Sức khỏe tâm lý – một vấn đề ngày càng nổi cộm hiện nay

Hiện nay các loại bệnh về tâm lý đã trở thành mối đe doạ sức khỏe loài người trong thế kỷ XXI. Trung Quốc (TQ) cũng đang ở trong thời kỳ các bệnh tâm lý phát triển mạnh; tình trạng gia tăng số người mắc bệnh tâm lý là một trong các nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới sự hài hoà của xã hội. Làm thế nào giữ được sức khỏe thể xác và tinh thần đã trở thành một vấn đề lớn loài người cần gấp rút giải quyết.

Phải chăng loài người đang tiến sang “thời đại bệnh tinh thần” ?

Trong một bản báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có viết: xét về lịch sử phát triển các loại bệnh tật thì loài người đã từ “thời đại bệnh truyền nhiễm” “thời đại bệnh thể xác” chuyển sang “thời đại bệnh tinh thần” trong thế kỷ XXI.

Theo thống kê của WHO, trên toàn thế giới hiện có khoảng 400 triệu người đang bị các bệnh về tinh thần hành hạ: số người mắc bệnh trầm cảm lên tới 200 triệu, đã thành căn bệnh thế kỷ; 30 40% số người khám bác sĩ có vấn đề về sức khỏe tinh thần; 20% dân số thế giới có các trục trặc về tâm lý và tinh thần; chỉ có 9,5% số người trên toàn cầu không mắc các bệnh về tâm lý.

Trong các nước phát triển, bệnh tâm lý đã trở thành loại bệnh quen thuộc. 30% dân Mỹ từng có dịp được điều trị các bệnh về tâm lý; 89% từng trải qua các ức chế tâm lý nặng nề; gần 50 triệu người mắc các bệnh tinh thần ở mức độ khác nhau; hàng năm có thêm 0,6% số dân mắc chứng tinh thần phân liệt. Tình trạng ức chế tâm lý gây ra tổn thất kinh tế hàng năm lên tới 305 tỷ USD. Tại Pháp, trong 20 năm qua, đầu tư y tế tăng 10 lần; chi phí y tế vượt quá chi phí mua thực phẩm; hàng năm người Pháp sử dụng hơn 100 triệu hộp thuốc an thần, đổ đồng mỗi người mỗi năm dùng 2 hộp. Cho nên họ tự xưng là nước “an thần” nhất thế giới.

Có nhà tâm lý nước ngoài ví vấn đề tâm lý là nạn dịch “cúm” về tinh thần. Có chuyên gia cho rằng 70% dân TQ thuộc vào “sức khỏe loại B” về tinh thần, dân TQ đang lâm vào nạn dịch “cúm tập thể”. Theo thống kê, hiện TQ có 190 triệu người trong đời mình từng phải đến khám bác sĩ tâm lý để xin ý kiến tư vấn hoặc điều trị. Trong nhóm người đủ 20 tuổi, số người mắc các trục trặc tâm lý tăng hàng năm với tốc độ 11,3%; trong nhóm người vị thành niên (17 tuổi trở xuống) có khoảng 30 triệu người có các trục trặc về học tập, hành vi, tinh thần, mà biểu hiện đột xuất là ở mặt quan hệ người-người, tính ổn định tinh thần và sự thích ứng với việc học tập. 16 25,4% sinh viên đại học có các trục trặc về tâm lý, chủ yếu là luôn lo lắng, suy nhược thần kinh, chứng cưỡng bức. Trong các quần thể đặc biệt như người cao tuổi, tàn tật, quân nhân, phụ nữ, người thất nghiệp … vấn đề sức khỏe tâm lý cũng khá nổi cộm.

Nguồn gốc của các loại bệnh tâm lý

Theo lý luận tâm lý học thì “ai cũng có thể có vấn đề về tâm lý”; người nào cũng tất nhiên sẽ có thời gian tâm lý kém khoẻ mạnh ở mức độ nào đó; nhất là trong xã hội cạnh tranh hiện nay, hầu như ai cũng có vấn đề tâm lý cả.

