Ban Ki-Moon, vị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc “trong nhu có cương”

Ngày mồng một tháng Giêng năm 2007, ông Ban Ki-Moon chính thức nhậm chức Tổng Thư ký (TTK) Liên Hợp Quốc (LHQ). Đây là vị TTK thứ 8 của tổ chức chính trị quốc tế lớn nhất thế giới này.

Việc bổ nhiệm đó đã được phiên họp Đại hội đồng LHQ ngày 13 tháng 10 năm 2006 nhất trí thông qua. Như vậy, Ban Ki-Moon là người châu Á thứ hai sau ông U Thant (người Myanmar, TTK nhiệm kỳ 1961-1971) được cử giữ chức vụ cao quý này, mang lại niềm phấn khởi và tự hào cho người châu Á và nhất là người Hàn Quốc.

Từ ngày LHQ thành lập (6/1945) tới nay, tổng cộng đã có 8 người được bầu vào chức vụ TTK, trong đó có 3 người châu Âu, 1 Mỹ La-tinh, 2 châu Phi. Lần lượt đó là: TTK thứ nhất – ông Trygve Lie (người Na Uy, nhiệm kỳ 1945-1952); thứ 2 – ông Dag Hammarskjold (người Thụy Điển, 1953-1960); thứ 4 – ông Kurt Waldheim (người Áo, 1972-1981); thứ 5 – ông Javier Perez de Cuellar (người Peru, 1982-1991); thứ 6 – ông Boutros Boutros-Ghali (người Ai Cập, 1992-1996); thứ 7 – ông Kofi Annan (người Ghana, 1997-2006). Theo một luật bất thành văn, TTK thứ 8 sẽ phải là người châu Á.

TTKLHQ là một cương vị công tác vất vả, phức tạp, chịu lắm sức ép: lương chỉ có 227 nghìn USD/năm (so sánh: lương Tổng thống Mỹ 400 nghìn USD) mà phải điều hành bộ máy khổng lồ của LHQ gồm 192 quốc gia và 9000 nhân viên, 100 nghìn binh sĩ bộ đội bảo vệ hòa bình; phải quản lý thu chi của một ngân sách hàng năm tới 6-7 tỷ USD, chưa kể kinh phí hàng chục tỷ USD viện trợ chính thức (ODA), và điều phối rất nhiều dự án đồng thời triển khai trên khắp thế giới. TTKLHQ hầu như suốt năm chẳng được ngồi yên một chỗ, mà thường xuyên phải làm việc trên máy bay. LHQ có 6 cơ quan chính là Đại Hội đồng, Hội đồng Bảo an, Ban Thư ký, Hội đồng kinh tế và xã hội, Hội đồng Ủy trị và Tòa án quốc tế; ngoài ra còn 15 cơ quan chuyên ngành, như các Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) v.v… Riêng Ban Thư ký LHQ có tới 8900 nhân viên, chuyên xử lý các công việc hàng ngày. Tính chất đa sắc tộc, đa dạng, địa bàn công tác trải quá rộng của tổ chức quốc tế sống bằng ngân quỹ “bao cấp” này khiến cho việc điều hành LHQ rất phức tạp, dễ nảy sinh tiêu cực, lười nhác, tham nhũng, kém nhất trí. Điển hình là tham nhũng trong vụ “đổi dầu lấy lương thực” của Iraq, có sự can dự của con trai TTK Kofi Annan. Có lần LHQ thiếu kinh phí chỉ vì Mỹ chây ỳ không chịu đóng góp, đến mức tỷ phú Mỹ Ted Turner phải góp 1 tỷ USD cho LHQ.

