FREUD VẪN SỐNG CÙNG CHÚNG TA

Xem thêm: Sigmund Freud (1856-1939)

Năm 2006 cả thế giới long trọng kỷ niệm 150 năm sinh Sigmund Freud. Thủ đô Praha nước Cộng hoà Czech đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm, diễn đàn, hội thảo về Freud. Người ta trưng bày chiếc đi văng (ảnh bên) suốt 40 năm trời Freud từng cho các bệnh nhân tâm thần nằm, ông ngồi ở chỗ khuất và trò chuyện tâm sự.

Tạp chí Newsweek (Mỹ) ngày 27.3.2006 đăng ảnh ông trên trang bìa kèm câu hỏi: “Freud đã mất hay chưa ?” và câu trả lời: “Freud chưa mất.” Nói cách khác, các di sản to lớn Freud để lại đang sống cùng ta và vẫn dắt ta tiến lên.

Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, Freud là một trong ba bộ óc lớn nhất thế kỷ XIX và XX (đều là người Do Thái) – hai người kia là Karl Marx ông tổ của lý luận chủ nghĩa cộng sản và Albert Einstein cha đẻ thuyết Tương đối. Tư tưởng của họ đã làm thay đổi nhận thức của nhân loại về định hướng phát triển xã hội, về không-thời gian và thế giới nội tâm con người. Einstein ca ngợi Freud là “bậc thầy vĩ đại”. D. Samin, tác giả cuốn “Các nhà khoa học nổi tiếng loài người” viết: “Freud là một trong các nhà bác học vĩ đại đặc biệt quan trọng và có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử khoa học tâm thần và trong lịch sử văn minh phương Tây”. Nhà tâm lý học Mỹ G. Boving viết: qua Freud, “ta thấy một con người có phẩm chất vĩ đại, là người khai phá trên lĩnh vực tư tưởng”.

Học thuyết Freud khi mới ra đời bị nhiều người chỉ trích nhưng về sau đã có ảnh hưởng rất lớn, có thể so sánh với Thuyết Tiến hoá của Darwin. Nhiều người trước đây chưa đánh giá đúng Freud, nay đang sửa lại các quan điểm đó.

Freud sinh ngày 6 tháng 5 năm 1856 tại thị trấn Freiberg vùng Morava thuộc đế quốc Áo-Hung (nay là Pribor thuộc Cộng hoà Czech), không xa nơi thầy tu Mendel đang miệt mài và lặng lẽ tiến hành những thí nghiệm di truyền học chấn động thế giới sau này.

Nhưng Freud học tập và sống hầu hết đời mình tại Vienna, kinh đô văn hoá châu Âu hồi ấy. Khi là sinh viên Học viện Y trường Đại học Tổng hợp Vienna, Freud đã hoàn tất mấy công trình nghiên cứu khoa học, rồi làm nhân viên thực tập chuyên ngành thần kinh ở Phòng Thí nghiệm Brucke và được Josef Breuer, một nhà sinh lý học lớn tuổi giúp đỡ. Họ thường thảo luận về một nữ bệnh nhân trẻ người Đức mắc chứng cuồng loạn (hysteria), đôi lúc không nói được tiếng Đức nhưng lại nói được tiếng Pháp và Anh, không uống được nước tuy khát v.v.. Khi bị Breuer thôi miên thì cô sẽ kể lại những chuyện cô không nhớ được khi tỉnh táo, rồi sau đó các triệu chứng giảm nhẹ – đó là liệu pháp “chữa bệnh bằng kể chuyện”. Freud rất quan tâm liệu pháp này và về sau phát triển thành lý luận của mình.

Năm 1881, Freud tốt nghiệp bác sĩ y khoa. Sau đó ít lâu Freud nhận được một học bổng sang Paris thực tập dưới sự hướng dẫn của Jean-Martin Charcot, nhà thần kinh học nổi tiếng về hysteria và thôi miên. Freud quan tâm môn phân tích tâm thần và hysteria. Freud và Charcot dùng thuật thôi miên để điều trị một nữ bệnh nhân có các triệu chứng như ho thần kinh, mất xúc giác, tê liệt. Hai bác sĩ thấy không có nguyên nhân hữu cơ nào gây ra hysteria, nhưng việc lắng nghe bệnh nhân kể chuyện đã có tác dụng làm giảm các triệu chứng bệnh. Trên cơ sở đó, hai người đã viết cuốn Nghiên cứu về hysteria.

