Missionnaire Jésuite

Alexandre de Rhodes (1591-1660)

Đông Tỉnh

Năm 1651 ông cho in tại Roma cuốn "Từ Điển Việt-Bồ-Latin" tam ngữ (1) dựa trên cách ký âm và ngữ pháp tiếng Việt cùng 2 tự điển song ngữ do những đồng sự người Âu và Việt Nam (2) đã hợp sức làm từ trước đó khoảng 30 năm. Cùng với "Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào Ðạo Thánh Ðức Chúa Trời" (3) đó là hai tác phẩm có lẽ duy nhất được viết bằng chữ Quốc ngữ trước khi Taberd biên tập và cho in "Từ điển Việt-Latin" (4) của giám mục Bá Đa Lộc vào năm 1838.

A.Rhodes và "Phép giảng tám ngày"

Tiểu sử

Alexandre de Rhodes sinh ở Avignon (lãnh địa của Giáo Hoàng ở Pháp) vào 15-3-1591 (hoặc 1593) trong một gia đình gốc Do Thái. Ông gia nhập dòng Tên tại Roma ngày 24-4-1612, thời kỳ Giáo Hội Công Giáo đang đẩy mạnh cuộc truyền giáo dù gặp sức kháng cự mạnh của các nước phương Đông. Ông đã xin và được Bề Trên chỉ định đi truyền giáo ngày 4-4-1619. Đầu tiên, ông cập bến Goa (cảng Bồ Ðào Nha ở Ấn Độ) để chờ đi Nhật, nhưng việc đuổi người Âu khỏi Nhật đã khiến ông phải đổi hướng đến Ma Cao (cảng thực dân Bồ Ðào Nha ở Trung Quốc) vào năm 1623.

Hơn một năm sau, Alexandre de Rhodes với bốn Cha đạo dòng Tên đã cập bến Phai pho (Hội An). Ông lấy tên Đắc Lộc và bắt đầu học tiếng Việt dưới sự chỉ đạo của Cha Francisco de Pina tại Cachão (Kẻ Chiêm), gần dinh trấn của Hoàng tử Nguyễn Phúc Kỳ. Hai năm sau, cùng với Cha bề trên là Pedro Marques người Bồ Ðào Nha, Alexandre de Rhodes được cử ra Ðàng Ngoài truyền giáo; ông ở lại đấy từ năm 1627 cho đến lúc bị Chúa Trịnh Tráng trục xuất vào năm 1630. Sau mười năm qua sống ở Ma Cao (1630- 1640), ông được gửi đến Ðàng Trong lần thứ 2 để điều hành vùng truyền giáo này; năm 1645, ông bị Chúa Nguyễn Phúc Lan vĩnh viễn trục xuất khỏi đây. Về Châu Âu, ông vận dụng mọi khả năng hiểu biết của mình để xin vua Pháp gửi "nhiều chiến sĩ" đi chinh phục Phương Đông nhưng không thành. Ông mất ngày 5-11-1660, mộ chôn tại nghĩa trang Ki-tô giáo ở ngoại ô thành phố Ispahan, Iran (Ba Tư).

Tự thuật

A. de Rhodes viết về việc học tiếng Việt với một cậu bé khoảng 10, 12 tuổi và Cha Pina, cũng như về cuộc truyền giáo của mình như sau (5):

... "Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, cậu bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ Châu Âu, thế mà, cũng trong 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc học viết tiếng La Tinh và đã có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước sự minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu. Sau đó, cậu trở thành thày giảng giúp việc các Cha truyền giáo và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng (Phúc Âm) nơi quê hương thân yêu của cậu và vương quốc Lào láng giềng.

... "Khi vừa đến Đàng Trong và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ra ngã lòng, vì nghĩ rằng, có lẽ không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế. Thêm vào đó, tôi thấy hai cha Emmanuel Fernandez và Buzomi khi giảng phải có người thông dịch lại. Chỉ có Cha Francois Pina là hiểu và nói được tiếng Việt, nên các bài giảng của Cha Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai Cha Fernandez và Buzomi. Do đó tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt. Mỗi ngày tôi chăm chỉ học tiếng Việt y như ngày xưa học môn thần học ở Roma. Và nhờ ơn Chúa giúp, chỉ trong vòng 4 tháng, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội và sau 6 tháng, có thể giảng được bằng tiếng Việt. Kết quả các bài giảng bằng tiếng Việt lợi ích nhiều hơn các bài giảng phải có người thông dịch lại"...

Tem Pháp kỷ niệm Alexandre de Rhodes..." Khi chúng tôi vừa đến kinh đô Đàng Ngoài, tức khắc nhà vua truyền lệnh cho tôi phải xây một nhà ở và một nhà thờ thật đẹp. Dân chúng tuôn đến nghe giảng đạo đông đến nỗi, tôi phải giảng 4 hoặc 6 lần trong một ngày. Chị vua và 17 người thân trong hoàng tộc xin lãnh nhận bí tích rửa tội. Nhiều tướng lĩnh và binh sĩ cũng xin theo đạo. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là thấy các vị sư đã mau mắn từ bỏ bụt để theo Công Giáo... Hiện tại có tất cả 100 thày giảng đang được thụ huấn trong chủng viện và được các tín hữu trang trải mọi phí tổn."

