Chiến tranh Pi-aarờ (PR)

Chiến tranh luôn là một công việc có chất tiến công và chiếm giữ, nhưng chiến tranh hiện đại còn có một mục tiêu tiến công khác thường và vô cùng quan trọng: đó là chiếm giữ các luồng thông tin để “tấn công” vào dư luận.

Công việc tác động này không khác với làm PR (public relations, quan hệ công chúng) trong kinh doanh.

PR… “nóng”

Ta thấy cách thức mà nhóm khủng bố Al-Quada thực hiện: chọn thời điểm đưa ra những đoạn phim do hai thủ lãnh (Bin Laden hoặc Al Jawahari) để tác động vào dư luận: bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2004, kêu gọi nổi dậy ở Iraq,… đến mức nhiều người phải nhạo rằng: Al-Qaeda giống một “bộ thông tin tuyên truyền” hơn một tổ chức khủng bố.

Cũng giống như mọi hoạt động PR người ta luôn chọn thời điểm rất kỹ để đưa ra thông tin nhằm điều chỉnh dư luận hoặc che mờ dư luận…, ngay ông George Bush vốn không phải là chuyên gia PR cũng nhận ra điều này khi nhận xét rằng: “…có sự liên kết giữa các cuộc tấn công tính toán vào thời điểm diễn ra Hội đàm cấp cao G8, như năm 2005 khi G8 họp Scotland thì diễn ra đánh bom khủng bố xe điện ngầm toàn Luân Đôn và nằm 2006 khi G8 họp ở Nga thì xảy ra vụ bắt cóc lính Israel ở Libăng làm bùng nổ cuộc chiến 33 ngày giữa Hezbollah và Israel (nhiều người lao động Việt phải lao đao để rời khỏi cuộc chiến này trong năm 2006 ấy).

Điển hình nhất về chiến tranh PR là tại Iraq. Một báo cáo của Ginger Cruz, giám đốc thông tin chiến lược của Đại sứ quán Mỹ tại Bagdad, hồi đầu năm 2007 cho rằng: dù đã tiêu tốn hàng trăm triệu đôla, người Mỹ vẫn là kẻ thua trong cuộc chiến giành giật dư luận ở Iraq. Quân nổi dậy, các giáo phái và những thành phần chống đối khác đang kiểm soát thông tin phổ biến đến công chúng. Những cuốn video quay cảnh binh lính Mỹ bị bắn hay nổ tung, hay cảnh các đội tử thần của phe phái hành quyết những “kẻ phản bội” lan tràn khắp nơi. Những hình ảnh này giúp phe nổi dậy tuyển thêm quân và hù doạ người cộng tác với phe chính phủ.

Thành công nhất là phe nổi dậy Sunni, theo nhận định, đã trở thành các chuyên gia bậc thầy trong sử dụng thông tin. Thiếu tướng Peter Chiarelli, cựu chỉ huy không quân Mỹ tại Iraq nhận xét: “Phương pháp sử dụng thông tin tuyên truyền của đối thủ đã đạt tới mức tinh vi!”. Các cuộc tập kích lớn vào quân đội Mỹ dường như chỉ có dụng ý “dựng phim” vì chúng được ghi hình rất chuyên nghiệp từ nhiều góc độ khác nhau với camera độ phân giải cao. Sau đó phần dựng phim cũng rất có “nghề”: những hình ảnh nổ chớp nhoáng của chiếc Humvee, hay một binh sĩ ngã gục khi bị bắn được cắt xén rất chuyên nghiệp và có lồng nhạc hào hùng.

Phe nổi dậy cũng đã biết tận dụng các thiết bị và phương tiện làm và thông tin rẻ tiền để đối đầu với bộ máy thông tin mạnh hơn nhiều lần. Việc sản xuất một bộ phim trước cần cả một studio nay chỉ cần một laptop, các đoạn phim tấn công Mỹ được in bán bằng đĩa CD rẻ tiền khắp nơi, nó còn được nén thành các file nhỏ sau đó truyền qua điện thoại cầm tay. Chuyên gia chống nổi dậy Andrew Garfield mỉa mai: “Chỉ vài giờ sau một cuộc tấn công, video đó đã có bán đầy chợ.”