Xã hội càng văn minh thì bệnh tâm lý càng sâu; xã hội ngày càng tiến lên, yêu cầu đối với con người cũng ngày càng cao, ham muốn của người ta càng mạnh, sức ép tâm lý càng lớn. Các thầy thuốc tâm lý cho rằng, không nhất thiết những người trông bề ngoài hay cãi vã làm ồn hoặc hay khóc lóc là người có vấn đề tâm lý nghiêm trọng, bởi lẽ họ thường “xả” hết các vấn đề của mình ra bằng các hình thức ấy của họ. Chính là không ít những người trong đời sống hoặc công việc trông có vẻ bình thường nhất lại có những xung đột tâm lý rõ rệt, đặc biệt những người được học hành nhiều, tự yêu cầu cao với mình.

Sở dĩ tình hình bệnh tâm lý của người TQ tương đối nổi cộm, chủ yếu là do xã hội TQ đang ở thời kỳ chuyển đổi, dẫn tới tình trạng phân hoá xã hội ở mức độ cao, tốc độ nhanh, diện rộng, vượt quá mọi thời kỳ trước đây. Tình trạng đó tạo ra một loạt áp lực lớn cho mọi người; ngoài ra, nạn tham nhũng ở các cấp, sự bất công giữa các ngành nghề, chênh lệch giàu nghèo mở rộng … đều gây ra sự mất cân bằng tâm lý cho mọi người.

Sự khác biệt về văn hoá Đông Tây

Do ảnh hưởng của nền văn hoá truyền thống, người TQ khi điều trị các bệnh tâm lý thường sử dụng “liệu pháp Trung Y”: Nho giáo coi trọng sự tự kiểm điểm, không đề xướng sự giao lưu trao đổi với người khác; Phật giáo thì tìm kiếm sự “giác ngộ”; Đạo giáo đề xướng “tham thiền (ngồi thiền)”. Nền văn hoá đóng kín đưa đến tính cách quốc dân khép kín. Khi xử lý các bệnh tâm lý, “bệnh nhân TQ” xưa nay giấu bệnh sợ thầy (kiêng nhờ thầy thuốc khám chữa), chỉ ra sức nhấn mạnh nội công và thuật nhẫn nhịn (nhẫn thuật), lại càng mong muốn được người thân và bè bạn thông cảm và góp ý; hoặc giải sầu bằng cách uống rượu thì lại càng “sầu” thêm; hoặc áp dụng các phương thức không lành mạnh để “xả” nỗi sầu; hoặc cứ để bệnh phát triển tự nhiên thành bệnh tâm thần, thậm chí tự tử.

Các thế hệ người TQ mấy đời trước có thể dựa vào sự giác ngộ, tu dưỡng bản thân để duy trì tình trạng giấu bệnh sợ thầy; nhưng thời nay, thế hệ trẻ chạy theo quan niệm của phương Tây, nhất là thế hệ U80, không còn có nội công và thuật nhẫn nhịn của các bậc tiền bối nữa; đời sống hiện thực thay đổi mạnh làm cho họ trở thành một thế hệ tâm lý yếu đuối, lắm bệnh tâm lý; song lại giống các bậc tiền bối một cách kỳ lạ về thói giấu bệnh sợ thầy. Một học sinh xuất sắc của một trường trung học trọng điểm toàn quốc nọ nói: “Trong trường em có phòng phụ đạo tâm lý, nhưng ai mà vào đấy thì sẽ phải chịu sức ép tâm lý cực lớn bởi con mắt kỳ thị của các bạn học; cho nên tuyệt đối chớ có đến đấy.” Sinh viên một trường danh tiếng nọ trả lời phỏng vấn nói: “Rất nhiều sinh viên cho rằng việc mắc bệnh tâm lý là một nỗi nhục, vì thế họ không muốn chủ động đến nhờ thầy thuốc tâm lý giúp đỡ.”

Ngoài ra, trong xã hội cũng có người nhìn các thầy thuốc tâm lý với con mắt không bình thường. Một bác sĩ tâm lý nói: “Người ta cho chúng tôi là một lũ quái nhân, họ nhìn chúng tôi với ánh mắt rõ ràng có phần thương hại, đồng tình.”

Vì thế các Trung tâm tư vấn tâm lý miễn phí đặt ở các cơ quan nghiên cứu, các trường học thường là vắng tanh không có khách; ngay cả khi tuyển nhân viên tự nguyện cũng rất trầy trật không tuyển được ai.

