ là do người Pháp cưỡng ép, thực ra giới trí thức của ta lúc ấy nhao nhao đòi cải tổ giáo dục và Khoa cử : Nguyễn Trường Tộ (1830-71), Phạm Phú Thứ (1820-81), Phan Bội Châu (1867-1940), Trần Quý Cáp (1870-1908) v.v. đều xin cải sửa, đặc biệt có Trần Bích San (1840-78) đỗ tới Tam Nguyên cũng xin bãi Khoa cử.
Phan Chu Trinh xuất thân Nho học, đỗ Tiến sĩ, mà lên án Hán học rất nặng lời : "Bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam quốc !" (không bỏ chữ Hán thì không cứu được nước Nam). Phương Sơn sửa lại : "Bất chấn Hán học, bất túc dĩ cứu Nam quốc" (không chấn hưng Hán học thì không cứu được nước Nam). Khoa cử hủ bại, chúng tôi đồng ý về điều ấy, còn Hán học đã đào tạo ra biết bao anh hùng, liệt sĩ thì sao ta lại phế bỏ đi ? (21).
Huỳnh Thúc Kháng (1876-1948) tuy kết tội Khoa cử, nhưng công nhận phần lớn lỗi ở người học đạo không đến nơi : "Mình nhận lối học Khoa cử cùng lối học Tống Nho làm lối học Khổng, Mạnh, chính là chỗ hư, chỗ hở của người Tầu mà mình bắt chước". Rõ ràng Huỳnh Thúc Kháng chỉ phê bình lối học "tầm chương, trích cú" chứ không nói trùm lấp cả lối kén người bằng thi cử, và chính ông đã ca tụng cái học cùng Khoa cử đời Trần, nhìn nhận nó gần chánh đạo. Lại cũng chính ông nghiêm khắc lên án thái độ của một số người theo Tân học : Chẳng qua ngày trước nói Khổng, Mạnh thì ngày nay thay vào Hi lạp, La mã, Mạnh đức thư cưu (Montesquieu), Lư thoa (Rousseau), đổi cái "chi, hồ, dã, giả" bước sang "a, b, c, d".
Phan Chu Trinh còn gay gắt hơn: "Ngày trước học chữ Hán thì làm hủ Nho, ngày nay học Tây thì làm hủ Âu" (22).
Thế là thế nào ? Khoa cử đã bị bãi bỏ, chương trình cải cách đã được áp dụng, tại sao hai vị còn chưa vừa lòng ? - Ấy là vì cả hai đều nhận ra cái cái óc học để làm quan của ta vẫn còn, và cái óc ấy không hẳn là "độc quyền" của Hán học và Khoa cử. Người ta thích làm quan để được giàu sang, trọng vọng. Xưa kia các bà, các cô có phải chỉ tham "cái bút, cái nghiên" suông đâu ? Tham là tham một bước lên quan khi "anh Đồ" thi đỗ đấy chứ. Bởi thế khi Khoa cử tàn, các cô bèn "xếp bút nghiên" lại, không phải để "lên đường tranh đấu" mà là để tuyên bố "Phi Cao đẳng bất thành phu phụ !"
Ta chê Khoa cử, thực ra là chê cái học thiếu thực dụng, chứ còn cách dùng thi cử để kén nhân tài thì ngày nay trên khắp thế giới vẫn phải dùng đến. Khoa cử tương đối công bằng và bình đẳng, ít ra cũng hơn chế độ "con vua thì lại làm vua". Trong Hồi ký, Paul Doumer nhắc đến trường hợp một người con nông dân được lấy đỗ trong khi một người khác con quan lại bị đánh trượt mặc dầu văn tài hai người suýt soát nhau, để chứng tỏ các quan trường không tư vị. Song Khoa cử chỉ tương đối công bằng, con nhà "xướng ca vô loài" chẳng hạn, không được đi thi. Đào Duy Từ thi Hội đỗ, chỉ vì cha là người cầm đầu đội nữ nhạc trong cung vua Lê mà bị đánh hỏng, ai dám bảo là công bằng ? Phụ nữ cũng không được phép bén mảng đến trường thi, thậm chí dự một buổi bình văn ở nhà Giám (Quốc Tử Giám) cũng bị đuổi ra (23) thì bình đẳng ở chỗ nào ?
