Cá chạch nấu lá gừng

Một buổi trưa hè nào đó, bỗng nhớ quắt quay món cá chạch (có vùng còn gọi là cá nhét) nấu lá gừng. Có gì đâu cao xa nhưng trước hết phải có cá chạch tươi, mới vừa tát đìa lên càng tốt; cái giống này chuyên dũi dưới lớp bùn trong ao đồng nên tát bắt là thượng sách; nếu được tham gia vào “quy trình” tát cá thì càng thú.

Chuyện này ở quê tỏ ra khá đơn giản nhưng đối với dân thị thành thì đôi khi phải tham gia vào một tour du lịch nào đó mới có được cảm giác làm nông dân tát đìa cá. Mùa tháng năm, tháng sáu này là dịp cá chạch đẻ nên con nào con nấy mập núng, trứng chứa chật bụng…

Cá chạch làm món kho tộ rõ thật sự hảo hạng nhưng lúc nóng nảy trong người hoặc cần tốc hành hơn thì nấu canh lá gừng là… mau thấy nhất. Cá chạch làm ruột sơ, rửa sạch, cho vào nồi nước lã nấu canh vừa với lượng cá - lượng người ăn, khoảng mười lăm phút là cá chín, một nắm lá gừng tươi non xắt nhỏ bỏ vào, ai ăn cay thì thêm mấy lát ớt tươi và tí tiêu bột. Nếu có nước mắm ngon nêm nếm thì cũng chả cần bột ngọt làm gì… Thế là xong một tô canh cá chạch nấu lá gừng bốc khói vang lừng!

Một tô canh vừa ra khỏi bếp, một nồi cơm vừa chín, ăn nóng mới ngon, cho người giải nhiệt. Cái ngọt dịu dàng, ngon ngót, dai dai của cá hoà hương vị lá gừng nồng đượm trong toàn thể cuống họng, cứ thế mà chan mà húp… Cái kiểu ăn độc món này của người nhà quê miền Trung mới hợp thời, hợp cảnh làm sao, bởi chẳng có món nào khác làm khẩu vị người ăn bị… phân tán! Chỉ vậy thôi mà ta chợt cảm khái: “Cá ơi là cá, canh ơi là canh, cơm ơi là cơm…!”

(Theo Báo Bình Định)