So với người TQ, người phương Tây có thái độ rất thản nhiên đối với các loại bệnh tâm lý. Các nước Âu Mỹ đa số theo đạo Tin Lành hoặc Thiên Chúa, mỗi khi thế giới nội tâm mất cân bằng, họ có thể thổ lộ với cha cố hoặc với Chúa trong lòng mình. Nghề tư vấn tâm lý buổi đầu chính là chuyển hoá từ các thể chế tôn giáo mà ra.

Người phương Tây nói chung coi việc tiếp nhận điều trị tâm lý là chuyện bình thường như cơm bữa. Đại gia điều trị tâm lý nổi tiếng người Đức là ông Nossrat Peseschkian nói: những người tự cho mình có tâm lý khỏe mạnh thực ra lại không phải là như thế; người có tâm lý khỏe mạnh chính là những người dám đối mặt với các vấn đề tâm lý của mình. Người Mỹ hiện đại nói một cách hình tượng là: “Đôi vai của những người Mỹ thành đạt được hai nhân vật nâng đỡ: một là cố vấn pháp lý và một là cố vấn tâm lý.” Cố vấn pháp lý giúp người Mỹ có được các bảo đảm nguồn tài nguyên hiện thực; cố vấn tâm lý giúp người Mỹ đạt được sự hài hoà giữa nội tâm với ngoại tại.”

Các công dân Mỹ hiện nay tiếp thu sự tư vấn tâm lý một cách tự nhiên, đơn giản chẳng khác gì ăn một bữa ở nhà hàng McDonald, họ đều coi tư vấn tâm lý là tượng trưng của sự tự tin và giàu có; mỗi một người thuộc tầng lớp trung lưu đều có cố vấn tâm lý của mình. Ngay cả chuyện sợ đau khi nhổ răng, người Mỹ cũng trước tiên tìm đến bác sĩ tâm lý của mình để xin tư vấn.

Dân chúng các nước phương Tây rất sợ người lãnh đạo của mình có các vấn đề bất thường về tâm lý. Tình trạng tâm lý của Tổng thống (TT) nước họ không được coi là bí mật riêng tư. Từ năm 1972 trở đi, chính phủ Mỹ thành lập “Tiểu ban sức khỏe tâm lý Tổng thống”, là một cơ quan của Nhà Trắng chuyên môn cung cấp tư vấn tâm lý cho TT, nhằm mục đích giúp TT phục vụ nước Mỹ tốt hơn. Trong thời gian dư luận ồn ào về các tin tức bê bối của TT Clinton, dân chúng Mỹ được thông tin rất đầy đủ về việc TT của họ dùng thuốc an thần để giảm sức ép tâm lý đối với ông. Khi thua trong cuộc tranh cử TT năm 1992, ông Bush cha đã tiếp nhận hai tuần lễ điều trị tâm lý. Thảo nào nhà tâm lý nổi tiếng Mỹ Shultz gọi người Mỹ là những “người tự tin nhất, có đầu óc thực tiễn nhất” thế giới.

Các bệnh tâm lý của phương Đông và phương Tây có những biểu hiện khác nhau rất rõ. Người TQ dễ đau đầu nhất bởi những chuyện cụ thể chứ không phải nguồn gốc của sự việc; cho dù quy nạp tới cuối cùng cũng chỉ là một vấn đề rất thực tế là “Tại sao tôi không được như người khác ?” Còn người phương Tây thì dễ nhằm tới căn nguyên của sự việc, vấn đề lớn nhất họ thường quan tâm là “Vì sao tôi lại ngày càng trở nên giống người khác, cái tôi thật sự thì ở đâu ?”

Rất cần được ăn món “chicken soup” (xúp gà)

Muốn chữa khỏi các chứng bệnh tâm lý, trước tiên cần ra sức điều trị nguồn gốc gây bệnh. Song khi đó cần đồng thời cần nhận thức được rằng không thể nào triệt để cắt bỏ được nguồn bệnh, bởi lẽ sự phát triển của loài người bao giờ cũng đem lại một số vấn đề xã hội; trên con đường tiến lên của nhân loại, bao giờ cũng kèm theo chuyện không nhìn xa trông rộng thì tất nhiên sẽ có những rắc rối gần, không thể tránh khỏi xảy ra các chứng bệnh tâm lý.