Ông viết về các đồng sự làm chữ Quốc ngữ với mình như sau (1):

“Quyển từ điển tam ngữ này, gồm tiếng An Nam, Bồ Ðào Nha và La tinh, tôi đặt nó vào trong tay và để trước mắt bạn được, là nhờ vào sự tài trợ của Thánh bộ Truyền bá Ðức tin... Tuy nhiên trong công việc nầy, ngoài những điều mà tôi học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm thời gian mà tôi lưu trú lại hai xứ Ðàng Trong và Ðàng Ngoài thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, thuộc Hội Dòng Giê-su rất nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng nầy, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ Ðào Nha, nhưng cả hai ông đều chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La-tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn kính...”

Theo tự thuật của A.Rhodes và những kết quả mới công bố (6), ông không phải là người đầu tiên làm chữ Quốc ngữ như đa số nhân dân vẫn lầm tưởng. Tuy nhiên công lao của ông rất lớn bởi vì kể từ khi ông cho in tại Roma 2 cuốn sách đầu tiên thì chữ quốc ngữ mới chính thức đi vào lịch sử thế giới.

Tượng A.Rhodes của Phạm Văn Hạng

Vinh danh

Trong Đại chiến thứ 2, Pétain hợp tác với Hitler và thực dân Pháp bắt tay phát xít Nhật ở Đông Dương, nhà bia tưởng niệm A.Rhodes được dựng tại vị trí cạnh đền Bà Kiệu sát Hồ Gươm và bộ tem tôn vinh những đóng góp của ông được in ra. Sau cuộc đảo chính của Nhật ngày 9-3-1945, bia này bị dân phá đổ và thất lạc. Bộ tem thì vẫn được chính quyền Việt Nam DCCH cho lưu hành, đến khi Pháp quay lại xâm lược mới thôi. Ngày 5-11-1961, chính quyền Sài Gòn cũng phát hành một bộ tem kỷ niệm quá trình phát triển chữ Quốc ngữ, nhưng trễ 1 năm so với 300 năm ngày mất của A.Rhodes.

Sau 30-4-1975, tên ông tiếp tục được giữ cho một trường trung học và một con đường ở TP Hồ Chí Minh. Ở TP Hà Nội tấm bia lạc năm 1945 được tìm thấy và đề nghị dựng lại tại Thư viện Quốc gia Hà Nội vào cuối thế kỷ 20. Tháng 6-2009, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng (TP.HCM) đã hoàn thành bức tượng A.Rhodes cao 3m bằng granit và nêu ý nguyện muốn hiến tặng nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Đông Tỉnh


1. A. Rhodes: "Dictionnarium annamiticum, lusitanum et latinum", Roma, S.C. de Propaganda Fide, 1651.

2. Hoàng Tuệ "Về việc sáng chế chữ quốc ngữ" trong "90 ans de recherches sur la culture et l’histoire du Viêt Nam", Hà Nội, EFEO, 1995, tr. 456-460; Nguyễn Ðình Ðầu "Alexandre de Rhodes và chữ Quốc ngữ" trong "Tuyển tập Thần Học", 8/1993, tr.47-84.

3. A. Rhodes: "Catechismus pro ijs, qui volunt suscipere Baptismum, in octo dies divisus", Roma, S.C. de Propaganda Fide, 1651.

4. I. L. Taberd: "Dictionarium anamitico-latinum" primitus inceptum ab P. J. Pigneaux, episcopo adranensi, vicario apostolico Cocincinae &c ; dein absolutum et editum a I. L. Taberd, episcopo isauropolitano, vicario apostolico Cocincinae. Ex Typis J. C. Marshman. Serampore (Ấn Ðộ), 1838.

5. Sébastien Mabre Cramoisy et Gabriel Cramoisy: "Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes de l’Orient", Paris, 1653.

6. Theo Jacques Rolland (Pionniers Portugais de la Linguistique Vietnamienne, Orchid Press, Bangkok 2002. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/specials/1232_jacques_roland) thì Francisco de Pina là người đầu tiên nghĩ ra chữ Quốc Ngữ từ mẫu tự Latinh, Gaspar de Amaral soạn Từ điển Việt–Bồ, Antonio Barbosa soạn Từ điển Bồ–Việt và Nhập môn Tiếng Ðàng Ngoài (Munuducio Ad Linguam Tunkinensem) là các linh mục Bồ Đào Nha đã sáng chế thứ chữ này với sự cộng tác đắc lực của các thầy trợ giảng người Việt.