Trang nhà > Nghệ thuật > Tạo hình > Hội hoạ phương Tây: trường phái Ấn tượng
Western Paintings: The Impressionism
Hội hoạ phương Tây: trường phái Ấn tượng
Thứ Sáu 2, Tháng Mười 2009
Trường phái Ấn tượng là một trào lưu nghệ thuật bắt đầu tại Paris vào cuối thế kỷ 19. Hoạ sĩ thuộc trường phái này thường vẽ bằng những nét cọ thô để lại dấu vết rõ ràng cùng với sự pha trộn không hạn chế giữa các màu, nhấn mạnh đến sự thay đổi và chất lượng của độ sáng trong tranh. Các bức tranh thường được vẽ rất nhanh cốt ghi lại ấn tượng tổng quan của tác giả hơn là đi sâu vào chi tiết. Khác với các trường phái Tân cổ điển, Hiện thực và Tự nhiên chủ nghĩa, trường phái Ấn tượng thể hiện một cái nhìn khoáng đạt và không câu nệ vào các định kiến của phương Tây ngày ấy.
Paris của thời kỳ thực dân Pháp đi xâm chiếm thuộc địa và đẩy mạnh công nghiệp hoá là một môi trường xúc tác lý tưởng, nơi nuôi dưỡng và cung cấp phần lớn các chủ đề sáng tạo cho thế hệ các tác giả khai sinh trường phái Ấn tượng. Họ lớn lên trong một thành phố rất lớn nhưng vẫn còn mang đầy dấu tích thời Trung cổ với những con đường quanh co, nhỏ hẹp, thiếu vệ sinh và thiếu nhiều phương tiện công ích.
Rồi họ lại chứng kiến 20 năm thay đổi kỳ vĩ của các khu phố cũ này đã được nam tước Haussmann (Baron Georges Eugène Haussmann (1809-1891): nhà quy hoạch kiến trúc đô thị, đặc biệt nổi tiếng vì công trình thiết kế xây dựng lại Paris trong những năm 1865-1887) cho phá đi và tái thiết thành những đại lộ dài, với hàng dãy tiệm cà phê, cửa hàng hoa lệ đầy ánh sáng, nối thông các di tích lịch sử và những quảng trường, công sở, nhà hát, bệnh viện, trường học... hiện đại.
Khởi đầu gian nan
Từ khoảng giữa thế kỉ thứ 19, hầu như cách duy nhất để các hoạ sĩ có thể thành công là được trưng bày tranh của mình ở Salon, Paris. Salon là cuộc triển lãm tranh nghệ thuật chính thức hàng năm. Người hoạ sĩ nào đoạt giải thưởng ở Salon này đồng thời cũng nhận được cơ hội có hợp đồng béo bở sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật phục vụ cho chính phủ và nhiều đại gia tư sản thường có thị hiếu của hội hoạ hàn lâm chính thống.
Khi các hoạ sĩ phái Ấn tượng nộp tranh của mình cho Salon, các tác phẩm của họ thường bị từ chối hết. Ban Giám khảo Salon chỉ khuyến khích, trưng bày và trao giải thưởng cho các tác phẩm theo phái Tân cổ điển. Đối với họ, tác phẩm của các hoạ sĩ phái Ấn tượng chỉ gồm những nét bút liều lĩnh, không hoàn thiện và gây xúc phạm. Cái tên "ấn tượng" là do nhà phê bình hàn lâm Louis Leroy gọi diễu nhại theo một bức tranh vẽ năm 1872 của Claude Monet: Impression, soleil levant (Ấn tượng, mặt trời mọc).
Các hoạ sĩ phái Ấn tượng cảm thấy thất vọng vì phạm vi bó hẹp bời Salon. Đối với họ, tranh chính thống đã lỗi thời và không còn thích hợp nữa.