Phong trào duy tân ngày một lan rộng, nhất là từ khi ta thấy Nhật trở nên hùng cường nhờ Âu hoá, thắng được quân đội Nga và Trung Hoa vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Ngày nay chúng ta bỏ hẳn Hán học, theo Tây học, song một số không ít đã nhận thấy đời sống Âu, Mỹ tuy đầy đủ tiện nghi, nhưng con người quay cuồng, phờ phạc vì công ăn việc làm, lúc nào cũng vội vã, sắp đặt thì giờ từng giây, từng phút, đến nỗi không biết gì đến sinh thú nữa. Đời sống vội vã, căng thẳng ấy chưa hẳn đã thích hợp với tâm hồn của ta. Mặt khác, cái học Đông phương quá chuộng thanh nhàn, coi rẻ đời sống vật chất nên người dân phải vất vả, lầm than, thiếu đủ thứ cũng không tạo được sự an lạc cho họ. Cho nên cuối cùng tất phải đi đến một giải pháp dung hoà.
Song dù giầu hay nghèo, dù sang hay hèn, phần đông dân ta đều trọng tình cảm và đạo đức, khiến người ngoại quốc phải kính trọng. Đấy là do ảnh hưởng một phần không nhỏ của Nho giáo đã thấm đến cốt tủy của ta, kể cả những người không trực tiếp học đạo. Nho học đã tạo ra một từng lớp sĩ phu có khí tiết, đức độ, rất có uy tín trong dân gian. Ngày nay phái Tân học tuy không biết đạo Nho nhưng vẫn được thừa hưởng cái uy tín của từng lớp trí thức trước để lại. Mà Nho học bành trướng được một phần là nhờ Khoa cử (Khoa cử kén người hỏi về đạo Nho vì đạo Nho dạy cách trị quốc, an dân, lại tôn quân quyền nên được vua chúa dùng làm quốc giáo) cho nên Khoa cử không hẳn chỉ có tội đối với quốc dân ta.
Chú thích
(1) - Connaissance du Việt-Nam, tr. 84
(2) - Văn hoá Đông Sơn được coi là văn hoá cổ của ta, cực thịnh vào cuối thời các vua Hùng. Chữ Việt cổ nếu có cũng không còn chứng tích.
(3) - An-nam chí lược, tr. 251
(4) - An-nam chí lược, tr. 232-4
Theo Đào Duy Anh (Đất nước Việt-Nam qua các đời, tr. 69) hiện còn đền thờ Khương Công Phụ tại quê hương là làng Cẩm Chướng, huyện Yên Định (Thanh Hoá).
(5) - Đoàn Kết số 411
(6) - Ta thường dịch Tú tài thời xưa cũng là "bachelier", có lẽ chữ "sous-admissible" thích hợp hơn vì Tú tài xưa là những người thi Hương không đỗ, nhưng có chân trên bảng dự khuyết.
(7) - Kiến văn tiểu lục, tr. 113
(8) - Bài thơ "Nam quốc sơn hà, Nam đế cư" của Lý Thường Kiệt được coi là bản thứ nhất.
(9) - Trung quốc bỏ Khoa cử năm 1905 chứ không phải năm 1900.
(10) & (11) - "Nói về truyện các cụ ta đi sứ Tầu", Nam Phong số 92
+ Có lẽ Nguyễn Hữu Tiến đã lầm Trạng nguyên Giáp Hải đời Mạc với sư Giác Hải đời Lý Nhân Tông (Thiền Uyển Tập Anh) ?
+ Bài thơ "Cái bèo" có thể cũng chỉ là một giai thoại bịa đặt.
+ Cương Mục XIV, 28-32 lại chép Mạc Đăng Dung, không đẩy lui được Mao Bá Ôn, xin hàng.
+ Lịch triều hiến chương chép Giáp Hải đỗ Đình nguyên khoa 1538.
+ Công dư tiệp ký -tập I, tr. 100 nói Giáp Hải đỗ Trạng nguyên khoa 1553, nhưng có con, không phải sư ; cũng không nói đến bài thơ "Cái bèo ".
