Bulat Okuzhava (1924-1997)

Nga

Tiểu sử

Bulat Okuzhava (1924-1997) là nhà thơ, nhạc sĩ Nga. Sau khi tốt nghiệp đại học Tbilisi, ông dạy học ở vùng Kaluga, đó là thời gian thơ ông giành được nhiều sự quan tâm của độc giả. Bắt đầu viết từ khi còn ở tuổi niên thiếu, tới năm 1953 ông xuất bản tác phẩm của mình, năm 1956 tuyển tập thơ đầu tiên của ông được xuất bản ở Kaluga và thời gian sau đó, nhiều sáng tác thơ của ông được công chúng quan tâm. Ngoài thơ, ông còn viết văn, trong đó nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài. Tư tưởng chủ đạo trong các sáng tác của ông là sự tự do và cống hiến của mỗi công dân vào nền văn minh văn hoá, hay tính dân chủ trong nền văn học đương đại, vì vậy mà văn của ông có một sự thu hút đối với độc giả.

Bài hát quan trọng

Tôi đi và lắng nghe
Trong tôi đang cựa quậy
Một bài hát thật hay
Hình như nằm đâu đấy.
Chưa được hát thành lời,
Hãy còn non như cỏ,
Nhưng bài hát trong tôi
Nhạc và thơ đã có

Qua tiếng khóc, nụ cười,
Qua thời gian chưa tới,
Tôi đã nghe tiếng kèn
Của người nào đang thổi.
Bay trên ngã ba đường,
Quan trọng, vui, tươi mát
Là bài hát rất hay
Mà tôi không thể hát.

(Thái Bá Tân dịch)

Bài ca về phố Arbat

Em chảy như sông. Cái tên phố lạ
Và mặt đường trong suốt tựa nước sông
Ôi Arbat, Arbat của tôi. Em là thiên chức
Cùng niềm vui và tai hoạ cuả tôi
Khách bộ hành của em - những người không vĩ đại
Họ nện gót giày - có công chuyện phải đi
Ôi Arbat, Arbat của tôi. Em là tôn giáo
Những phiến đá lót đường em trải dưới chân tôi
Vì mối tình của mình em không sao khỏi bệnh
Bốn mươi nghìn con đường khác còn yêu
Ôi Arbat, Arbat của tôi. Em là Tổ quốc
Chẳng bao giờ đi hết được em.

(Đoàn Minh Tuấn dịch)

Tôi mở những trang lòng bàn tay

Tôi mở những trang lòng bàn tay
Những lặng im trong lòng tay em
Tất cả những gì sáng trong tươi đẹp
Đều ngạc nhiên nhìn
Tôi lật từng trang hiện mờ xa
Thử thách tôi như một tù binh
Ở kia có cậu bé nào sợ hãi
Tự mình chơi với mình trò chơi chiến tranh
Ở đằng kia có người đàn bà nào đang khóc
Những giọt lệ rơi trên sân khấu như mưa
Và có một cậu bé nào buồn thảm
Ngày và đêm đi trong chiến tranh
Tôi lật từng trang và lại lật từng trang
Lật từng trang điên loạn
Sầm sập bầy khổ đau
Như lũ chim vành khuyên bay vào trong bụi
Và tôi không nhìn thấy con người
Ai không hiểu lúc bình minh
Rằng thời tiết thế kỷ Hai mươi
Bắt đầu từ góc sân Arbat
Ôi lòng bàn tay em mọi người đều biết
Tất cả những gì tôi đọc trong tay
Và khi đôi môi tôi tê dại
Tôi hôn vào lòng bàn tay của em
Tôi hôn vào lòng bàn tay nóng bỏng
Trong những đường vân xanh gợn những sắc âm vui
Ai khóc đó?...
Không, đằng kia không ai khóc...
Chỉ những trẻ con chơi trò chơi chiến tranh

(Đoàn Minh Tuấn dịch)

Cô y tá Maria

Tôi nói gì với Maria
Cô y tá, khi ôm hôn cô ấy?
Em biết không, con gái của sĩ quan
Không thèm nhìn chúng tôi, người lính
Đồng cỏ dày ngập lút chúng tôi
Cỏ ba lá êm đềm sông chảy
Sóng cỏ chạy dập dờn nhún nhảy
Lính tráng trôi trên sóng bập bềnh
Và Maria hai cánh tay giang rộng
Xoài mình bơi trên sóng cỏ dạt dào
Đêm đen sẫm thẳm sâu lồng lộng
Đôi mắt nàng xanh biếc như sao
Tôi nói gì với Maria
Cô y tá khi bình minh vừa đến?
Em hãy làm ra vẻ kiêu sa
Con gái sĩ quan thấy lính không thèm liếc

(Đoàn Minh Tuấn dịch)

Tạm biệt mùa hè

Lại lần nữa chim bay về phương Nam,
Về phía biển đang vẫy chào tha thiết.
Ôi mùa hè đầy nắng ấm, mùa xanh.
Xin tạm biệt mùa hè, tạm biệt
Tháng chín chờ ngoài cửa sổ, trời mưa,
Ngoài cửa sổ trời cứ mưa, mưa mãi.
Suốt mùa hè tôi tưởng gặp tình yêu.
Nhưng tình yêu đi ngang không dừng lại.
Ðã trôi qua những đêm hè đầy sao,
Nhưng lần nữa trái tim tôi chờ đợi
Và lại nhớ về tình yêu mùa hè
Hứa cho tôi mà rồi không mang tới.
Hạnh phúc gần mà hạnh phúc đi ngang...
Tôi bất lực, không thể nào với gọi.
Trời mỗi ngày một xấu hơn, xấu hơn,
Ðưa tôi về với đêm đông xạm tối.
Chao, mùa hè, sao rơi trên lòng tay...
Cành lá ướt đang run lên vì rét.
Ôi mùa hè không cho tôi tình yêu,
Xin tạm biệt mùa hè, tạm biệt.
Tháng chín chờ ngoài cửa sổ... trời mưa
Ngoài cửa sổ trời cứ mưa, mưa mãi
Suốt mùa hè tôi tưởng gặp tình yêu,
Nhưng tình yêu đi ngang, không dừng lại.

(Thái Bá Tân dịch)
Nguồn:

  • Văn nghệ quân đội (tháng 8 năm 1992).
  • Bài thơ bạch dương (NXB Lao động, 1987)