- Monet: Ấn tượng, mặt trời mọc
Cuộc triển lãm đầu tiên vào năm 1874 của các hoạ sĩ Ấn tượng trưng bày bức tranh Ấn tượng mặt trời mọc của Monet dường như là điểm báo cho sự xuất hiện, bung mở về nghệ thuật tạo hình, là nền tảng của những gì sẽ xuất hiện sau này.
- C.Pissarro: Đại lộ Montmartre
Bằng những đề tài về sinh hoạt đường phố hoặc hoà nhập với cảnh sắc thiên nhiên như chèo thuyền ngắm cảnh, uống cà phê ngoài trời, những buổi picnic, đi dạo trong những khu vườn tràn trề ánh sáng, các nghệ sĩ Ấn tượng cho ta thấy một sự đam mê về ánh sáng của họ.
- Jean Frédéric Bazille: Cảnh hè
Phần lớn các hoạ sĩ phái Ấn tượng là người Pháp, nhưng trào lưu này cũng đã lan sang nhiều nước trên thế giới và ảnh hưởng đến các môn nghệ thuật khác. Trường phái Ấn tượng đã thành công rực rỡ vào cuối TK 19 đầu TK 20, đánh dấu một bước tiến quan trọng của hội hoạ và từ đó sinh ra một số nghệ thuật hiện đại.
- Manet: Monet đang vẽ trên xưởng họa nổi, 1874
Đặc điểm của trường phái Ấn tượng
Edouard Manet khởi đầu cho những lý thuyết về màu sắc, ánh sáng và có phần nào ít hơn về sự chuyển động và điều đó đã trở thành mục tiêu của các hoạ sĩ Ấn tượng. Phần kết quả mà Manet đạt được trong hoạ phẩm thuộc thời kỳ đầu của ông. Nó khiến các hoạ sĩ quan tâm hơn đến bề mặt phẳng dẹt của mặt phẳng mà họ sáng tác trên đó. Điều này trở thành cực kỳ quan trọng về sau này, khi hoạ sĩ sử dụng bút cứng, bàn chải và tạo ra những vết cào, rạch, cùng những dấu vết khác mang lại cho người thưởng ngoạn một trải nghiệm về tác phẩm, về sự từng trải của chính tác phẩm và một số cảm giác của hoạ sĩ khi sáng tác ra nó. Đó là bước khởi đầu loại hình có tính vật lý trong hội hoạ để cuối cùng trở thành đề tài ý nghĩa trong hội hoạ Trừu tượng.
Yếu tố thời tiết, ánh sáng của mặt trời tác động đến thiên nhiên cũng tạo ra cho các nghệ sĩ Ấn tượng những hiệu quả đáng kể. Họ hiểu được rằng sự làm mờ hoặc làm tối đi phần nào vật thể thì cũng đạt được những hiệu quả mạnh mẽ tựa như ánh sáng mặt trời hoặc thời tiết sương mù tác động đến thiên nhiên khi họ vẽ ngoài trời. Điển hình như trong tranh của Claude Monet, ở một loại tranh ông vẽ về đống rơm, về nhà thờ, về hoa súng, hoa trên cánh đồng, về cầu Waterloo và trong loạt tranh vẽ ở những khu vườn.
Nhằm đạt được vẻ rung động ánh sáng, các hoạ sĩ Ấn tượng triển khai gối lên nhau những màu sắc bổ sung trong những vùng rộng nhằm tạo sự sáng chói lớn lao hơn và để diễn tả các vùng tối thì họ sử dụng những màu sắc đối nghịch với màu của các vật thể in bóng dưới nước. Họ cũng làm sống lại một kỹ thuật cũ là tạo ra những vệt sơn dày nhằm nắm bắt và phản ánh ánh sáng thực từ bề mặt. Kỹ thuật này gọi là sơn theo lối “đốm”. Tuy vậy, bước đột phá quan trọng của nghệ sĩ Ấn tượng là sử dụng các màu sắc được hoà trộn từ những màu riêng rẽ. Ta sẽ tìm được tiếng nói chung này của Ấn tượng với việc phóng to các điểm ảnh số ngày nay, khi ta phóng đại nó với mức độ nhiều chục lần.
