Một chút về Lịch Ta và Lịch Tây

Hầu hết các lịch được tính theo ba chu kỳ của thiên nhiên: trái đất quay xung quanh trục Nam-Bắc xác định thời gian của một ngày; mặt trăng quay xung quanh trái đất xác định thời gian của một Tháng Ta; và trái đất quay xung quanh mặt trời xác định thời gian của một năm.

Lịch Tây mà chúng ta dùng ngày nay không dính dáng gì đến ngày sinh của Dê-su như những người Ki-tô Giáo thường tưởng. Có nhiều lý do: thứ nhất, không ai biết ngày sinh của Dê-su là ngày nào; thứ nhì lịch Tây ngày nay [chỉ bắt đầu được dùng ở Tây phương từ năm 1582, ở Trung Quốc năm 1912, ở Nga Sô-Viết năm 1918 (Cuộc cách mạng Sô-viết tháng 10, 1917, theo lịch Tây ngày nay thì thực sự xảy ra vào tháng 11)] dựa vào ngày sinh của Dê-su là sai vì không phù hợp với Kinh Thánh; và thứ ba, ba chu kỳ chuyển động thiên nhiên trên không dính dáng gì đến ngày sinh của Dê-su [khoan kể là Kinh Thánh của Ki Tô Giáo không biết là trái đất có hình cầu và chuyển động quay xung quanh mặt trời.].

Nói tóm lại, lịch được đặt ra chỉ là để đánh dấu ngày, tháng, năm, và Ki-tô Giáo đã lấy một ngày sinh sai lầm của Dê-su để làm một cái mốc thời gian cho lịch Tây ngày nay. Do đó, lịch Tây này chỉ là một lịch thuộc loại tùy tiện, độc đoán của Ki-tô Giáo. Cũng vì vậy mà ngày nay, tuy lịch Tây vẫn được dùng một cách phổ quát, hầu hết các học giả trên thế giới đã bỏ từ B.C. (Before Christ) và thay thế bằng B.C.E. (Before Common Era = Trước Công nguyên), và bỏ từ A.D. (Anno Domino = Year of Our Lord) và thay thế bằng C.E. (Common Era = Công nguyên) trong các tác phẩm lịch sử và các niên đại lịch sử. Trong bài này tôi sẽ dùng các ký hiệu TTL (Trước Tây Lịch) và TL (Tây Lịch) để chỉ các niên đại.

Có một điều lý thú về một ngày lễ trọng của Ki-tô Giáo. Đó là ngày lễ Phục Sinh (Easter). Tín đồ Ki-tô ăn mừng ngày lễ Phục Sinh, tưởng rằng ngày này được quy định theo lịch Tây. Nhưng không phải. Ngày lễ Phục sinh được quy định dựa theo cả hai lịch: Lịch Ta và Lịch Tây. Ngày lễ Phục Sinh được quy định vào ngày Chủ Nhật đầu tiên sau ngày rằm đầu tiên (theo Lịch Ta) sau ngày Xuân Phân. Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu chút ít về lịch sử Lịch Ta và Lịch Tây.

Ngay từ thế kỷ 14 TTL, thời nhà Thương, Trung Quốc đã quy định một năm Dương Lịch (lịch theo mặt trời) gồm có 365,25 ngày [13 thế kỷ sớm trước lịch của Julian. Lịch Julian bắt đầu trong thời đại của Hoàng đế La Mã Julius Caesar vào thế kỷ 1 TTL, cũng quy định một năm Dương lịch gồm 365,25 ngày], và một tuần trăng là 29,50 ngày. Con số đúng là 29,53059 ngày cho một tháng Ta. Do đó một năm theo lịch Ta, tính theo 12 tuần trăng, chỉ có 354 ngày, ít hơn một năm theo lịch Tây là 11 ngày. Vì thế, để cho phù hợp với con số 365 ngày, cứ 4 năm lại có một tháng nhuận 29 hoặc 30 ngày, và năm nhuận thường là có 383 hoặc 384 ngày. Người Trung Hoa thường coi lịch của mình là Lịch Âm-Dương vì phối hợp cả hai: Âm Lịch và Dương Lịch. Một sắc thái đặc biệt của Âm Lịch là tổ hợp 10 Can (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý) và 12 Chi (tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ , ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi) thành 60 đơn vị để đếm (gọi tên) ngày, và qua hơn 3000 năm hệ thống đếm này vẫn không thay đổi. Tổ hợp Can-Chi được dùng để đếm (gọi tên) năm có lẽ bắt đầu từ thời nhà Hán vào thế kỷ 2 TL, và tạo thành chu kỳ 60 năm cho các năm. Năm nay là năm Mậu Tý, sang năm sẽ là Kỷ Sửu. 60 năm sau lại trở lại Mậu Tý, rồi tiếp theo lại là Kỷ Sửu v..v... Các nhà nghiên cứu lịch còn cho thấy có bằng chứng chứng tỏ người Trung Hoa đã phát triển một hệ thống lịch có chu kỳ là 19 năm, gồm 12 năm có 12 tháng Ta, và 7 năm có 13 tháng, với tổng số là 235 tháng, giống y như hệ thống lịch phát triển bởi nhà thiên văn học Meton ở Athens, Ai Cập, vào khoảng năm 430 TTL, nghĩa là lịch Metonic ra sau lịch Tàu khoảng hơn một thế kỷ.

