Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn (1910-1994)

TRẦN VĂN CẨN thuộc lớp hoạ sĩ đầu tiên của nền hội hoạ Việt Nam. Ông xuất thân từ một gia đình nghèo, cha làm thư kí cho bưu điện Kiến An, mẹ làm con giống bằng bột và đồ chơi giấy Trung thu để kiếm tiền nuôi các con. Tuy vậy mấy anh chị em đều được đi học.

Trần Văn Cẩn sinh ngày 13/8/1910 tại Kiến An, Hải Phòng. Ông học Trường Bách Nghệ, rồi đi làm ở Sở cá Nha Trang, nhưng say mê nghề vẽ từ nhỏ. Tốt nghiệp khoá 7 trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương (1931-1936) ông sớm thành danh với phong cách hiện thực trữ tình trên nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, sơn mài, và lụa.

Gội đầu (1943, lụa)

Tài năng của Trần Văn Cẩn được đánh giá bằng điểm đỗ thủ khoa trong kì thi tốt nghiệp cũng như nhiều giải ngoại hạng của Hội SADEAI (Hội khuyến khích Mĩ thuật Kĩ nghệ, có sự tham gia của các hoạ sĩ Lê Phổ, Nam Sơn, Lê Thị Lựu và Gioócgiơ Khánh). Triển lãm của Hội bắt đầu mở cửa vào mùa thu năm 1935 ở giữa phố Tràng Tiền (nay là Nhà thông tin của Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội).

Em Thuý. Sơn dầu 60x45cm. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tại Hà Nội ngày đó có nhóm hoạ sĩ trẻ FARTA gồm Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị, v.v. FARTA mong muốn có tự do, độc lập trong sáng tạo nghệ thuật và đầy tinh thần tự tôn dân tộc. Nhóm này đã tổ chức hai cuộc triển lãm tranh vào khoảng thời gian năm 1938-1942, gây được tiếng vang... Lương Xuân Nhị với Trần Văn Cẩn rất thân nhau. Từ khi còn trẻ, Trần Văn Cẩn thường đến nhà Lương Xuân Nhị vẽ chung một cô người mẫu. (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân cũng thuê chung cô Sáu - một người mẫu sáng giá lúc đó để vẽ. Cô chính là người trong các bức tranh nổi tiếng của Tô Ngọc Vân như Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ với hoa sen... Sau này khi vào Nam, cô Sáu vẫn tiếp tục làm mẫu cho Nguyễn Gia Trí).

Trần Văn Cẩn: Bà cháu (1964)

Sau đó, Trần Văn Cẩn còn đoạt giải nhất các triển lãm mĩ thuật toàn quốc lần thứ I, II, III. Ông là viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Mĩ thuật Cộng hòa dân chủ Đức. Trần Văn Cẩn có rất nhiều công lao trong việc xây dựng nền mĩ thuật Việt Nam ngay từ những ngày đầu: từ việc xây dựng Trường Mĩ thuật đến việc thành lập và tổ chức các hoạt động của Hội Mĩ thuật Việt Nam.

Nữ dân quân vùng biển. 1960, sơn dầu 59x91cm. Bảo tàng Mĩ thuật VN

Nguyễn Gia Trí một mình đứng riêng thành một trường phái sơn mài có quan niệm tạo hình mới, kết hợp Ðông-Tây, thể hiện tác phẩm hoàn toàn bằng chất liệu và kỹ thuật cổ truyền. Trong khi đó, Trần Văn Cẩn đi vào một kỹ thuật thoáng hơn. Năm 1936, ông sáng tác tranh sơn mài: “Tiễn anh khoá đi thi hương” bố cục theo hình thức bình phong - hình người to - dàn hàng ngang - những dân làng của một thời xưa theo chân anh khoá với ngựa trắng dắt theo chờ người cưỡi, cách điệu theo lối dân gian, thể hiện bằng mấy màu son, then, cánh gián, vàng lóng lánh, rực rỡ làm hiện lên cảnh tiễn đưa vui vẻ, tưng bừng và tràn đầy hi vọng... Tranh này được các thầy Tardieu, Inguimberty đánh giá cao, chấm cho đỗ thủ khoa khoá VII (trên cả Nguyễn Gia Trí học cùng lớp, có bài thi tốt nghiệp là một tranh lụa).

Mùa đông sắp đến. Sơn mài 70x120cm (1962)

Tháng 9/1945, Trần Văn Cẩn cùng nhiều hoạ sĩ khác đã dựng hàng chục tranh cổ động quanh hồ Hoàn Kiếm. Bức "Nước Việt Nam của người Việt Nam" của Trần Văn Cẩn đã được căng trên toà nhà Địa ốc ngân hàng (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Năm 1946, triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần đầu tiên dưới chế độ mới được mở tại Hà Nội. Bức "Xuống đồng" của Trần Văn Cẩn đã được trao giải nhất và được Hội Văn hoá Cứu quốc mua, cùng với bức "Bác Hồ làm việc ở Bắc bộ phủ" của Tô Ngọc Vân và "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh" của Nguyễn Đỗ Cung. Tháng 7/1948, tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc, Trần Văn Cẩn được bầu vào Ban thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam.

Thiếu nữ áo vàng

Tháng 6/1954: Trần Văn Cẩn thay thế Tô Ngọc Vân (vừa mất vào thời gian này) đảm nhiệm Hiệu trưởng trường Mỹ thuật và giữ cương vị này trong 15 năm (1954-1969). Ông còn làm Tổng thư ký Hội mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ thứ nhất (năm 1958-1983); Cộng tác viên của Viện hàn lâm nghệ thuật Cộng hoà Dân chủ Ðức từ năm 1978; Chủ tịch hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam nhiệm kỳ 2 (1983-1989). Rất nhiều tác phẩm của ông được trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và các bộ sưu tập cá nhân trong, ngoài nước.

Trần Văn Cẩn: Tát nước

Ông mất năm 1994 tại Hà Nội. Suốt 60 năm sáng tạo bền bỉ, Trần Văn Cẩn để lại hàng trăm bức tranh mà ông gọi đó là món quà mọn dành cho điêu khắc gia Trần Thị Hồng người vợ cuối cùng. Với những đóng góp to lớn, Trần Văn Cẩn đã được trao nhiều huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng nhất. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996).

Tát nước đồng chiêm. Sơn mài 1958. Bảo tàng Mĩ thuật VN

Một số tác phẩm

Trần Văn Cẩn để lại 144 tác phẩm các loại, một số đã trở nên nổi tiếng với công chúng như:

  • Em Thúy
  • Em Hồng
  • Em Lan
  • Lan phong điệp
  • Em bé
  • Cô Khanh - cô giáo dạy đàn
  • Nữ dân quân vùng biển
  • Chân dung bác thợ lò
  • Thiếu nữ áo trắng
  • Gội đầu
  • Hoa huệ tây
  • Chợ Chu
  • Bờ Bắc Hiền Lương
  • Công nhân mỏ - Sơn dầu (1960)
  • Thằng cu đất mỏ - Sơn mài (1962)
  • Mùa đông sắp đến - Sơn mài- 70x120cm (1962)
  • Mưa mai trên sông Kiến - Sơn mài (1972).