Giải thưởng Kruge về khoa học xã hội và nhân văn

Cho tới nay, giải John W. Kluge là giải thưởng quốc tế lớn nhất trong lĩnh vực khoa học nhân văn-xã hội; giới báo chí thường gọi là giải Nobel khoa học nhân văn-xã hội.

Mọi người đều biết, giải thưởng quốc tế danh giá nhất là giải Nobel khoa học chỉ tặng cho các nhà khoa học tự nhiên. Sau đó người ta đã bổ sung thêm giải Nobel Hòa bình rồi giải Nobel Kinh tế, nhưng khoa học nhân văn vẫn chưa có phần, mặc dù đây là một ngành tri thức quan trọng. Để bù đắp thiệt thòi này, năm 2003 Thư viện Quốc hội Mỹ đã lập “Giải thưởng thành tựu suốt đời về khoa học nhân văn và xã hội John W. Kruge” (John W. Kluge Prize for Lifetime Achievement in the Humanities and Social Sciences) để tặng cho các nhà khoa học hoạt động trên lĩnh vực triết học, sử học, tôn giáo học, ngôn ngữ học, nhân loại học, phê bình văn học…

Kluge là tên của nhà tài trợ John W. Kluge, một người Mỹ kinh doanh ngành truyền hình: năm 2000 ông tặng 73 triệu đô-la cho Thư viện Quốc hội Mỹ để lập giải thưởng này.

Để tìm ra người được tặng giải Kluge, hàng năm Thư viện Quốc hội Mỹ mời hơn 2000 nhân vật tên tuổi trên toàn thế giới tham gia bình xét và chọn ra mỗi năm 9 ứng viên; từ danh sách đó, Giám đốc Thư viện Quốc hội Mỹ lựa lấy một hoặc vài người để trao một giải thưởng Kluge trị giá một triệu đô-la Mỹ.

Trao giải Kruge năm 2006

Giải Kluge năm 2003 được trao cho nhà triết học Ba Lan Leszek Kolakowski; năm 2004 – sử gia Jaroslav Pelikan tại Đại học Yale và triết gia Pháp Paul Ricoeur ; năm 2005 không chọn được ai; năm 2006 – hai nhà sử học Dư Anh Thời (Yu Ying-shi; s. 1930), người Trung Quốc (TQ) Đài Loan, giáo sư của ba trường ĐH Harvard, Yale, Princeton; và John Hope Franklin, người Mỹ gốc Phi 91 tuổi, giáo sư ĐH Duke, cựu Hội trưởng Hội Sử học Mỹ.

Dư Anh Thời được báo giới TQ lục địa ca ngợi là “nhà sử học TQ vĩ đại nhất đương thời”, tác giả của hơn 30 đầu sách bao quát lịch sử TQ hơn 2000 năm. Xin kể vài tác phẩm tiêu biểu của ông: “Xem xét ý nghĩa hiện đại của văn hóa TQ từ hệ thống giá trị”, “Sử học và truyền thống”, “Giải thích hiện đại về truyền thống tư tưởng TQ”, “Hồ Thích trong lịch sử tư tưởng cận đại TQ” …

Cho tới nay, giải John W. Kluge là giải thưởng quốc tế lớn nhất trong lĩnh vực khoa học nhân văn-xã hội; giới báo chí thường gọi là giải Nobel khoa học nhân văn-xã hội.

Nguyên Hải (theo báo nước ngoài)