0222 But Thap pagoda
Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh)
寧 福 寺
Kinh BắcChùa Bút Tháp hay Nhạn Tháp có từ thế kỷ XIII. Tên chữ: Ninh Phúc Tự 寧 福 寺. Vị trí: 326C+8V, thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Xếp hạng: di tích quốc gia đặc biệt (2013). Cách BĐX Bờ Hồ: 27km (hướng 2h). Trạm bus lân cận: KDL Hapro trên QL17 (xe 52a)
Du khách có thể từ Công viên Thống Nhất lên xe bus số 52a rồi xuống bến cuối (KDL Hapro) trên QL17 và đi tiếp 6km bằng taxi hoặc xe ôm đến chùa Bút Tháp. Nếu có thời gian thì nên đi thuyền để thăm một loạt di tích ven sông Đuống.
Lược sử
Chùa Bút Tháp tên chữ Ninh Phúc Tự 寧 福 寺, xưa còn gọi là chùa Nhạn Tháp theo địa danh của thôn cũ có tên Nôm là làng Thấp. Tên khác có ghi trong tư liệu là Thiếu Lâm Tự và Hoàng Cung Tự. Theo L.Bezacier trong tác phẩm L’art vietnamien xuất bản năm 1944, chùa được lập từ đời vua Trần Thánh Tông (trị vì 1258-1278). Vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm Yên Tử là thiền sư Huyền Quang 玄 光 (1254-1334, tên thật Lý Đạo Tái 李 道 載 đỗ Trạng nguyên năm 1297) từng trụ trì ở đây và cho dựng một tháp đá 9 tầng có trang trí hình hoa sen, tiếc rằng nay không còn nữa.
- Gác chuông chùa Bút Tháp. Photo NCCong ©2017
Đến thế kỷ XVII, chùa Phật Tích ở huyện Tiên Du bên kia sông Đuống được Vương phủ nội Cung tần Đệ nhất Chiêu nghi Trần Thị Ngọc Am hưng công trùng tu, có giảng đường lớn chứa cả trăm người. Ưu-bà-di Trần Thị Ngọc Am về sau được gia phong là Thánh quang Bồ tát (Pháp Giới), dân gian gọi là bà chúa Mụa.
Năm 1633 hòa thượng Chuyết Chuyết từ Quảng Nam ra Đàng Ngoài truyền bá Lâm Tế tông rồi trụ trì chùa Bút Tháp. Sau khi viên tịch, ngài được vua Lê Chân Tông phong là "Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư" và thờ nhục thân trong tháp Báo Nghiêm. Hòa thượng Chuyết Chuyết (1590-1644) họ Lý, từng cử đệ tử trở về Trung Hoa để thỉnh kinh và đặt tại chùa Phật Tích; một số kinh đã được in ấn, ván khắc cũng tàng trữ tại chùa đó. Ngài còn phổ biến một nghi thức cúng cô hồn dưới nước và trên cạn, gọi là “Thủy lục chư khoa”. Ngài và các đệ tử đã tổ chức một trai đàn lớn, cầu cho tất cả vong linh nạn nhân của thời đại. Nghi thức và cách tổ chức trai đàn rất được vua chúa và các bậc công hầu thời ấy hâm mộ; khoa cúng này từ đó được áp dụng rộng rãi tại các chùa Đàng Ngoài.
- Tiền đường chùa Bút Tháp. Photo NCCong ©2017
Kế nghiệp hòa thượng Chuyết Chuyết là thiền sư Minh Hành (1596-1659), họ Hà, sau khi mất được thờ tại chùa trong tháp Tôn Đức. Lúc này, hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thần Tông) đã rời bỏ hoàng cung về đây tu hành, lấy pháp danh là Diệu Viên, sau khi mất được thờ tại chùa trong tháp Ni Châu. Thấy chùa bị hư nát nhiều, bà cùng con gái trưởng là công chúa Lê Thị Ngọc Duyên, pháp danh Diệu Tuệ, xin phép chúa Trịnh Tráng cho bỏ tiền của, ruộng lộc để trùng tu lại ngôi chùa và hoàn thành năm 1647.
