CÔNG TÁC XỬ LÝ RÁC Ở NEW YORK

New York với hơn 8 triệu dân là đô thị đông dân nhất nước Mỹ, một trung tâm công nghiệp-thương mại lớn, đồng thời cũng là một nhà máy xử lý rác đúng nghĩa.

Mỗi ngày số lượng rác phát sinh trong thành phố lên tới nhiều chục nghìn tấn, riêng khu Queens và Brooklyn mỗi ngày cần chở đi 13 nghìn tấn rác sinh hoạt; lượng rác chở từ khu Manhattan đến nhà máy điện ở bang New Jersey dùng làm nhiên liệu đốt lò lên tới 1700 tấn/ngày. Nếu hôm nào đường xá bị tắc do tuyết dầy hoặc vì nguyên nhân nào đó không xử lý được lượng rác thải thì thành phố phải chịu đựng mùi rác hôi hám không thể tưởng tượng được. Một lần công nhân vệ sinh bãi công, mấy ngày liền xe chở rác không hoạt động, rác chất như núi hai bên đường khu Manhattan, túi ni lông đựng hàng bay tứ tung trên phố, mùi hôi hám khiến người qua đường phải bịt mũi.

Cơ quan Vệ sinh môi trường (VSMT) thành phố New York rất đau đầu về vấn đề giải quyết rác, vì chi phí xử lý mỗi tấn rác lên tới 54-65 USD, chưa kể chi phí vận chuyển. Rác của khu Manhattan phải chở đi rất xa, đến tận bang New Jersey xử lý, mỗi ngày cần dùng đến hơn 1000 chuyến xe.

Tỷ lệ các thành phần rác ở Mỹ

Nước Mỹ có quy định rõ ràng nghiêm ngặt về vấn đề hôm nào thì chở loại rác nào, và yêu cầu đối với rác ra sao. Nhà nào, dù ở trong hay ngoài thành phố, đều phải có 3 thùng rác đặt ở sân hoặc nhà bếp, dùng 3 loại túi ni lông lớn có mầu khác nhau đựng rác, nhằm để người dân tự phân loại rác thành 3 loại : - loại rác có thể thu hồi như chai lọ thuỷ tinh (7%), vỏ lon hộp kim loại (8%), chất dẻo và đồ nhựa (8%); - loại giấy như báo chí và bìa hộp các tông (37%); - loại rác sinh hoạt có rất ít giá trị tái sử dụng (40%). Loại rác có thể thu hồi thì cho vào túi ni lông mầu xanh nhạt nửa trong suốt hoặc trong suốt, để có thể thấy rõ bên trong; loại rác sinh hoạt thì cho vào túi ni lông mầu đen, có độ bền cao hơn. Các loại túi này đều có tiêu chuẩn về kích thước, độ dầy, tuỳ theo trọng lượng rác đựng bên trong; bên ngoài túi có in trọng lượng lớn nhất mà túi có thể chịu được.

Có những loại rác không thể đựng vào túi, như tủ lạnh cũ, máy phát điện, ti vi cũ, giường đệm, xa lông v.v.. là những thứ cồng kềnh, thì gia chủ phải báo trước cho cơ quan VSMT và phải tuân theo sự bố trí của họ. Cơ quan này còn quy định tủ lạnh vứt đi thì phải tháo cánh cửa; đó là vì có lần một cháu bé chơi trò trốn tìm chui vào tủ lạnh bỏ rồi đóng cánh cửa lại, không ai biết chuyện ấy, xe rác cứ thế chở đi gây chết người. Cũng có quy định ti vi vứt đi thì phải cắt dây điện nguồn của ti vi.