Lịch Tây mà chúng ta dùng ngày nay gồm 365 ngày một năm. Nhưng trái đất không quay xung quanh mặt trời đúng 365 ngày, mà cũng chẳng phải là 365,25 ngày như theo lịch đời nhà Thương (thế kỷ 14 TTL) hay sau đó theo lịch Julian thời Julius Caesar (thế kỷ 1 TTL), mà là “365 ngày, 5 giờ, 48 phút, và 45,96768... giây”.

Chuyển động quay của trái đất, như chúng ta đã biết, xác định thời gian của một ngày. Nhưng xếp những ngày thành từng tuần lễ 7 ngày thì không phải là do toán học (vì 365 ngày không chia đúng cho 52 tuần lễ, mỗi tuần 7 ngày, do đó mỗi năm dư ra một ngày, tính theo tuần lễ) hay do huyền thoại sáng tạo của Ki-tô Giáo: Thượng đế sáng tạo ra vũ trụ muôn loài trong 6 ngày rồi nghỉ ngày thứ bảy, do đó không làm gì có ngày gọi là ngày “Chúa Nhật”. Người Pháp gọi ngày đó là Dimanche, người Mỹ gọi là Sunday, có gì là dính Chúa vào đây, Pháp và Mỹ là những nước Ki Tô Giáo, chỉ có những kẻ không biết hoặc cố ý mới gọi ngày đó là ngày “Chúa Nhật”. Thật ra thì tuần lễ 7 ngày có nguồn gốc có thể dựa trên 4 kỳ của một tuần trăng, mỗi kỳ 7 ngày thành 28 ngày (gần đúng) cho một tháng, hoặc dựa trên con số thiêng liêng, số 7, của dân Babylone ngày xưa liên hệ đến 7 hành tinh như chúng ta thấy trong bảng tên sau đây:


Hành Tinh

Tên
La-Tinh

Tên
Pháp

Tên Anh

Tên
Saxon

Sun

Dies Solis

Dimanche

Sunday

Sun’s Day

Moon

Dies Lunae

Lundi

Monday

Moon’s Day

Mars

Dies
Martis

Mardi

Tuesday

Tiw’s Day

Mercury

Dies
Mercurii

Mercredi

Wednesday

Wooden’s
Day

Jupiter

Dies Jovis

Jeudi

Thursday

Thor’s Day

Venus

Dies
Veneris

Vendredi

Friday

Frigg’s
Day

Saturn

Dies
Saturni

Samedi

Saturday

Saterne’s
Day

Năm 45 TTL, Julius Caesar đổi mới lịch của La Mã và dùng lịch Julian, dựa trên một năm có 365,25 ngày (con số đúng ngày nay là 365,242199 ngày). Vì mỗi năm, theo lịch Julian, dư ra ¼ ngày nên cứ mỗi 4 năm lại có một năm 366 ngày. Nhưng so với con số đúng thì lịch Julian mỗi năm lại dư ra 11 phút 14 giây. Qua nhiều thế kỷ, những phút dư này tích tụ thành ngày, vào khoảng 7 ngày trong 1000 năm.

