Gutenberg (1400?–1468) và máy in chữ di động
Theo tài liệu còn lại, Gutenberg là con một thợ kim hoàn hoặc nhà buôn quần áo người Ðức vào đầu thời Phục Hưng.
Trong những năm 1450-1456 ông đã in được hàng trăm cuốn Kinh Thánh với 42 hàng chữ trên một trang bằng máy in do ông sáng chế (ảnh: thư viện Quốc hội Mỹ).
- Gutenberg
Johannes Gensfleisch zur Laden zum Gutenberg sinh tại thành phố Mainz (Mayence) khoảng 1394-1400. Lớn lên ông đến sống tại tp Strasbourg (nay thuộc Pháp) và từng làm nghề khắc đồng, ở đó tên ông được nêu lên lần đầu tiên vào năm 1434. Cũng tại Strasbourg khoảng năm 1438 Gutenberg đã nghiên cứu chế tạo thành công những con chữ in rời (di động) bằng hợp kim. Ông đã hợp tác với người thợ kim hoàn Andreas Dritzehn để thực hiện những bước đầu tiên của công nghiệp in ở châu Âu.
- Đài tưởng niệm Gutenberg ở Mainz
Năm 1448 Gutenberg trở về tp Mainz và cải tiến sáng chế của mình. Ông đã làm cho các con chữ cái được đúc nổi có thể gắn nhanh vào khuôn thành cả một trang chữ ngược trên ván in. Lần đúc dầu tiên của ông cho ra được 270 mặt chữ khác nhau. Những chữ này khi được sắp xếp bằng tay đã tổ hợp thành vô số từ ngữ khác khau và nhất là chúng có thể được sử dụng lại ngay sau đó rất nhiều lần. Ông còn nghĩ ra quy trình công nghệ in nhanh hàng loạt và mực in pha dầu, có ưu thế hơn hẳn lối in cũ bằng khắc chữ trên ván gỗ. Gutenberg đã mở ra một xưởng in với sự trợ giúp tài chính của thương gia Johannes Fust. Trong những năm 1450-1456 ông đã in được hàng trăm cuốn Kinh Thánh rất đẹp với kỹ thuật hoàn hảo của con rể Fust là Peter Schoffer.
- Đài tưởng niệm Gutenberg ở Bebelplatz gần ĐH Humboldt, Berlin
Sau vụ kiện năm 1455 với việc Fust bắt ông hoàn trả lại khoản tiền đầu tư, Gutenberg phải bỏ xưởng. Sau đó ông vẫn tiếp tục làm nghề in ở các tp Mainz, Alta Villa (Eltvile) và Bamberg.
Gutenberg được phong tước bởi Tổng Giám mục tp Mainz. Ông mất ngày 3 tháng 2 năm 1468 tại Mainz. Sau này ông được phương Tây công nhận là người sáng chế ra máy in bằng chữ di động mặc dù còn có những giả thuyết khác nói về nguồn gốc sớm hơn của nó đến từ Triều Tiên, Trung Quốc, hoặc thậm chí Hà Lan.
Tạp chí Time–Life năm 1997 đã bình chọn máy in chữ rời là sáng chế quan trọng nhất của thiên niên kỷ thứ hai. Năm 1999, mạng A&E Network cũng xếp Gutenberg là số 1 trong danh sách các nhân vật của của thiên niên kỷ đó (People of the Millennium).