Người dân New York có thói quen tự giác phân loại rác ngay ở nhà mình. Theo quy định, rác chỉ được đưa ra ngoài nhà vào sau 4 giờ chiều hôm trước ngày có xe rác đến, tập trung tại nơi cố định trước cổng (cửa) nhà mình. Để phân tán rác, quy định mỗi bên phố thu rác trong một ngày riêng, hôm nay thu bên nhà số chẵn, mai thu bên nhà số lẻ; có lúc chỉ thu túi rác mầu này hoặc mầu kia, có lúc chỉ thu thùng các tông hoặc giấy đã cuộn gói lại. Nhờ có kế hoạch phân định rõ thời gian thu rác và loại rác sẽ thu mà rác không bị tập trung quá nhiều, số lượng rác thu mỗi ngày tương đối ổn định, dễ bố trí xe rác.

Lá cây rụng từ hàng cây ven đường vào lúc tiết trời chuyển sang mùa thu là loại rác có số lượng cực lớn, rất khó giải quyết. Cơ quan VSMT yêu cầu không được đốt lá mà phải xử lý lá như một loại rác. Người ta hót lá cây và nhét chúng vào những túi ni lông khổng lồ. Ngoài ra, cây thông các gia đình dùng làm cây Noel cũng là loại rác có lượng lớn. Mỗi dịp lễ Noel, cơ quan VSMT đều thông báo cho các hộ dân biết, hẹn ngày thu loại rác này, yêu cầu phải buộc gọn các cây hoặc bọc trong túi ni lông, để ngoài hè phố gần cổng, sẽ có xe đến mang đi.

Tại New York, giấy báo cũ không được bán lấy tiền, thậm chí còn phải nộp tiền xử lý. Nhưng các phế phẩm khác thì có thể được bán, như vỏ lon hộp nhôm, chai lọ thuỷ tinh và nhựa. Trên các loại vật dụng này đều có in sẵn giá tiền, như trên vỏ lon có chữ “5 xu”, nghĩa là đem vỏ lon dùng rồi đem bán sẽ được trả 5 xu. Một số cửa hàng khi bán chai Coca loại lớn đã thu trước 10 xu tiền vỏ chai. Các siêu thị lớn đều có nơi thu mua các thứ phế phẩm đó. Lon thu mua được đưa vào máy xay thành bột, nhằm thu nhỏ không gian đựng chúng, sau đó máy in ra biên lai số tiền trả cho người nộp phế phẩm. Có thể dùng biên lai này để mua hàng thay tiền, hoặc đổi lấy tiền mặt. Dĩ nhiên, loại chai lọ nào không hợp quy định thì máy sẽ tự động không nhận xử lý.

Mặt khác, việc thu mua các phế liệu này cũng gây ra rắc rối là những người cơ nhỡ lang thang dùng cách nhặt vỏ lon để kiếm sống thường hay khui rách các túi đựng rác, làm cho rác rơi vãi lung tung ra đường.

Cơ quan VSMT sử dụng các loại xe chế biến xử lý rác rất hiện đại, trông như một cỗ xe tăng hoặc xe bọc thép khổng lồ, kiên cố, có công suất cực lớn. Đồ phế thải dù lớn dù cứng đến đâu, như bộ xa lông, tủ lạnh to, máy phát điện, ghế xoay bằng thép v.v... cho lên xe này đều có thể ép bẹp dí rồi chứa vào trong thùng xe bọc kín. Những loại xe này thường chạy trên đoạn đường phố do nó phụ trách (chạy một bên đường) vào thời gian sáng sớm, vừa đi vừa làm việc. Mỗi loại xe có một nhiệm vụ riêng, loại này thu nhặt rác, loại khác xử lý rác. Có trường hợp rác quá nhiều hoặc thiếu xe v.v... thì đành chờ đến hôm khác; nhưng khi rác đã khuân ra ngoài nhà thì không phải đem vào nhà nữa, vì đây là do cơ quan VSMT gây ra chứ không phải do lỗi của dân.

Nói chung, dân chúng Mỹ đã quen phối hợp với cơ quan VSMT. Ai không tuân theo quy định thao tác thì công nhân VSMT sẽ không cho xe đến thu rác, đồng thời sẽ gửi biên lai phạt đến nhà, tiền phạt rất cao; người vi phạm nặng có thể bị phạt đến 200 USD.

Nguyên Hải (theo Haiwai wenzhai và http://herbarium.usu.edu)