Trung Quốc - quốc gia công nghiệp chế tạo lớn nhất vào 2009?

Báo Anh Thời báo Tài chính (Financial Times) số ra ngày 11-8 đưa tin: do kinh tế Mỹ sa sút nên có khả năng trong năm 2009 Trung Quốc (TQ) sẽ vượt Mỹ, trở thành quốc gia có nền công nghiệp chế tạo lớn nhất thế giới; như vậy sự kiện này diễn ra sớm 4 năm so với dự đoán trước đây. Công nghiệp chế tạo tuy chỉ chiếm có 17,5% GDP toàn cầu năm 2007, nhưng nhiều ngành kinh tế lớn khác như dịch vụ (bán lẻ, phân phối, giao thông vận tải và thông tin liên lạc ...) đều phụ thuộc vào ngành chế tạo.

Nhận xét trên do Global Insight một công ty tư vấn kinh tế Mỹ tiết lộ với Thời báo Tài chính. Global Insight dự kiến trong năm tới TQ sẽ chiếm 17% tổng sản lượng giá trị gia tăng (value-added output) của ngành chế tạo toàn cầu trị giá 11.783 tỷ USD; tỷ lệ của Mỹ sẽ chỉ còn 16%. Năm 2007 Mỹ vẫn đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia có nền công nghiệp chế tạo lớn trên thế giới, với tỷ lệ 20%; TQ xếp thứ hai, chiếm 13,2%.

Trong dự đoán đưa ra hồi năm ngoái, Global Insight vẫn nói Mỹ sẽ tiếp tục giữ địa vị đứng đầu bảng xếp hạng nói trên cho tới năm 2013; nhưng năm nay công ty này đã hạ thấp dự đoán về giá trị sản lượng công nghiệp chế tạo của Mỹ trong hai năm 2008-2009, vì thế mới có sự thay đổi ngôi thứ kể trên.

Các số liệu đó thể hiện rõ ràng sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế lấy công nghiệp chế tạo làm chủ lực của TQ. Năm 1990, trước khi công cuộc cải cách kinh tế bắt đầu có hiệu quả, TQ chỉ chiếm 3% ngành chế tạo toàn cầu. Sự đổi ngôi nói trên sẽ chấm dứt hơn 100 năm địa vị dẫn đầu của Mỹ trong công nghiệp chế tạo.

Theo cách diễn đạt của các nhà sử học kinh tế, điều này sẽ làm cho TQ trở lại địa vị trước năm 1840 – địa vị dẫn đầu ngành chế tạo toàn cầu trong thời gian khoảng 1800 năm. Sau cuộc cách mạng công nghiệp, nước Anh kể từ năm 1840 đã trở thành quốc gia có ngành công nghiệp chế tạo lớn nhất thế giới.

Nguyên Hải