Điều mà quân nổi dậy biết rõ hơn người Mỹ là thói quen tiếp nhận thông tin của người Iraq. Họ dấu những đoạn phim trong điện thoại xen kẽ với hình kỷ niệm gia đình, hình đám cưới. Các chương trình tin tức của Al-Jazeera, Al-Arabiya, Zawra… luôn có nhiều hình graphic hơn và luôn được thiết kế tạo ấn tượng rằng quân Mỹ đang rút chạy…

Robert Steele, cựu sĩ quan tình báo của Thuỷ quân lục chiến Mỹ nhận xét: “Một trong những video này còn có giá trị hơn cả một sư đoàn xe tăng”.

PR… “lạnh”

Tầm quan trọng của PR trong các cuộc đối đầu lớn đến nỗi ngày nay các quốc gia có điều kiện đều muốn chuẩn bị cho mình một kênh thông tin quốc tế riêng. Năm 2006, nước Pháp vội vã đưa vào hoạt động kênh thông tin đối ngoại France 24, phát bằng tiếng Anh, người Pháp cuối cùng cũng phải nhận rằng tiếng Anh lợi hại hơn tiếng Pháp trong công việc PR. Đây là kết quả của nỗ lực từ 4 năm trước, trong cuộc tranh cãi về việc tấn công Iraq, tổng thống Jacques Chirac nhận ra sự quan trọng của cuộc chiến tranh thông tin toàn cầu mà ông gọi là “trận chiến về hình ảnh và sóng truyền hình”.

Nhưng, năm 2006, không chỉ có France 24, đài truyền hình Al-Jazeera tại Qatar tiếng Ả rập đã đưa vào hoạt động kênh tiếng Anh quốc tế. Tháng 3/07, Iran cũng đưa một kênh ti vi tiếng Anh gọi là “Press” vào hoạt động, phát biểu nhân dịp này tổng thống Ahmadinejaf thừa nhận tính quan trọng đặc biệt của thông tin. Trung quốc đã có CCTV, nhưng cũng đang ấp ủ một kế hoạch thông tin quốc tế lớn. Rồi, một doanh nhân châu Mỹ nghe đâu cũng đang chuẩn bị một kênh truyền hình tin tức toàn châu Mỹ bằng tiếng Anh và Pháp (loại kênh tư nhân như CNN). Nga trong năm qua cũng tạo ra kênh truyền hình “Russia Today” và Singapore thì đã có Channel News-Asia từ năm 1999…

“Tất cả hình thành một cơn bão tuyết các kênh truyền hình quốc tế” Chris Cramer, giám đốc điều hành của CNN nhận xét như vậy.

Mục tiêu của các kênh truyền hình mới này đều nhắm vào việc đưa những quan điểm mới khác với một chân dung quốc tế vốn bị chi phối bởi CNN và BBC. Chủ tịch France 24, Alain de Pouzilhac nói rằng cách đưa tin của CNN về cuộc tấn công Iraq là không khách quan, nó chỉ phản ánh quan điểm Mỹ rằng họ đang giải phóng Iraq.

France 24 nói rằng họ sẽ cố gắng quảng bá các giá trị Pháp, sẽ tập trung hơn vào các phần bị lãng quên trên thế giới, đưa ra những cuộc tranh luận về mọi việc và nhấn mạnh đến phát triển văn hoá, kinh tế.

Mua bán Media

Mấy tháng đầu năm 2008 vừa qua, cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu thu hút dư luận và tạm che mờ đi một xu thế mua bán, sát nhập rất lớn diễn ra suốt năm 2007 và chắc chắn sẽ rầm rộ sau khi khủng hoảng lắng dịu: đó là các thương vụ tranh mua các công ty truyền thông toàn cầu, công cụ quan trọng trong kinh doanh cũng như thao túng dư luận.

