Môn phái Thăng Long Võ Đạo

Ảnh: võ sư Nguyễn Văn Thắng, chưởng môn

Trong lịch sử võ Việt Nam, các vùng được coi là cái nôi của võ thuật đất Bắc là Thăng Long, Hà Bắc, Sơn Tây... Những vùng đất này đã nảy sinh nhiều anh hùng hào kiệt, Trạng nguyên, Bảng nhãn, Cử nhân võ thuật. Nhiều huyền thoại trong làng võ cũng được lưu truyền từ đây. Thăng Long võ đạo là một môn phái võ mang trong mình huyền thoại đẹp, lấp lánh tinh thần yêu nước và thượng võ.

Chuyện lưu danh làng võ

Hà thành thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết. Một tùy tướng của Hoàng Diệu là cụ Cử Tốn - cử nhân võ triều Nguyễn - lui về ở ẩn, mở lò dạy võ ở khu vực phố Trần Quý Cáp bây giờ. Trong lòng viên tuỳ tướng của vị Tổng đốc bất khuất vẫn đau đáu một tâm nguyện khi Tổ quốc cần sẽ lại cùng môn sinh phò vua giúp nước. Giặc Pháp coi cụ như cái gai trước mắt. Chúng hãm hại làm cụ mù hai mắt. Song, những bí kíp võ công của cụ đã được lớp truyền nhân tinh hoa như Mùi Đen, Tư Côi, Lý Đen... lĩnh hội.

Để triệt hạ lò võ giàu tinh thần yêu nước này, giặc sắp sẵn mưu gian lập đả lôi đài treo thưởng cho võ sư ba xứ Bắc - Trung - Nam và toàn cõi Đông Dương đánh thắng thầy trò Cử Tốn sẽ được thưởng Bắc Đẩu bội tinh. Biết được âm mưu thâm độc muốn gây cảnh nồi da nấu thịt trong làng võ và để cho một số võ sư và dân chúng quên đi kẻ thù chính là giặc Pháp nhưng thầy trò cụ Cử Tốn cũng rất khó xử: không tham chiến thì quần hùng chê cười, không bảo vệ được danh dự môn phái mà thượng đài thì không tránh khỏi cảnh đầu rơi máu chảy, ân oán giang hồ. Cụ Cử cùng các môn sinh suy nghĩ lung tâm, càng đến gần ngày hạn định lòng họ càng như lửa đốt. Cuối cùng, vỏ quýt dày đã gặp móng tay nhọn...

Hồi đó Bách thú Hà Nội có con hổ cụt đuôi khét tiếng hung dữ. Hôm thi đấu, trước sự chứng kiến của các quan chức thực dân và Nam triều một đệ tử chân truyền của cụ Cử Tốn đã vào chuồng cọp đực diễn lại tích Võ Tòng đả hổ. Mùi Đen tay không vào chuồng cọp đực, sau một hồi ác chiến đã đánh gục cọp đực, tóm gáy, bẻ chân đưa sang chuồng cọp cái và ngược lại. Những kẻ tưởng mình có mưu sâu kế hiểm đành bất lực, quần hùng ba xứ và Đông Dương thêm kính trọng cái nhân, cái trí, cái dũng của thầy trò cụ Cử Tốn.

Hậu duệ tài năng

Chưởng môn đời thứ nhất Nguyễn Văn Nhân (bên phải)

Người có cơ duyên với nghiệp võ ngay từ thời niên thiếu là võ sư Chưởng môn Nguyễn Văn Nhân. Ông thụ giáo môn Thiếu lâm gia truyền từ người ông nội là quan Thống binh của triều đình và võ cổ truyền từ ông ngoại - cụ Cử Tốn. Trước cách mạng tháng Tám ông là một thầy võ nổi tiếng vùng Lương Yên (Hà Nội). Năm 1944, ông tham gia cách mạng, gia nhập Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu. Tháng 8/1945, ông vào bộ đội phụ trách đại đội quân báo của Trung đoàn E41 ở Liên khu 3. Khi Hồ Chí Minh phát động Tuần lễ vàng, anh bộ đội 25 tuổi này đã biểu diễn những công năng đặc dị để quyên tiền giúp đồng bào. Trong hai cuộc kháng chiến, võ sư Văn Nhân làm công tác huấn luyện cho các đơn vị đặc biệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ. Ông cũng có vinh dự được làm công tác bảo vệ một số vị lãnh tụ của nhà nước.

Nước nhà thống nhất, do yêu cầu chung và phong trào phát triển của võ học nước nhà, lão võ sư đã tinh lọc và đúc kết nên một phương pháp rèn luyện võ thuật phù hợp với tính cách và thể tạng người Việt. Phương pháp đó dựa trên vốn liếng căn bản là tinh hoa võ thuật của dòng tộc cùng kinh nghiệm hàng chục năm ròng chiến đấu và huấn luyện võ thuật trong quân đội cũng như tiếp cận võ thuật hiện đại. Ông đã lấy tên Hà Nội cổ xưa để đặt tên cho môn phái của mình, đó là Thăng Long võ đạo.

Thăng Long võ đạo lấy Nhu - Hoà - Nhân - Trí làm gốc, suy tôn vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn làm Thánh tổ và lấy ngày 20/8 (âm lịch) làm ngày giỗ Tổ. Các bài bản được hệ thống hoá trên cơ sở khoa học có tính đến những kiến thức y, lý. Thăng Long võ đạo lấy Thiên Long bát bộ làm bộ pháp, Yêu tự xà hành làm thân pháp, Thôi sơn quyền làm thủ pháp, thuật cường thân được áp dụng để luyện nội lực. Trong thập bát ban binh khí, kiếm pháp của Thăng Long võ đạo là lợi hại nhất, thật không hổ danh là "Thăng Long đệ nhất kiếm pháp". Ngoài quyền cước, môn sinh của Thăng Long võ đạo còn được truyền dạy và luyện tập tinh thông thập bát ban võ nghệ và các loại binh khí đặc dị của môn phái.

Bên cạnh những bài quyền mang tính đối kháng cao, trong chương trình huấn luyện của Thăng Long võ đạo còn có những bài quyền dưỡng sinh chữa bệnh và các phương pháp khí công nhập định nhằm tu dưỡng nhân cách.

Với chương trình huấn luyện có hệ thống, có mục tiêu rõ ràng, Thăng Long võ đạo đã nhanh chóng phát triển rộng rãi trên địa bàn cả nước cũng như ở nước ngoài. Dưới sự dạy dỗ của vị cố vấn Liên đoàn võ thuật cổ truyền Hà Nội, đồng thời là chưởng môn, cố vấn của các võ đường Thăng Long võ đạo Nguyễn Văn Nhân, các đệ tử của ông như: bác sĩ - võ sư Nguyễn Văn Thắng (con trai), các võ sư Bùi Hoàng Lân, Anh Tuấn... đã làm rạng danh môn phái bằng nhiều tấm huy chương cao quý gặt hái được từ các kỳ đại hội, hội diễn và thi đấu võ thuật cổ truyền tại thủ đô và toàn quốc. Họ cũng chính là những người đang tích cực truyền bá Thăng Long võ đạo đến với lớp thanh thiếu niên và những người hâm mộ võ thuật.

Xem thêm: http://thanglongvodao.com