Cách pha sữa bột và xác định trẻ bị nhiễm melamine từ sữa
Tốt nhất là cho trẻ bú sữa mẹ
Làm thế nào để biết con mình có bị nhiễm melamine từ sữa?
TS Trần Đáng, Nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng trả lời: Muốn biết con mình bị nhiễm melamine từ sữa thì cần theo dõi 2 yếu tố sau: Một là, xem loại sữa con mình đã và đang sử dụng là sữa gì, sữa đó có bị nhiễm melamine hay không? Để biết sữa có bị nhiễm melamine hay không thì phải so sánh đối chiếu với danh mục sữa đã bị nhiễm do cơ quan chức năng đã công bố. Hai là, nếu sữa đó đã được xác định có nhiễm melamine thì phải xem nồng độ của chúng là bao nhiêu.
Nếu nồng độ nhiễm thấp, ví dụ như 1ppm tức là 1kg sữa thì có 1mg melamine, thì cũng không có gì đáng ngại. Vì theo cơ quan quản lý thực phẩm của Mỹ (FDA), lượng tối đa hàng ngày cho phép đối với Melamine là 0,63mg/cân nặng/ngày.
Theo Cộng đồng Châu Âu (EU), lượng đó là 0,5mg/cân nặng/ngày (kí hiệu là TDI). Như vậy, nếu đứa trẻ khoảng 3 tuổi, nặng 20kg thì phải dùng tới 10mg/ngày, tức là dùng tới 10 kg sữa - Điều này hoàn toàn không có trong thực tế, một đứa trẻ 3 tuổi không thể dùng tới 10kg sữa mỗi ngày.
Về việc có nhiều người nghi ngờ về kết quả kiểm tra thì tôi xin trả lời rằng: Hoàn toàn không cần thiết phải lo ngại như vậy. Các cơ quan kiểm tra - kiểm nghiệm về VSATTP, tuy chưa được hiện đại như các nước tiên tiến, nhưng cũng đủ để khẳng định sản phẩm thực phẩm đảm bảo an toàn.
Tôi muốn khuyên mỗi người tiêu dùng phấn đấu trở thành người tiêu dùng thông thái để biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn, chế biến thực phẩm an toàn, sử dụng thực phẩm an toàn và là một thanh tra viên và tuyên truyền viên về VSATTP. Như thế, sẽ góp phần làm các sản phẩm thực phẩm được an toàn cho cộng đồng.
(Nguồn: VTC)
Cách pha sữa bột
Không ít người vì quá cẩn thận đã sử dụng sữa một cách phản khoa học, gây lãng phí, thậm chí làm hỏng tác dụng quý báu của loại thực phẩm này. Có vị phụ huynh cẩn thận đun nước cho sôi sùng sục rồi mới rót vào bình múc sẵn sữa bột và nghĩ rằng làm như vậy sữa sẽ chín kỹ, giúp bé hấp thụ mọi chất dinh dưỡng dễ dàng hơn.
BS Tiến - TT Truyền thông Viện Dinh dưỡng cho rằng cách pha chế này là một sai lầm lớn.
Trên thực tế, sữa bột dùng pha chế là sản phẩm đã được chế biến chín, làm được đông cô lại, rồi đóng gói. Vì vậy, khi đem pha chế, người dùng chỉ nên hoà sữa với nước ấm (khoảng 40oC-50oC), là sữa bột đã hoàn toàn được hoà tan. Ngược lại, nếu dùng nước sôi pha sữa bột, không những sữa pha bị vón cục mà một số dinh dưỡng quý giá trong sữa còn bị phân huỷ do gặp nhiệt nóng.
Bên cạnh đó, khi pha sữa bột bằng nước nóng, vừa mất thời gian để chờ sữa nguội đi lại, rất khó kiểm soát được nhiệt độ thích hợp đối với trẻ nhỏ. Viện Nhi TƯ đã từng tiếp nhận một số cháu nhỏ bị bỏng vòm họng do uống phải sữa quá nóng.
Vì vậy, khi pha sữa cho bé, người lớn không nên thử độ nóng bằng miệng mình mà nên nhỏ vài giọt lên mu bàn tay để thử độ ấm. Cách này vừa trách lây bệnh cho bé (có thể gặp ở khoang miệng của người lớn) mà vẫn biết nhiệt độ sữa đã thích hợp cho bé bú chưa.
(Theo Dân trí)