Việc bầu TTK LHQ được các nước hết sức quan tâm. Hiến chương LHQ quy định: trước hết Hội đồng Bảo an (HĐBA) phải đưa ra danh sách các ứng cử viên vào chức vụ này, tiến hành bỏ phiếu chọn ra một ứng cử viên; cuối cùng đưa ra bỏ phiếu tại đại hội đồng LHQ. Người đạt tiêu chuẩn ứng cử viên chính thức phải nhận được ít nhất 9 phiếu ủng hộ của HĐBA, và không được có phiếu phản đối của thành viên thường trực HĐBA. Phiếu của thành viên thường trực HĐBA có mầu đỏ, chỉ cần có một phiếu mầu đỏ phản đối là ứng cử viên đó sẽ mất hết hy vọng trúng cử. HĐBA hiện gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc; đạt được sự đồng thuận của cả 5 thành viên này không phải chuyện dễ.
Trong cuộc bỏ phiếu thăm dò lần đầu hồi tháng 7/2006, tổng cộng có 5 ứng cử viên vào chức vụ này, tất cả đều là người châu Á. Ngoài Ban Ki-Moon (lúc đó là bộ trưởng ngoại giao và ngoại thương Hàn quốc) ra còn có 4 vị nữa: - ông Sukariart Sathirachai 47 tuổi, phó Thủ tướng Thái Lan; - ông Jayantha Dhanapala 67 tuổi, cựu phó TTK LHQ và cố vấn cao cấp của Tổng thống Sri Lan-ka; - ông Shashi Tharoor, người Ấn Độ, nguyên phó TTK LHQ; - hoàng thân Zeil al-Hussein, đại sứ Jordan tại LHQ. Trong hai vòng bầu thăm dò, ông Ban Ki-Moon đều được số phiếu ủng hộ cao hơn hẳn các ứng viên khác: 12 và 14 phiếu.

Trước vòng bỏ phiếu lần ba ngày 28/ 9, bỗng dưng xuất hiện hai ứng viên mới ra tranh cử chức TTK LHQ: ông Ghani, cựu bộ trưởng tài chính Afghanistan và bà Freiberga Tổng thống (TT) Latvia. Là phụ nữ đầu tiên ứng cử chức TTKLHQ và là ứng viên duy nhất không phải người châu Á, bà Freiberga vừa mới tham gia tranh cử đã nhận được số phiếu bầu nhiều thứ ba, rất có khả năng trúng cử.

Trong vòng bỏ phiếu quyết định (ngày 2/10), Ban Ki-Moon nhận được 14 phiếu ủng hộ, 1 phiếu trắng, không có phiếu phản đối – đây là thành tích tốt nhất, do đó ông trở thành ứng cử viên duy nhất được HĐBA đưa ra Đại hội đồng LHQ ngày 13/10 bỏ phiếu. Kết quả Ban Ki-Moon được bầu làm TTK thứ 8 của LHQ.

Ban Ki-Moon sinh năm 1944. Từ nhỏ ông đã có tiếng là “thần đồng tiếng Anh”. Trong đợt thi tiếng Anh do Hội Chữ Thập Đỏ Mỹ tổ chức năm 1962, Ban Ki-Moon 18 tuổi đoạt giải nhất, được đi thăm nước Mỹ và được TT Kennedy tiếp khi cả đoàn đến thăm Nhà Trắng. Cuộc gặp này để lại ấn tượng sâu sắc cho chàng trai châu Á; Ban Ki-Moon bắt đầu ước mơ trở thành một cán bộ ngoại giao.

Quả vậy, cuộc đời ông sau đó đều gắn liền với nghề ngoại giao. Năm 1970, Ban Ki-Moon tốt nghiệp khoa quan hệ quốc tế trường đại học Seoul. Ông cũng có bằng tốt nghiệp khoa Hành chính công trường ĐH Harvard. Ban Ki-Moon từng làm việc trong sứ quán Hàn Quốc tại Ấn Độ, Austria, làm cố vấn chính sách ngoại giao cho TT Hàn Quốc, đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ. Từ đầu năm 2000, ông làm Thứ trưởng bộ Ngoại giao-Ngoại thương Hàn Quốc và từ 1/2004 làm Bộ trưởng. Dù là dưới trướng TT Kim Yong-san bảo thủ hoặc TT Roh Moo-hyun cấp tiến, tài ngoại giao thương thuyết xuất sắc của Ban Ki-Moon đều được trọng dụng, tuy hai vị TT này rất khác nhau; điều đó cho thấy Ban Ki-Moon có năng lực cao siêu về mặt chung sống hòa hợp với mọi người. Dư luận nhận xét ông là nhà ngoại giao bẩm sinh, tính tình hòa nhã điềm đạm, có khả năng tránh va chạm nhưng vẫn kiên quyết thi hành đúng nguyên tắc của mình.