Và cũng chính bởi việc các hoạ sĩ Ấn tượng loại bỏ sắc đen ra khỏi tác phẩm của mình mà thay vào đó sự phân giải bóng tối thành những quệt màu nhỏ đan xen, tạo ra thứ bóng tối có màu rung rinh ẩn hiện. Vì vậy mà mặt tranh càng trở nên sáng, điều này rất gần gũi với tính chất của màn hình điện tử sau này [1]. Điều đó càng khẳng định sự đóng góp to lớn của các hoạ sĩ Ấn tượng đối với nghệ thuật hiện đại.
Những thu lượm của khoa học thông qua việc khám phá về quang học cũng đã giúp cho các hoạ sĩ Ấn tượng có những khai thác về vẻ lung linh của tự nhiên. Trong những tác phẩm của Renoir, ông đã khai thác những vệt sáng lung linh dưới tán lá, trên thảm cỏ và trên những trang phục tươi tắn của các cô gái Paris, còn Monet lại say mê những đốm sáng long lanh, huyền ảo và trong vắt nhảy nhót trên những gợn sóng lăn tăn trong đầm hoa súng.
- Renoir: Moulin de la Galette
Còn Degas ở nhũng sáng tác về vũ nữ balê hay dàn nhạc nhà hát lại có cái nhìn độc đáo, bất ngờ, cũng là cái nhìn thấu thị của ngôn ngữ ống kính quang học ở các góc nhìn (góc nhìn từ trên xuống, cận và toàn cảnh).
- Edgar Degas: Vũ nữ áo xanh
Các hoạ sĩ phái Ấn tượng đã dùng những màu sôi nổi, sáng, thỉnh thoảng lại đan xen lẫn vào nhau trên bức vẽ, đối lập hẳn với tông màu tối của tranh cổ điển. Coi thiên nhiên như một chủ đề sáng tác riêng, họ vẽ phong cảnh của cuộc sống như thể họ cảm nhận thấy chúng, không cách điệu hoá theo công thức như các nhà hoạ sĩ chính thống.
Không bị cản trở bởi những luật lệ truyền thống, bố cục tranh do các hoạ sĩ phái Ấn tượng tạo nên thường được đóng khung, hay cắt xén theo chủ đề đến nỗi đã gây shock cho thế giới hội hoạ đương thời. Bị cuốn hút với việc ghi nhận lại những khoảnh khắc bất chợt, các hoạ sĩ này lướt nhanh cọ tức thời. Họ không còn quan tâm đến việc phải vẽ một cách tỉ mỉ nữa.
- Berthe Morisot: Chị em
Thay vì vẽ các chủ đề lịch sử, tôn giáo, thần thoại, các hoạ sĩ phái Ấn tượng đã chọn vẽ những phong cảnh, nhân vật và đồ vật đời thường mà họ gặp hàng ngày.
Một số hoạ sĩ tiêu biểu
— Jean Frédéric Bazille (1841-1870)
— Mary Cassatt (nữ HS Mỹ, 1844-1926)
— Paul Cézanne (1839-1906), tuy ông về sau đã rời bỏ phong trào này.
— Edgar Degas (1834-1917)
— Max Liebermann (HS Đức, 1847-1935)
— Claude Monet (1840-1926)
— Berthe Morisot (1841-1895)
— Edouard Manet (1832-1883), tuy Manet không tự coi mình thuộc về phong trào này.
— Camille Pissarro (1830-1903)
— Pierre-Auguste Renoir (1841-1919)
— Alfred Sisley (1839-1899)
Xem thêm:
Hội hoạ phương Tây: trường phái Tân cổ điển và trường phái Lãng mạn
[1] Màn hình điện tử hiện theo nguyên tắc chỉ có 3 màu : lam, lục, đỏ (thuật ngữ tiếng Anh: RGB), không hề có màu đen, đan xen nhau mà tạo ra một bảng màu hiển thị phong phú có tới 65 triệu màu khác nhau hoặc hơn thế nữa