+ Công dư tiệp ký -tập II, tr. 118, cho biết Mao Bá Ôn rút quân sau khi xem bài biểu xin hàng của Mặc Đăng Dung do Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu hay Trạng nguyên Trần Tất Văn viết.
(12) - Ngô gia văn phái, tr. 29 Hoàng Lê nhất thống chí, tr. 306
(13) - Nghìn xưa văn hiến, tr. 306 Phủ biên tạp lục, tr. 19-20, lại chép là Lê Quý Đôn chứ không phải Ngô Thì Nhậm.
(14) - Nguyễn Trường Tộ, tr. 74
(15) - Nguyễn Trường Tộ, tr. 304
(16) - Giai thoại làng Nho toàn tập, tr. 534
(17) - Ngô Thì Sĩ, tr. 212
(18) - Biên niên lịch sử Cổ Trung đại, tr. 230-3
(19) - Lê Quý Đôn, tr. 221 và 185. Câu này còn được chép trong Công dư tập ký tập III, tr. 86, viết khoảng 1755 tức là từ trước khi Lê Quý Đôn làm chủ khảo (1772). Vũ trung tuỳ bút thì nói Trần Tiến chép câu này trong bài thi ứng chế (tr. 166).
(20) - Thơ Cao Bá Quát, tr. 22
(21) - Đông kinh nghĩa thục, tr. 81
(22) - Khổng học đăng, tr. 774-86
(23) - Vũ trung tuỳ bút, tr. 96-8
Sách tham khảo
— Bùi Hạnh Cẩn: Lê Quý Đôn. Hà Nội, 1985.
— Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời. Hà Nội : KHXH, 1965. Paris : Đông Nam Á tái bản.
— P. Huard & M. Durand: Connaissance du Vietnam, Paris, 1954.
— Lãng Nhân: Giai thoại làng Nho toàn tập. Saigon, Nam chi tùng thư, 1966.
— Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục. Hà Nội : Sử học, 1962. Dịch giả : Phạm Trọng Điềm.
— Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục. Hà Nội : KHXH, 1977.
— Lê Tắc: An-nam chí lược. Viện ĐH Huế, 1961.
— Ngô Thì Chí: Hoàng Lê nhất thống chí. Bản dịch Ngô Tất Tố. Phong trào văn hoá tái bản, 1969.
— Nguyễn Hiến Lê: Đông kinh nghĩa thục. Saigon, 1956. Xuân Thu tái bản ở Mỹ.
— Nguyễn Hữu Tiến: "Nói về truyện các cụ ta đi sứ Tầu", Nam Phong số 92.
— Phạm Đình Hổ: Vũ trung tuỳ bút. Hà Nội : Văn học, 1972. Paris : Đông Nam Á tái bản, 1985. Dịch giả : Nguyễn Hữu Tiến.
— Phan Bội Châu: Khổng học đăng. Xuân thu tái bản ở Mỹ.
— Phan Ngọc: " Chơi chữ trong câu đối Việt Nam ", Đoàn Kết số 411.
— Trần Lê Văn, Ngọc Liêu, Chương Thâu, Nguyễn Tài Thu: Một số tác giả và tác phẩm trong Ngô gia văn phái. Hà Sơn Bình, 1960.
— Trần Quốc Vượng, Giang Hà Vị: Nghìn xưa văn hiến, tập IV, Hà Nội, 1984.
— Trần Thị Băng Thanh: Ngô Thì Sĩ, Hà Nội, 1987.
— Trương Bá Cần: Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo. TP Hồ Chí Minh, 1988.
— Vũ Phương Đề; Công dư tiệp ký. Saigon : Bộ Quốc gia Giáo dục, 1962. Dịch giả : Nguyễn Đình Diệm.
— Thơ Cao Bá Quát. Hà Nội : Văn học, 1984.
— Biên niên lịch sử Cổ Trung Đại. Hà Nội : KHXH, 1987.
— Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Hà Nội : Văn Sử Địa. Tổ biên dịch : Phạm Trọng Điềm, Hoa Bằng, Trần Văn Giáp.
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
© http://vietsciences.free.fr
Xem online : Thi cử ở Việt Nam thời xưa