Tai vạ giáng xuống nước nghèo khi nước giàu cứu thị trường tài chính

Theo tin từ Geneva, ông Dominique Strauss Kahn Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF mới đây phát biểu: để giải quyết khủng hoảng tài chính, các nước phát triển đang áp dụng nhiều biện pháp cứu các ngân hàng và công ty của mình; việc đó có thể hy vọng giải quyết được nguy cơ trong nước họ, song mặt khác lại làm cho các nền kinh tế mới nổi lên lâm vào cảnh bị rút mất một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài.

Strauss Kahn nói: bão táp tài chính nổ ra từ Mỹ, sau đó nhanh chóng lan tới châu Âu, hiện đang vượt qua biên giới châu Âu, biến các nền kinh tế mới nổi lên trở thành kẻ chịu thiệt hại trong cuộc khủng hoảng này.

"...đồ chơi của ta không có chì..."

Strauss Kahn nhận xét: các nền kinh tế mới nổi lên hiện đang đứng trước vấn đề xuất khẩu sụt giảm, niềm tin đầu tư và tiêu dùng giao động. Hiện nay để cứu nền kinh tế của mình, các nước phát triển đang ra sức dồn vốn cho hệ thống ngân hàng, bảo vệ khách của các ngân hàng. Bởi thế họ “càng có sức thu hút các nhà đầu tư, dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư rút vốn (từ các nền kinh tế mới nổi lên) về nước.” Đối với các nền kinh tế mới nổi lên, xu thế rút vốn này chẳng khác gì lửa đổ thêm dầu.

Strauss Kahn nói, để giữ vững hệ thống tài chính và toàn bộ nền kinh tế của mình, các nền kinh tế mới nổi lên cũng cần phải áp dụng những biện pháp đối phó tương tự như các nước phát triển.

“Sự phồn vinh trong thời gian gần đây của nhiều nền kinh tế mới nổi lên phụ thuộc trên mức độ lớn vào nguồn vốn đầu tư quốc tế đó. Khi nguồn này đột nhiên bị vắt kiệt, các nền kinh tế mới nổi sẽ bị giáng một đòn chí mạng khiến họ đứng trước những thách thức lớn không thể vượt qua nổi nếu chỉ dựa vào sức của mình.”

Trước tình hình đó, Strauss Kahn cho rằng các nước phát triển cần làm tốt việc chuẩn bị về tâm lý, dùng một “tỷ lệ (vốn) chưa từng có” gánh vác trách nhiệm tài trợ các nền kinh tế mới nổi lên thực thi những biện pháp cứu thị trường tài chính. Ông cảnh báo: nếu không thì sẽ xuất hiện tình trạng các nền kinh tế mới nổi lên dây dưa trong việc trả nợ, thực thi chủ nghĩa bảo hộ và kiểm soát hệ thống ngân hàng của mình.

Strauss Kahn nói: “Như vậy thì không những chỉ các nước đó mà là toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ tụt hậu nhiều năm.”

Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính lần này bùng phát, nhiều nền kinh tế mới nổi lên đã yêu cầu Quỹ Tiền tệ quốc tế viện trợ. Trong tuần sau, Hội đồng Quản trị IMF sẽ họp để quyết định trả lời yêu cầu viện trợ của Iceland và Hungary. IMF cũng đang bắt đầu thụ lý việc viện trợ Ukraine.

Cách đây mấy hôm, Thủ tướng Anh Gordon Brown và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đồng ý rằng IMF cần có nhiều vốn hơn. Ông Brown đã kêu gọi Trung Quốc và các nước sản xuất dầu ở Trung Đông gánh vác nhiệm vụ tăng vốn cho IMF. [1]

IMF cũng vừa mới tuyên bố đưa ra biện pháp cho vay ngắn hạn (Short Term Loan Facility) nhằm cung cấp khoản vay khẩn cấp cho các quốc gia có tình hình kinh tế cơ bản tốt. IMF cho biết hiện nay họ có 100 tỷ USD có thể cho các nước đó vay./.

Nguyên Hải. Nguồn: zaobao.com ngày 01-11-2008

[1Theo tin ngày 29-10 của Financial Times, Nhật Bản đã đề xuất ý kiến cho IMF vay 200 tỷ USD.