Trang nhà > Văn chương > Nước ngoài > Châu Âu vẫn là trung tâm của thế giới văn học
Châu Âu vẫn là trung tâm của thế giới văn học
Thứ Sáu 21, Tháng Mười Một 2008
Giải Nobel Văn học luôn được coi là giải khó dự đoán nhất, vì việc bình xét giải này không có những tiêu chí rõ ràng như các giải khoa học, kinh tế.
Hơn nữa hầu hết giải văn thường chỉ trao cho một người (giải khoa học, kinh tế có thể trao cho nhiều nhất 3 người), cho nên người trúng giải nhận được số tiền rất lớn. Vì thế rất nhiều người quan tâm và tranh cãi về việc ai sẽ đoạt giải Nobel Văn.
Cơ quan xét chọn giải Nobel Văn là Viện Hàn lâm Thụy Điển (Swedish Academy) thường xuyên hứng chịu những lời chê trách, công kích thậm chí thoá mạ từ khắp nơi. Song nhìn chung đa số đều công nhận việc bình chọn là khách quan. Nhiều nước còn tổ chức cá cược dự đoán người trúng giải Nobel Văn, tương tự cá độ bóng đá. Năm nay công ty cá cược Ladbrokes (Anh) đặt tỷ lệ cược thấp nhất cho nhà văn Claudio Magris (Ý) và nhà thơ Adonis (Syria), hai người được coi là có khả năng cao nhất đoạt giải Nobel văn 2008.
Hai tuần trước hôm công bố giải năm nay, khi trả lời hãng tin Mỹ AP ông Horace Engdahl thư ký suốt đời Viện Hàn lâm Thụy Điển đã đưa ra nhận xét: “Người Mỹ quá ư hẹp hòi (too insular). Họ rất ít dịch tác phẩm văn học của các ngôn ngữ khác, cũng rất ít tham gia đối thoại văn học. Sự thiếu hiểu biết (ignorant) của họ đã ức chế việc phát triển văn học.”
Engdahl còn nói: “Dĩ nhiên tất cả các nền văn hoá lớn đều mạnh về văn học, nhưng các bạn (tức người Mỹ) không thể thoát khỏi một thực tế: châu Âu vẫn là trung tâm của thế giới văn học ... chứ không phải nước Mỹ.” Ông cho biết, quốc tịch không phải là điều quan trọng khi lựa chọn người được trao giải. Engdahl không bình luận gì về hai nhà văn Mỹ Philip Roth và Joyce Carol Oates mấy năm gần đây được dư luận phỏng đoán sẽ đoạt giải nhưng đều không được.
Phát biểu nói trên của Engdahl đã gây ra cuộc tranh luận giữa hai bờ Đại Tây Dương. Báo Mỹ The New Yorker châm biếm nói Viện Hàn lâm Thụy Điển có tầm mắt kém, bỏ sót quá nhiều đại gia văn học; các nhà văn lớn trong lịch sử như Philips Roth, Joyce Carol Oates chưa được lọt vào danh sách giải Nobel, dù chính họ đã định nghĩa lại văn học. Harold Augenbraum Giám đốc Quỹ giải thưởng Sách quốc gia Mỹ (US National Book Foundation) nhận xét: Engdahl “bị dẫn dắt bởi các nguyên tắc sai lầm và được thông tin sai lầm (misguided and misinformed)”, và “Sức sống của văn học Mỹ không phải là sản phẩm của một tài năng đơn độc có thể xuất hiện một lần trong một thế hệ và được một ủy ban ở Stockholm thừa nhận.”
Nhà văn Mỹ cuối cùng giành giải Nobel là Toni Morrison (1993). Đã 15 năm nay người Mỹ vắng mặt trong giải thưởng danh giá này. Vì thế các ý kiến nói trên là điều dễ hiểu.
Trong tổng số người từng được giải Nobel văn có 72% là người châu Âu, 16% người Bắc Mỹ, còn lại 12% là các châu lục khác. Mấy năm nay phần lớn các nhà văn đoạt giải đều viết bằng tiếng Anh. Trong 14 năm qua có 9 nhà văn châu Âu được trao giải này, 4 người khác cũng có mối quan hệ khăng khít với châu Âu.
Sau khi giải Nobel văn 2008 công bố, hãng tin AP nhận xét: kể từ lần nhà văn Nhật Kenzaburo Oe nhận giải 1994 tới nay, giải Nobel văn đã mang đậm mùi vị châu Âu.
Đáp lại nhận xét đó, Horace Engdahl nói ông cho rằng Le Clezio không đại diện cho mùi vị châu Âu quá đậm; “Le Clezio hoàn toàn là một công dân của thế giới. Năm nào ông cũng ở Mexico một thời gian ... Nếu hoàn toàn xét từ góc độ văn hoá thì ngay đến mùi vị Pháp của Le Clezio cũng chẳng lấy gì làm đậm đà.”
Engdahl nhận xét: “Ông ấy (Le Clezio) không phải là một nhà văn Pháp điển hình. Văn học của ông ở bên ngoài văn học châu Âu. Bản thân Le Clezio thích du lịch, từng sống ở nam châu Phi, sau lại đến ở Mexico. Những gì ông viết hoàn toàn khác với văn học phương Tây, đôi lúc có đặc điểm không tưởng, nhưng tôi rất thích.”
Nghe nói Le Clezio có bố là người mang quốc tịch Anh (tin này chúng tôi chưa kiểm tra), mẹ người Pháp, Clezio sinh ra ở Pháp nhưng nguyên quán là đảo Mauritius (châu Phi), như thế nhận xét của Engdahl là có lý.
Nỗi bực tức, hậm hực của người Mỹ hoặc người Trung Quốc vì họ không có tên trong giải Nobel Văn năm nay thật dễ hiểu. Chắc chắn chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều phát biểu khác phê phán việc bình xét giải Nobel Văn là “có vấn đề”.
Nguyễn Hải Hoành
Nguồn:
nationalbook.org;
washingtontimes.com