Thứ hai, cần triệt để vứt bỏ quan niệm “Liệu pháp Trung Y” giấu bệnh sợ thầy của người TQ, phải làm cho mọi người đều hiểu là tương tự như ăn ngũ cốc thì người ta có thể mắc bệnh này bệnh nọ, ai cũng có thể mắc bệnh tâm lý vào bất cứ lúc nào. Cần trau dồi quan niệm đúng đắn: mắc bệnh tâm lý là chuyện bình thường, nên đi khám bệnh. Hãy làm cho chuyện tư vấn tâm lý và điều trị tâm lý trở thành chuyện thường nhật như ăn cơm uống nước, đi nghe nhạc, như một kiểu thời thượng, một nhu cầu. Nhà nước và xã hội cần ra sức đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm lý. Tại Mỹ, chính quyền cưỡng chế các doanh nghiệp đài thọ chi phí về sức khỏe tâm lý của nhân viên trong doanh nghiệp, chi phí tư vấn tâm lý nằm trong tiền bảo hiểm y tế cá nhân. Tại TQ hiện nay khi xin tư vấn tâm lý phải tự trả tiền, cho nên không ít người khó có khả năng chi trả hoặc không muốn chi trả. Nếu muốn thực sự giải quyết được các vấn đề tâm lý của dân chúng thì chính quyền cần điều chỉnh chính sách bảo hiểm y tế, nhằm tăng số người mắc bệnh tâm lý được khám bệnh.

Cần ra sức xây dựng đội ngũ thầy thuốc tư vấn và điều trị tâm lý thích hợp với tình hình TQ, ra sức phát triển ngành tư vấn tâm lý TQ hoá. Công tác tư vấn tâm lý hiện đại bắt nguồn từ phong trào chỉ đạo ngành nghề ở Mỹ cách đây hơn 100 năm. Tư vấn tâm lý được ví là “chicken soup (xúp gà)”, là “phong vũ biểu của xã hội”; chuyên gia tư vấn tâm lý được gọi là “Thợ sửa chữa tâm hồn nhân loại” . Song muốn giải quyết được vấn đề tâm lý của người TQ thì phải coi trọng việc nghiên cứu TQ hoá vấn đề này, mặt khác đồng thời không được đơn giản đánh đồng tư vấn tâm lý với việc giáo dục đạo đức và công tác tư tưởng. Cần kết hợp liệu pháp Trung-Tây y, thực sự giải quyết các vấn đề khó xử, hắc búa của bệnh nhân TQ.

Tại nước Mỹ, người làm công tác tư vấn tâm lý bắt buộc phải có trình độ tiến sĩ và đã phải được đào tạo chuyên ngành ít nhất 2000 giờ. Đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý của TQ hiện nay chất lượng không đều; cơ chế bảo đảm sức khỏe tâm lý còn rất yếu ớt què quặt, bình quân mỗi 1 triệu người dân mới có 1 cán bộ tư vấn tâm lý; so với tỷ lệ ở Mỹ là mỗi 1000 dân có một thầy thuốc tâm lý (ở Đức: 2000 dân có 1) thì mức độ này là quá thấp và quá ư không đáp ứng nhu cầu thị trường TQ.

Đồng thời với việc xin trợ giúp về sức khỏe tâm lý, mỗi người cần dùng các phương pháp dưới đây để tự cứu và đề phòng bệnh tâm lý:
- Trau giồi nhân cách và lý tưởng cuộc sống. Einstein nói: “Thành tích về trí lực của một người thường dựa vào sự vĩ đại về nhân cách của chính người đó.” Nhân cách cao thượng là động lực thúc đẩy người ta vượt qua chính mình, qua đó mà kéo dài tuổi thọ.

- Tự tạo ra “Chất dinh dưỡng” cho sức khỏe tâm lý của mình. Cái gọi là “Chất dinh dưỡng” cho sức khỏe tâm lý bao gồm tình yêu, sự phê bình có thiện ý, niềm tin kiên cường, sự khoan dung, biết cách giải quyết các trục trặc xảy ra…

Nguyên Hải Theo Haiwai wenzhai 04.2007