Năm 1876, khi vua Tự Đức qua đây thấy cây tháp hình dáng to lớn bèn đặt tên là Bút Tháp, nhưng trên đỉnh vẫn ghi là tháp Báo Nghiêm. Chùa được trùng tu, tôn tạo nhiều lần trên diện tích khoảng 10.000 m2 vào các năm 1739, 1903, 1915, 1921, rồi năm 1992-1996 với sự trợ giúp quốc tế, và gần đây vào thập niên 2010.
- Cầu đá chùa Bút Tháp. Photo NCCong ©2017
Kiến trúc
Bút Tháp là một trong số ít ngôi chùa cổ có quy mô kiến trúc lớn còn lại đến ngày nay tại đồng bằng Bắc Bộ. Mặt chùa quay về nam. Trong khuôn viên có nhiều di tích từ thế kỷ XVII. Cụm trung tâm bao gồm 8 tòa nhà chạy song song và đối xứng theo một trục "Thần Đạo", được bao bọc bởi hai dãy hành lang suốt dọc chùa ở hai bên. Đó là các tòa tiền đường, thượng điện, cầu đá, am Tích Thiện, trung đường, phủ thờ, hậu đường và hàng tháp đá.
Tổng cộng ngôi chùa gồm 10 nếp nhà nằm trên một trục dài hơn 100 m. Qua cổng tam quan là gác chuông kiểu 2 tầng 8 mái rồi đến chùa chính với 3 dãy nhà tiền đường - thiêu hương - thượng điện tạo thành hình chữ "Công". Kiến trúc chùa vẫn dựa trên khung gỗ chịu lực nhưng nền bệ lan can dùng đá rất phổ biến, trên có những hình động vật được khắc trông sinh động và độc đáo. Trang trí được thể hiện ở mọi nơi trên các chất liệu gỗ và đá, ở kiến trúc và ở các đồ thờ.
- Tháp Báo Nghiêm chùa Bút Tháp. Photo NCCong ©2017
Đặc biệt trên lan can tòa thượng điện có 26 bức chạm khắc đá, trên lan can cầu nối với am Tích Thiện có 12 bức và ở lan can quanh chân tháp Báo Nghiêm có 13 bức. Như vậy tổng cộng các bức chạm khắc đá ở chùa Bút Tháp là 51 với những đề tài khác nhau, nhưng đều thống nhất với nhau ở mặt chất liệu, phong cách và niên đại. Hình ảnh chạm khắc ở đây sống động tươi vui hàm chứa ý nghĩa Phật đạo và đặc biệt mang đậm nét nghệ thuật Thiền. Các bức chạm đều tập trung về đề tài thiên nhiên phong phú sinh động như Tứ Linh Quý.
Tháp Báo Nghiêm
Tháp thờ hoà thượng Chuyết Chuyết, đỉnh tháp trông giống như cây bút lông vươn lên trời cao. Tháp cao 13m, gồm 5 tầng với phần đỉnh xây bằng đá xanh; tầng đáy rộng hơn với mái hiên nhô ra; 4 tầng trên gần giống nhau, mỗi cạnh rộng 2m. Tại 5 góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ. Lòng tháp có một khoang tròn đường kính 229 cm. Ngoài kỹ thuật xây dựng đá, phần bệ tượng được bao quanh bằng hai vòng tường cấu tạo bằng cột và lan can. Riêng ở tầng dưới cùng của toà tháp này có 13 bức chạm đá với lấy đề tài chủ yếu là các con thú.
- Tượng Quan Âm chùa Bút Tháp. Photo NCCong ©2017
Di sản
Chùa Bút Tháp hiện có những kiệt tác điêu khắc, tâm điểm là pho tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay do nghệ nhân họ Trương tạc năm 1656. Tượng cao 370 cm, ngang 210 cm, dày 115 cm. Cánh tay xa nhất dài 200 cm. Tượng có 11 đầu, 42 tay lớn và 952 tay dài ngắn khác nhau. Tượng cao 235 cm tính từ đài sen lên. Đầu rồng đội tòa sen cao 30 cm, bệ tượng cao 54 cm.
