Herbert George Wells (1866-1946)

Ngày nay, những truyện khoa học giả tưởng của ông vẫn rất được ưu chuộng. Wells và Jules Verne thường được coi "cha đẻ của tiểu thuyết khoa học giả tưởng".

H. G. Wells sinh ngày 21-9-1866 tại Bromley, gần London, trong một gia đình trung lưu, cha là một nhà buôn nhỏ, còn mẹ làm hầu phòng. Học giỏi, ông được nhận vào trường Đại học Tổng hợp London và đỗ tốt nghiệp thủ khoa với học vị cử nhân khoa học năm 1888. Sau một thời gian giảng dạy môn sinh vật, Wells chuyển sang nghề viết báo năm 1893.

Wells chịu nhiều ảnh hưởng của Học thuyết Darwin và các nhà văn Jules Verne, Mark Twain, Mary Shelley, Jonathan Swift. Ông trở nên nổi tiếng với những tiểu thuyết khoa học giả tưởng như: The Time Machine (Chiếc máy thời gian, 6/1895), The War of the Worlds (Chiến tranh giữa các thế giới), The Invisible Man (Kẻ vô hình), The First Men in the Moon (Những người đầu tiên trên Mặt Trăng) và The Island of Dr Moreau (Hòn đảo của tiến sĩ Moreau). Những tác phẩm này được viết ra trong giai đoạn từ 1895 tới 1904 và tạo nên sự bất tử cho tên tuổi của Wells…

Ngoài tiểu thuyết khoa học giả tưởng, Wells còn viết nhiều truyện ký và các bài bình luận về lịch sử và xã hội. Vốn là một trí thức có khuynh hướng ghét chủ nghĩa tư bản, Wells ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ XIX đã tích cực tham gia vào các phong trào mang tính xã hội dân chủ. Năm 1884 tại London đã hình thành Hội Xã hội chủ nghĩa Fabian, một dạng câu lạc bộ tập trung những người Anh khá giả muốn phát triển những dự án phúc lợi chung theo hướng xã hội chủ nghĩa. Wells trở thành một người theo chủ nghĩa xã hội, các tác phẩm của ông sau này thường mang tính chính trị và ủng hộ nước Nga xô viết non trẻ. Wells từng đi thăm Liên Xô 2 lần, năm 1920 (gặp Lênin) và năm 1934.

Với tiểu thuyết Tono-Bungay (1909), Wells bắt đầu viết một loạt tiểu thuyết về xã hội đương thời như Ann Veronica (1909), Truyện ông Polly (History of Mr. Polly, 1910), The Research Magnificient (1915), Joan và Peters (1918). Tác phẩm Ông Britling nhận rõ (Mr. Britling Sees It Through, 1916) là một tiểu thuyết cảm động về chiến tranh.

Nhưng công trình khiến Wells giành được tiếng tăm lớn nhất có lẽ là quyển Đại cương lịch sử (Outline of History, 1920), có quy mô rộng lớn như tựa đề đã nhấn mạnh và là một mẫu mực kết hợp xuất sắc giữa sự uyên bác và tính phổ cập. Ông còn viết Khoa học về đời sống (The Science of Life, 1929), soạn chung với con mình là George Philip và với Julian Huxley. Không chỉ là một tên tuổi sáng chói trong văn học, Wells còn là một người đàn ông nổi tiếng đa tình. Với ông, tình yêu cũng là một phần quan trọng không kém gì văn học trong kiếp nhân sinh.

Tác phẩm của Wells được cho là đã ảnh hưởng tới nhiều thế hệ nhà văn như: Olaf Stapledon,
Stanley G. Weinbaum, Edgar Rice Burroughs, H. P. Lovecraft, Frank R. Paul, Robert Goddard,
Robert A. Heinlein, Isaac Asimov, Arthur C. Clarke, Carl Sagan, Jack Williamson, Stan Lee, George Orwell, C. S. Lewis, Ray Bradbury.

Dựa theo truyện Chiến tranh giữa các thế giới của Wells, một chương trình chuyển thể kịch truyền thanh Mỹ do đạo diễn Orson Welles sản xuất được phát đi tháng 10-1938 đã khiến cho hàng ngàn người nghe sợ hãi tưởng rằng người Sao Hoả đã xâm lăng nước Mỹ.

Ông mất ngày 13-8-1946 tại London, hưởng thọ 80 tuổi.