Năm 1886, Freud mở phòng khám tư ở Vienna. Rồi ông lập gia đình với Martha Bernays. Trong khi điều trị các bệnh nhân hysteria và rối loạn thần kinh, Freud dần dần bỏ cách thôi miên. Ông thấy có thể làm cho bệnh nhân nói chuyện bằng cách để họ nằm thư giãn trên đi văng và khuyến khích họ nói bất cứ điều gì họ nghĩ đến. Ông phân tích những việc họ nhớ được hoặc từng trải qua, và xác định sự việc gây khủng hoảng tinh thần nào trong quá khứ của họ đã gây ra chứng bệnh hiện họ mắc phải. Dựa kết quả nghiên cứu, năm 1900, Freud xuất bản cuốn Lý giải giấc mơ, giới thiệu khái niệm tư duy vô thức, một tác phẩm quan trọng. Năm sau, ông viết cuốn Tâm thần bệnh lý học của đời sống hàng ngày, đưa ra quan điểm: tính hay quên hoặc nói nhịu (nay gọi là bệnh nói nhịu Freud) không phải đều là ngẫu nhiên mà là sự “vô thức động” bộc lộ một điều gì có ý nghĩa. Ông kết luận: ham muốn tình dục là nhân tố mạnh nhất làm nên đặc điểm tâm lý của mỗi người, và bản năng tình dục có trong cả trẻ con (Thuyết hành vi tình dục của trẻ con). Năm 1905, Freud làm dư luận bị sốc khi ông công bố các ý tưởng đó trong cuốn Ba bài viết về thuyết tình dục. Lý thuyết nổi tiếng nhất của ông là Oedipus complex – phức cảm tình dục không bình thường của bé trai đối với mẹ (sự hấp dẫn giới tính của mẹ khiến con trai yêu mẹ ghét bố), con gái yêu bố ghét mẹ. Cái tên này lấy từ điển tích thần thoại Hy Lạp: Oedipus (người giải được câu đố của con nhân sư) vô tình giết cha rồi lấy mẹ làm vợ.

Trên cơ sở đó, Freud đưa ra thuyết Phân tâm học – chiếc chìa khoá giúp loài người mở cánh cửa tâm hồn mình, nhận thức một cách khoa học cái tự ngã (ego), bản ngã (id) và siêu ngã (super ego) trong chốn sâu kín nhất của nội tâm. Đây là một hệ thống tâm lý học và liệu pháp tâm lý, về sau được Adler và Jung gọi bằng thuật ngữ chính xác hơn, là tâm lý học phân tích và tâm lý học cá thể. Freud thấy là không tìm ra được nguyên nhân vật chất của bệnh loạn thần kinh mà chỉ biết đó là do các rối loạn cảm xúc gây ra, vì thế ông phát triển quan điểm vô thức (sau gọi là bản ngã - id) và cho rằng nỗi lo âu là sự ức chế bản năng tình dục. Ông giải thích nhân cách, động cơ hành động và sự rối loạn tâm thần theo cách tìm hiểu quá khứ bệnh nhân đã trải qua, các xung đột nội tâm, các biện pháp bệnh nhân đã dùng để giải quyết nhu cầu tình dục và chống đỡ với các sức ép trong đời sống riêng. Freud chia nhân cách làm 3 nhân tố: bản ngã, tự ngã và siêu ngã; chia ý thức làm 3 mức độ: vô ý thức (hoặc vô thức), ý thức và tiềm ý thức, cho rằng hành vi của con người là do các nhân tố vô thức điều khiển; nhân cách quyết định ngay từ thủa nhỏ; giải trừ ức chế tình dục là mấu chốt của việc giải quyết các vấn đề tâm lý.

Năm 1902, Freud trở thành giáo sư trường ĐH tổng hợp Vienna. Năm 1909, Freud báo cáo khoa học tại Mỹ. Năm 1910, nhóm Freud thành lập Hội Phân tích tâm lý học quốc tế, bầu Carl Gustav Jung làm chủ tịch. Nhưng về sau hai học trò ông là Alfred Adler và Jung đều mâu thuẫn quan điểm với Freud.

Năm 1930, Freud được tặng giải thưởng Goethe. Năm 1935, Hội Y học Hoàng gia Anh bầu Freud làm Hội viên Danh dự.

Khi Hitler lên làm Thủ tướng nước Đức (1933), hắn ra lệnh đốt các sách của Freud. Năm 1938, Đức chiếm Áo. Chúng khám nhà Freud và trụ sở Hội Phân tâm học và bắt con gái ông – Anna Freud, cũng là một nhà phân tâm học. Lo ngại bọn Quốc xã tiêu diệt người Do Thái, mọi người khuyên ông ra nước ngoài, nhưng chỉ đến khi một bệnh nhân cũ là công chúa Marie Bonaparte, cháu hoàng đế Napoleon Bonaparte đệ nhất, vợ của hoàng tử Hy Lạp gặp và khuyên, ông mới đồng ý. Nhờ danh vọng của Freud và sự can thiệp của các chính khách như Roosevelt, Mussolini, cuối cùng Chính phủ Đức đồng ý cho Freud xuất cảnh, nhưng đòi tiền chuộc là 2 toà cung điện của Marie Bonaparte. Công chúa đồng ý ngay.

Tháng 6 năm 1938, Freud cùng gia đình sang Paris, sau đó sang London định cư. Nhiều nhân vật nổi tiếng đến chào ông. Quốc vương Anh thân chinh tới thăm Freud. Hội Khoa học Hoàng gia Anh mang mấy cuốn sách quý đến mời ông ký tên làm kỷ niệm. Khi mở sách, ông vô cùng cảm động thấy trong đó mới chỉ có chữ ký của Newton và Darwin vĩ đại.

Sigmun Freud qua đời ngày 23 tháng 9 năm 1939 tại London, sau 16 năm mắc bệnh ung thư quai hàm.

Nguyễn Hải Hoành