Ban Ki-Moon giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Đầu năm 1993, Triều Tiên tuyên bố rút ra khỏi “Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân”, mở màn cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên lần thứ nhất. Hồi ấy Ban Ki-Moon đang làm việc trong đại sứ quán Hàn Quốc tại Mỹ, ông phụ trách mọi công việc hành chính liên hệ giữa Hàn Quốc với Mỹ. Sau khi trở thành bộ trưởng ngoại giao, Ban Ki-Moon lại càng có vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Trong thời gian tranh cử chức TTKLHQ hồi tháng 5/2006, Ban Ki-Moon đọc bài diễn thuyết với đầu đề “Phục hồi sức sống của LHQ”, nói lên ý kiến của mình về vấn đề cải tổ LHQ. Ông cho rằng các nước thành viên đang có bất đồng chính trị rõ ràng trên vấn đề đẩy mạnh cải tổ LHQ. Ông mong muốn có thể đóng vai trò “người điều hòa” giữa các thành viên đó, dùng kinh nghiệm chính trị của mình để hàn gắn các điểm bất đồng. Ông cũng bày tỏ ý định phát huy tác dụng tích cực giải quyết sớm nhất vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Ban Ki-Moon nói: trong 60 năm qua tuy LHQ đã phát huy tác dụng quan trọng trên các mặt bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới, xúc tiến phát triển kinh tế và xã hội, bảo đảm nhân quyền, nhưng do hiệu suất hoạt động còn thấp và các hoạt động chưa công khai minh bạch cho nên LHQ đã bị nhiều người phê bình. Vấn đề hiện nay là phải cải tổ cơ cấu LHQ, xóa bỏ tình trạng mất tín nhiệm đối với LHQ.

Các nước phát triển và đang phát triển đều ủng hộ Ban Ki-Moon làm TTK LHQ. Việc bầu ông vào chức vụ cao quý này là sự biểu dương tiến trình phát triển chính trị-kinh tế xuất sắc của Hàn Quốc trong 10 năm gần đây, cũng là sự thừa nhận phong cách ngoại giao “trong nhu có cương” của cá nhân Ban Ki-Moon.

Sau khi Ban Ki-Moon được bầu làm TTK LHQ, tất cả các nước đều gửi điện chúc mừng ông. Dân chúng Hàn Quốc phấn khởi đón chào việc một người đồng hương của họ được giữ chức vụ cao nhất tại LHQ; họ gắn liền sự kiện đó với lợi ích quốc gia của mình và với nguyện vọng sẽ phát huy tác dụng to lớn hơn nữa của Hàn Quốc trên sân khấu ngoại giao quốc tế. Thông tấn xã Hàn Quốc phát đi bài xã luận nói: “Có thể coi việc ông Ban Ki-Moon được bầu làm TTKLHQ là một việc lớn đáng được chúc mừng nhất của dân tộc ta kể từ ngày lập quốc. Điều đó chẳng những có nghĩa là Hàn Quốc sẽ có quyền phát ngôn cao hơn trong cộng đồng quốc tế, địa vị của nước ta được nâng cao một bước, và hơn nữa, nước ta càng có thể tích cực ứng phó với các vấn đề ngoại giao quốc tế; ích lợi thực tế của việc này là không thể coi nhẹ.” … “Việc Ban Ki-Moon được bầu làm TTKLHQ có thể nâng cao tín nhiệm của Hàn Quốc, các doanh nghiệp nước ta sẽ được hưởng lợi nhiều; số người Hàn Quốc làm việc trong LHQ và các cơ quan phụ thuộc LHQ có thể sẽ tăng mạnh.” … “Sự nhậm chức của vị TTK LHQ người Hàn Quốc là một sự kiện trọng đại trong chương mới của lịch sử ngoại giao Hàn Quốc.”

Nguyên Hải tổng hợp theo báo, mạng nước ngoài.