Năm qua, diễn ra nhiều vụ mua bán, sát nhập cực lớn của các công ty truyền thông. Và cũng giống như các chuyện ly kỳ mà báo chí hay tường thuật, nhiều vụ mua bán này cũng có nhịp điệu thương lượng rất gay cấn, đặc biệt là thương vụ tỉ phú Murdoch mua công ty Dow Jones.

Chúng ta cùng theo dõi vài diễn biến chính.

Đầu tháng 4/2007, nhà tài phiệt địa ốc Sam Zell đã mua được tổ hợp truyền thông Tribune (sở hữu Los Angeles Times và Chicago Tribune). Sam Zell phải đấu thầu để vượt qua hai tỉ phú California với giá 8,2 tỷ USD.

Đầu tháng 5, Reuters và Thomson xác nhận họ đang thương lượng để sát nhập với nhau nhằm tạo thành một nhà cung cấp thông tin tài chánh lớn nhất thế giới. Thomson đặt trụ sở tại Toronto bắt đầu khởi nghiệp từ 1851 bằng việc truyền thông tin chứng khoán giữa Luân Đôn và Paris. Thomson sẽ mua Reuters với giá 17,5 tỷ USD.

Cuối tháng 5, Reuters và Thomson đã sát nhập với nhau qua một hợp đồng trị giá 17,2 tỷ USD, tạo ra một cơ quan cung cấp thông tin tài chánh lớn nhất thế giới.

Tháng 6, bắt đầu xuất hiện tin ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đang tìm cách mua Dow Jones (công ty đang sở hữu tờ báo tài chánh hàng đầu thế giới Wall Street Journal).

Giữa tháng 6, nhiều nhà báo của Wall Street Journal chống lại việc này, và Công đoàn của Dow Jones đã tiếp cận ông trùm siêu thị Ron Burkle để bàn xem ông này có muốn tranh đua với Rupert Murdoch mua Dow Jones. Gần đây Burkle đã thất bại trong nỗ lực mua tập đoàn truyền thông Tribune.

Trong tháng 7, Virgin Media (của tỉ phú râu xồm chịu chơi người Anh Brandon) xác nhận đã có lời đề nghị mua công ty truyền thông của mình. Trước đó, hồi tháng 8 năm ngoái đã có lời đồn đoán rằng đang có một vụ mua bán một công ty truyền thông Anh đối đầu với BskyB.

Giữa tháng 7, Rupert Murdoch của News Corp tiến thêm một bước gần hơn trong việc mua lại Dow Johnes với giá 5 tỷ USD. Trở ngại duy nhất còn lại là gia đình Bancroft nắm giữ 64% quyền bỏ phiếu.

Ngày 31 tháng 7, Gia đình Bancroft đồng ý bán Dow Jones.

Thật ra, mua bán các doanh nghiệp truyền thông nằm trong xu thế đã bùng nổ trong vài năm qua. Lý do của xu thế này cần được nghiên cứu kỹ hơn, tuy nhiên chắc chắn nó không nằm ngoài việc truyền thông và thông tin đang ngày càng trở thành một mặt hàng tiêu dùng quan trọng và cũng tạo ra một thế lực quan trọng trong một xã hội mà thông tin có thể chi phối nhiều thứ (Cuộc sáp nhập lớn nhất loại này đã diễn ra hồi đầu thế kỷ khi nhóm media mạng AOL mua tập đoàn Times, nhưng chỉ vài năm sau sáp nhập này tan rã trong thất bại).

Chúng ta có thể phải chờ xem sự kết hợp Murdoch-Dow Jone hay Reuters-Thomson rồi sẽ đi về đâu. Tuy nhiên, điều không cần phải chờ là: truyền thông rồi ra sẽ là một trận địa nóng bỏng dưới góc cạnh kinh tế, lợi nhuận cũng như xã hội, văn hoá và chính trị.

(TTVH&ĐÔ)