Dưới triều đại của Giáo Hoàng Gregory XIII vào thế kỷ 16, số ngày dư ra là 10 ngày. Điều này làm cho việc xác định những ngày Xuân Phân, Thu Phân, Hạ Chí, Đông Chí rất khó khăn. Năm 1578, Giáo Hoàng Gregory XIII bổ nhiệm một giáo sĩ dòng Tên rất giỏi về toán học, Christopher Clavius, để nghiên cứu một hệ thống lịch sao cho đúng với các sự kiện thiên văn xảy ra hàng năm. Lịch mới được công bố vào năm 1582. Trong lịch này, Clavius đã bỏ đi 10 ngày dư, từ 5 đến 14 tháng 10, nghĩa là trong năm 1582, ngày sau ngày 4 tháng 10 là ngày 15 tháng 10. Mặt khác Clavius dùng con số 365,2422 ngày trong một năm, nghĩa là dư vào khoảng 25,96 giây mỗi năm, tính ra thì cứ khoảng 2800 năm lại dư mất một ngày. Và đây chính là Dương Lịch mà chúng ta dùng ngày nay.

Trở lại 10 thế kỷ trước khi lịch Gregorian ra đời, trong thế kỷ 6, Giáo Hoàng John I truyền cho linh mục Dionysius Exiguus nghiên cứu một bảng niên đại của Ki-tô Giáo về lịch sử nhân loại, dựa theo ngày sinh của Dê-su [A Christian chronology of human history, based on the date Jesus comes]. Vào thời đó, Dionysius Exiguus, thường ghi các biến cố lịch sử theo ngày thành lập La Mã (AUC = Ab Urbe Condita). Ông ta ấn định ngày sinh của Giê-su là ngày 25 tháng 12, 753 AUC, và thời đại của Ki-tô (Christian Era) bắt đầu 1 tuần lễ sau đó, ngày 1 tháng 1, 754 AUC – ngày Giê-su làm lễ cắt bì, theo phong tục Do Thái, khi Giê-su sinh ra được 1 tuần lễ. Ngày 1 tháng 1 cũng là ngày mồng một đầu năm của lịch La Mã. Về sau, Ki-tô Giáo lấy ngày 1 tháng 1, 754 AUC làm ngày 1 tháng 1 năm 1 [không có năm 0]. Do đó không có một lý do nào để tính thiên niên kỷ theo ngày đó.

Nhưng vấn nạn chính là Dionysius Exiguus đã lấy sai ngày sinh của Dê-su [thật ra thì cho tới ngày nay, không ai biết ngày sinh của Dê-su là ngày nào]. Ông ta lấy ngày sinh của Dê-su vào 4 năm sau khi Herod chết. Tuy các học giả không có một tài liệu lịch sử nào về ngày sinh của Dê-su nhưng họ biết rõ năm Herod chết: năm 750 AUC hay năm 4 TTL. Kinh Thánh viết rằng Dê-su sinh ra trong triều đại của Herod, và vì sự sinh ra của Dê-su mà Herod ra lệnh giết tất cả những đứa trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi ở Jerusalem. Như vậy thì Dê-su không thể sinh ra trong năm 1 mà phải là năm 4 TTL hay trước nữa. Chính Giám Mục Ussher ở Ái Nhĩ Lan đã dùng năm –4 (4 TTL) làm năm sinh của Dê-su và kết quả cuộc tính toán vô tiền khoáng hậu có một không hai của ông ta là đặt ngày Thiên Chúa “sáng tạo” ra vũ trụ muôn loài vào chính ngọ ngày 23 tháng 10, năm –4004 (4004 TTL), và ngày tận thế của Ki-tô Giáo sẽ phải xảy ra đúng vào chính ngọ năm 1997, đúng 2000 năm sau ngày Dê-su sinh ra đời, và 6000 năm sau ngày sáng tạo.

Nói tóm lại, về bản chất, lịch Tây ngày nay chúng ta dùng chẳng có gì đặc biệt, chẳng qua chỉ là một hệ thống để ghi các niên đại dựa trên sự chuyển động chính xác của trái đất xung quanh mặt trời. Và lẽ dĩ nhiên, vì lịch này gần đúng nhất với những sự kiện thiên văn như những ngày Xuân Phân, Thu Phân, Hạ Chí và Đông Chí, nên thế giới dùng nó để ghi những mốc điểm có tính cách lịch sử, thuận tiện trong đời sống xã hội chung, tuyệt đối không có nghĩa là liên hệ đến ngày sinh của Dê-su như người ta thường tưởng và cũng chẳng phải là sản phẩm trí tuệ đặc biệt của Ki Tô Giáo.

GS Trần Chung Ngọc (Giao Điểm)