Đức Quan Âm ngồi trên toà sen hồng, bệ tượng hình vuông được trang trí bằng những nét chạm khắc cổ với dáng vẻ hành đạo thư thái, đôi mắt như bao quát cả vũ trụ. Ở đây có nhiều đề tài quen thuộc được trang trí ở chùa Việt Nam như hoa lá, cây cảnh cùng các con vật - trong đó có long—ngư với viên ngọc; lân với quả cầu; quạt hai vòng tròn, sóng nước, hoa sen,... Tượng tạc Quan Âm hai tay chắp trước ngực, hai tay để trên đùi với những ngón tay đan chéo biểu tượng cho dáng hành đạo và nhập định; các chùm tay để trần từ sườn, vai, lưng, trên người; những tay được xếp vòng tròn từ lớn đến nhỏ hướng vào tâm (ngay sau gáy Phật) trong lòng mỗi bàn tay lại hiện lên một con mắt. Nhìn tổng thể tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay như những vòng hào quang toả ra từ tâm điểm.
- Tượng chùa Bút Tháp. Photo NCCong ©2017
Hai kiệt tác điêu khắc khác nữa là tượng Tây Thiên Đông Độ Việt Nam Lịch Đại Tổ Sư và tượng Thị Kính. Pho tượng Tuyết Sơn ở đây cũng là một kiệt tác của thế kỷ XVII. Ngoài ra, trong chùa có hơn 70 pho tượng gỗ được tạc trong tư thế quỳ, đứng, ngồi với nét mặt thành kính trông rất sinh động như pho tượng Kim Đồng - Ngọc Nữ,... còn tượng La Hán lại thể hiện cảm xúc nội tâm, mang nặng ý tưởng Phật giáo.
Phủ thờ nằm sau Phật điện là ngôi nhà 5 gian có hai pho tượng đáng chú ý được cho là chân dung hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đầu đội vương miện nhưng khoác áo tu hành, và công chúa Ngọc Duyên. Cả hai pho tượng đều ở tư thế toạ thiền.
Từ thượng điện, chiếc cầu đá nhỏ 3 nhịp xây vòm dẫn khách đến am Tích Thiện với 3 tầng mái. Trên cầu có 12 bức phù điêu đá chạm chim muông hoa lá. Trong am là cây Cửu Phẩm Liên Hoa, một tháp gỗ 9 tầng, 8 mặt, có thể quay tròn quanh một trục, gắn nhiều tượng Phật nhỏ và chạm những cảnh dân gian hoặc lấy đề tài trong Phật thoại.
- Sân giữa chùa Bút Tháp. Photo NCCong ©2017
Ngoài kiến trúc và điêu khắc, trong chùa Bút Tháp hiện còn lưu giữ rất nhiều tư liệu chữ Hán trên chuông đồng “Ninh Phúc tự chung” đúc năm 1815 và trên các hoành phi, câu đối, bia đá... Có thể kể tên các văn bia “Sắc kiến Tôn Đức tháp khoán thạch”, “Hiến Thụy am, Báo Nghiêm tháp bi minh” (1647), “Tích Thiện am” (1691), “Khánh lưu bi ký” (1714), “Trùng tu Ninh Phúc tự bi” (1903), v.v..
Chùa Bút Tháp đã được Bộ Văn hóa xếp hạng ngay đợt đầu là di tích cấp quốc gia theo quyết định số 313-VH/VP ngày 28 tháng 4 năm 1962. Chùa sau này lại được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2013.
Các sư trụ trì nổi tiếng
- Huyền Quang thiền sư (1254-1333)
- Chuyết Chuyết hoà thượng (1590-1644)
- Minh Hành thiền sư (1596-1659)
- Sa môn Tính Hài 1739.
- Bia chùa Bút Tháp. Photo NCCong ©2017
Di tích lân cận
- Chùa Dâu (Bắc Ninh): xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành.
- Chùa Hương Hải Thiền: thôn Chi Đông, xã Lệ Chi.
- Chùa Keo (Báo Ân Trùng Nghiêm Tự): thôn Giao Tự, xã Kim Sơn, ven QL17.
- Chùa Tổ (Phúc Nghiêm Tự): thôn Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành.
- Đình Gia Lâm: thôn Gia Lâm, xã Lệ Chi.
- Đình Giao Tự: thôn Giao Tự, xã Kim Sơn, ven QL17.
0222 But Thap pagoda ©NCCong 2015-2022