TS Lê Thành Lân

Thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi nào?

Nguyễn Du

..."Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã vào nước ta vào những năm 60, 70 của thế kỷ 18. Nhờ đó Nguyễn Du sớm được đọc và theo đó mà viết Truyện Kiều..."
Ban đầu người ta tin rằng Truyện Kiều được viết vào khoảng 1813 đến 1820 vì hiểu chữ “hành thế” trong câu: “Du trường ư thi, vưu thiện quốc âm, Thanh sứ hoàn, dĩ Bắc hành thi tập cập Thúy Kiều truyện hành thế”Đại Nam chính biên liệt truyện là sáng tác. Thực ra “hành thế” chỉ có nghĩa là lưu truyền trong đời, tức là được mọi người biết đến. Vả lại, “tận tín thư, bất như vô thư”, không nên quá tin vào sách, GS Đào Duy Anh viết “sách Liệt truyện, tuy là quốc sử, cũng không đủ cho ta tin” (Đào Duy Anh: Khảo luận về Truyện Thuý Kiều, 1958). Bởi vì ở đó tên các sách Thuý Kiều truyện và Bắc hành thi tập chỉ là tên gọi tục; chính xác thì hai áng văn này phải được gọi là “Đoạn trường tân thanh” và “Bắc hành tạp lục”.
Rất nhiều bằng cứ cho thấy Truyện Kiều được viết trước đó rất lâu.
Chúng tôi sẽ dẫn những bằng cứ này ngược dòng thời gian lùi sâu vào quá khứ.
Học giả Hoàng Xuân Hãn có nhắc đến Phạm Quý Thích là người đầu tiên trên đường vào Kinh đã đề thơ về Kiều. Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi cho biết bài “Đoạn trường tân thanh đề từ” thật ra có tên là “Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm” có trong tập “Lập Trai tiên sinh di thi tục tập”, ký hiệu A 2140.
Mới đây, Hà Thị Tuệ Thành (Khoa Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội), tiếp tục công việc của ông Vũ Thế Khôi, tìm thấy bài này trong Lập trai Phạm tiên sinh thi tập, kí hiệu A-400, và qua đó xác định được Phạm Quý Thích viết bài thơ này vào năm 1811 (xin xem bài tham luận tại Hội thảo Quốc tế về chữ Nôm, Huế, 31/5 đến 2/6/2006). Truyện Kiều như vậy phải được viết trước đó.
Học giả Hoàng Xuân Hãn đã cho biết: Nguyễn Lượng (hiệu Châu Sơn Tiều Lữ, còn có hiệu là Châu Giang sau này sẽ cùng Vũ Trinh là "hai người đầu tiên bình Kiều”) bị chết vào khoảng 1807. Vì có sự phê bình của ông ấy nên biết rằng Truyện Kiều được viết vào đầu đời Gia Long hoặc trước đời Gia Long (xin xem tạp chí Văn học, số 3-1997). PGS Ngô Đức Thọ thấy “Đại Nam nhất thống chí” viết Nguyễn Lượng bị chết năm 1807 đúng như Học giả Hoàng Xuân Hãn nói.
Liên quan đến Nguyễn Lượng, gần đây Phan Thanh Sơn và Hà Thị Tuệ Thành nhận thấy trong lời bình bằng chữ Hán của ông có bốn chữ “bách chủng hoan ngu”. Chắc chắn ông không dám viết chữ CHÚNG vào thời Nguyễn vì vào năm 1803 Gia long đã có lệnh cấm dùng chữ CHỦNG, khi viết phải thay bằng chữ THỰC (xin xem tạp chí Văn hoá Nghệ An số 71, 25/2/2006).
Trương Chính nhận xét rằng trong Truyện Kiều có những câu “nghịch ngôn” như:
“Bó thân về với triều đình / Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?”, “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” (xin xem tạp chí Văn học số 6 (12/1963).
Những câu này chỉ có thể được sáng tác trước thời Nguyễn.
Ông Nguyễn Khắc Bảo nhận thấy bản “Liễu Văn Đường” 1871 còn sót các chữ đáng lẽ phải kiêng dưới thời Nguyễn:
“Câu 853: "Tuồng chi là giống hôi tanh". Câu 1310: "Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa". Câu 2750: "Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày". Trong đó những chữ Chủng là tên vua Gia Long hồi nhỏ, và chữ Lan là tên mẹ cả của vua Gia Long tức Huy Gia từ phi” (xin xem tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 6 (56) 2000).
Đến nay, hầu như ai cũng thừa nhận: Truyện Kiều được hoàn thành trước tiên; sau đó Nguyễn Thiện (1763-1818, nhà thơ, quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) theo văn Kiều mà nhuận sắc “Hoa tiên”, và cuối cùng Nguyễn Huy Hổ (hiệu Liên Pha; 1783-1841, nhà thơ, quê huyện La Sơn, nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) theo văn Hoa tiên mà viết “Mai đình mộng ký”. Tác phẩm sau cùng hoàn thành vào năm 1809.
GS Nguyễn Tài Cẩn đã chứng minh rằng “Hoa tiên”, tác phẩm thứ hai được nhuận sắc trong khoảng mười năm cuối thế kỷ 18. Trong Hoa tiên có bài thơ chữ Hán trong đó có chữ CHỦNG, tên của Gia Long (xin xem báo Văn nghệ, số 22).
Đây chính là một lý do để ta tin rằng Truyện Kiều, tác phẩm thứ nhất phải được viết trước việc nhuận sắc Hoa tiên vài năm.
Trước đây, nhiều người cho rằng nhờ chuyến đi sứ Nguyễn Du mới được tiếp xúc với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để sau đó viết Truyện Kiều. Điều này không đúng.
Có nhiều giả thuyết về thời điểm Kim Vân Kiều truyện vào nước ta: học giả Hoàng Xuân Hãn đoán rằng có thể do Nguyễn Nễ (có tên là Đề và là anh ruột Nguyễn Du) hoặc Đoàn Nguyễn Tuấn (anh vợ Nguyễn Du) cùng đi sứ thời Tây Sơn, khoảng 1792-1793 mang về.
PGS Thạch Giang lại cho rằng, có thể trong chuyến đi sứ năm 1763, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (hiệu Thạc Đình; 1713-1789, nhà thơ; quê làng Trường Lưu, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã mang “Hoa tiên” và “Kim Vân Kiều truyện” từ Trung Quốc về tàng trữ tại Phúc Giang thư viện.
Nhờ đó Nguyễn Huy Hổ có điều kiện đọc Hoa tiên, Nguyễn Du do lui tới Phúc Giang thư viện học tập, nấu sử sôi kinh sớm được đọc Kim Vân Kiều truyện để sáng tác Truyện Kiều.
Song, điều này thì chắc chắn: ở truyện “Liên Hồ quận quân” trong cuốn “Lan Trì kiến văn lục”, viết vào khoảng 1793-1794 của Vũ Trinh, có câu: “Thúy Kiều gieo mình sông lớn”.
Trước năm 1794 Vũ Trinh đã biết đến Kim Vân Kiều truyện. Chắc chắn, Nguyễn Du đã được tiếp cận với Kim Vân Kiều truyện không muộn hơn Vũ Trinh (theo Nguyễn Hoàng Sơn, báo Văn nghệ, số 35+36, 2/9/2004)...
Những chứng cứ trên cho phép ta hình dung:
+ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã vào nước ta vào những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ 18. Nhờ đó Nguyễn Du sớm được đọc và theo đó mà viết Truyện Kiều.
+ Nguyễn Thiện theo văn Kiều mà nhuận sắc Hoa tiên vào mười năm cuối thế kỷ 18.
+ Nguyễn Huy Hổ theo văn Kiều và văn Hoa tiên mà viết Mai đình mộng ký, hoàn thành vào năm 1809.
+ Như thế Truyện Kiều xong trước việc nhuận sắc Hoa tiên nên phải được viết vào những năm cuối đời Lê đầu đời Tây Sơn, trùng với kết luận của GS Nguyễn Tài Cẩn rút ra được từ việc phát hiện chữ húy thời Lê - Trịnh trong một số bản Kiều Nôm.
TS Lê Thành Lân (TPO)